The Queen’s Gambit – một mini-series xuất sắc đáng xem cuối năm 2020 trên Netflix.

Phim về đề tài cờ vua nhưng người không biết chơi cờ vua xem vẫn cuốn như thường. Beth Harmon là một cô bé trải qua nhiều tấn bi kịch cuộc đời ngay từ nhỏ. Mồ côi cha mẹ, Beth được đưa đến một trại trẻ Cơ đốc giáo. Một lần đi giũ giẻ lau bảng dưới tầng hầm, Beth vô tình bắt gặp bác lao công Shaibel của trường đang ngồi chơi cờ vua một mình.

Bàn cờ vua với những quân cờ đen trắng cùng những ô vuông như có ma lực mê hoặc Beth, và mỗi lần xuống tầng hầm cô bé đều lén đứng nhìn bác lao công chơi cờ. Cho đến một hôm nọ, Beth xin bác lao công dạy cho mình chơi cờ vua, và Beth có thể nói được nước đi của từng quân cờ như thế nào sau bao nhiêu lần quan sát một cách chú tâm.

Khi được bác lao công tặng cho cuốn sách “Khai cuộc cờ vua hiện đại”, Beth đã đọc ngấu nghiến cuốn sách tới mức thuộc lòng từng nước cờ và chiến lược trong sách. Mỗi đêm trước khi ngủ, Beth sẽ lấy thuốc an thần của trại trẻ mà mình đã giấu để uống. Mục đích là trong cơn ảo giác, Beth sẽ mường tượng được bàn cờ vua trên trần nhà, và cô bé sẽ chơi bàn cờ tưởng tượng trong tâm trí đó. Chính vì quá trình luyện tập không ngừng trong điều kiện gian khó đó, chẳng mấy chốc Beth nổi lên như một kỳ thủ thiên tài, một hiện tượng của nước Mỹ ở thập niên 1960, và sau này là trở thành đại kiện tướng cờ vua thế giới khi đánh bại các kỳ thủ đáng gờm của Liên bang Xô viết.

Điểm sáng nhất của bộ phim phải kể đến diễn xuất quá xuất sắc của Anya Taylor-Joy. Vai diễn Beth Harmon như được đo ni đóng giày dành riêng cho viên ngọc thô mới của kinh đô điện ảnh Mỹ. Từ dáng đi, điệu bộ, cử chỉ tay, ánh mắt đến cái chu môi khinh khỉnh của Beth khi đánh cờ đều hết sức xuất thần.

Có ba bài học lớn nhất trong phim gợi lên trong mình nhiều suy ngẫm:

Bài học 1: Hành trình vượt khó của Beth cũng khiến những người trẻ ở thế kỷ 21 phải ngẫm lại về chuyện chúng ta nên “vượt sướng” như thế nào để đạt được thành tựu trong bất cứ việc gì mình làm.

Bài học 2: Ở bối cảnh nước Mỹ thập niên 50-70, giới kỳ thủ Mỹ như dính phải “lời nguyền” không bao giờ vượt được các kỳ thủ của Xô viết. Cơ bản là vì dân Mỹ theo chủ nghĩa cá nhân, cái tôi mỗi người đều rất cao nên mạnh ai nấy chơi, không có tinh thần đồng đội. Trong khi đó, các kỳ thủ hàng đầu Xô viết luôn hỗ trợ nhau với tinh thần đồng đội để vừa nâng trình độ cá nhân vừa đưa quốc gia của họ lên dẫn đầu thế giới. Ở Xô viết lúc bấy giờ, từ con nít đến người già nhà nhà người người đều chơi cờ vua như một phong trào quốc dân.

Chuyện một phụ nữ như Beth chơi cờ vua mà còn chơi thắng cả tá nam giới cũng là một sự ca ngợi nữ quyền. Những gì đàn ông có thể làm được thì phụ nữ cũng hoàn toàn có thể. Và Beth không phải là ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm, cô chính là mặt trăng để các ngôi sao cờ vua khác đều xoay quanh mình và tình nguyện chia sẻ hết bí quyết, kinh nghiệm chơi cờ của họ để đưa Beth tới đỉnh vinh quang.

Bài học 3: Beth càng trên đỉnh thành công bao nhiêu thì càng cô độc bấy nhiêu, khi mỗi thứ Beth được đồng nghĩa với một điều quý giá sẽ mất đi. Gần cuối phim, những tưởng Beth đã mất hết tất cả những người thân yêu trong gia đình, thì cô mới lần hồi khám phá ra rằng mình không hề cô đơn mà vẫn luôn có những người thương yêu Beth luôn âm thầm theo dõi cô từ xa và luôn ủng hộ cô.

Gia đình, không nhất thiết phải là những người máu mủ ruột rà, hay những người ở sát bên cạnh ta. Chỉ cần nhớ tới nhau và luôn nghĩ về nhau bằng những điều tốt đẹp, và chìa bàn tay ra để nâng đỡ ta trong lúc khó khăn hoạn nạn, đó mới là thứ tình thương không khác gì tình thân.

***

Dòng phim của đạo diễn Scott Frank vốn nổi bật với chuyện “show, don’t tell” nên nhiều phân cảnh trong phim không có thoại của nhân vật, không có tiếng xì xào của hậu cảnh, chỉ có đường hình di chuyển theo góc quay và tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên bàn cờ. Sự kết hợp xuất chúng của kỹ thuật quay phim, dựng phim, đạo diễn, biên kịch trong một bức tranh tổng thể đã tạo nên những nét xung đột kịch tính mà không cần bất kỳ lời thoại nào. Chưa kể những khung hình chất như nước cất với phối cảnh đạt tỷ lệ vàng chuẩn không cần chỉnh về thẩm mỹ thị giác.

Và nhạc phim, hỡi ôi những bản nhạc jazz đặc trưng của nước Mỹ những năm 50 tạo nên một không khí vàng bàng bạc như dát vàng lên một thời kỳ hoàng kim của nhạc jazz.

Phân cảnh Beth bước ra khỏi một khách sạn ở Las Vegas, leo lên xe ngồi với mẹ nuôi của mình trong ráng chiều sau một ván cờ bất phân thắng bại và một cuộc tình dở dang bỏ lại, cô chợt nắm lấy tay mẹ mình và bản “End of The World” vang lên làm mình nổi cả da gà vì mọi sự hòa quyện xuất sắc tới nỗi phải ngả mũ cúi người trước anh đạo diễn.

“Why does the sun go on shining?
Why does the sea rush to shore?
Don’t they know it’s the end of the world?
‘Cause you don’t love me anymore…”

Phim chỉ có vỏn vẹn 7 tập, nhưng mình xem đã khóc hết 3 tập vì cuộc đời đầy bi kịch của Beth và những lẽ được – mất ở đời gợi mở trong phim.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải