
Đợt rồi mình xem thời sự trên VTV1 mấy ngày trước Tết, chương trình đưa tin bắt tạm giam Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cùng ba nhân viên chóp bu khác của Cục này về tội nhận hối lộ và thông đồng với một số công ty thực hiện những “chuyến bay giải cứu” với giá trên trời để đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong mùa dịch. Hình ảnh, họ tên cùng chức vụ của cả bốn nhân vật hiển hiện trực tiếp trên sóng truyền hình cho hàng triệu người trong nước đều xem. Trong phút giây ấy, mình tự hỏi bản thân họ và người nhà của họ sẽ cảm thấy như thế nào? Họ có hổ thẹn vì những điều sai trái mình đã làm hay không?
Trước đó không lâu, báo chí và các phương tiện truyền thông cũng bóc trần sự việc công ty Việt Á nhập khẩu kit test Trung Quốc với giá rẻ mạt và bán ra cho các cơ sở y tế, bệnh viện trên cả nước với giá trên trời. Lợi nhuận của công ty chiếm được hàng ngàn tỉ đồng trên xương máu của đồng bào nước mình, dưới sự thông đồng với một số quan chức của Bộ Y tế. Có vén được bức màn y tế, chúng ta mới hiểu được phần nào lý do vì sao trong đợt bùng dịch Covid, khắp các địa phương trên cả nước cứ bắt người dân phải test liên tục như thế, thậm chí có nơi vài ba ngày là chọc mũi một lần, chọc cho tới khi nào âm tính hết thì thôi. Trải qua hai mùa Covid, Việt Nam có tới hơn 37.000 ca tử vong. Có đôi lúc mình tự hỏi, các lãnh đạo của công ty Việt Á lẫn các quan chức tiếp tay cho họ, liệu có bình thản sống suốt phần đời còn lại với số “đồng tiền xương máu” họ kiếm được hay không?
Sống ở tâm thế kỷ 21, có một phẩm hạnh mà mình thấy người đời ngày càng thiếu dần, đó là sự công chính. Theo nghĩa Hán Việt, “công” ở đây là không có tư tâm, “chính” là ngay thẳng, và “công chính” là cách nói ngắn gọn của sự công bình chính trực. Những ai theo Công giáo ắt hẳn sẽ quen thuộc với từ này hơn vì đây là một phẩm hạnh được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh. Chúa ưa thích sự công chính và ngài truyền lệnh cho con dân của ngài phải biết sống công chính thì mới được cứu vớt về nước trời.

Nhắc đến sự công chính, có một câu chuyện xảy ra từ thời phổ thông khiến mình từng bị đảo lộn nhân sinh quan và hoài nghi về lẽ phải trái ở đời. Năm mình học lớp 12, sau bài kiểm tra 15 phút trắc nghiệm môn tiếng Anh, giáo viên vì tin tưởng học trò nên cô không thu bài lại chấm mà để cho các bạn ngồi cạnh chấm bài chéo cho nhau. Đến khi phát bài xuống, mình kiểm tra lại đáp án thì phát hiện điểm bị chấm sai, bài của mình lẽ ra chỉ có 7,5 điểm thì được nâng lên tới 9 điểm. Lúc ấy phản ứng đầu tiên của mình là ngạc nhiên và thấy kì lạ nên mới cầm bài lên hỏi cô, và phản ứng của cô giáo là nhìn mình với ánh mắt đầy nghi hoặc và quay xuống hỏi bài của mình do ai chấm.
Cô bạn ngồi bàn bên là người chấm bài thì phủ nhận không có can thiệp gì vào bài mình cả, còn mình cũng một mực khăng khăng đáp án em chọn không phải vậy. Thế là cô giáo bảo mình ra một góc hành lang để nói chuyện, rằng một trong hai bạn là người không trung thực về bài kiểm tra và cô rất không hài lòng về việc đó. Cô chất vấn mình bằng một loạt câu hỏi với thái độ rất khó chịu, mà đến giờ khi nhớ lại chuyện cũ mình vẫn còn thấy không thoải mái. Sau đó điểm mình được trả về lại đúng như cũ, theo đáp án mà mình đã chọn, và mình lẫn cô bạn kia đều bị cô giáo phê bình trước cả lớp.
Kết thúc tiết học đó, mình mới chất vấn cô bạn kia vì sao lại đi sửa đáp án cho mình làm gì, mình đâu có mượn bạn nâng điểm cho mình. Bạn chửi mình khùng, nói rằng được bạn nâng điểm lên không biết cảm ơn thì thôi còn đi mắng vốn cô giáo. Sau vụ đó mình rất bực cô bạn và cả hai không nói chuyện với nhau một thời gian. Khi đem chuyện đó ra hỏi một số người bạn thân trong lớp, có một điều khiến mình còn ngạc nhiên hơn đó là, hết 5/5 người mình hỏi thì đều xem chuyện gian lận để nâng điểm đó là điều hết sức bình thường, bạn bè giúp nhau một chút có gì đâu mà mình phải làm quá lên như vậy.

Đối với những ai từng gian lận trong thi cử thời học sinh, bạn có thể thỏa hiệp và xem hành động gian lận đó là điều bình thường như một trong những trò nhất quỷ nhì ma của tụi học trò. Câu chuyện của mình nếu đặt trong bối cảnh một ngôi trường bình thường thì mình sẽ như một kẻ dở hơi, điểm tương phản ở đây là mình học trường chuyên, cả mình và cô bạn kia đều nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, từng đại diện trường đi thi nhiều cuộc thi cấp tỉnh, cấp khu vực và quốc gia, nên đó lại là điều khiến mình càng khó chấp nhận hơn với cách hành xử của cô bạn ấy.
Với một người luôn đề cao sự công chính như mình từ nhỏ (bản năng của mình chứ không phải vì mình được gia đình dạy dỗ), gian lận là một chuyện mình không thể chấp nhận và càng thấy hoang mang hơn khi những bạn bè khác xung quanh đều không có cùng quan điểm như mình. Thực sự lúc đó mình suy nghĩ rất vĩ mô và cảm thấy hoang mang cực độ, vì những con người với cái tư duy như vậy mà bước vào đời, rồi thành ông này bà nọ, mình không biết họ sẽ trở thành những con người như thế nào trong xã hội này? Trong lúc bị chìm dưới bể nhân sinh quan đó, chiếc phao cứu vớt mình là cuộc điện thoại với cô giáo chủ nhiệm dạy Văn, mình gọi để kể cho cô về sự việc và hỏi xin lời khuyên của cô, rằng cách nghĩ của mình và điều mình làm có gì sai không. Thật may khi cô ủng hộ những gì mình làm và còn động viên mình nên giữ niềm tin tích cực vào thái độ sống của bản thân, và việc đi ngược với đám đông luôn có một cái giá mà mình phải trả, nhưng đám đông không phải bao giờ cũng đúng.
Cô bạn năm xưa ấy ngày nay đã trở thành một người mẹ, rất để tâm trong chuyện giáo dục con cái và cho con trai theo học rất nhiều kỹ năng theo kiểu mẫu của một bà mẹ hiện đại năng động. Mình không biết bạn còn nhớ câu chuyện cũ năm xưa không, nhưng mình tin rằng ở vai trò và phiên bản của bạn hiện tại, bạn sẽ không dạy con mình cứ gian lận trong khi cử để được điểm cao, thay vì nỗ lực học tập để có được con điểm xứng đáng. Nếu phụ huynh không quá áp đặt kỳ vọng điểm số lên con cái, thì những đứa con có cần phải gian lận để đạt được điểm cao bằng mọi giá hay không?
Thời đi học có một câu ngạn ngữ mình đọc trong sách cổ học rất ấn tượng: “Ai đã dám ăn cắp một quả trứng thì sẽ có ngày ăn cắp cả con bò”. Nếu chúng ta quen với nếp tư duy xuề xòa, xem chuyện gian lận nhỏ chỉ là chuyện vặt thì con đường dẫn tới sự gian lận lớn hơn chỉ là chuyện sớm muộn. Như những cán bộ của Cục Lãnh sự hay những lãnh đạo của công ty Việt Á, mình tin rằng nếu có một nghiên cứu tâm lý khai thác câu chuyện đời tư của những nhân vật trong cuộc, phần lớn họ đều sẽ có kinh nghiệm gian lận trong quá khứ, có thể một vài lần hoặc nhiều lần trước đó. Bạn không thể ăn cắp một con bò nếu trước đó bạn chưa từng ăn cắp một quả trứng, một con gà, một con chó,… Chính vì tự bản thân chúng ta thỏa hiệp với những cái gian lận nhỏ như thế, nghĩ rằng mình có làm thì cũng chẳng ai phát hiện ra đâu, hay biện hộ rằng khối người khác họ cũng làm như thế, thì dần dà chúng ta sẽ sa lầy lúc nào mà cũng không hề hay biết.
Ở công ty cũ của mình trước đây, có một phốt rất lớn của chị thủ kho khi biển thủ tài sản của công ty, cụ thể là tuồn sách ra ngoài bán lậu, và bù lại bằng sách giả với giá thấp hơn. Sự việc không phải mới xảy ra trong năm đó mà vốn đã âm ỉ từ lâu, chỉ là ban đầu bòn rút ít thì không ai biết, tới về sau tâm càng tham lấy càng nhiều thì mới bị phát hiện, số tiền thiệt hại của công ty ước tính lên tới vài trăm triệu. Đây mới chỉ là con số tính toán được, chưa kể những con số trước kia chị qua mắt thì không ai biết.
Chị, vốn chỉ là một nhân viên tạp vụ, không bằng cấp, không kinh nghiệm chuyên môn, nhưng được sự tin tưởng của các lãnh đạo công ty nâng đỡ, đào tạo từng bước để chị kiêm thêm vị trí mới, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Để rồi kết quả sau đó là lòng tin của cấp lãnh đạo bị phụ bạc. Số tiền chị nợ công ty quá nhiều mà hoàn cảnh chị cũng khó khăn, nếu trừ lương thì cũng phải cả chục năm nữa mới trừ được hết nợ. Bao nhiêu yêu quý, bao tin tưởng, trước đó mọi người còn mới đi đám cưới của chị không được bao lâu. Và rồi bây giờ, chị chỉ dám vào công ty dọn dẹp vào sáng sớm khi chưa ai lên, không dám đối diện với ai, ngay cả người sếp từng tin tưởng chị. Vị trí thủ kho của chị bị bãi bỏ, để rồi chị quay về trở lại thành nhân viên tạp vụ như điểm xuất phát, sống lay lắt qua ngày trông đến tội nghiệp.

Trước Tết, một cô em mình gọi Grab và có xách theo ly nước Phúc Long. Anh Grab mới bảo em đưa ly nước cho anh ấy để vào túi đựng thức ăn của Grab để khỏi bị tan đá. Anh chàng còn khá kỹ lưỡng khi hỏi em rằng đây là ly đậy nắp hay ly kít (đã dán miệng ly) để anh sắp xếp lại cho cẩn thận kẻo đổ. Ngạc nhiên vì sự chu đáo đó, cô em mình mới khen anh Grab một câu thì được nghe anh kể lại kinh nghiệm xương máu khi lơ ngơ đặt 4 ly Phúc Long cho khách mà đó là ly đậy nắp. Đến khi bỏ vài túi của Grab thì bị đổ hết trơn, anh phải chạy vào tiệm mua bù lại 4 ly khác, mà mỗi ly tới 80 ngàn – hết một ngày công của anh chàng. Lúc vào tiệm trà nhân viên thấy tội quá mới bảo anh không cần trả tiền 4 ly trà đó, để quán bù cho, xem như là khách sơ ý làm đổ.
Tuy nhiên, câu trả lời của anh Grab khiến cô em mình bất ngờ: “Không cần đâu em. Xem như anh mất 320 ngàn để có được một bài học. Dù sao mất 320 ngàn anh cũng không đến nỗi chết đói, chứ ở đời để nợ người ta thì khổ lắm em”. Kể xong câu chuyện, anh Grab còn cảm thán với cô em mình: “Nhiều người cứ hay thương hại tài xế Grab như tụi anh, nhưng tụi anh cũng lao động kiếm tiền như bao người thôi chứ đâu phải ăn xin mà thương hại quá mức. Nó không cần tới mức như vậy, khi người ta chịu đi làm kiếm tiền là họ có lòng tự trọng mà”.
Một câu chuyện nhỏ đời thường nhưng làm mình hết sức ấn tượng vì sự công chính của một anh chạy Grab. Dù mình không rõ bối cảnh nghề nghiệp hay trình độ học vấn của anh trước đây thế nào, cách hành xử của anh khiến mình rất nể phục, vì thái độ sống như vậy là thứ mà xã hội chúng ta đang rất thiếu. Cá nhân mình không đánh giá cao cách ứng xử của bạn nhân viên Phúc Long kia. Ở phương diện quản lý, bạn chưa hỏi xin phép cửa hàng trưởng và chưa chắc quản lý của bạn đã đồng ý với hướng xử lý đó (vì tốn nguyên liệu của tiệm, thiệt hại vào doanh thu trong khi lỗi là do anh Grab bất cẩn chứ cũng chẳng phải lỗi bất khả kháng). Ở phương diện giao tế, bạn mở lòng giúp đỡ trong khi người khác vốn dĩ không mở lời xin bạn giúp đỡ, đó là một cách ứng xử kém vi tế và dễ đánh vào lòng tự trọng của người khác.

Có một năm mình đi học võ, lúc dắt xe vào bãi giữ xe thì do sơ ý nên xe mình quẹt phải một đường ở chiếc xe tay ga của một chị trong lớp. Vết va quẹt thì nhỏ chứ không quá lớn và cũng khó nhận ra nếu nhìn bằng mắt thường. Vì bản thân cũng ngại nên mình phân vân không biết có nên nói với chị ấy hay không, thành ra suốt buổi học hôm đó mình vẫn chưa nói gì. Đến tối về nhà, trong lòng mình cứ thấy canh cánh khó chịu. Thế là mình mới nhắn tin cho chị đó… thú tội, và bảo chị có sơn sửa lại mất bao nhiêu thì mình sẽ đền tiền. Kết quả là chị ấy không bắt mình phải đền gì cả, vì đối với chị ấy đó chỉ là vết xước nhỏ thôi, không quá quan trọng. Một chuyện nhỏ xíu thôi, nhưng khi lựa chọn sống công chính thì mình thấy rất nhẹ nhõm trong lòng.
Phàm làm người sống ở đời, nếu làm việc không chính đáng thì khó ngày nào chúng ta có được một giấc ngủ yên. Ấy bởi nên thấy chuyện không chính đáng thì đừng làm, hãy sống sao cho thật công chính thì mới có được chút bình an nhỏ nhoi giữa chốn trần ai này. Đạo lý này, có mấy ai hiểu?