Một cô em đang làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia, inbox tâm sự mỏng với mình chuyện em gặp vấn đề về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Em kể dạo này em hay đi làm về trễ, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, và mỗi ngày đi làm em đều cảm thấy nặng nề mỏi mệt.

Mình biết em là một người rất năng động, nên kỹ năng quản lý thời gian với em không phải là vấn đề khó khăn. Cái em gặp khó khăn là vấn đề về mặt tâm lý nhiều hơn là chuyện thời gian vật lý – cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nếu thử làm một phép tính đơn giản, chúng ta sẽ thấy mình chỉ đi làm 8 tiếng mỗi ngày, còn tới 16 tiếng còn lại chúng ta dành thời ở nhà chứ đâu. Tất nhiên nếu tính toán chi li, ta sẽ thấy trong 16 tiếng đó, hết 1-2 tiếng đã dành cho việc di chuyển tới nơi làm việc (bao gồm cả chuyện đi đi về về + kẹt xe), 8 tiếng dành cho việc ngủ nếu ngủ đủ giấc, còn cú đêm thì chỉ có tầm 6 tiếng thôi, nói chung vẫn còn tận tới 6 tiếng rảnh quỡn ở nhà để dành cho bản thân hay dành cho gia đình. Chưa kể, nếu bạn không đi làm thứ 7, thì bạn có thêm 48 tiếng nữa vào cuối tuần, còn nếu thứ 7 bạn đi làm, thì chỉ có thêm 24 + 16 = 40 tiếng rảnh quỡn nữa thôi.

Vị chi bạn có 6×5 + 40 – (2+8) = 60 tiếng rảnh quỡn mỗi tuần, quy ra bằng 2,5 ngày ở nhà ở không hổng đi làm. À, nếu bạn có đi làm OT đi nữa, thì quỹ thời gian rảnh quỡn cũng mất thêm tầm chục tiếng nữa thôi, mà chưa kể mấy công ty quốc gia hay OT cũng đi làm muộn thấy mồ, nên bù qua sớt lại thời gian rảnh quỡn bạn vẫn nhiều. Như vậy, bạn đâu cần phải lăn tăn chi chuyện cân bằng giữa công việc và cuộc sống? 🙂

Tính toán hại não cho vui vậy thôi, ở công ty mình có một triết lý rất hay, đó là công việc là một phần của cuộc sống. Nếu bạn xem công việc là… công việc, mình sẽ tự dán nhãn cho nó là “trách nhiệm”, “gánh nặng”, “áp lực”, tự nhiên mình sẽ thấy nặng nề và thấy mệt mỗi khi đi làm. Còn khi xem công việc là một phần cuộc sống, bạn sẽ đón nhận nó một cách rất nhẹ nhàng như một điều hiển nhiên phải là. Chính công việc mới là điều khiến cuộc sống của bạn trở nên thử thách và thú vị hơn, cũng chính công việc mới là cái đem lại cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc mỗi ngày, những mối quan hệ và sự trưởng thành hơn từng ngày. Và cũng nhờ công việc mà bạn mới có lương để trang trải cho cuộc sống của mình đó thôi.

Đa phần những người thường cảm thấy bị áp lực, stress trong công việc phần nhiều không phải vì khối lượng công việc quá nhiều hay tính chất công việc quá khó. Mình vẫn luôn tin rằng ai trong chúng ta cũng đủ giỏi giang để vượt qua những điều này, như cô em mình kể trong câu chuyện trên cũng vậy. Kì khôi thay, lý do khiến những bạn này mệt mỏi trong công việc phần nhiều đến từ sếp, từ đồng nghiệp và những người xung quanh. Khi sống trong môi trường có quá nhiều tranh đấu, người ta phải đeo lên mình nhiều lớp mặt nạ, không sống với đúng bản chất và con người thật sự của mình. Đây mới chính là lý do khiến các bạn trở nên mỏi mệt, mất năng lượng vào cuối ngày, và thấy nặng nề mỗi buổi sáng dắt xe ra đường đi làm, chứ xét cho cùng không phải là công việc. (“Huhu, em vô tội”, chế công việc chia sẻ)

Bởi vì ở một công ty điển hình ở Việt Nam hay quốc tế (mà ở Việt Nam), thì đâu đó vẫn luôn có những câu chuyện diễn ra hằng ngày như sếp thiếu năng lực chuyên môn hay không tâm lý, đồng nghiệp ganh ghét đố kị, hãm hại hạ bệ lẫn nhau, nếu ta không tranh đấu thì bao giờ bản thân cũng là kẻ chịu thiệt thòi.

Một môi trường làm việc lý tưởng là nơi có thể tạo ra bầu không khí giống như gia đình, như ở công ty mình có một văn hóa công ty là gia đình thứ hai. “Công việc chỉ là cái cớ để chúng tôi được gặp nhau, sát cánh bên nhau và cùng nhau tạo nên sự khác biệt.” Bởi lẽ, khi bạn về tới nhà của mình, có bao giờ bạn phải đeo mặt nạ với cha mẹ hay người nhà của bạn đâu, vì gia đình là môi trường khiến bạn cảm thấy an toàn và thoải mái. Công ty nào có thể tạo được một môi trường khiến nhân viên cảm thấy an toàn và để họ có thể sống thật với bản chất của họ (tính cách thật sự, sự khác biệt trong cá tánh của người ta chứ không phải con thú trong người họ) mà không phán xét họ, đó mới thật sự là môi trường làm việc lý tưởng.

Còn nếu không tìm được môi trường làm việc lý tưởng thì làm sao? Ở trong bùn, rong rêu bèo bọt phải chèn ép lên nhau mà vươn lên hứng ánh sáng, nhưng nếu mình là bông sen, dù có ở trong bùn mình cũng không tanh mùi bùn mà vẫn bon chen hứng sáng được.

Cuối cùng, cái chúng ta cần tranh đấu không phải là con người, mà là công việc. Khi làm một việc thấy dễ dàng quá, thì hãy tự làm khó mình bằng những đầu việc khó khăn hơn. Khi làm một việc thấy khó khăn quá, thì hãy tìm cách để làm nó trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Hồi 3 tháng đầu mới đi làm, mình hay chợn nghĩ sao công việc marketing gì mà đơn giản quá vậy, có mấy việc mà làm đi làm hoài hoài, rảnh rang quá chừng. Sau 1 năm, mình làm thay công việc của 3 bạn khác, nhưng vẫn thấy công việc vẫn chưa nhiều và vẫn có thể kiểm soát hết được. Sau 2 năm, mình quản lý thêm 4 bạn trong team, nhưng càng làm mới thấy công việc nó nhiều vô biên vô số kể làm hoài không bao giờ hết được. Và trong bất kì công việc nào cũng vậy, sẽ luôn có những việc khó khăn và đầy thử thách hơn đang chờ đón và khiêu khích bạn. Cho nên thay vì tập trung vào bà sếp khó tánh hay mấy đứa đồng nghiệp khó ở, mắc mớ gì đi cạnh tranh với người ta, tập trung vào tranh đấu với mấy mẹ mấy chế công việc và chế ngoại công ty đi kìa.

Và mỗi lần bạn mệt mỏi vì công việc, cảm thấy không cân bằng được công việc và cuộc sống. Khi chạy xe trên đường về nhà, rảnh rảnh hãy nhìn hai bên đường, xem mấy người già neo đơn cơ nhỡ nằm ở một góc bên đàng, mấy người bán vé số đang đi lang thang mời chào trong buổi chiều tịch dương, và mấy người đẩy xe bán hàng rong đang chậm mồ hôi rơi khi cuối ngày hớt hải, thì bạn sẽ thấy mình có công ăn chuyện làm là vui thấy bà cố nội luôn rồi.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.