
Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, cộng đồng mạng dậy sóng về vụ việc kêu gọi từ thiện của một Tiktoker nổi tiếng và mẹ của một bệnh nhi đang điều trị ung thư máu. Tranh cãi nổ ra khi cư dân mạng vào trang cá nhân của mẹ bệnh nhi này để hỏi thăm sức khỏe của bé sau cuộc phẫu thuật, nhưng mẹ bé tắt tính năng bình luận và không nói cụ thể tình trạng của con. Trước đó, người này từ chối sao kê số tiền ủng hộ khoảng 16,7 tỷ đồng và có nhiều nghi vấn cô dùng số tiền từ thiện vào mục đích cá nhân.
Sự việc được đẩy lên đỉnh điểm khi nam Tiktoker lên livestream giải trình và trách các mạnh thường quân không tiếp tục giúp bé nữa là độc ác, đang gieo nghiệp. Anh nói: “Sau này, nếu như con của mọi người có mệnh hệ gì, người ta cũng giúp nửa đường rồi người ta buông con của mọi người, cái đấy là gieo nghiệp. […] Thà không giúp thì nhắm mắt cho qua, còn khi đã giúp rồi, gieo cho người ta hy vọng, xong cuối cùng để người ta thất vọng”. Câu chuyện ồn ào này đặt ra một tình huống thú vị khiến chúng ta phải suy ngẫm về việc làm từ thiện.
Từ xưa đến nay, bất kỳ tôn giáo nào cũng khuyến khích con người hành thiện, bố thí với lời hứa hẹn rằng làm thiện sẽ tích đức và có được phước báu. Thế nhưng trong thực tế đời sống, có những trường hợp nghệ sĩ nổi tiếng đứng ra làm từ thiện, bố thí giúp đỡ cho rất nhiều người, nhưng lại có kết cục không mấy tốt đẹp, thậm chí còn dính vào thị phi, tai tiếng.
Hay một trường hợp điển hình khác là bà N.P.H, chủ của một khu du lịch lớn với quỹ từ thiện có ngân sách hơn 400 tỷ đồng, tài trợ cho 8 bệnh viện lớn để hỗ trợ hàng ngàn trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh. Nói về chuyện làm từ thiện ở quy mô lớn, khó ai có thể so bì được với bà. Tuy bà làm từ thiện xuất phát từ thiện tâm như thế, nhưng phước đâu không thấy mà chỉ thấy đời sống của bà toàn sóng gió và những chuyện khổ tâm.
Tích xưa từng ghi lại câu chuyện có thật về vua Lương Vũ Đế bên Trung Quốc, một người mộ đạo, sùng bái Phật giáo. Năm Phổ Thông thứ 8 (527), Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma từ Thiên Trúc theo đường biển sang Nam Hải. Lương Vũ Đế nghe danh rất ngưỡng mộ bèn cho sứ đến thỉnh về kinh đô Kim Lăng. Khi gặp mặt, Lương Vũ Đế hỏi Đạt Ma rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, chăm lo xây chùa độ tăng vô số, in kinh hành thiện không ngừng, xin hỏi như vậy được công đức gì?”.
Đạt Ma tổ sư đáp: “Chẳng có công đức!”. Lương Vũ Đế hỏi: “Tại sao?”. Đạt Ma đáp: “Là vì hữu lậu. Tuy xem ra như có công đức, nhưng không phải công đức chân thật”. Trong suốt cuộc đời của mình, vua Lương Vũ Đế hành thiện rất lớn, bố thí, xây chùa, nuôi tăng sĩ, ấn tống kinh sách rất nhiều theo đúng như lời Phật pháp giảng dạy, nhưng kết cục cuộc đời ông hết sức bi đát. Ông bị soán ngôi, bản thân bị chết đói, 480 ngôi chùa do nhà vua xây dựng bị bỏ hoang phế. Qua đó, chúng ta có thể thấy rõ ràng những việc làm của ông không mang lại phước đức bao nhiêu.
Trong câu trả lời của Bồ Đề Đạt Ma có nhắc qua ý niệm về “hữu lậu”. Phước hữu lậu là làm việc thiện theo kiểu tự phát, do nghe theo kinh sách nên có được một chút phước nhỏ nhoi, tạm thời của thế gian. Còn phước vô lậu là làm việc thiện theo sự hướng dẫn của Thánh Thần nên mới được hưởng cái phước lớn của Trời. Đa số các trường hợp làm từ thiện đều làm theo ý riêng chứ không phải theo ý Trời. Chưa kể, ngay cả những người làm từ thiện ở quy mô lớn còn không thấy ra phước, thì làm từ thiện kiểu bố thí vài đồng lạc lẻ, bao gạo, thùng mì tôm thì lấy phước ở đâu ra?
Nguyên tắc ở đời là bạn cho ai cái gì thì đồng nghĩa sẽ mất cái đó. Bạn cho người nghèo 1 đồng thì bạn mất 1 đồng. Bạn cho người khổ 1 ổ bánh mì thì bạn mất 1 ổ bánh mì. Không có chuyện bạn bố thí cho người ta 1 đồng hay 1 ổ bánh mì thì Trời Phật phải có trách nhiệm cho bạn lại 10 đồng hay 10 ổ bánh mì. Khi bạn có lòng tốt, bạn muốn làm từ thiện cho ai đó thì sẽ được người ta cảm ơn mình (hoặc không), chứ thực tế người ta không có cảm ơn Trời Phật hay biết thờ Trời kính Phật. Vậy thì tại sao lại Trời Phật phải ban phước cho bạn?
Nếu hiểu nguyên tắc là thế, vậy chúng ta có nên làm từ thiện nữa không? Câu trả lời là tùy tâm của bạn. Nếu bạn có tiền có của, muốn cho ai, giúp đỡ ai là lựa chọn cá nhân của bạn, chứ không dính dáng gì đến Trời Phật để được ban phước. Cũng vậy, nếu bạn đang giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó, nhưng hết tiền hay hết thương cảm nên không giúp nữa, thì đó không phải là tạo nghiệp như lời nam Tiktoker ở trên nói.
Nếu nhìn rộng ra hơn, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này có vô số hoàn cảnh sống khó khăn, phải chật vật mưu sinh hay bị bệnh nan y tứ chứng. Dầu xã hội có rất nhiều mạnh thường quân với lòng hảo tâm hay các chương trình truyền hình nhân đạo như Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Lục lạc vàng, Mái ấm gia đình Việt,… đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn con người, thì có một thực tế không thể phủ nhận là sự giúp đỡ đó chỉ như muối bỏ biển. Chúng ta không thể giúp cho cả nhân loại hết nghèo khổ hay hết bệnh tật.
Vì sao vậy? Vì nghèo khổ hay bệnh tật vốn dĩ là mặt trái trong đời sống của nhân loại, có người giàu thì phải có người nghèo, và có người khỏe mạnh thì phải có người bệnh tật. Đó chính là trật tự và sự an bài của tạo hóa để con người học được những bài học cần thiết trong hoàn cảnh sống của mình. Cái con người có thể giúp đỡ được cho nhau chỉ là những cái nhỏ không đáng kể, giúp được hôm nay cũng không giúp được suốt đời. Chỉ có Thượng Đế, Thánh Thần mới có thể giúp cho con người cái lớn lao quan trọng nhất, đó là giảm nghiệp và ban phước cho con người.
Và ngay cả những trường hợp bị bệnh nan y rất nặng, nếu như không nhận được sự giúp đỡ kịp thời từ mạnh thường quân thì sao? Kết cục xấu nhất là họ sẽ không qua khỏi. Con người chính vì không hiểu được luật vô thường nên mới sợ cái chết và sự chia ly mất mát, còn hiểu đạo thì sẽ biết chết không phải là hết, mà đời sống linh hồn là bất tử. Đôi khi mất mát là bài học cần thiết cho cả người ra đi lẫn người ở lại, để học cho hiểu đặng nhân sinh cuộc đời.