Ảnh: Unsplash

Hồi mới ra trường đi làm, mình có theo học chương trình tiếng Anh do cố Giáo sư Lê Tôn Hiến giảng dạy tại trường Kinh Luân, bắt đầu từ lớp cơ bản nhất. Trong học phần về ngữ pháp, thầy thường xuyên cho cả lớp một bài tập gọi là “Grammar mistake free” (Không mắc lỗi ngữ pháp), bao gồm 10 câu ngắn để mỗi trò tập nhận diện lỗi ngữ pháp sai và sửa sai thành đúng, sau đó thầy sẽ chấm điểm. Thường đây là phần mình làm rất tệ, bài nào cũng toàn dưới 5/10.

Trong mỗi khóa học như vậy thường sẽ có hai lần kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ theo hình thức trắc nghiệm. Sau khi có kết quả, thầy sẽ phát cho cả lớp một tài liệu về “Grammar mistake free”, trong đó có tổng hợp các điểm ngữ pháp mà học sinh sinh viên thường hay mắc lỗi sai nhiều nhất, dựa trên quá trình giảng dạy tiếng Anh gần 50 năm của thầy. Theo thầy giảng giải, phần lớn học sinh sinh viên chỉ tập trung vào việc học ngữ pháp đúng mà bỏ qua những điểm ngữ pháp dễ bị sai, trong khi số điểm ngữ pháp dễ bị sai này chỉ chiếm thiểu số so với lượng kiến thức ngữ pháp đúng. Chỉ cần các em nắm chắc các lỗi sai này thì làm bài thi ngữ pháp sẽ không sợ bị sai nữa, khi đó chúng ta đạt tới trình độ “Grammar mistake free”.

Ý niệm thầy giảng thì hết sức ngắn gọn đơn giản nhưng khiến mình choáng ngợp suốt cả buổi và trên đường đi về nhà sau buổi học, vì lần đầu tiên trong cuộc đời đi học tiếng Anh của mình, có người khai sáng một tư duy mới mẻ đến thế. Ngẫm lại mới thấy đúng là đa số người học tiếng Anh đều mất rất nhiều công sức để học phần ngữ pháp đúng mà lơ là bỏ qua các điểm ngữ pháp dễ bị sai. Tới khi làm bài thi trắc nghiệm về ngữ pháp, các câu lắt léo đặt bẫy nhất đều rơi vào những điểm dễ gây nhầm lẫn này. Học cách nhận diện lỗi sai không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức bỏ ra mà còn đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Ảnh: Unsplash

Sau này khi đọc sách, mình mới biết ý niệm Giáo sư Lê Tôn Hiến nói hóa ra chính là định luật Pareto, hay còn gọi là định luật 80/20: khoảng 20% nỗ lực sẽ tạo ra 80% kết quả trong nhiều sự kiện. Chẳng hạn trong kinh doanh, 20% khách hàng trong cơ sở dữ liệu khách hàng của công ty bạn sẽ đem lại 80% doanh thu, và đó là nhóm khách hàng mà bạn cần ưu tiên chăm sóc nhiều nhất. Như trong việc học ngữ pháp tiếng Anh kể trên, có khoảng 20% điểm ngữ pháp dễ bị sai bên cạnh 80% điểm ngữ pháp đúng, và khả dĩ bạn chỉ cần nắm 20% lỗi sai này thì sẽ đạt được 80% kết quả trong bài thi trắc nghiệm về ngữ pháp tiếng Anh.

Phổ ứng dụng của định luật Pareto rất rộng trên nhiều phạm vi lĩnh vực, trong bài này mình chỉ bàn tới một khía cạnh là việc tập trung học 20% lỗi sai sẽ đem lại hiệu quả bất ngờ như thế nào.

Khi ra đời đi làm, trải nghiệm một số môi trường công sở khác nhau, có một khuôn mẫu lặp đi lặp lại mà mình thấy công ty nào cũng có, đó là lỗi sai của các bạn trẻ (lẫn những người đã đi làm nhiều năm) trong quá trình làm việc, có thể kể đến như lỗi giao tiếp, lỗi báo cáo, lỗi mặc định, lỗi chuyên môn, v.v. Cùng một lỗi sai, một người có thể sai đi sai lại từ tháng này qua năm nọ, nếu họ không tự nhận thức được đó là lỗi sai hay không có ai khác chỉ điểm ra cho họ. Ngay cả khi có người chỉ điểm, bẵng đi một thời gian sau, bạn vẫn sẽ bắt gặp người đó lặp lại đúng lỗi y chang như vậy.

Những lỗi tư duy hay lỗi kỹ năng chốn công sở khiến công việc của chúng ta lúc nào cũng trúc trắc không suôn sẻ, suốt ngày bị sếp la làng trách mắng và sự nghiệp vẫn mãi giậm chân tại chỗ. Hãy nhớ rằng 20% lỗi sai ảnh hưởng tới 80% kết quả công việc của bạn. Nếu bạn ý thức về điều này, sớm nhận ra mình hay phạm phải lỗi sai nào và từ từ khắc phục chúng, chắc chắn rằng bạn sẽ trở thành một phiên bản nhân viên rất khác mà bất kỳ vị sếp hay công ty nào cũng muốn được làm việc với bạn. Đây cũng là lý do mình viết series Trưởng Thành Nơi Công Sở để tổng hợp tất tần tật các lỗi sai điển hình nhất mà nhân viên thường gặp phải khi đi làm.

Ảnh: Unsplash

Không chỉ ở vai trò nhân viên mà ở vai trò quản lý hay lãnh đạo doanh nghiệp cũng vậy, số lượng sách hay khóa học về phương pháp quản lý/lãnh đạo đúng rất nhiều, nhưng con số về phương pháp sai thì rất ít. Nếu bạn mới đảm trách cương vị quản lý hay lãnh đạo và không có nhiều thời gian để “tiêu hóa” hết mớ kiến thức ngồn ngộn đó, lối tắt khôn ngoan có thể là tập trung vào 20% lỗi sai mà các nhà quản lý, lãnh đạo hay gặp phải. Chỉ cần tránh phạm phải 20% lỗi sai này, bạn có thể đạt được 80% thành công trong việc dẫn dắt đội nhóm của mình rồi.

Tương tự, trong chuyện kinh doanh – khởi nghiệp cũng không khác gì, hành trình khởi nghiệp có vô số cạm bẫy ví như ổ gà, ổ trâu trên đường, ai lơ ngơ láo ngáo rất dễ dàng sụp hố, để rồi chuốc lấy thất bại cay đắng là trả học phí có khi bằng cả gia tài để đổi lấy bài học khởi nghiệp. Khi mới bước đi trên con đường này, nếu bạn trang bị trước kiến thức cho mình bằng cách nghiên cứu qua những lỗi sai người ta hay phạm phải khi khởi nghiệp, chắc chắn rằng bạn sẽ né được những ổ gà, ổ trâu không đáng vấp phải mà con đường nhìn chung sẽ thượng lộ bình an hơn nhiều.

Khi hiểu được tư duy lối tắt khôn ngoan này, bạn có thể ứng dụng nó trong rất nhiều lĩnh vực, từ chuyện học tập, làm việc, làm sếp, kinh doanh cho đến làm cha mẹ, nấu ăn, v.v. để rút ngắn thời gian đạt được thành tựu và tránh những hậu quả không cần thiết phải xảy ra. Có một điểm mình chia sẻ cho rõ hơn, việc tập trung học lỗi sai chỉ là một phương pháp mang tính bổ trợ bên cạnh việc học những cái đúng, chứ mình không cổ xúy việc bạn bỏ qua kiến thức đúng không học mà chỉ chăm chăm vào học lỗi sai. Thông thường, chúng ta chỉ tập trung vào học 80% cái đúng – đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực – mà bỏ qua 20% lỗi sai, để rồi trong thực tế chúng ta cứ vô tình phạm phải những lỗi sai ấy thì cũng uổng phí lượng thời gian, công sức, nỗ lực mà bạn đã bỏ ra để học 80% cái đúng. Công thức học 80% đúng + 20% sai sẽ trang bị cho bạn cái nhìn toàn diện về mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Ảnh: Unsplash

Có một điểm khác mà bạn cũng cần biết trước, đó là 20% lỗi sai đó thường không có sẵn như 80% cái đúng, bởi thực tế hầu hết sách vở, khóa học hay tài liệu đều chỉ hướng dẫn bạn kiến thức hay phương pháp làm sao cho đúng, chứ chẳng ai hướng dẫn bạn cách làm sai. Lẽ vậy 20% lỗi sai thuộc về bề chìm của tảng băng trôi trong các lĩnh vực mà bạn phải dụng công tìm hiểu. Đó là lý do vì sao mình thích nghe người khác chia sẻ về thất bại của họ nhiều hơn là các câu chuyện thành công. Con người phần lớn đều thích mặt mũi thể diện nên họ chỉ show ra cho cả thế giới mặt rực rỡ sáng ngời nhất của họ, từ Facebook cá nhân cho tới sách, các hội thảo, khóa học. Không ai cảm thấy tự hào vẻ vang khi đi kể chuyện mình từng thất bại thảm hại ra sao. Chính vì thế mà tìm được tài liệu nào nói về 20% lỗi sai này trong lĩnh vực bạn quan tâm muốn học hỏi thì rất quý.

Còn nếu không tìm thấy thì sao? Hãy va vấp, hãy té ngã nhiều lần, rồi bạn sẽ có được bài học và đúc kết ra được khuôn mẫu 20% lỗi sai trong lĩnh vực của bạn. Khi đó, chúng sẽ trở thành bí kíp riêng của bạn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Huỳnh Anh Thuận Phản hồi

    Bài này Chơn Linh chia sẻ về Thầy Lê Tôn Hiến hay quá, anh Thuận đọc sau đó có tìm đọc trên google về Thầy thì thấy bài về người Thầy của Chơn Linh rất thú vị. Có lẽ đây là người ít xuất hiện trên truyền thông em nhỉ

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.