Năm 2015, khi mới tốt nghiệp ra trường, tiếng Anh của mình rất yếu và trình độ chỉ làng nhàng ở mức chứng chỉ B Anh văn để đủ điều kiện ra trường. Thế là năm đó mình quyết định đăng ký học TOEIC, học 2 khóa liên tiếp và thi lấy bằng TOEIC trong cùng năm với số điểm vượt mục tiêu mình đề ra. Nhân đang lúc có đà học tiếng Anh, mình tiếp tục học hết tất cả các khóa tiếng Anh của trung tâm đó, sau đó chuyển sang trường Kinh Luân của giáo sư Lê Tôn Hiến để theo học hết tất cả các khóa thầy dạy từ cơ bản tới nâng cao trong suốt 4 năm trời.

Ở thời điểm hiện tại, mình không còn cảm thấy tự ti về kỹ năng tiếng Anh, mà ngược lại là rất tự tin vào 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết của bản thân.

Ảnh: Unsplash.com

Năm 2016, trong chuyến đi nghỉ dưỡng cuối năm, công ty mình đi Vinpearl Land Phú Quốc. Đợt đầu năm 2015 mình từng đến đây để làm Media cho một đoàn chơi golf toàn đại gia nên đã trải nghiệm không gian sang chảnh nơi đây và rất ấn tượng với chiếc hồ bơi siêu rộng, mà tiếc một nỗi mình lại không biết bơi dù là dân xứ biển. Thế là trước chuyến đi 2 tháng, mình quyết định đăng ký đi học bơi ở một trung tâm thể dục thể thao gần nhà, học hai buổi sáng cuối tuần trong 10 buổi liên tục. Ban đầu mình học bơi ếch, bơi ếch xong thì học tiếp bơi sải; từ bơi trong hồ sâu 1,6m dài 25m dành cho nhóm học bơi xong cũng mon men sang bơi được ở hồ sâu 2,5m dài 50m cho dân chuyên nghiệp.

Sau đó trong chuyến đi, mình như bị “dán keo” dính chặt vào hồ bơi. Cứ mỗi sáng và mỗi buổi chiều mình lại te te chạy ra hồ bơi, hết bơi ở hồ rồi lại chạy ra biển để bơi cho đã cái nư học bơi 2 tháng trời. Bây giờ mỗi lần có ai hỏi mình biết bơi không, mình không cảm thấy xấu hổ mà tự tin trả lời: “Biết chứ sao không!”.

Ảnh: Unsplash.com

Năm 2017, một người chị rủ mình đi học nhạc lý ở một trung tâm dạy nhạc khá nổi tiếng. Vốn là người nhạy cảm về âm thanh nên từ lâu mình đã muốn học thứ gì đó liên quan tới âm nhạc, và lần đầu đi học lại học với một nhạc sĩ rất chuyên nghiệp, chưa kể còn học chung với một số bé thi The Voice Kids khá nổi tiếng như Bảo Anh, Thiện Khiêm và một cơ số trai xinh gái đẹp thuộc team vocal dữ dội.

Kết quả là, có những thứ mình tưởng là mình thích, nhưng học rồi mới biết hóa ra không hợp. Cơ bản xuất phát điểm của mình không có chất giọng và thanh âm tốt như các bạn có năng khiếu bẩm sinh, nên tuy đọc đúng nốt mà cái thanh nó ngang phè phè y như vịt bầu hòa thanh với bầy sơn ca. Và khóa học đó mình xem như một trải nghiệm, để đi đến kết luận là mình chỉ nên… nghe nhạc và cảm nhạc thôi là đủ!

Ảnh: Unsplash.com

Năm 2018, mình có cơ duyên tham dự vào một câu lạc bộ võ cổ truyền, và mỗi cuối tuần và các buổi tối trong tuần mình đi học võ ở một sân vận động nọ liên tục trong suốt một năm trời. Vốn là một người mảnh khảnh và yếu đuối, mình không bao giờ nghĩ có ngày mình lại đi học võ, nhưng rồi cái ngày đó cũng đến. Ban đầu mới vào lớp, mình không theo kịp mọi người, bài tập khởi động của buổi đầu tiên đã làm mình thở hồng hộc và xây xẩm mặt mày mém xỉu, mới vô lớp mà đã mang nhục dễ sợ.

Nhưng nhờ kiên trì luyện tập không bỏ buổi nào cùng tự tập luyện thêm ở nhà, chỉ trong vòng 1 tháng mình đã bắt kịp những bạn theo học 1 năm. Mình có thể thực hiện được những động tác khó như trồng chuối, uốn dẻo ngã người ra sau, lộn mèo,… và biết cách tự phòng vệ, tự bảo vệ cơ thể khi trượt vỏ chuối hay bị người khác xô ngã. Quá trình học võ giúp sức khỏe của mình cải thiện rất nhiều, còn được nhiều lợi ích hơn cả tập gym lúc trước. Tuy chỉ học võ một năm rồi nghỉ, nhưng tới bây giờ mình vẫn còn duy trì các bài tập đều đặn mỗi tuần.

Ảnh: Unsplash.com

Năm 2019, từ học võ mình chuyển sang học vẽ, đơn giản chỉ là đang “cứng” quá nên mình muốn chuyển sang bộ môn nào “mềm” một chút để cân bằng lại. Và mình chọn một khóa học vẽ màu nước trong 10 buổi, đúng chất liệu màu mình rất mê, học xong cũng cao hứng mua luôn bộ màu, bảng vẽ, mười mấy cây cọ vẽ đủ kiểu và n loại bút kim hết bạc triệu.

Sau khóa học, cuối tuần rảnh rỗi là mình lại lôi giấy ra vẽ, rồi còn mua khung lộng kính đem tặng cho một số bạn bè. Nhưng việc vẽ vời với mình quá mất thời gian vì để hoàn thiện một bức vẽ thường phải mất 5-6 tiếng, mà mình lại không có nhiều thời gian đến vậy nên nguyên bộ họa cụ đó cuối cùng cũng đành xếp lại một góc trong tủ.

Năm 2020, mình có một chấp niệm là phải học digital painting (vẽ kỹ thuật số) cho bằng được. Thế là mình quyết định mua một cái bảng vẽ Wacom hết vài triệu để về tự học theo tutorials trên mạng, và hóa ra xài thử thấy vẽ cũng dễ thật, không quá khó nhưng cần sự kiên nhẫn và thời gian.

Ảnh: Unsplash.com

Thông thường, cứ đầu mỗi năm mới, mình lại đặt ra cho bản thân một mục tiêu là phải học thêm một kỹ năng mới nào đó. Mục tiêu này có mục đích là để thử thách giới hạn bản thân, để xem mình có thể khai phá tiềm năng của mình tới đâu, vì tiềm năng của con người vốn dĩ là vô hạn. Bên cạnh đó, mình còn có thêm cơ hội trải nghiệm nhiều bộ môn khác nhau để làm vốn sống của mình phong phú hơn, giúp giải phóng con người sáng tạo bên trong mình, chứ không chỉ quẩn quanh trong những chuyện vốn là thế mạnh của bạn nhưng cứ lặp đi lặp lại hoài.

Ví dụ viết lách là thế mạnh của mình, nên mình không có nhu cầu phải đi học thêm mấy khóa viết lách nữa để làm gì, vì quanh quẩn cũng chỉ có nhiêu đó chuyện giới hạn trong lĩnh vực viết lách. Còn khi mình đi học bơi, học nhạc, học võ, học vẽ,… mình lại có dịp kết nối những điểm chung và riêng trong các bộ môn đó lại với nhau để nhìn thấy được nhiều chiều kích mới khi áp lăng kính của lĩnh vực này vào lĩnh vực khác. Cuộc sống của mình không còn là lăng kính một màu mà bây giờ như kính vạn hoa.

Có những kỹ năng khi học rồi mới thấy không hợp với tố chất của mình, dù ban đầu mình cực kỳ thích và muốn học cho bằng được, và mình sẽ dừng lại tại đó chứ không đầu tư thêm thời gian và công sức cho kỹ năng đó nữa. Trải nghiệm như vậy là đã đủ. Có những kỹ năng càng học thì mình lại càng thấy thích, và cảm thấy phù hợp với bản thân. Đó cũng thường là những kỹ năng mình muốn tiếp tục duy trì việc tự học để đồng hành đường dài cùng mình về sau.

Lúc xem series phim The Queen’s Gambit (2020), có một chi tiết mình thấy rất thú vị là nhân vật Beth Harmon – một kỳ thủ cờ vua của nước Mỹ – muốn tranh ngôi kiện tướng cờ vua thế giới, và đối thủ của Beth là một kỳ thủ đáng gờm người Nga. Để chuẩn bị cho hành trình soán ngôi cực kỳ khó khăn đó, Beth đã quyết định đi học tiếng Nga vào mỗi buổi tối để hiểu được ngôn ngữ và phông văn hóa của quốc gia đối thủ. Trước trận đấu đầu tiên, vô tình Beth đi chung thang máy khách sạn với đoàn kỳ thủ người Nga này, và họ tưởng rằng Beth không biết tiếng Nga nên vô tư bình phẩm về năng lực của Beth ngay trước mặt cô. Hay trong trận chung kết, cũng nhờ kỹ năng ngoại ngữ của mình, Beth mới nghe lỏm được cách xử lý nước cờ của nhóm kỳ thủ người Nga để chiếm được ưu thế trong trận tranh tài.

Cái hay của Beth là cô học và hiểu được tiếng Nga, nhưng cô vờ như mình ngây thơ không biết gì. Đó cũng là lợi thế của người biết nhiều kỹ năng, có thể bạn không quá xuất sắc tới mức nổi trội trong một kỹ năng cụ thể nào đó, ví dụ như bạn không cần phải là kỳ thủ cờ vua vô địch nhưng bạn biết chơi cờ vua thì cũng có khối chuyện để nói với một người khác am hiểu cờ vua. Người khác đó có thể là bạn bè, là crush, là đối tác hay một người nào đó ở vị thế cao hơn mà bạn muốn tiếp cận trong những tình huống giao tế ở đời.

Chẳng hạn như mình, nhờ đã học qua một khóa vẽ màu nước và biết cách vẽ màu nước ra sao, mình có thể trò chuyện cùng một chị bạn mới quen về cách phối màu ra sao để vẽ tuyết, và vẽ tuyết thì khó như thế nào. Đó cũng là lúc kỹ năng mình học được phát huy tác dụng. Mình không cần phải là một họa sĩ vẽ màu nước xuất sắc, nhưng mình nắm được nguyên lý vẽ màu nước thì đã có thể tận dụng kỹ năng này ở nhiều khía cạnh khác trong công việc lẫn cuộc sống.

Nếu như 5 năm trước mình bắt đầu học một kỹ năng mới đầu tiên, thì sau 5 năm là bây giờ, mình đã học được 6 kỹ năng mới. Và nếu tiếp tục duy trì thói quen này tới năm 30, 40, 50 tuổi, có lẽ mình sẽ được khoảng mấy chục kỹ năng khác nhau, đủ hết thập bát ban võ nghệ, để cuộc sống của mình luôn có chuyện để làm, luôn có kỹ năng để luyện chứ không bao giờ cảm thấy nhàm chán.

Năm 2021, kỹ năng mới mình muốn học là tự học chơi cờ vua, nhân được truyền cảm hứng từ bộ phim The Queen’s Gambit. Nếu có đà nữa thì nhân tiện mình sẽ học luôn cờ tướng, mục tiêu là để luyện được bộ skill cầm – kỳ – thi – họa đầy đủ từ đây cho đến cuối đời.

Còn bạn, sang năm bạn sẽ quyết định học kỹ năng mới nào?

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Mình thì sau một thời gian học đủ thứ thì đã quyết định tạm dừng lại, gác hết những thứ thích học sang một bên để ưu tiên những gì cần học. Ví dụ trong công việc cần gì thì học thêm nấy, nhưng học nhanh thôi chứ không đào sâu. Chẳng hạn hồi designer bận làm game không support làm ảnh minh họa cho dịch vụ bên tớ, tớ đành phải tự học design và typography rồi làm sương sương nghiệp dư nhưng vẫn coi được.
    Năm nay thì tớ tập trung tiềm lực học tiếng Anh, vốn tiếng Anh của tớ bây giờ chắc cũng chỉ ngang với cậu hồi 2015, tức là chỉ học thi chứng chỉ để ra trường, sau đó không có động lực trau dồi thêm. Giờ mới thấm thía đó là lỗ hổng lớn nhất trong hành trình học của mình, cả học chính quy và tự học. Bên cạnh đó mình cũng tiếp tục với khóa học đầu tư tài chính, vì đã mua từ năm ngoái và học được 2/3 rồi. Không muốn bị đứt đoạn. Khi nào tiếng Anh hòm hòm tớ mới tính tiếp sẽ học gì tiếp theo 😀

    • Chơn Linh Phản hồi

      Thử nghiệm học nhiều môn cũng là một cách để trải nghiệm và xem thử bản thân mình hợp với môn gì, môn nào có thể theo đuổi và gắn bó lâu dài, hay môn nào nên từ bỏ sớm. Giờ mình cũng chỉ tập trung vào học tiếng Anh và biên phiên dịch thôi ^^

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.