“Và thời thơ ngây mang bao hạnh phúc đẹp nhất trong đời
Thời gian trôi cuốn tuổi thơ đi
Câu hát ngỡ xa rồi mà nay chợt bỗng quay về
Trào dâng lên bao niềm thương nhớ…”
Mỗi lần nghe ca khúc “Mong một lần trở về tuổi thơ” vang lên với giọng ca trong trẻo của Thùy Chi, được viết lại lời Việt từ ca khúc nổi tiếng “Yesterday Once More” của nhóm nhạc Carpenters, trong lòng mình lại xốn xang nhiều cảm xúc về những ngày xa xưa tươi đẹp. Tuổi ấu thơ là một điều gì đó tuyệt vời như phép màu, là cảng chắn gió để ta nương náu khi đối diện với cuộc đời đầy bão giông và là nơi mà ai cũng muốn một lần quay trở lại, dù phải trả bất cứ giá nào.
Trong bộ phim nổi tiếng Squid Game (Trò chơi con mực) của Hàn, nhân vật ông trùm đứng sau toàn bộ trò chơi sinh tử này, hóa ra thiết kế trò chơi ấy cũng chỉ để tìm lại chút niềm vui thời thơ ấu, khi ông cùng chúng bạn chơi những trò chơi dân gian quanh nhà.
Rốt cuộc thì, tuổi thơ có mãnh lực gì mà níu kéo sự tiếc nuối, nhớ thương của con người ta nhiều đến vậy?
Vườn Địa đàng thời thơ ấu
Có một điều trước tiên mình phải làm rõ, hầu hết những người mong muốn quay trở về tuổi thơ đều là những người từng trải qua một tuổi thơ đẹp tuyệt vời, hay chí ít cũng có những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ bên cạnh những ký ức sóng gió. Còn người mà tuổi thơ toàn những mảng màu đen tối, u ám, chịu phải nhiều sang chấn tâm lý do cha mẹ và người thân gây ra thì hầu như họ chỉ muốn xóa đi giai đoạn bi thương đó trong cuộc đời, không bao giờ muốn quay trở lại một lần nào nữa. Nhưng trường hợp này có lẽ hiếm, vì dẫu cuộc đời bạn có đen tối đến mấy vì ít nhất tuổi thơ của bạn cũng có vài điểm sáng tươi đẹp ở một vài ký ức nào đó, mà thi thoảng trong vô thức bạn vẫn luôn nhớ về.
Trong thế giới thần tiên của tuổi thơ, chúng ta có thể “sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa, chiều lại ra dạo chơi vườn hoa, tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn, bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên” (lời bài hát “Tuổi thơ” của Lê Thương). Hay “nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió, sẽ được nghe thấy tiếng chim hay. Tiếng lích chích chim sâu trong lá, con chìa vôi vừa hót vừa bay. Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện, sẽ được nhìn thấy các bà tiên, thấy chú bé đi hài bảy dặm, quả thị thơm, cô Tấm rất hiền” (lời bài thơ “Nói với em” của Vũ Quần Phương). Sau hơn hai mươi mấy năm kể từ lúc nghe ca khúc hay đọc bài thơ này lúc nhỏ, tới giờ trong tâm trí mình vẫn còn văng vẳng giai điệu bản nhạc hay lời thơ, như một điểm neo mà mỗi lần kích hoạt là cả dòng suối mát tuổi thơ lại lũ lượt ùa về.
Có một hình ảnh ẩn dụ mình rất thích khi nói về tuổi thơ, đó là tuổi thơ như bóng mát sẽ đi theo chúng ta mãi cho đến phút cuối đời. Ngay cả một người già trong giờ phút lâm chung cũng hoài niệm về thời thơ ấu với những niềm vui, niềm hạnh phúc, những người bạn ngày bé, những cảm xúc hồn nhiên một thuở đầu đời. Tại sao thời thơ ấu lại tươi đẹp và hạnh phúc đến thế? Theo Osho, ông cho rằng sở dĩ chúng ta thấy tuổi thơ tươi đẹp là vì khi ấy ta vẫn còn là một phần trong dòng chảy của vũ trụ, không có trách nhiệm, tuyệt đối tự do, không lương tâm, không gánh nặng. Nói cách khác, chúng ta như một linh hồn trong trẻo, hồn nhiên mới xuống trần thế này để trải nghiệm thế giới. Sau này tìm hiểu về một số phương pháp thiền tập khác nhau, mình chợt nhận ra rằng, mọi phương pháp tu tập về mặt tâm linh hóa ra đều hướng chúng ta trở về bản thể hồn nhiên như một đứa trẻ ngày bé – không toan tính, không vụ lợi, không ngã mạn. Ngay cả những phương pháp trị liệu chấn thương tâm lý ở tuổi trưởng thành cũng hướng con người ta trở về đối diện với đứa trẻ bên trong mình, ôm ấp và chăm sóc nó, vỗ về nó, nuôi dưỡng lại nó.
Osho ví dạ con của người mẹ như Vườn Địa đàng, và mỗi chúng ta đều là Adam hay Eva từng sống trên đó. Đối với một bào thai, dạ con của người mẹ là một môi trường ấm áp, an toàn cung cấp mọi dưỡng chất cần thiết cho đứa bé. Thậm chí đứa bé không cần phải thở hay ăn uống vì người mẹ đã thay chúng ta làm những việc đó. Khi trưởng thành, đôi lúc vô thức trong lúc ngủ, chúng ta cũng thường cuộn mình trong tư thế của một bào thai, như một cách để tìm về cảm giác ở Vườn Địa đàng năm xưa. Sau đó, khi chúng ta dậy thì, bản ngã bắt đầu xuất hiện, từ đó xung đột và đấu tranh bên trong ta cũng nổi lên. Và rồi mọi thứ đều trở thành trách nhiệm, thành gánh nặng, mỗi khoảnh khắc đều là sự trói buộc không có tự do.
Mọi đứa trẻ đều phải trải qua thời khắc nổi loạn, giống như Adam và Eva bất tuân Thượng Đế nếm trái cấm và bị trục xuất khỏi địa đàng. Nổi loạn là một phần của sự phát triển và đây là một quá trình tất yếu của cuộc sống. Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên, rời xa khỏi vòng tay của người cha, người mẹ. Và trên hành trình trưởng thành đó, mỗi đứa trẻ đều luôn hoài nhớ về Vườn Địa đàng mình từng sống, về một thế giới thần tiên đầy mộng mơ mà chúng không thể có trong thực tại. Một số người tuy đã trưởng thành về mặt thể xác nhưng tâm hồn họ lại giống như Peter Pan – một cậu bé tự do, tinh nghịch, biết bay và không bao giờ lớn, dành cả tuổi thơ bất tận của mình trên hòn đảo thần thoại Neverland. Nhưng cũng có những người giống như cô bé Wendy, lựa chọn chia tay hòn đảo thần tiên để trở về với cuộc sống thực tại của người trưởng thành và đối mặt với những khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Phía sau một tuổi thơ đẹp
Để tuổi thơ là một bóng mát hay một cảng chắn gió, cần có người ươm mầm trồng cây và nuôi dưỡng cái cây ấy cho đến khi nó tỏa bóng mát rượi, cũng như cần có người xây dựng nên cái cảng thì chúng ta mới có nơi chắn gió lúc bão giông. Sau này, mãi đến khi ra đời và bước vào thế giới khắc nghiệt của người trưởng thành, mình mới nhận ra người ươm mầm cây hay xây cảng đó chính là cha mẹ mình cùng rất nhiều người thân trong dòng họ. Giống như ngạn ngữ Phi châu có câu: “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”.
Khi bước vào đời đi làm, để tự nuôi bản thân chúng ta ăn uống tiêu xài thoải mái cũng là cả một vấn đề lớn, đặc biệt nếu bạn là những người dân tỉnh lẻ đến một đô thị lớn sinh sống và làm việc. Mỗi tháng có rất nhiều khoản phải chi từ chuyện nhà ở, điện nước Internet, hóa đơn các thể loại, rồi chuyện ăn uống hằng ngày, mà đó chỉ mới là những chi phí sinh hoạt cơ bản chứ chưa nói đến những khoản chi tiêu cho sở thích cá nhân, học tập phát triển bản thân hay tiêu xài mua sắm, gặp gỡ bạn bè, đám cưới đám ma, đi du lịch, v.v. Đó là khi bạn sống độc thân, còn khi bạn kết hôn, lập gia đình và có con cái thì khoản chi phí bạn phải đảm đương mỗi tháng còn nhiều hơn gấp bội phần. Có lẽ đây là lý do mà nhiều người trẻ bây giờ kết hôn khá trễ so với thế hệ trước vì họ còn tập trung lo phát triển sự nghiệp của bản thân.
Trong khi đó, nhiều người ở thế hệ cha mẹ mình trước đây lập gia đình khá sớm, chỉ tầm 19-20 tuổi họ đã cưới vợ gả chồng và sinh con, như năm mình sinh ra thì ba mình mới 23 tuổi còn mẹ mình 22 tuổi. Ở cái ngưỡng 22-23 tuổi là lứa tuổi mà sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường, vừa mới chập chững đi làm và hầu như bây giờ chẳng ai nghĩ tới chuyện kết hôn quá sớm ở độ tuổi này. Vậy đó mà ở thế hệ cha mẹ chúng ta, xuất phát điểm của họ khi vào đời thấp hơn chúng ta thời nay rất nhiều nhưng họ vẫn có thể gánh vác được cả một gia đình trên vai, chăm lo cho tụi nhỏ là chúng ta đủ ăn đủ mặc, được học hành đầy đủ, mua sắm đồ chơi cho chúng, chở chúng đi chơi nơi này nơi kia, thì quả thực đó là một nỗ lực và sự vất vả rất lớn – mà lúc nhỏ chúng ta không hề thấy được.
Bạn thử tưởng tượng, nếu bạn sinh ra trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó phải chạy vạy từng bữa ăn, lúc nhỏ có những lúc bạn phải nhịn đói vì trong nhà không có gạo để ăn, hay bạn phải bỏ học từ nhỏ để theo mẹ buôn gánh bán bưng, hay cha bạn là một người nát rượu chẳng chí thú làm ăn, thường xuyên đánh đập chửi mắng mẹ con bạn, thì tuổi thơ của bạn là những ngày sống trong nơm nớp lo âu và sợ hãi, hoàn cảnh sẽ thúc đẩy và buộc bạn phải trưởng thành từ sớm chứ chẳng thể nào hồn nhiên bình yên để mà tận hưởng tháng ngày tươi đẹp của tuổi thơ.
Có lần mình ngồi trò chuyện cùng một người chị họ, hai chị em nhắc nhớ về những kỷ niệm thời bé, mỗi lần trong nhà có đám giỗ vui ơi là vui. Bình thường đâu phải ngày nào cũng có mấy món ngon để ăn, mà đến đám giỗ thì hằng hà sa số món ngon và bánh trái bày ra trước mặt, con nít chỉ có việc sà vào mà ăn lấy ăn để, hỏi sao không vui không thích? Đám giỗ cũng là dịp cả dòng họ quây quần hội tụ, người làm gà làm vịt, người nấu ăn, người gói bánh cười nói không ngớt, không khí vui như Tết.
Nhưng vẫn là sự kiện đám giỗ ấy khi ở tuổi trưởng thành, cái thứ mà người lớn bọn mình giờ phải đối diện là mỗi đợt đám giỗ nhà nào sẽ chi tiền, ai sẽ góp tiền bao nhiêu, năm nay làm lớn hay làm nhỏ, có mời khách khứa nào tới không, chuẩn bị bánh trái gì cho khách đem về, rồi có sắp xếp công việc để về tham dự được không,… toàn những chuyện đau đầu nhức óc mà nói tới là thấy ngán ngẩm, nhiều khi thấy chán chẳng còn muốn đi. Hóa ra để tổ chức một cái đám giỗ như thế, người lớn có quá nhiều chuyện phải suy tính và lo nghĩ, còn bọn trẻ chỉ biết góp mặt và ăn thôi, không phải nghĩ ngợi gì.
Phía sau một tuổi thơ đẹp là rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt của những người trưởng thành để tạo dựng một môi trường bình yên cho lũ trẻ lớn lên.
Những đứa trẻ không có tuổi thơ
Trong một tập của bộ phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo mình xem gần đây, có một vụ án khá dễ thương mà bị cáo là con út của chủ một trung tâm dạy học tư nhân nổi tiếng. Anh chàng tự nhận mình là “Tổng tư lệnh Quân giải phóng Nhi đồng”, có tên… Bang Văn Bủm (cái tên do anh chàng quyết định tự đổi trên căn cước công dân) đã tiến hành “cướp” một chiếc xe của trung tâm mẹ mình đang chở học sinh đi học. Sau khi giới thiệu bản thân và sứ mệnh của mình, anh chàng hồ hởi thông báo đây là chuyến xe không đi học và nếu em nào vẫn muốn đi học thì xin mời xuống xe. Tất cả các em học sinh trên xe đều phấn khích trước màn xuất hiện của Bang Văn Bủm và quyết định trốn học theo anh lên núi chơi.
Suốt bốn tiếng đồng hồ trên núi, anh bày trò chơi cùng bọn trẻ, từ rượt bắt, kéo co, năm mười cho tới đèn xanh đèn đỏ. Bọn nhóc có một buổi cười rụng rún và chơi thả ga đã đời, cho tới khi Bang Văn Bủm đưa bọn trẻ xuống núi thì anh bị cảnh sát áp giải về đồn vì tội đánh thuốc mê tài xế và bắt cóc trẻ con. Trong quá trình cô luật sư tự kỷ Woo Young Woo điều tra về vụ án để bào chữa cho bị cáo, cô mới phát hiện một điều đáng ngạc nhiên là bọn trẻ ở đây đứa nào cũng học hành đầu tắt mặt tối từ sáng cho tới tận 11 giờ đêm. Chúng di chuyển liên tục từ trung tâm học thêm này đến trung tâm học thêm khác, nhiều khi ăn tối rất trễ khoảng 9, 10 giờ đêm mà toàn là ăn qua quýt món gì đấy ở cửa hàng tiện lợi, để rồi chạy ùa đi tiếp tới một trung tâm khác. Ngay ở trung tâm mà mẹ của anh chàng Bang Văn Bủm làm chủ, trung tâm nghiêm khắc tới nỗi trẻ nào muốn đi vệ sinh phải giơ tay xin phép, và ai xin đi vệ sinh 2 lần trong một buổi sẽ bị đánh giá là không nghiêm túc học hành.
Bản thân anh chàng Bang Văn Bủm từng tốt nghiệp Đại học Seoul, một ngôi trường danh giá bậc nhất ở Hàn Quốc. Mẹ của anh Bủm, bà chủ trung tâm dạy thêm rất tự hào khi phương pháp nuôi dạy con khắt khe của bà đã giúp ba đứa con trai bà đều đỗ đạt Đại học Seoul, và đó cũng là thông tin mà trung tâm của bà dùng để PR. Mặc dù câu chuyện về nhân vật Bang Văn Bủm chỉ mang tính chất hư cấu, khó có thực ngoài đời nhưng thực tế mà bộ phim phản ánh về những đứa trẻ phải vùi đầu học ngày học đêm tới đánh mất tuổi thơ ở một quốc gia như Hàn Quốc là chuyện không mấy xa lạ gì.

Nhân vật Bang Văn Bủm giống như Peter Pan, chàng trai không chịu lớn và bản thân anh từng bị người mẹ cướp mất tuổi thơ. Cho nên khi lớn lên và tự lập, anh bắt đầu nổi loạn và tự phong mình là Tổng tư lệnh Quân giải phóng Nhi đồng với sứ mệnh lớn nhất là giải phóng tuổi thơ cho các em, và anh thực hiện phi vụ đầu tiên ở chính trung tâm của mẹ mình. Trong phiên tòa cuối cùng, khi đứng trước quan tòa và bồi thẩm đoàn cùng nhiều bậc phụ huynh tham dự, anh chàng Bang Văn Bủm đã có những lời chia sẻ rất thấm thía:
“Tôi muốn nói vài lời với những ông bố bà mẹ đang nuôi dạy con. Các em nhỏ phải được chơi ngay bây giờ. Để sau này là quá muộn rồi. Đợi sau khi vào đại học, sau khi tìm việc, sau khi kết hôn là quá muộn. Chơi ném bi, đuổi bắt, đóng cọc, nhảy dây – đợi sau này thì quá muộn. Quá muộn để tìm ra con đường duy nhất đến với hạnh phúc trong cuộc sống đầy âu lo. Một, trẻ em phải được nô đùa ngay và luôn! Hai, trẻ em phải được khỏe mạnh ngay và luôn! Ba, trẻ em phải được hạnh phúc ngay và luôn!”
Kết thúc tập phim, câu chuyện về nhân vật Bang Văn Bủm cứ làm mình suy nghĩ mãi, về những đứa trẻ được nuôi dạy bởi những “cha mẹ hổ” và không có tuổi thơ được tự do chơi đùa. Giống như mình và một số độc giả ở đây, khi trưởng thành, đi làm hay lập gia đình, đôi khi mệt mỏi với những áp lực hay trách nhiệm của cuộc sống, chúng ta đều có thể tìm tới bóng mát hay cảng chắn gió tuổi thơ để nương náu. Vậy còn những đứa trẻ không có tuổi thơ thì sao? Chúng sẽ nhớ gì về một tuổi thơ phải nhồi nhét học hành, những ngày tháng chạy từ trung tâm này tới trung tâm khác, chạy đua theo thành tích để thỏa lòng cha mẹ? Khi đó tuổi thơ là hố sâu thăm thẳm và là ký ức chẳng mấy tốt đẹp để chúng hoài niệm.
Mình có đứa cháu năm nay mới lên lớp 5, hỏi mẹ nó hè này có cho nó đi học thêm gì không. Chị bảo không, chị quyết định sẽ cho nó nghỉ ngơi mấy tháng hè đúng nghĩa, chỉ có ở nhà hay đi chơi mà thôi, không học hành gì cả, mới lớp 5 mà học gì cho lắm thế. Mình ủng hộ quyết định của chị, và hi vọng sau này đứa cháu mình lớn lên sẽ nhớ về những ngày tháng mà nó trải qua một tuổi thơ thoải mái chơi đùa như bây giờ.
“Hãy cho tôi một lần trở về tuổi thơ
Với ước mơ bay theo cánh diều cao trong gió
Hát nghêu ngao vang trên đường về, cùng bạn bè khi tan lớp
Cứ mãi lang thang trễ giờ cơm, sợ mẹ đánh đòn
Hãy cho tôi một lần trở về tuổi thơ
Bắt chú ve non đêm về chờ nghe ve hát
Sống không âu lo không hận thù, chẳng sợ ngày mai tới
Hãy cho tôi, cho tôi trở về.”
(Cho tôi trở về tuổi thơ – Hoàng Bách)
2 bình luận
a ơi cho e xin phép đăng lại bài của a được ko ạ. Bài viết quá hay lun, làm em nơm nớm nước mắt suýt khóc
Được em nhé. Khi đăng em dẫn nguồn là được nhé.