
Giữa tháng 5 năm ngoái, cộng đồng người hâm mộ truyện tranh háo hức trước tin tức Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ xuất bản trở lại bộ truyện tranh huyền thoại Nữ hoàng Ai Cập với tên mới Dấu ấn hoàng gia. Đây là bộ truyện tranh gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x, 9x, từng được xuất bản lần đầu ở Việt Nam vào thập niên 1990-2000. Ngay trong đêm NXB Kim Đồng công bố bìa, họa sĩ thiết kế bìa sách cũng đăng tải bìa mấy tập đầu trên Facebook cá nhân và làm bùng nổ drama chấn động cả làng truyện tranh.
Nội dung chỉ dành cho Bạn đồng hành
Tìm hiểu chương trình Bạn đồng hành:
Hoặc đăng nhập để đọc bài viết (nếu bạn đã có tài khoản)
Sở dĩ drama nổ ra là vì họa sĩ N. đã đăng tải hình ảnh thiết kế bìa kèm theo caption đầy khiếm nhã về nhân vật nữ chính Carol của bộ truyện. Anh đùa cợt rằng Carol không chung thủy với Menfuisu, có mối quan hệ ngoài luồng với nhiều người và dùng một số lời lẽ khá dung tục cho các nhân vật trong truyện. Chưa hết, anh còn giải thích lý do làm màu bìa đậm vì sợ fan của bộ truyện lớn tuổi rồi nên mắt mũi kèm nhèm không thấy rõ.

Chỉ với vài tấm hình bìa và mấy lời caption đùa vui quá trớn như vậy, hàng chục ngàn fan của bộ truyện đông như quân Nguyên lần lượt kéo vào Facebook cá nhân của anh thả phẫn nộ và bình luận tấn công tới tấp. Các bình luận đều cho rằng anh là họa sĩ vẽ bìa nhưng lại không tôn trọng nhân vật, bộ truyện và tác giả, cũng như độc giả. Trước làn sóng chỉ trích ồ ạt, tới 8 giờ sáng hôm sau, N. đã công khai đăng bài xin lỗi fan và tác giả bộ truyện về sự việc và xin phép xóa bài đã đăng.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của anh không được cộng đồng chấp nhận và các fan ra tối hậu thư yêu cầu NXB Kim Đồng phải đổi họa sĩ thiết kế bìa, nếu không thì sẽ tẩy chay bộ truyện. Kết cục là, NXB Kim Đồng phải ra thông báo chính thức dừng hợp tác với họa sĩ N. và không sử dụng thiết kế bìa do anh thực hiện, đồng thời NXB sẽ tiến hành thiết kế bìa mới và lùi lại ngày phát hành bộ truyện. Cách xử lý quyết liệt và rốt ráo của NXB Kim Đồng đã kịp thời dập tắt cơn phẫn nộ của fan. Sau sự cố, Facebook của họa sĩ N. cũng im hơi lặng tiếng trong suốt hơn nửa năm trời.

Mình có biết và theo dõi Facebook của họa sĩ N. từ thời anh nổi lên với trend “Hoy đi nha” năm 2014. Anh vốn là dân học Báo chí & Truyền thông, đến khi ra trường lại thử ứng tuyển vào vị trí chuyên viên thiết kế bìa sách và gắn bó với công việc này cho đến hiện tại. Trong giới họa sĩ thiết kế bìa, anh cũng là một nhân vật có tiếng tăm, là họa sĩ của hơn 700 bìa sách, từng làm bìa cho nhiều cuốn sách của các tác giả nổi tiếng, góp mặt trong các dự án lớn của Nhã Nam, cũng như thiết kế bìa cho các bộ truyện đình đám như Yu-Gi-Oh!, Hikaru – Kỳ thủ cờ vây, Nhóc Maruko của NXB Kim Đồng.
Không chỉ là một họa sĩ thiết kế bìa, anh còn là một content creator có hơn 100.000 người theo dõi, chuyên đăng tải các ảnh meme và nội dung hài hước mà mỗi bài viết có tới hàng ngàn lượt thích. Đối với fan của bộ truyện Nữ hoàng Ai Cập, có thể đây là lần đầu các bạn ấy biết tới họa sĩ N. nên khi đọc những caption anh viết về bộ truyện thì khó tránh khỏi sự phẫn nộ vì thấy nhân vật mình yêu thích bị đem ra đùa cợt khiếm nhã. Nhưng với những người đã theo dõi Facebook N. từ những ngày đầu, mình hoàn toàn hiểu được kiểu đùa của anh. Nó vẫn là kiểu đùa đặc trưng như thường lệ, nhưng xui rủi cho anh là lần này anh đùa sai chỗ.
Ở bề nổi, mọi người đều nhìn nhận sự việc này là “họa từ miệng mà ra”. Đa số đều chú ý tới những caption đùa cợt mà anh viết về các nhân vật trong bộ truyện và lấy đó làm tâm điểm chỉ trích. Cá nhân mình tiệm cận case study này ở một góc độ khác – bài post chính của anh, chứ không phải caption của những bức hình kèm theo. Rất tiếc là bài viết gốc đã bị xóa chỉ trong một đêm nên mình cũng không kịp lưu lại, mà chỉ nhớ đại ý nội dung chính là anh nói rằng ban đầu khi NXB kêu làm bìa thì anh đã từ chối rồi. Lý do là vì anh đọc truyện suốt từ hồi cấp 1 tới giờ nên chán không có muốn nhận. Phía NXB cũng nằn nì năn nỉ anh mãi thì anh mới nhận làm.
Chúng ta có thể suy ngẫm điều gì từ thái độ này? Ở góc độ của một người làm nghề xuất bản như mình, đó là thái độ có phần kẻ cả, bề trên của một freelancer. Bất kỳ họa sĩ nào có cơ hội được cộng tác với một NXB lớn nhất nhì Việt Nam và được làm bìa cho một tác phẩm nổi tiếng như thế thì mừng còn không hết, chứ không nên tỏ thái độ kén cá chọn canh như vậy. Dẫu những lời anh viết mang tính chất tự giễu và bông đùa, nhưng qua đó phần nào cho thấy thái độ tự mãn của anh theo kiểu NXB phải thỉnh mời anh về làm bìa, chứ ta đây chẳng có nhu cầu.
Trước một cơ hội lớn trong sự nghiệp, nếu một người không biết kính nghiệp và trân quý cơ hội mình có được để đóng góp tài nghệ, năng lực của bản thân cho sự phát triển của ngành nghề thì không những bị mất lộc của Tổ nghề mà còn bị Tổ trát – bị mang tiếng và thân bại danh liệt vì thái độ thiếu kính nghiệp. Ở đời, dù cho bạn giỏi giang ra sao và nổi tiếng đến mức nào thì cũng đừng quá tự mãn về bản thân rằng người ta phải cần tới mình hoặc cầu cạnh mình làm. Hãy nhớ quy luật “không có mợ chợ vẫn đông“. Bạn không làm thì có cả khối người khác chờ làm.

Khi họa sĩ N. bị dừng hợp tác, một họa sĩ khác được thay thế và phiên bản bìa được thiết kế mới lại thậm chí còn nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ cộng đồng fan và thiết kế cũ bị đem ra so sánh không thương tiếc. Câu chuyện này có lẽ là bài học xương máu cho họa sĩ N. trên con đường làm nghề của anh, cũng là một sự kiện chấn động đời người làm thay đổi phần nào tâm tánh anh. Từ thời điểm xảy ra drama đó cho đến nay, Facebook của anh không còn dám đăng tải post nào đùa cợt giống như trước nữa.
Đây cũng là một bài học hay về thái độ kính nghiệp để chúng ta tham khảo. Đừng bao giờ đem công việc ra đùa giỡn, coi nhẹ hay xem thường, trong khi chính nó đem lại cho chúng ta kế sinh nhai để nuôi sống bản thân. Cũng đừng bước vào bất kỳ công việc nào với một thái độ hời hợt, làm cho có, mà hãy trân trọng bất kỳ cơ hội làm nghề nào đến với mình. Một khi bạn biết tận lòng tận sức cho sự phát triển của ngành nghề, lúc đó mới được Tổ nghề để mắt đến để hưởng ân phước khi được Tổ đãi trong sự nghiệp.