
Những ngày cuối năm giáp Tết Quý Mão 2023, trên mạng chợt lan truyền một tin chấn động: hai nữ sinh của Đại học Huflit (TP.HCM) đang học quân sự ở Trường Quân sự Quân khu 7 bị 12 dân quân trong trường hiếp dâm, một em phẫn uất tới mức nhảy lầu tự tử và chết ngay tại chỗ, một em cũng nhảy theo thì bị liệt. Tin tức lan truyền từ tối ngày 11/1, bắt nguồn từ một post ẩn danh trên fanpage UEH Confessions, kèm theo đó là 2 đoạn clip rất sống động – một clip có tiếng la hét thất thanh của người nữ và giọng nói đầy lo sợ của em nữ quay clip lại từ xa, một clip là cảnh một nhóm người đang khiêng một chiếc cán vào bên trong.
Chỉ trong vòng một buổi tối, tin tức lan truyền khắp nơi trên mạng xã hội, từ Facebook, YouTube qua Twitter, TikTok và làm dấy động sự phẫn nộ của dư luận. Kéo theo 2 đoạn clip đó là nhiều đường link khác chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn của một số sinh viên đang học quân sự tại trường kể lại những gì họ nghe thấy về vụ việc. Một ngày sau, lần lượt các post đăng tải về vụ việc này trên Facebook bị gỡ xuống một cách bí ẩn, khiến cho dư luận càng trở nên phẫn nộ hơn và nhiều người cho là Đại học Huflit với Trường Quân sự Quân khu 7 đang phối hợp với nhau để “tẩy trắng”.
Trên Facebook của mình, có rất nhiều bạn bè chia sẻ thông tin về sự kiện này kèm theo cảm xúc hết sức bất bình và giận dữ, trong đó có không ít bạn đồng môn là cựu sinh viên khoa Báo chí. Đến khi hai đơn vị trên tổ chức họp báo, với sự tham gia của hai em nữ sinh quay clip lại và công bố rằng đây chỉ là tin đồn thất thiệt, một lần nữa dư luận vẫn còn hết sức ngờ vực trước sự thật này và nhiều người vẫn chưa thể chấp nhận được rằng đây là tin giả. Vì sao lại như vậy?

Nguyên lý một nửa sự thật
Hồi mình còn là sinh viên theo học khoa Báo chí của ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, có một nguyên lý mà bọn mình được các thầy cô dạy đi dạy lại trong rất nhiều bộ môn chuyên ngành, bắt nguồn từ một ngạn ngữ phương Tây: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là ổ bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Đối với sinh viên Báo chí, bài học rút ra từ nguyên lý này là khi đi lấy tin hay điều tra, phóng viên cần phải tìm hiểu và xác minh sự thật từ nhiều nguồn tin khác nhau, phải kiểm tra độ tin cậy của nguồn tin cũng như kiểm chứng độ xác thực của thông tin mình thu thập.
Ví dụ như nếu có một vụ tai nạn xe cộ nghiêm trọng xảy ra trên đường, phóng viên không thể chỉ phỏng vấn một người chứng kiến vụ tai nạn rồi tin tưởng lời họ 100% mà tường thuật lên báo y chang như vậy. Họ phải phỏng vấn nhiều người chứng kiến vụ tai nạn đó và kết hợp xem camera ghi nhận lại vụ việc thì mới có góc nhìn chính xác về toàn cảnh sự việc. Quá trình phỏng vấn chéo nhiều nguồn tin sẽ giúp phóng viên nắm được thông tin nào là đúng với thực tế nhất, bởi có nhiều người mô tả cùng một thông tin. Và việc xem lại camera trước nhà dân hay camera giao thông cũng sẽ giúp phóng viên trích xuất được hình ảnh và thời gian chính xác diễn ra vụ tai nạn. Đó là những nghiệp vụ cần thiết mà một phóng viên cần phải làm khi điều tra và lấy tin.
Tuy nhiên trong thực tế, không phải ai cũng được đào tạo mindset này giống như sinh viên Báo chí, mà con người ta rất dễ tin vào những điều tai nghe mắt thấy – dù cho thứ họ nghe hay thấy chỉ là một nửa sự thật. Như trong tin đồn về hai em nữ sinh bị xâm hại, có khá nhiều bằng chứng sống động thuyết phục người ta tin đó là sự thật: post ẩn danh trên page confession của trường (vốn là nơi để đăng những ý kiến hay bức xúc mà sinh viên không dám công khai đăng trên Facebook cá nhân), 2 đoạn clip với hình ảnh và âm thanh sống động về tiếng la thất thanh của một em nữ trong đêm tối (trong đó có một giọng nam la lớn: “Im lặng! Banh chân ra!”), nhiều ảnh chụp màn hình các đoạn chat trao đổi về vụ việc.

Vì sao một nửa sự thật không phải là sự thật? Mình giả dụ một tình huống trong một bộ phim mình từng xem, nhân vật nữ chính bị một người dùng dao đâm ngay tại nhà cô ấy rồi hắn ta tẩu thoát ra ngoài, một người bạn của nữ chính vô tình đến nhà ngay lúc đó vì có hẹn trước và chứng kiến cảnh nữ chính ngã gục trên vũng máu. Người bạn chạy đến ôm nữ chính và cầm con dao trên tay, đúng lúc đó thì người nhà của nữ chính cũng ập vào và tình ngay lý gian. Khi giám định pháp y thì dấu vân tay trên con dao là của người bạn, nữ chính thì hôn mê chưa tỉnh lại và trong nhà không có camera, cho nên người bạn bị tình nghi là hung thủ giết người. Điều mà người nhà của nữ chính chứng kiến chỉ là một nửa sự thật về vụ việc, nhưng trong cơn hoảng sợ và tức giận vì người nhà mình bị hại, họ có thể xem đó là toàn bộ sự thật và cho rằng người bạn kia chính là hung thủ.
Trở lại vụ việc hai nữ sinh bị xâm hại, chúng ta – cư dân mạng – cũng chỉ như người nhà của nhân vật nữ chính kể trên. Chúng ta chỉ thấy được cái trước mắt và một góc độ nhỏ của sự việc, không phải toàn cảnh về sự việc, bởi lẽ không có bài viết hay đoạn clip nào của em nữ sinh còn lại lên tiếng, không có đoạn clip nào quay được cảnh có mặt 12 dân quân kia, không có đoạn clip nào quay được cảnh có người nhảy lầu hay cảnh dọn xác hay khiêng xác, không có đoạn clip nào của người nhà em nữ sinh đã tự vẫn bức xúc đòi lại công bằng. Tất cả mọi thông tin chỉ gói gọn trong 2 đoạn clip khá mơ hồ và không rõ thực hư, cùng những thông tin hoàn toàn ẩn danh lan truyền trên mạng. Vậy bạn lấy cơ sở gì để tin đó là toàn bộ sự thật?

Giải mã hiệu ứng tâm lý của đám đông
Khi chứng kiến vụ việc này, điều khiến mình bất ngờ nhất là phản ứng căm phẫn dữ dội của dư luận trước một tin tức mà mọi người còn chưa-thể-kiểm-chứng-được-thực-hư. Nhà nhà người người chia sẻ hàng loạt thuyết âm mưu và lời kêu gọi hành động đấu tranh đòi lại công lý và công bằng cho hai em nữ sinh mà họ còn chưa biết rõ danh tính. Điều gì khiến đám đông phẫn nộ đến như vậy? Theo mình, có 3 nguyên nhân chính giải mã câu hỏi này.
Thứ nhất, con người chúng ta thường có thiên kiến tiêu cực (negativity bias). Thiên kiến tiêu cực là xu hướng chúng ta chú ý và ghi nhớ các thông tin tiêu cực nhiều hơn tích cực, ví như chúng ta thích nhìn vào điểm đen trên tờ giấy trắng hơn là toàn bộ mảng trắng còn lại. Đối với những thông tin được lan truyền trên mạng, chúng ta dễ phản ứng mạnh mẽ với những sự kiện tiêu cực, gây phẫn nộ và cảm thấy kích thích, bị thu hút sự chú ý bởi những tin tức như vậy nhiều hơn là các tin vui vẻ, lạc quan. Trong cuộc sống bình phàm, hầu như ai cũng thích hóng drama của nhà hàng xóm, đồng nghiệp trên công ty hay của người nổi tiếng, huống hồ những tin tức ở cấp độ quốc dân như vụ việc này thì càng thu hút được sự chú ý của toàn bộ dư luận.
Thứ hai, nhiều người trong chúng ta không có thiện cảm tốt với hình ảnh quân đội, sau một số vụ việc về những cái chết bất thường của những em đi nghĩa vụ quân sự hay những vụ việc bị chìm vào im lặng. Khi đọc những bình luận ở các post liên quan đến vụ việc, mình thấy khá nhiều comment của những bạn từng học quân sự chia sẻ những trải nghiệm tiêu cực trong quá trình học, ví dụ như bị lính hay dân quân rình rập lúc nữ sinh đi tắm hay đi vệ sinh. Chưa kể, thay vì đối mặt với dư luận ngay từ ban đầu để giải đáp thông tin cho rõ ràng, có một thế lực nào đó âm thầm xóa hết các bài viết liên quan trên các fanpage lớn nhỏ và mặt báo, cách kiểm soát dư luận kiểu này cũng khiến cho mọi người càng bất bình hơn.
Thứ ba, một số bạn nữ từng trải qua cảnh bị quấy rối hay xâm hại tình dục, có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng, cảm thấy đồng cảm sâu sắc với hai em nữ sinh trong vụ việc và lên tiếng bất bình thay cho nạn nhân. Sự việc hai em nữ sinh này bị xâm hại như một yếu tố kích hoạt (trigger) trải nghiệm đen tối trong quá khứ, làm dấy lên cảm xúc phẫn nộ vốn luôn thường trực và âm ỉ bên trong những bạn từng là nạn nhân của xâm hại tình dục. Từ đó, các bạn dễ đồng hóa cảm xúc của mình với cảm xúc của đương sự và sẽ muốn giải phóng nguồn năng lượng chưa được xử lý và cảm xúc tiêu cực bên trong mình ra. Có thể trước đây khi rơi vào hoàn cảnh đó, các bạn từng im lặng chịu trận hoặc không thể phản kháng cũng như không có ai đứng ra giúp các bạn, thì bây giờ các bạn muốn góp lên một tiếng nói để bảo vệ những người yếu thế giống như mình trước đây.

Khi nhìn nhận vụ việc bằng thiên kiến tiêu cực, ác cảm và cảm xúc tiêu cực, chúng ta dễ bị “che mắt” trước nhiều điểm bất hợp lý khác:
- Vì sao 12 anh lính hiếp dâm 2 nữ sinh vào ban đêm, ngay trong trường, mà có thể quát lớn tiếng tới mức cả trường đều nghe? Có ai làm chuyện xấu mà dạn dĩ dữ vậy không?
- Con số 12 anh lính từ đâu mà ra, ai chứng kiến và đếm lại đủ 12 người? Nếu sự việc có thực như mô tả là một thầy giáo trong trường chứng kiến và giải thoát cho hai em nữ sinh, tức ngay lúc đó chỉ có các đương sự liên quan thì lấy đâu ra nhân chứng đếm đúng số người đó, trong khi hai em quay clip đứng cách đó một tòa nhà? Và ngay cả hai em nạn nhân bị xâm hại, liệu các em có đủ tỉnh táo đến mức đếm đủ mình bị bao nhiêu người xâm hại để sau đó kể lại cho người khác không?
- Vụ việc chỉ mới xảy ra trong vòng vài ngày, vì sao không thấy người nhà nạn nhân lên tiếng bức xúc? Có thể bố mẹ em bị “bịt miệng”, nhưng còn người nhà và cả dòng họ nhà em, ai kiểm soát được hết chuyện thông tin không bị rò rỉ ra ngoài?
Với thiên kiến tiêu cực, não trạng chúng ta liên tục tìm kiếm những thông tin tiêu cực xác nhận cho điều chúng ta muốn tin và càng tìm kiếm, chúng ta lại càng củng cố cho niềm tin đó. Đồng thời, chúng ta phớt lờ và bỏ qua những điểm bất hợp lý khác phủ nhận niềm tin của chúng ta. Sau cùng, kết quả điều tra vụ việc chỉ đơn giản là một em sinh viên bị mất tiền trong lớp quân sự vào tối ngày 10/1 và các bạn đổ lỗi cho một nữ sinh, khiến cho em ấy bức xúc xô cửa ra ngoài và la hét khóc lóc. Trong lúc này, một nữ sinh khác đang gác trường ở tòa nhà đối diện đã quay clip lại và hỏi bạn gác cùng là “Hình như bị hiếp dâm hả?”, sau đó em có chia sẻ clip cho vài người bạn khác và clip nhanh chóng được phát tán lên mạng.

Câu chuyện bên lề
Sau cuộc họp báo, đến hôm nay 14/1, Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ việc phát tán clip sai sự thật kể trên. Dù trên mạng có lan truyền một bài viết vạch trần đối tượng phát tán clip là từ Facebook của một thanh niên phản động đã bị bắt vào năm 2021 (tài khoản bị nghi do đồng bọn của người này sử dụng), nhưng thông tin này đến từ một trang tin không chính thống nên không có cơ sở để mình tin tưởng. Tuy nhiên, yếu tố có thế lực phản động nào đó muốn kích động dư luận cũng là điều đáng suy ngẫm.
Bởi lẽ trong bất kỳ hoạt động tạo làn sóng dư luận có chủ ý nào cũng tồn tại một động cơ ẩn tàng sau đó, mà chúng ta phải đặt vấn đề: Mục đích sau cùng của thế lực đó là gì? Như trong trường hợp này, có hai hệ quả mà một người vốn không mấy quan tâm nhiều đến chính trị như mình cũng thấy được rõ ràng. Một là dư luận mất cảm tình với hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam, hai là rất nhiều người đề xuất bỏ luôn việc học quốc phòng – trong khi đây vốn dĩ là một vấn đề cấp thiết của bất kỳ quốc gia nào. Bạn cứ thử tưởng tượng, một quốc gia với lực lượng nòng cốt là thanh thiếu niên mà lại thiếu đi những kỹ năng quân sự cơ bản, quốc gia đó sẽ sống sót như thế nào nếu chiến sự xảy ra? Và sau rốt, ai sẽ là người được lợi nếu Việt Nam bỏ đi chế độ giáo dục quốc phòng?
Khép lại sự việc chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 ngày trước Tết, có thể thấy một điều là nhiều người trong chúng ta chưa được trang bị đủ kiến thức để phòng ngừa tin giả (fake news) và tỉnh táo trước những thông tin dẫn dắt dư luận trên mạng. Điều khiến mình bất ngờ không kém là một người bạn của mình, cựu sinh viên khoa Báo chí, còn cực lực phản đối chuyện đây là tin giả và cho rằng dư luận đang bị bên phía quân đội thao túng – khi chỉ dựa trên những mẩu thông tin chắp vá trên mạng ghép lại. Một nửa sự thật thì không phải là sự thật, và đấu tranh cho một điều gì đó chỉ dựa trên một nửa sự thật là một cuộc đấu tranh lãng phí nguồn lực vô ích. Mong rằng với nguyên lý này, quý độc giả sẽ trang bị thêm cho mình một mindset mới để tỉnh táo hơn khi tiếp nhận mọi thông tin.