Ảnh: Today Show

Trong cuốn sách The Child Code (tạm dịch: Mật mã con cái) mình biên tập gần đây, có một trường hợp rất thú vị về cặp sinh đôi bị tách rời sau khi sinh, mỗi người được nhận nuôi bởi một gia đình khác nhau. Họ không hề quen biết nhau cho đến khi được đoàn tụ trong một phòng nghiên cứu sau gần 40 năm.

Jim Lewis và Jim Springer gặp nhau ở tuổi 39. Họ lái cùng một loại xe và đi nghỉ ở cùng một bãi biển ở Florida. Cả hai đều hút thuốc lá Salem. Cả hai đều thích cắn móng tay. Cả hai đều đã kết hôn với người phụ nữ tên Betty, và đã từng ly hôn với người phụ nữ tên Linda. Một người có con trai tên là James Alan; người còn lại có con trai tên James Allan. Cả hai đều có chú chó cưng tên Toy. Họ đều dở chính tả và giỏi toán, đều làm nghề mộc và đã học một vài khóa đào tạo về ngành Luật. Hai người đều cao 1,82m và nặng 81kg.
(Bản dịch của Saigon Books)

Chắc hẳn có đôi lần chúng ta tự hỏi chính mình: Liệu có một tôi khác trên thế giới giống hệt tôi? Ở cấp độ thông thường, “một tôi khác” ấy có thể không phải là người có ngoại hình giống bạn như hai giọt nước, mà là một người có tính cách, sở thích và quan điểm giống như bạn, cứ như thể một phiên bản của chính bạn trong hình hài khác. Nhưng ở cấp độ lạ thường, “một tôi khác” ấy giống như trường hợp cặp sinh đôi kể trên, hoàn toàn giống nhau như hai giọt nước không chỉ về ngoại hình mà còn về cả tính cách và lối sống. Đây cũng trường hợp cực kỳ hiếm hoi trong nghiên cứu về hàng trăm cặp sinh đôi bị tách rời sau khi sinh.

Và ở cấp độ đa vũ trụ, “một tôi khác” ấy chính là bạn nhưng tồn tại trong một thế giới song song, ở một vũ trụ nào đó trong đa vũ trụ (multiverse). Như ba phiên bản Spiderman khác nhau trong phim Spiderman: No Way Home, hay nhiều phiên bản của Doctor Strange trong phim Doctor Strange In The Multiverse Of Madness mới ra rạp gần đây. Trong thế giới đa vũ trụ ấy, bạn sống trong một thực tại khác với thực tại bạn đang sống trên Trái Đất này, quen biết với ngần ấy người giống nhau nhưng bản chất của mối quan hệ ấy thì lại khác nhau. Chẳng hạn như ở Earth-616 (vũ trụ chính của dòng thời gian trong vũ trụ điện ảnh Marvel), phù thủy Karl Mordo là kẻ thù của Doctor Strange nhưng ở Earth-838 thì cả hai lại là chiến hữu cùng hội cùng thuyền.

Những ai từ bé đã đọc qua bộ truyện Đôrêmon chắc hẳn đều đã biết tới lý thuyết về thế giới song song hay thế giới gương, một cách diễn tả khác về đa vũ trụ từ cách đây hơn 50 năm của bộ đôi tác giả Fujiko F. Fujio. Bộ Đôrêmon truyện dài thể hiện rất xuất sắc về thế giới đa vũ trụ này, khi ở mỗi tập truyện dài bộ ngũ Đôrêmon, Nôbita, Xuka, Xêkô, Chaien du hành đến một thế giới khác thì ở đó sẽ có một số nhân vật khác giống hệt các thành viên trong nhóm về tính cách lẫn ngoại hình, ngoại trừ trang phục hay kiểu tóc được vẽ khác biệt thấy rõ để độc giả không bị lẫn lộn hai nhóm này. Khi có thời gian, mình sẽ có một bài phân tích sâu hơn về đa vũ trụ trong bộ truyện Đôrêmon qua series Luận giải Doraemon.

Trong bộ phim Doctor Strange In The Multiverse Of Madness, Doctor Strange đến tìm phù thủy Wanda để nhờ giúp đỡ bảo vệ America, một cô bé có năng lực đặc biệt là có thể xuyên không đến bất kỳ vũ trụ nào nhưng lại không kiểm soát được năng lực của mình. Chính vì khả năng đặc biệt này mà America bị một số quái vật truy lùng hòng chiếm đoạt được năng lực ấy với dã tâm làm bá chủ đa vũ trụ. Khi ấy, Wanda mới hỏi Doctor Strange: “Nếu trong một vũ trụ khác, anh có một cuộc sống hạnh phúc hơn, liệu anh có muốn đến đó?”.

Phù thủy Wanda

Mình vốn không phải fan nhà Marvel nên chưa xem hầu hết các bộ phim trước của Marvel để có thể liên kết được mối quan hệ giữa các nhân vật, do vậy mình không rõ quá khứ của phù thủy Wanda như thế nào. Nhưng ở trong thực tại của bộ phim này, cuộc sống của Wanda hiện tại chìm trong khổ ải vì thế giới phép thuật hạnh phúc mà cô tạo dựng nên đã tan biến hoàn toàn. Wanda luôn muốn tới vũ trụ Earth-838, nơi cô chỉ là một bà mẹ bình thường sống một cuộc đời hạnh phúc bình dị bên cạnh hai đứa con trai nhỏ của mình.

Trước câu hỏi của Wanda đặt ra, Doctor Strange hỏi lại cô một câu mang tính phản biện: “Nếu cô đến đó, vậy thì phiên bản hạnh phúc của cô sẽ ra sao?”. Bởi lẽ trong một thực tại sẽ không thể tồn tại được hai phiên bản của cùng một người, hay nói cách khác, nếu Wanda-đau-khổ muốn được hạnh phúc thì cô phải giết chết phiên bản Wanda-hạnh-phúc của chính mình để được sống cuộc đời hạnh phúc đó. Thế nhưng hệ lụy của việc di chuyển đến một vũ trụ khác và can thiệp vào thực tại nơi đó là gây ra hiện tượng xâm lấn và làm đảo lộn đa vũ trụ.

Nan đề giữa Wanda và Doctor Strange đặt ra là điều khiến mình suy ngẫm khá nhiều khi xem bộ phim này. Nếu ở thực tại bạn là người có cuộc sống không mỹ mãn, như một sự nghiệp không mấy thành công, một cuộc sống nhiều bi thương và đau khổ, một gia đình không mấy hạnh phúc,… liệu bạn có từng nghĩ đến một phiên bản hạnh phúc hơn của chính mình ở một thế giới song song khác, nơi bạn thật sự có được những gì bạn muốn?

Trong ngôn ngữ điện ảnh, mình cho rằng vẫn có những giới hạn nhất định trong việc vẽ nên một thế giới có phần còn đơn giản và rạch ròi quá mức, như cuộc giữa thiện và ác, chánh và tà, hay cuộc sống đau khổ thì tương phản với cuộc sống hạnh phúc. Đời thực có khi phức tạp tầng tầng lớp lớp hơn thế nhiều, mà trong sự hạn hữu của thời lượng và ngôn ngữ hình ảnh, rất khó để diễn tả được sự phức tạp này, nếu có phải là một bộ phim truyền hình dài tập nhiều mùa mới đủ không gian để nói hết. Chẳng hạn như Wanda đau khổ ở thế giới hiện tại chỉ nhìn thấy mặt hạnh phúc của Wanda hạnh phúc ở thế giới song song, chứ không nhìn ra được những góc khuất khác trong đời sống của Wanda ở thế giới đó. Giống như hội chứng mảnh trần bị mất, đa phần chúng ta chỉ nhìn vào phần khuyết thiếu của mình mà người khác đang sở hữu, chứ không nhìn thấy được người khác cũng có những phần khuyết thiếu của riêng họ. Không có cuộc đời nào là hoàn hảo vẹn toàn.

Nếu chúng ta không có tiền, phải lăn lộn cả đời để kiếm tiền mưu sinh, khi nhìn vào đời sống của người giàu có sang chảnh, ta chỉ thấy được niềm vui khi có được nhiều tiền và ước ao được sống đời như họ. Nhưng thử thay đổi góc nhìn từ cuộc sống của một người giàu có, sự khuyết thiếu trong đời sống của họ đôi khi là tình cảm gia đình, là những niềm vui nhỏ nhặt bình dị mà họ đã đánh mất từ lâu, nên sống trong núi tiền chưa chắc nhiều người đã cảm thấy hạnh phúc. Ở góc độ của người trong cuộc, Wanda đau khổ chỉ thấy cuộc sống giống như Wanda có hai đứa con trai là hạnh phúc. Nhưng ở góc độ khán giả như mình, khách quan mà nói thì mình thấy cuộc sống của một bà mẹ đơn thân có hai con sẽ có nhiều khổ cực chứ chẳng mấy dễ dàng, dẫu cho bà mẹ ấy là một phù thủy quyền năng.

Khi ngôi đền Kamar-Taj đang được tu sửa lại sau trận chiến khốc liệt, Doctor Strange mới hỏi phù thủy tối thượng Wong: “Tôi muốn hỏi anh một câu: Anh có hạnh phúc không?”. Phù thủy Wong thừa nhận rằng đôi lúc anh cũng tự hỏi liệu những phiên bản khác của mình có đang sống hạnh phúc hơn anh ở hiện tại không, nhưng anh cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại mà mình được ban tặng, cho dù nó có những phiền não nhất định.

Thông điệp này của bộ phim với mình rất sâu sắc và ý nghĩa. Dẫu có một tôi khác hạnh phúc hơn tôi ở thế giới này hay ở một vũ trụ khác, ta vẫn có thể lựa chọn hài lòng với những gì mình đang có – thay vì đau buồn vì những gì mình chưa có hay sẽ không bao giờ có, và tập sống bình thản ngay trong những phiền não quấy rầy ta mỗi ngày.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải