Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao mỗi khi cảm thấy cuộc sống ở đô thị ngột ngạt, chúng ta lại có xu hướng thích đi du lịch ở vùng biển hay lên vùng rừng núi nhiều cây xanh và thác nước, sông hồ? Không ít người sau nhiều năm sinh sống ở các thành phố lớn lại lựa chọn bỏ phố về quê để trở về sống hòa hợp với thiên nhiên. Như gần đây có bộ phim Đi đến nơi có gió do Lưu Diệc Phi thủ vai chính, kể về cô nàng Hứa Hồng Đậu sau cái chết của người bạn thân đã quyết định nghỉ việc và rời bỏ thành phố để về một thôn trang nghỉ ngơi chữa lành cho bản thân. Ở những nơi có gió, có nước, có biển, có rừng rậm núi non thì có gì hấp dẫn mà biết bao người lại tìm đến mỗi khi họ có nhu cầu chữa lành?

Khoa học về hai loại điện tích
Thời phổ thông, chúng ta đã từng học qua kiến thức về điện tích trong môn Vật lý, nhưng chắc rằng không nhiều người còn nhớ vì chúng chỉ là những lý thuyết khô khan trên sách vở mà thiếu đi tính thực tiễn trong đời sống. Mọi vật đều được cấu tạo từ các nguyên tử, hay còn gọi là ion. Một ion có thể chấp nhận hoặc từ chối một điện tử để tạo thành ion dương hoặc âm. Nếu một ion nhận thêm một hoặc nhiều electron, nó được gọi là ion âm (hay điện tích âm). Nếu một ion mất đi một hoặc nhiều electron, nó được gọi là ion dương (hay điện tích dương). Hai loại ion này luôn tồn tại trong không khí và kết hợp với nhau để tạo ra trạng thái trung hòa. Tuy nhiên, nếu ion dương trong không khí quá nhiều thì sẽ gây ra một số tác động tiêu cực cho sức khỏe.
Ion dương là bụi, vi khuẩn, những chất có khả năng gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, ion âm có đặc tính oxy hóa mạnh, giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khu vực mà nó hoạt động, đồng thời trung hòa và vô hiệu hóa các ion dương có hại, thậm chí là khử cả mùi hôi trong không khí. Nói cách khác, ion âm chính là khắc chế của ion dương. Trong tự nhiên, ion âm thường được hình thành ở những nơi có dòng nước vận động liên tục, ví dụ như thác nước, sông suối hay biển, hay sau những cơn mưa dông lớn thì trong không khí có rất nhiều ion âm do tác dụng của trọng lực làm cho các phân tử nước bị phân ra. Ở những có một quần thể thực vật lớn như rừng rậm hay núi non, quá trình quang hợp của cây cối cũng hình thành hiệu ứng quang điện, ion hóa không khí và sản sinh ra nhiều ion âm.

Ion âm có tác dụng rất lớn trong việc chữa lành và trị liệu. Ở cơ thể người, chúng hoạt động dựa trên khả năng hấp thụ oxy, đẩy nhanh quá trình cung cấp oxy của máu đến các tế bào và mô. Khi người ta hít vào nhiều ion âm thì mức độ năng lượng trong cơ thể tăng lên. Đặc biệt, ion âm còn có hiệu quả thấy rõ đối với việc cải thiện tinh thần và nâng cao sức tập trung. Hãy xem qua hàm lượng ion dương và ion âm trong không khí (tính trên mét khối) sau đây:
- Không khí trong rừng rậm: 100.000 – 500.000 ion âm
- Không khí trên núi cao, bờ biển: 50.000 – 100.000 ion âm
- Không khí ở ngoại ô, cánh đồng: 5.000 – 10.000 ion âm
- Không khí sau khi mưa lớn: 800 ion dương, 2500 ion âm
- Không khí ở xưởng công nghiệp nhẹ: 400 ion dương, 250 ion âm
- Không khí trong văn phòng làm việc hoặc khu nhà ở tiêu chuẩn: 200 ion dương, 150 ion âm
- Không khí trong phòng làm việc (khi đóng cửa sổ): 80 ion dương, 20 ion âm
- Không khí trong tàu, xe, máy bay: 80 ion dương, 20 ion âm
Nhìn vào số liệu trên, chúng ta có thể thấy một điều rằng không khí ở thành phố hay các khu đô thị có hàm lượng ion dương nhiều hơn ion âm, trong khi không khí ở những vùng thiên nhiên thì hàm lượng ion âm cao vượt trội. Đó là lý do vì sao khi chúng ta lên rừng hay xuống biển, trở về với thiên nhiên thì lại có cảm giác sinh lực tràn trề (giờ cảm giác này của bạn đã được chứng minh bằng dữ liệu khoa học). Còn khi sống ở những nơi có hàm lượng ion dương cao mà ion âm thấp như các khu nhà ở đô thị, các tòa văn phòng làm việc một thời gian dài, chúng ta thường sẽ có cảm giác đau đầu, mất ngủ, căng thẳng hay suy nhược thần kinh. Điều này cũng lý giải vì sao khi đi tàu xe, ngồi trong không gian kín với điều hòa, bạn sẽ có cảm giác rất buồn ngủ và có thể ngủ liền tù tì suốt 7-8 tiếng đồng hồ, dù cho đó là ban ngày và giờ đó bình thường bạn vốn không ngủ.

Những con chim bị nhốt trong lồng
Hồi mình còn là sinh viên của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM vào đầu những năm 2010, trường mình nằm ngay sát cung đường Tôn Đức Thắng với hàng cây cổ thụ rợp bóng mát trải dài cả một góc đường. Mỗi lần chạy xe máy qua đây, dù trưa nắng cỡ nào thì dưới bóng cây con đường vẫn luôn mát rượi. Đến năm 2018, chính quyền thành phố quyết định chặt đi hàng cây này để thi công một công trình trọng điểm mới của thành phố, và có tới 258 cây xanh bị đốn hạ thời điểm đó. Trước ngày hàng cây này bị chặt đi, không ít người tới buộc những dây ruy băng vàng như khăn đưa tang để tiễn biệt những chứng nhân của lịch sử đã đứng đây hàng trăm năm.

Nếu bạn xem những hình ảnh của TP.HCM bây giờ và Sài Gòn thập niên 1920 qua ảnh phục chế màu, có thể bạn sẽ khá sốc trước tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dữ dội của một thành phố chỉ trong vòng 100 năm. Từ những cung đường rợp bóng cây xanh mà nhìn trên cao chỉ toàn thấy cây chứ không thấy nhà, giờ đây cả thành phố toàn những nóc nhà san sát nhau như những chiếc hộp, hầu như không thấy bóng dáng một mảng xanh nào (ngoại trừ vài cung đường lớn và những khu công viên hiếm hoi). Sau một thời gian đốn hạ không biết bao nhiêu cây cổ thụ, giờ đây người ta lại trồng xuống những hàng cây con mới còi cọc (đợi đến khi chúng tỏa bóng mát thì chúng ta cũng đã già rồi) hay đề xuất phương án lắp mái che ở một số khu vực trong thành phố.


Bên cạnh những hệ quả của lối sống hiện đại gây ra các căn bệnh tâm lý ngày càng gia tăng, tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh ở khu vực đô thị cũng khiến cho sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Ngày nay, chúng ta sống trong những khu nhà chật hẹp san sát nhau, mỗi sáng mắc kẹt trong dòng xe cô đông nghẹt người để đi đến làm việc trong những tòa nhà văn phòng kín như bưng, điều hòa luôn chạy phà phà. Khi hiểu về khoa học điện tích, chúng ta sẽ thấy rằng chính thiết kế của các khu nhà ở hay văn phòng làm việc hiện đại đang khiến cho không khí bị mất đi ion âm rất nhiều. Bởi lẽ chúng ta hiếm khi nào mở tung cửa sổ đón ánh mặt trời hay đón gió bên ngoài tràn vào, trong thành phố cũng không có nhiều cây xanh hay những dòng nước chảy, thành ra không khí ở môi trường chúng ta sinh sống và làm việc đang ngày càng nhiều ion dương độc hại.
Không khí tinh khiết rất cần thiết cho cuộc sống và sức khỏe con người, không chỉ để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể mà còn cần cho nguồn năng lượng hay sinh khí của chúng ta. Chất lượng không khí mà một người hít thở ảnh hưởng rất nhiều tới mức năng lượng của người đó. Khi bạn đứng trước bãi biển hay leo lên núi cao, hòa mình vào rừng, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ phấn khích và sảng khoái khi cơ thể được nạp rất nhiều ion âm. Nhưng khi bạn tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm hay không khí tái chế (air recycled) – bản chất bầu không khí ở các tòa nhà văn phòng là một dạng không khí tái chế, vì luồng không khí bị mắc kẹt trong những vách tường kín và liên tục quay trở lại theo đường vòng – hàm lượng ion âm chiếm ưu thế và mức năng lượng của bạn cũng dần bị sụt giảm.

Có một sự thật phũ phàng rằng lối sống hiện đại đang biến chúng ta thành những con chim bị nhốt trong lồng, bị rút dần đi năng lượng sống để ngày càng héo mòn. Môi trường làm việc hiện đại đang khiến chúng ta dần trở nên không hạnh phúc, cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Ngày nay tuy có một số sản phẩm cung cấp ion âm như các loại nước có ion âm, điều hòa hay thiết bị lọc không khí có công nghệ tạo ion âm,… nhưng chúng chỉ là những giải pháp kinh tế dành cho người có tiền trong cuộc thích nghi với lối sống không thuận tự nhiên. Trong khi đó những giải pháp đến từ thiên nhiên thì luôn có sẵn và miễn phí cho tất cả mọi người. Và những chú chim công sở thì luôn tận dụng mọi cơ hội nghỉ phép để đi đến những nơi có gió, có nước, có cây chỉ để nạp lại nguồn năng lượng đang cạn kiệt của mình, như một vòng luẩn quẩn.
Hiểu về bản chất của hai loại điện tích, chúng ta sẽ biết thêm một phương thức để chữa lành thân tâm từ góc độ khoa học. Không phải ai cũng dám từ bỏ tất cả phồn hoa chốn thành thị để trở về nơi thôn dã, nhưng bạn có thể dần dần thay đổi môi trường sống và tìm đến những nơi có nhiều ion âm để trị liệu và nạp lại năng lượng cho chính mình.
Tài liệu tham khảo:
– Số liệu ion dương và ion âm: tổng hợp từ reltec.vn và sách “Thuật luyện trí”
– Sách Prana & Pranayama (Swami Nirajanananda Saraswati)
3 bình luận
Ion âm lần đầu c đọc ở quyển tắm rừng, vì thế mà cố gắng đi vào rừng 1,2 lần trong năm.
cảm ơn anh cho em biết thêm kiến thức mới về ion dương và ion âm, em rất thích kiến thức mới này, hèn chi em thấy rất thoải mái khi được thong thả hòa mình vào thiên nhiên, khi đi bộ dưới tán cây hay ngồi hóng mát gần hồ nước biết là thư giãn nhưng nghe nó liên quan đến ion gì đó thì nghe deep deep hẳn :)))
Giờ đã hiểu vì sao dân tình hay kéo nhau đi biển hay lên Đà Lạt chưa em ^^