Ảnh: Unsplash.com

Hồi mình còn theo học tiếng Anh tại trường Kinh Luân với cố Giáo sư Lê Tôn Hiến, cứ định kỳ vào mỗi mùa hè là thầy lại tổ chức một khóa học nội bộ miễn phí, gọi là Life Values (Giá trị sống) để chia sẻ những giá trị sống nền tảng thầy đúc kết và chiêm nghiệm được cho các thế hệ học trò. Tính tới năm cuối cùng mình còn theo học thầy, khóa Life Values đã tổ chức tới khóa thứ 12, và mình may mắn được tham dự trọn vẹn hai khóa cuối cùng – một khóa ở vai trò học viên, khóa sau ở vai trò ban trợ giảng.

Xuyên suốt 12 khóa Life Values, có một tư tưởng chủ đạo được thầy Lê Tôn Hiến nhắc đi nhắc lại với học trò:

“Muốn đi xa thì đừng mang nặng,
Muốn bay cao phải vứt bỏ rất nhiều.”

Trên đường đời của mỗi con người, hành trang ai mang càng nặng thì đi càng chậm, bay càng thấp. Gánh nặng ở đây là những chướng ngại, trở lực trong cuộc sống cản trở chúng ta “đi xa” hay “bay cao”. Hai câu nói trên có tính chất đả phá tư tưởng rất lớn đối với mình, và đây cũng chính là phương châm sống mình đang áp dụng trong hiện tại.

Phượng hoàng là một biểu tượng của trường Kinh Luân. Ảnh: hahwul.com

(Phần kiến giải dưới đây thuộc về quan điểm cá nhân của mình, không phải là nội dung trong khóa Life Values của thầy Lê Tôn Hiến)

Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về những gánh nặng nào đang gây cản trở cho cuộc sống của bạn.

Ba gánh nặng lớn trong cuộc đời

1. Gánh nặng thể xác

Gánh nặng thể xác bao gồm những khiếm khuyết nỗi đau về mặt thể xác mà bạn đang gánh chịu. Nhóm này được chia làm 3 cấp độ:

a. Cấp độ 1: Khuyết tật

Nếu bạn sinh ra là một người lành lặn, tứ chi và ngũ quan bình thường, thì bạn đã may mắn hơn rất nhiều so với 15% dân số trên thế giới – tương đương với hơn 1 tỷ người đang sống với ít nhất một dạng khuyết tật nhất định (theo thống kê của WHO, 2017).

Ví dụ một người bị mất đi đôi chân hay không thể nói/nghe được, so với một người bình thường thì cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Đây là gánh nặng chúng ta phải học cách chấp nhận và sống chung với nó chứ không thể “vứt bỏ” được, vì tính chất của gánh nặng này là do số phận định đoạt hay một tai nạn ngoài ý muốn gây ra. Chúng ta chỉ có thể trông chờ vào sự phát triển của nền y tế và khoa học kỹ thuật hiện đại trong tương lai có thể giúp ta giải quyết được phần nào gánh nặng này.

b. Cấp độ 2: Khiếm khuyết về thể xác

Xét trên tiêu chuẩn thẩm mỹ chung, bạn có thể quá mập hoặc quá gầy, mặt thì đầy mụn, tóc thì xơ cứng, răng thì hô, móm hay không đều, mũi thì to hay tẹt,… Nếu như bạn không xem những đặc điểm mình liệt kê ở đây là khiếm khuyết về thể xác, mà ngược lại còn thấy bình thường và có thể tự tin sống chung với nó thì xin chúc mừng, đây không phải là gánh nặng của bạn.

Nhưng với nhiều người, chính vì những khiếm khuyết về thể xác kể trên khiến họ trở nên tự ti hơn trong cuộc sống, từ đó họ không phát huy được hết tiềm năng của bản thân và bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Khiếm khuyết về mặt thể xác là gánh nặng bạn có thể “vứt bỏ” được nếu thật sự muốn. Mập quá thì có thể tập luyện để giảm cân, mụn quá thì có thể đi khám bác sĩ da liễu, răng không đều thì có thể đi niềng răng, khuôn mặt có chỗ nào không hài lòng thì có thể đi phẫu thuật thẩm mỹ v.v.

Trong showbiz, có khá nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tài năng nhưng chỉ được phần “tài” mà thiếu phần “sắc” nên thời gian đầu họ không được thuận lợi trên con đường nghệ thuật. Một số nghệ sĩ đã lựa chọn con đường phẫu thuật thẩm mỹ như Đức Phúc, Hương Tràm, Bích Phương, Hương Giang,… và sau đó xuất hiện với một diện mạo mới ấn tượng hơn, thu hút được nhiều ánh hào quang sân khấu hơn.

c. Cấp độ 3: Nỗi đau về thể xác

Bệnh tật là phương thức biểu hiện của nỗi đau về thể xác. Bạn có thể bị đau dạ dày, đau ruột thừa, nhức răng khôn, đau tay đau chân đau toàn thân hay đau lục phủ ngũ tạng. Khi đó, bệnh tật là một loại gánh nặng khiến cuộc sống của bạn trở nên mệt mỏi, khó chịu và nặng nề hơn so với lúc cơ thể còn khỏe mạnh. Nỗi đau thể xác cũng gây ra nỗi đau về mặt tinh thần.

Có bệnh thì không nên ủ bệnh hay giấu bệnh, mà nên chữa trị càng sớm càng tốt để loại trừ gánh nặng thể xác này. Như bạn bị đau nhức do mọc răng khôn, bạn có thể sắp xếp đi gặp nha sĩ sớm để nhổ răng và trị dứt được cơn đau, thay vì phải sống chung với nó tháng này qua năm nọ. Bệnh nhẹ thì “vứt bỏ” dễ dàng, nhưng bệnh nan y thì thuộc về… lỗi định mệnh, chỉ có thể “có bệnh thì vái tứ phương”, chữa được tới đâu thì hay tới đó.

Ảnh: Unsplash.com

2. Gánh nặng tinh thần

Gánh nặng tinh thần bao gồm những cảm xúc hay ký ức tiêu cực không được bạn xử lý một cách triệt để nên vẫn nằm lẩn khuất ở sâu trong tầng vô thức của trí não, một ngày nào đó sẽ trỗi dậy khi có nhân tố kích hoạt và gây nên những nỗi đau dai dẳng về mặt tinh thần.

Cảm xúc tiêu cực như cáu giận, ghen tị, buồn bã, hối tiếc, tủi thân, thù ghét, vội vàng, tò mò, lo lắng, báo thù,… có thể ví như liều thuốc độc tinh thần đang đầu độc tâm trí của bạn từng ngày từng giờ.

Ký ức tiêu cực là những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ, gây ra những sang chấn tâm lý cho bạn ở thời điểm đó và vẫn còn ám ảnh bạn cho đến lúc trưởng thành. Chẳng hạn, một bé gái bị lạm dụng tình dục từ nhỏ khi lớn lên sẽ có xu hướng không thích tiếp xúc, động chạm thân thể với đàn ông. Việc này sẽ gây ra những cản trở nhất định trong mối quan hệ với người yêu của bạn gái này và đó là một gánh nặng tinh thần của bạn ấy.

Gánh nặng tinh thần có thể “vứt bỏ” được thông qua các liệu pháp trị liệu tâm lý, hồi quy tiền kiếp,  thôi miên, thiền, tu tập theo một tôn giáo nào đó.

3. Gánh nặng mối quan hệ

Các mối quan hệ trong cuộc sống có thể được chia thành hai nhóm:

  • Quan hệ ràng buộc: gia đình, người thân
  • Quan hệ không ràng buộc: bạn bè, người yêu, sếp, đồng nghiệp, đối tác

Nếu bạn là một người mẹ đơn thân, đứa con có thể là gánh nặng đối với bạn. Nếu bố mẹ bạn vay người khác một khoản nợ lớn và bạn phải phụ giúp gia đình trả số nợ ấy, gia đình có thể là gánh nặng đối với bạn. Cho dù bạn là một người tích cực có yêu con hay yêu bố mẹ đến mấy, bạn cũng không thể phủ nhận được việc mình phải đối diện với gánh nặng về tài chính lẫn về tâm lý. So với những trường hợp bình thường khác, hoàn cảnh của bạn mang tính chất đặc thù hơn. Vì tính chất quan hệ ràng buộc này, đây cũng là một dạng gánh nặng không thể “vứt bỏ”.

Ngược lại, khi các mối quan hệ không ràng buộc khác trở nên tiêu cực và trở thành gánh nặng đối với cuộc sống của bạn, thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn “vứt bỏ” nó. Ví dụ, bạn chơi với một người bạn xấu thích đâm sau lưng bạn, bạn có thể nghỉ chơi với người đó. Bạn đi làm ở một môi trường tiêu cực, đồng nghiệp suốt ngày gièm pha đấu đá nội bộ với nhau, bạn có thể nghỉ việc và đi tìm một môi trường khác tốt hơn.

Khu vườn bí mật trong tâm trí

Ba gánh nặng lớn trong cuộc đời dù cho đến từ phía chủ thể (thể xác, tinh thần) hay khách thể (mối quan hệ) thì tựu trung lại đều thu về một “khu vườn” trong tâm trí bạn. Bởi lẽ bạn dùng não bộ để tái tạo và phóng chiếu lại thế giới ngoại cảnh bên trong tâm trí mình để mà cảm nhận niềm vui hay nỗi buồn, hạnh phúc hay đau khổ, chứ bạn không dùng trái tim (vật lý) để thực hiện phần việc này.

Nếu ví đầu óc con người như một khu vườn, tùy theo cách sử dụng não của mỗi người mà nó có thể là một khu vườn xinh đẹp hay một khu vườn bị bỏ hoang. Hầu hết chúng ta đều không có chủ tâm chăm sóc khu vườn tâm trí của mình, nên đa phần đều là vườn hoang nhà trống và cỏ dại mọc đầy.

Những gánh nặng không thể vứt bỏ được ví như những cây cổ thụ lớn trong khu vườn, rễ của chúng ăn sâu dưới mặt đất tầng tầng lớp lớp, không thể nào nhổ phát đi luôn được. Nhưng những gánh nặng có thể vứt bỏ được thì ví như cỏ dại, mọc đam mê mọc cuồng nhiệt mọc không biết mệt mọc không ngơi nghỉ. Nhổ cỏ nếu không nhổ tận gốc thì cỏ dại sẽ mọc lại đầy tràn.

Trong lĩnh vực phát triển bản thân, nghịch lý lớn nhất của đa số chúng ta là chỉ chăm chăm vào việc tạo dựng những thói quen tốt mới mà quên mất việc từ bỏ những thói quen xấu cũ. Chẳng hạn:

  • Bạn muốn thức dậy sớm nhưng tối vẫn thích làm cú đêm.
  • Bạn muốn tập thể dục để giảm cân nhưng vẫn thích ăn fastfood.
  • Bạn muốn mặt hết mụn nhưng hay sờ tay lên mặt để rờ mụn và nặn mụn.
  • Bạn muốn học thêm một kỹ năng mới nhưng vẫn dành 1 tiếng để chơi game mỗi ngày.
  • Bạn muốn tập đọc sách mỗi ngày nhưng vớ được điện thoại là lại lướt Facebook.

Thói quen tốt như hoa như trái, thói quen xấu thì như cỏ dại. Bạn không thể trồng hoa trái trong vườn khi chưa nhổ sạch cỏ dại, bởi nguy cơ lớn nhất xảy ra là cỏ dại sẽ mọc lấn lướt hoa trái của bạn và hưởng hết phần dinh dưỡng bên trong đất, còn hoa trái thì mọc lên còi cọc và sớm lụi tàn. Khi bạn đang cố tạo lập một thói quen tốt mới mà đồng thời vẫn duy trì thói quen xấu cũ, hai thói quen tốt-xấu này sẽ triệt tiêu lẫn nhau và kết quả là bạn vẫn giậm chân tại chỗ.

Cái hay của nguyên lý “muốn đi xa thì đừng mang nặng” nằm ở chỗ, nhiều khi bạn cũng chả cần tạo lập thói quen tốt gì, mà chỉ cần dồn tâm sức vào việc loại bỏ dần dần các thói quen xấu của bản thân, thì từ từ hành trang bạn mang theo trên mình cũng trở nên nhẹ gánh hơn rất nhiều, vì khi đó không còn một trở lực nào kéo bạn thụt lùi về phía sau nữa.

Ai thuở nhỏ có đọc truyện “Bảy viên ngọc rồng” sẽ nhớ một tình tiết thú vị trong truyện: nhân vật Sôn Goku khi luyện tập võ công trên hòn đảo của Quy lão tiên sinh được sư phụ đeo cho mấy cùm sắt rất nặng lên hai tay và hai chân. Ban đầu việc đi lại của Sôn Goku rất khó khăn và gặp nhiều trở ngại, lực tấn công cũng yếu hơn so với mức bình thường, nhưng qua một thời gian tập luyện đến mức thuần thục thì cậu nhóc được sư phụ cho phép tháo các cùm sắt này ra. Khi đó, sức mạnh và sự linh hoạt của Sôn Goku tăng lên rất nhiều lần, có thể đi đứng bay nhảy siêu linh hoạt và ra đòn thì sức công phá gấp mấy chục lần người bình thường.

Trong cuộc sống, có nhiều người bỗng nhiên xuất hiện rồi đeo cùm sắt lên tay chân của bạn, hay tự bạn nhặt được rồi đeo vô chứ cũng không ai mượn, và khi đó tự nhiên bạn có thêm trên mình hai chữ: gánh nặng. Từ bỏ được những thói quen xấu hay vứt bỏ được những gánh nặng về thể xác, tinh thần và mối quan hệ thì cũng giống như bạn gỡ được những lớp cùm sắt đang đeo trên người. Khi đó, đời nhẹ như mây.

Mỗi người là một người làm vườn

Nguyên lý của khu vườn là dù bạn có bỏ mặc hay chăm sóc nó, khu vườn vẫn sẽ và vẫn phải phát triển, nhưng theo hai chiều hướng khác nhau: hoặc đầy hoa thơm trái ngọt, hoặc đầy cỏ dại um tùm.

Ảnh: freeartbackgrounds.com

Trong khu vườn tâm trí, bạn chính là chủ nhân của khu vườn đó, là người chăm sóc và canh tác trên mảnh đất của mình. Sau đây, mình sẽ chia sẻ một số bí quyết làm vườn của bản thân qua vài bước đơn giản:

  • B1 – Vẽ bản thiết kế: Muốn làm vườn, trước hết bạn phải hình dung được mình muốn xây dựng một khu vườn như thế nào và phác thảo ra một bản thiết kế để từ đó mà làm theo. Bản thiết kế ở đây chính là việc nhìn nhận lại mình đang có những gánh nặng và thói quen xấu nào, có thể vứt bỏ được hay không để lên kế hoạch vứt từ từ từng thứ một.
  • B2 – Nhổ cỏ dại: Có bản thiết kế rồi, bạn phải phát quang bụi rậm và nhổ sạch cỏ dại thì mới xới đất và gieo hạt giống hoa trái xuống được. Cỏ dại ở đây là những gánh nặng có thể vứt bỏ được + thói quen xấu.
  • B3 – Trồng hoa trái: Gieo hạt giống hoa trái xuống rồi, bạn cần bỏ ra thời gian và công sức để chăm sóc chúng thì mới có ngày thu hoạch được vụ mùa. Hoa trái ở đây chính là những thói quen tốt.

Để đi chi tiết vào từng bước làm vườn, có rất nhiều sách hay khóa học dạy cho bạn cách nhổ cỏ dại hay trồng hoa trái (skillset & tookset). Trong khuôn khổ bài viết này, mình chỉ chia sẻ cho bạn về mặt mindset (tư duy), vì mindset là thứ quan trọng nhất. Bạn phải nhận thức được chuyện làm vườn là một vấn đề quan trọng với bản thân, và khu vườn của bạn đang bị bỏ hoang quá lâu thì lúc đó mới tính đến chuyện làm vườn như thế nào.

Ảnh: Unsplash.com

So với việc tạo lập thói quen tốt, việc từ bỏ thói quen xấu khó hơn rất nhiều lần. Một vài tips mình đang thực hiện mà bạn có thể tham khảo như một gợi ý:

  • Mình muốn dậy sớm nhưng lại hay thức khuya, nên mình đặt đồng hồ… báo ngủ lúc 11g. Đến 11g tối, đồng hồ lại reng nhắc nhở mình tới giờ shut down mọi thứ để đi ngủ.
  • Mình muốn đọc nhiều sách hơn nhưng cứ bị noti trên điện thoại làm phiền, nên mình tắt hết thông báo các app và chuyển điện thoại về chế độ im lặng. Mình chủ động trong việc dùng điện thoại chứ không để bị động phụ thuộc vào noti.
  • Mình muốn có một cơ thể khỏe mạnh hơn, nên mình bắt đầu từ việc không nạp “rác” vào cơ thể như nước có ga hay snack, đồ ăn vặt,… Sau đó khi đến cơn thèm ăn vặt thì mình lại ăn trái cây bù vào.

Trên đường đời, bạn càng sớm chăm sóc khu vườn trong tâm trí bao nhiêu thì cuộc đời bạn sẽ càng nhẹ gánh hơn bấy nhiêu. Chúc bạn từ nay sẽ là một người làm vườn chăm chỉ 🙂

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải