Trong thần thoại La Mã cổ xưa, Janus là vị thần của sự khởi đầu và quá trình chuyển tiếp, người có chức năng liên quan đến khai sinh, hành trình và trao đổi giữa các cánh cổng, ô cửa, lối đi và các kết cục. Ông thường được mô tả là một người có hai khuôn mặt – một khuôn mặt nhìn về quá khứ, một khuôn mặt nhìn về tương lai. Trên thế giới, một số ngôn ngữ đặt tên tháng Giêng (January) theo tên ông vì đầu năm là dịp để suy ngẫm lại một năm đã qua cũng như hoạch định cho tương lai.

Tượng thần Janus ở Bảo tàng Vatiano (Ý).

Có lẽ vậy mà nhiều người phải lần lữa (trì hoãn) đợi đến mỗi dịp đầu năm mới chịu tổng kết lại năm cũ và lên kế hoạch cho năm mới. Và rồi có biết bao nhiêu kế hoạch, mục tiêu cho năm mới cứ lần lữa từ tháng này qua năm nọ vẫn chưa được thực hiện. Một kế hoạch chết là một kế hoạch không bao giờ được thực hiện, nó giống như một cái cây chưa giờ được trồng xuống mặt đất, mà tất cả chỉ là ý niệm được dự trù trong đầu hay một dòng ngắn gọn trong To-do list.

Độ 1 năm trước, mình tham dự một lớp Dịch thuật khóa đầu tiên do giáo sư Lê Tôn Hiến dạy tại trường Kinh Luân. Mình đã theo học thầy từ năm 2015 lúc mới ra trường, học liên tục trong 4 năm trời tất cả các khóa thầy dạy và cả những khóa Anh ngữ khác của trường Kinh Luân đến nỗi thầy cũng quen mặt mình (xin nói thêm thầy đã 75 tuổi) dù trong lớp mình rất hướng nội và hiếm khi phát biểu.

Ở lớp Dịch thuật này, ngồi gần mình là một anh trung niên, mỗi buổi học anh thường lấy điện thoại ghi âm lại phần bài giảng của thầy. Trong mấy khóa học trước, mình cũng từng có ý định ghi âm bài giảng của thầy lại để về nghe lại sau này nhưng rồi cứ lần lữa mãi vì nghĩ rằng thầy vẫn còn dạy nhiều khóa, mình còn cơ hội học lại nhiều lần nên để khóa sau ghi âm từ buổi đầu cũng được. Tháng 4/2018, thầy ra đi sau một giấc ngủ dài, và lớp học cũng bị dang dở từ đó, còn rất nhiều bài giảng trong học trình cả lớp chưa kịp học với thầy.

Lúc đó mình mới hối tiếc, khi ngay từ đầu đã có ý định ghi âm bài giảng của thầy, nhưng lại không làm ngay lúc đó và đã bỏ lỡ qua biết bao nhiêu khóa trong suốt 4 năm trời. Sau đó, dù có xin lại file ghi âm từ những người bạn khác nhưng họ cũng bữa học bữa nghỉ, và không ai học đầy đủ suốt 4 năm như mình nên những tư liệu còn lại cũng chỉ là chắp vá. Thầy ra đi, và di sản của thầy không được ai lưu trữ lại trọn vẹn để truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

10 năm trước, mình tham gia vào một diễn đàn tâm linh và là thành viên tích cực, năng nổ những ngày đầu dù khi đó chỉ là một cậu học sinh cấp ba. Những kiến thức tâm linh quý giá mình học hỏi và tích lũy được phần lớn nhờ thư viện bài giảng và bài thảo luận trên diễn đàn. Phải nói từ ngày diễn đàn ra mắt, không một bài viết nào là mình chưa đọc qua, đến nỗi thuộc làu tất cả tên mấy trăm thành viên và biết chính xác bài viết nào nằm ở chỗ nào trên diễn đàn.

Có một độ khi mới ra trường đi làm, mình đi cuốn vào guồng quay của công việc và cuộc sống, mê đời bỏ bê chuyện đạo và ít vào diễn đàn trong khoảng 3 năm. Sau đó mình vẫn quay lại sinh hoạt bình thường nhưng không chịu tìm đọc lại những bài giảng đã bỏ lỡ trong suốt 3 năm đó, vì ỷ y diễn đàn vẫn còn nằm nguyên ở đó, không có sập vào một ngày bất chợt được.

Nhưng rồi chuyện gì đến cũng đến, một ngày nọ, diễn đàn thông báo chính thức đóng cửa sau 10 năm hoạt động, và thời hạn đóng cửa là trong 3 ngày tới. Khi nghe tin mình cũng bị “đóng băng”, và lúc đấy mới vội vã tìm lại những bài giảng mình đã bỏ lỡ trong quãng 3 năm đó để đọc và lưu trữ lại làm tư liệu. Tuy nhiên, có một thực tế phũ phàng là, bạn không thể bỏ hoang một ngọn đồi trong 3 năm rồi đòi cải tạo lại đất để trồng mới một cánh rừng trong 3 ngày. Đó là một chuyện không tưởng và bất khả thi.

Gần đây nói chuyện với một người chị quen, chị có tâm sự cho mình nghe điều hối tiếc nhất trong cuộc đời chị. Mẹ chị từng có ước ao đi du lịch Hàn Quốc vì mê xem phim Hàn, trong khả năng tài chính của chị thì đủ điều kiện để book tour cho hai mẹ con cùng đi. Nhưng vì công việc bận rộn, chị đã có gia đình với hai cô con gái nhỏ, và còn giữ vai trò quan trọng trong công ty nên cứ lần lữa mãi 2 năm trời, cuối cùng mẹ chị đổ bệnh và mất trên giường bệnh. Những ngày cuối đời, dù chị đã gác lại tất cả mọi công việc nghỉ cả tháng trời để chăm sóc mẹ, nhưng với tình trạng sức khỏe đó thì mẹ chị cũng không thể nào đi đâu được nữa. Ước mong của mẹ mãi là một câu nói trong quá khứ, mà nhiều năm sau này chị cứ mãi dằn vặt vì không thực hiện được.

Thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt nhất tiếp theo là bây giờ. (Ngạn ngữ)

Nếu bạn muốn làm một điều gì đó, thời điểm tốt nhất để bắt đầu là ngay bây giờ, không phải ngày mai, tuần sau, tháng sau hay năm sau. Nếu chưa thực hiện được ngay thì ít nhất bạn cũng phải có kế hoạch hành động để thực hiện cho bằng được càng sớm càng tốt. Và, bạn cũng không cần phải đợi đến hết một năm cũ, chào một năm mới thì mới bắt đầu lên kế hoạch hành động cho mình. Đã là mục tiêu hay kế hoạch thì hãy hành động bất kể khi nào bạn muốn, bất kể thời điểm nào. Như bài này lẽ ra mình phải viết đầu năm mới hợp không khí, nhưng tại sao không phải là bây giờ?

Bây giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta trồng một cái cây, cũng như bắt đầu trở thành con người mà cuối cùng chúng ta muốn được trở thành, chứ không phải đợi 20 năm sau để hối tiếc về những điều hôm nay chúng ta đã không làm.

Chúc bạn sẽ đủ dũng cảm và mạnh mẽ để thực hiện được mục tiêu của mình!

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.