Credit to the owner

Hằng năm cứ vào cuối quý một, khi trời đã hết xuân vào hè, các công ty tổng kết ngày nghỉ phép của nhân viên thì mình cũng bắt đầu một tuần sống chậm của riêng mình. Thông thường khi đến độ này, hầu hết đồng nghiệp của mình đã xài hết ngày phép rải rác trong cả năm trước đó, có khi còn thâm lạm, riêng mình thì rất hiếm khi xài vì cũng không có nhu cầu đi đâu nhiều, thành ra dồn lại thì được tới tận khoảng 7-8 ngày khá dài để nghỉ ngơi. Nếu bạn không có dư nhiều ngày phép như mình thì thực tế bạn vẫn có thể để dành khoảng 3 ngày phép cuối cùng và nghỉ từ giữa tuần, cộng thêm 2 ngày cuối tuần nữa thì vẫn có được một tuần sống chậm trọn vẹn.

Một tuần sống chậm để “mài rìu”

Giống như một chiếc máy chạy suốt quanh năm cũng sẽ cần có thời gian nghỉ ngơi và bảo trì, một tuần sống chậm đối với mình cũng như quãng thời gian mình dành ra để “mài rìu”, thay vì cứ chạy mải miết trong guồng quay liên tục của công việc và cuộc sống. Ở tuần sống chậm này, mình thường dành ngày đầu tiên cho việc sửa chữa và bảo trì các phương tiện hay thiết bị điện tử quan trọng mình hay sử dụng, ví dụ như đi thay nhớt, rửa xe, bảo trì xe, rồi đi vệ sinh máy tính, dọn dẹp máy tính lẫn điện thoại, thay mới các thiết bị đã có vấn đề hỏng hóc,… Nhiêu đó việc thôi thường phải mất hết cả ngày trời để xử lý.

Ví như đợt này, bàn phím máy tính của mình có dấu hiệu kẹt phím và bị lỏng mất vài phím phải thay mới, hay chuột máy tính sau vài năm sử dụng thì thao tác cũng hết nhạy và làm hiệu suất của mình bị giảm đi nên mình cũng thay mới (thay xong cảm giác khác biệt hoàn toàn). Đối với mình, các thiết bị điện tử, công nghệ hay phương tiện đi lại như xe máy đều tối quan trọng – bởi chúng là những thứ mình sử dụng hằng ngày, phục vụ rất nhiều cho công việc và cuộc sống, cũng là cái “cần câu cơm” của mình nên nếu không có sự bảo trì, dọn dẹp và sửa chữa, bỗng một ngày đẹp trời chúng lăn đùng ra hư thì bạn cũng đừng bất ngờ. Không có cái gì hư mà tự nhiên hư, trước đó nó đã có một quá trình và có những dấu hiệu báo động rồi, vấn đề chỉ là bạn có tinh ý nhận ra, hay nhận ra rồi có giải quyết tới cùng hay ngó lơ mà thôi.

Credit to the owner

Những ngày còn lại trong tuần sống chậm, mình thường dành ra cho những việc tồn đọng trong đời mình. Đó có thể là một ý tưởng nào đó mình ấp ủ muốn làm, một dự án nào đó còn đang dang dở, hay một việc gì đó muốn làm bấy lâu nay nhưng chỉ đợi đến lúc nào rảnh nhiều ngày mới có thể làm được. Chẳng hạn đọc một cuốn tiểu thuyết vài trăm trang liền tù tì, luyện một bộ phim đã ghim mấy tháng nay, hoàn thành một khóa học online nào đó “ngâm giấm” đã lâu hay tham dự một workshop nào đó trong vài ngày.

Cảm giác khi làm xong những việc mình muốn làm nhưng vì quá bận nên chưa có thời gian làm thì rất sung sướng và thỏa mãn, cứ như bạn trút bớt một gánh nặng và không còn phải đau đáu nghĩ về nó nữa trong đầu. Như một bài viết mình đã từng đề cập, khi bạn hoàn thành được những việc bạn muốn làm và không còn cảm giác mắc kẹt nữa, bạn sẽ khơi thông dòng tuệ mẫn trong tâm trí để cảm nhận được sự viên mãn trong đời sống của mình.

Credit to the owner

Đa số chúng ta đều bị cuốn vào guồng quay tất bật của cuộc sống và mải miết chạy theo những đam mê, danh vọng, mục tiêu và khao khát của bản thân. Chúng ta làm ngày làm đêm để kiếm tiền, nhảy từ công việc này sang công việc khác để tiến tới những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp, nhưng hiếm khi chúng ta chịu dành thời gian để chăm chút cho “cỗ máy” của chính mình – cơ thể và tâm trí mình. Nói chuyện bảo trì xe máy, một cô bạn của mình hồn nhiên đi xe hơn nửa năm trời mà không thay nhớt xe, đến một sáng có cuộc họp quan trọng dắt xe ra đi làm thì nổ máy không lên, cuối cùng đi sửa xe bay hết vài triệu bạc và bị trễ cuộc họp quan trọng. Trong khi đó, nếu bạn chỉ làm một việc hết sức đơn giản là thay nhớt xe sau 2-3 tháng sử dụng (còn ai kỹ hơn thì kiểm tra con số trên đồng hồ ki-lô-mét) thì đã sớm tránh được thiệt hại nặng nề đó.

Ngay cả máy móc cơ khí hay thiết bị điện tử sử dụng lâu ngày cũng cần phải nghỉ ngơi và bảo dưỡng thì con người cũng không khác gì. Người ta “mài rìu” cũng là để rìu bén hơn và chặt cây được nhanh hơn, nhiều hơn. Với cơ thể, nếu bạn chỉ xài mà không “mài” thì bạn sẽ không biết được một ngày nào đó mình đổ bệnh lúc nào. Và trong cuộc sống bạn cũng cần những quãng thời gian dừng lại để sống chậm, để cảm nhận hương vị phong phú của cuộc sống này chứ đừng vội vàng lướt qua nó, thoáng chốc đã hết cả một kiếp người. Dừng lại không phải là thụt lùi mà là để lấy đà tiến xa hơn.

Credit to the owner

Nghệ thuật sống chậm của chú sửa xe

Ở tuần sống chậm, mình có cơ duyên gặp gỡ một chú sửa xe rất thú vị và được nghe chú chia sẻ về quan điểm sống chậm của bản thân. Vốn dĩ mình chưa ghé tiệm sửa xe của chú bao giờ mà hay ghé một tiệm quen gần nhà, nhưng không hiểu sao hôm đó anh thợ sửa xe quen lại đóng cửa, nghe nhà bên cạnh nói là ảnh đóng cửa về quê mấy hôm, thế là mình đành lượn xe chạy loanh quanh khu vực lân cận để tìm một chỗ khác thay thế. Trong số những cửa tiệm mình lướt qua hai bên đường thì tiệm của chú là nơi khiến mình có thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, bởi tiệm tuy nhỏ nằm ở một góc đường nhưng được bài trí rất gọn gàng và sạch sẽ. Ai hay ghé mấy tiệm sửa xe trên đường (không kể mấy hãng) thì sẽ thấy thông thường toàn là dầu nhớt, nùi giẻ, linh kiện quăng tứ tung, chưa kể mấy anh thợ sửa xe nhìn quần áo tay chân lúc nào cũng lấm lem.

Hôm mình ghé tiệm của chú là sáng thứ Hai đầu tuần, thời điểm mà xe cộ như nước, người người như nêm. Khi nghe mình bảo muốn thay nhớt và rửa xe, chú mới hỏi mình có vội gì không, nếu không vội thì ngồi đó đợi chú làm từ từ. Thấy mình có vẻ hơi ngạc nhiên trước câu hỏi này, chú mới phân trần: “Nhiều khách tới sửa họ hay hối chú làm nhanh làm lẹ để đi công chuyện, có việc gấp. Nhưng mình sửa xe là sửa về máy móc mà, có những vấn đề hỏng hóc cần phải có thời gian để làm từ từ, chứ không phải muốn nhanh là nhanh được. Người ta hối nhanh thì cũng được thôi, nhưng làm nhanh thì dễ ẩu chứ không có bền”.

Chú cảm thán rằng chú thấy người Việt mình bây giờ sống rất vội, lúc nào cũng thấy vội vội vàng vàng hối hả, không có được sự thong thả như người phương Tây. Chú bảo dân mình quanh năm suốt tháng lúc nào cũng tất bật đi làm, còn người phương Tây họ đi làm cũng có mùa làm mùa nghỉ, lúc nghỉ thì đi du lịch khắp nơi thăm thú đây đó tận hưởng cuộc sống, sống vậy thì mới đáng sống chứ có ai sống cả đời chỉ để đi làm. Chú còn đùa với mình rằng, lâu lâu con rảnh thì nên nghỉ làm một ngày, ra ngoài tiệm cafe ngồi ăn sáng, uống cà phê thong thả thảnh thơi nhìn đời, chứ việc gì sáng nào cũng phải vội vàng ăn, vội vàng uống rồi vội vàng đi làm. Đi làm thì ngày nào chả đi làm được, còn nghỉ thì lâu lâu phải tự thưởng cho bản thân mình chứ.

Credit to the owner

Có một mẹo hay ho chú chia sẻ với mình mà không phải ai đi xe máy cũng biết. Chú nói mỗi sáng khi dắt xe ra ngoài đi làm, mình nên đề ga lên từ từ và để xe nổ máy như vậy trong khoảng 60 giây rồi mới bắt đầu chạy, như vậy sẽ giúp xe chạy được bền hơn. Rất nhiều người không biết điều này mà cứ hễ leo lên xe là vặn ga chạy cái vèo hết sức vội vàng. Chú lý giải rằng chiếc xe cũng như cơ thể con người, sau một ngày làm việc và nghỉ ngơi cả đêm thì sáng sớm nó cũng cần phải khởi động từ từ rồi mới bắt đầu hoạt động. Con người chúng ta cũng vậy, sau một giấc ngủ dài thì cơ thể cũng cần được khởi động từ từ để bắt đầu ngày mới. Có nhiều trường hợp người trung niên hay lớn tuổi, khi vừa mở mắt ra đã đột ngột bật dậy có thể dẫn tới tình trạng đột quỵ hay huyết áp thay đổi đột ngột, gây chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu.

Trong quá trình chú sửa xe cho mình, mình quan sát thấy cách sửa xe của chú rất khác với những thợ mình từng gặp trước đây. Khi tháo ra bất cứ linh kiện nào từ xe máy, chú có những chiếc hộp hay khay riêng để phân loại và để vào đó một cách trật tự, những linh kiện lớn hơn thì cũng được để gọn gàng vào một góc. Nhiều thợ sửa xe mình thấy mỗi lần tháo linh kiện ra là cứ quăng đại xuống nền nhà, hay có những chuyên viên sửa máy tính mỗi khi tháo máy tính ra cũng quăng ốc vít và các linh kiện lung tung trên bàn, đến khi lắp lại như cũ thì tìm một hồi mới thấy. Ở chú còn có một điểm đặc biệt nữa là vừa sửa xe chú vừa giảng giải cho mình nghe nguyên lý hoạt động của các thiết bị trong xe máy, ví dụ như xe mình bị hư hộp số và kim xăng thì nguyên nhân vì sao nó hư và giải pháp là gì, có những lựa chọn nào thay thế, v.v. Sửa xe có một buổi thôi mà mình mở mang được tầm mắt khá nhiều khi được đọc một “cuốn sách sống”.

Credit to the owner

Mở đầu một tuần sống chậm, tự nhiên mình gặp được một “cao nhân” ngay giữa đời thường. Nhiều người cứ hay nghĩ rằng phải đọc sách của các nhà khoa học, nghe các giáo sư, tiến sĩ hay các vị tu sĩ giảng bài thì mới học hỏi được nhiều điều hay ho, nhưng chúng ta vẫn có thể học được rất nhiều thứ hay ho thú vị từ những người rất đỗi bình thường trong cuộc đời. Nếu ta mở lòng muốn học, xung quanh ta đều là những vị thầy. Trong nhịp sống hối hả của lối sống hiện đại, mong rằng bạn cũng sẽ dành cho mình những quãng sống chậm ngắn hạn để dừng lại cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống này và chiêm nghiệm về nó nhiều hơn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

6 bình luận

  1. Mình rất thích những người thợ như này, vì bản thân mình cũng muốn biết nguyên nhân xe hỏng do đâu, thay thế, sửa như thế nào mà đa phần hỏi thì thợ họ nói qua loa, đằng này chú còn tự giải thích kĩ lưỡng như vậy thì quá tuyệt.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Trước đây mình đi sửa xe hay sửa máy tính cũng thường bị vậy, người sửa không bao giờ nói được sâu sát mà chỉ nỏi rất qua loa, giống như sợ lộ bí quyết vậy. Cũng có khi do lúc học nghề, người ta không được đào tạo bài bản, chỉ biết làm chứ không hiểu nguyên lý thành ra họ mới không giảng giải lại được cho người khác.

  2. Câu chuyện dễ thương quá anh, từ mai khi ra đường em sẽ đếm đủ 1 phút rồi mới phóng xe đi, hehe

  3. câu chuyện dễ thương, dễ thương hơn nếu sống chậm 1 tuần ở HN. Vì HN là không vội đc đâu

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.