Ở phía sau khu chung cư mình ở có một con hẻm nhỏ, thi thoảng hẹn bạn cafe gần đó mình thường chạy về ngang đây, lần nào cũng phải nán tầm mắt lại nhìn mấy căn biệt thự trong hẻm mà trầm trồ. Vì đa số đều là biệt thự sân vườn y như những biệt phủ, nằm tách biệt hẳn khỏi sự xô bồ náo động của một thành phố đất chật người đông như Sài Gòn. Nhưng khi lướt qua vài căn nhà cách đó không xa, mình chợt bắt gặp một dãy nhà trọ lúp xúp, nhìn vào bên trong cánh cửa sáng đèn buổi đêm có thể thấy được cảnh sinh hoạt của cả một gia đình nhỏ, thường là các anh chị công nhân làm tại một xí nghiệp gần đó.
Có đôi lúc mình tự hỏi, trong những căn phòng trọ bé xíu ấy (còn chưa được là một cái nhà), những người lao động tha hương có từng ấp ủ giấc mơ về một mái nhà khang trang hơn hoàn cảnh sống hiện tại? Hay mỗi lần đi ngang những căn biệt thự kia, họ có từng ao ước một ngày nào đó sẽ đổi đời mà được sống trong cảnh giàu sang phú quý?
The House (2022) là bộ phim hoạt hình stop-motion mình xem vào dịp đầu năm nay và để lại trong mình rất nhiều suy ngẫm về chuyện thế nào là một căn nhà, cũng như sự bám chấp của chúng ta đối với nơi an cư lạc nghiệp của mình. Gia đình bốn người của cô bé Mabel cùng em gái sơ sinh Isobel sống trong một căn nhà nhỏ ọp ẹp, cũ kỹ. Ông Raymond, cha cô bé là người có học vấn nhưng không thoát khỏi được cảnh nghèo khó truyền kiếp từ đời ông nội, dù cho những người họ hàng khác trong dòng tộc của ông rất giàu có.
Sống trong cảnh nợ nần túng thiếu và bị họ hàng coi khinh, ông mới bực dọc bỏ vào rừng giải sầu thì vô tình gặp được vị kiến trúc sư giàu có và nổi tiếng của thị trấn. Biết được hoàn cảnh và tâm sự của ông, vị kiến trúc sư này quyết định xây cho gia đình ông một căn biệt thự to hoành tráng, trang hoàng đầy đủ đồ nội thất do chính kiến trúc sư này thiết kế, và có luôn cả đội ngũ gia nhân phục vụ cho gia chủ. Đổi lại, gia đình ông Raymond chỉ cần chuyển nhượng lại căn nhà cũ cho vị kiến trúc sư đó. Một cuộc đổi chác quá hời.
Trong phút chốc, cuộc sống của gia đình ông Raymond từ giai cấp bình dân một bước lên mây trở thành tầng lớp thượng lưu. Vợ chồng ông diện lên mình những bộ cánh đắt tiền, cả nhà ông ngồi ăn trên một chiếc bàn dài với đủ thứ sơn hào hải vị dưới ánh đèn lung linh, và cả Mabel với Isobel giờ mỗi đứa đều có phòng riêng chứ không phải chen chúc ngủ chung với cha mẹ. Bằng ngôn ngữ kể chuyện của điện ảnh, ước mơ của mỗi nhân vật ở đầu phim dần trở thành hiện thực: cô bé Mabel có một căn nhà búp bê rất đẹp, và giờ cả nhà cô bé được sống trong chính căn biệt thự to lớn như căn nhà búp bê ấy; bà Raymond một thời phải ngồi may vá thủ công, và giờ bà có hẳn một chiếc máy may với hàng tá xấp vải để bà trổ tài may vá; ông Raymond thì luôn ước ao một chiếc lò sưởi lớn trong nhà, và giờ thì ông đã được toại nguyện.
Nhưng khi sống trong căn nhà mới chỉ trong thời gian ngắn, cha mẹ của cô bé Mabel bắt đầu dần thay đổi tính nết, họ chỉ quan tâm tới sự hào nhoáng vật chất của ngôi nhà mà bỏ bê hai đứa con, thậm chí tới giờ ăn họ cũng không để tâm tới việc gọi hai đứa con xuống ăn cơm chung mà mạnh ai thấy đói thì ăn trước. Khi chứng kiến cha mẹ mình thay đổi quá nhiều, cô bé Mabel cũng phải thốt lên với họ: “I hate this house. I hate it. I wish we never left our home”. (Con ghét ngôi nhà này. Con ghét nó. Con ước gì chúng ta không bao giờ rời bỏ căn nhà cũ).
Tuy chỉ là một bộ phim hoạt hình, nhưng The House có cài cắm rất nhiều chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng rất sâu sắc, mà càng coi càng ngẫm lại càng thấm thía. Như khi dọn đến căn nhà mới vài ngày, vị kiến trúc sư bất ngờ muốn sửa căn nhà và dẹp bỏ chiếc cầu thang đi, khiến cho hai chị em cô bé Mabel và Isobel bị kẹt ở trên lầu và không thể xuống dưới nhà gặp cha mẹ mình được – ẩn dụ cho khoảng cách ngày càng xa giữa cha mẹ và con cái. Trong đêm đầu tiên ở căn nhà mới, ông Raymond thử đốt lò sưởi nhưng lửa lại không cháy. Sau đó vị quản gia mới đem tới chiếc ghế cũ ở nhà cũ ông từng ngồi, để ông đập bể đem nhóm củi đốt thì lò sưởi mới bừng cháy. Lò sưởi là ẩn dụ cho tình cảm ấm áp của gia đình, một khi lò sưởi tắt cũng như tình cảm trong nhà cũng đã nguội lạnh, và vì thắp lên một ngọn lửa mới mà họ sẵn sàng đốt bỏ hết những kỷ vật cũ.
Trong tiếng Anh có hai chữ mình thấy rất hay, mà qua câu nói của cô bé Mable ở trên đã thể hiện được nghệ thuật chơi chữ tài tình của biên kịch, đó là chữ “house” và chữ “home”. Cả hai chữ đều có nghĩa là nhà, nhưng “house” là căn nhà vật chất còn “home” lại là căn nhà tinh thần, hay chính là gia đình. Như khi gia đình ông Raymond rời bỏ căn nhà cũ để dọn tới căn nhà mới, họ dọn tới một cái “house” to lớn khang trang hơn, nhưng trong quá trình đó lại đánh mất đi cái “home” họ từng có. Thật sự đây là một tầng ý nghĩa rất hiện thực và sâu sắc của bộ phim mà bản thân mình cảm thấy rất đồng cảm vì chính mình cũng là người từng trải qua cảnh đó.
Gia đình mình cũng từng như gia đình ông Raymond, khi ba mình cũng là người có học vấn nhưng gia cảnh hai bên nội ngoại đều rất nghèo và phải tay trắng mưu sinh. Nhớ lúc mình còn nhỏ, cả nhà mình từng sống trong một căn phòng nhỏ xíu, chỉ để vừa đủ một tấm nệm, chiếc tủ để TV, tủ quần áo và một chiếc xe máy. Ba mình phải trải chiếu nằm dưới sàn nhà còn ba mẹ con nằm trên tấm nệm, nhưng mình phải nằm xoay ngang ở trên cùng vì ba người mà cùng nằm dọc thì không có đủ chỗ để nằm. Gia đình mình phải sống trong không gian chật hẹp như vậy trong suốt 10 năm trời thì sau đó mới tích cóp đủ vốn liếng để mua một căn nhà lớn hơn, nhưng cũng chỉ có hai phòng ngủ – phòng ba mẹ với phòng của hai anh em mình. Đến hơn chục năm sau đó – khi mình đã vào học đại học mấy năm – nhà mình mới đập đi xây lại thành một căn nhà lớn khang trang hơn nhiều, và tới thời điểm ấy thì anh em mình mới chính thức có phòng riêng.
Nhưng giống như trải nghiệm của cô bé Mabel trong phim, khi cuộc sống gia đình bạn chuyển tiếp lên một nấc mới cao hơn sang hơn, ở trong một căn nhà to lớn đẹp đẽ tiện nghi hơn, chưa chắc mọi thứ đã trở nên tốt hơn. Đôi khi chính vì không gian căn nhà quá rộng, có quá nhiều tầng, mỗi người lại ở một phòng riêng thì khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình cũng dần có rào cản, ngày càng xa cách nhau hơn chứ không được gần gũi ấm áp như trước. Như trong phim, bà Raymond khi chuyển đến sống trong căn nhà mới, câu đầu tiên bà thốt lên là: “Ồ căn nhà không có rèm à?”. Thế là sau đó bà suốt ngày ngồi may rèm cửa thâu đêm suốt sáng như một con thiêu thân. Mà căn nhà quá to quá rộng, phải may bao nhiêu cái rèm thì mới đủ mới hết? Hình ảnh này khiến mình chợt nhớ tới mẹ, khi mỗi ngày mẹ đều phải quét nhà, lau nhà, dọn nhà từ trên xuống dưới hết cả ba tầng lầu, và mỗi lần dọn là mỗi lần than thở, mà không dọn thì lại không chịu được, cuối cùng vẫn là tự mình làm khổ mình.

Có một ký ức không mấy vui vẻ mà mỗi lần nhớ lại như một vết cứa trong lòng mình, đó là hồi mình về nhà nghỉ Tết thời đại học, lúc đó nhà mình đã xây mới lại rồi. Có lần mình chạy xe vào để trong nhà như mọi khi thì tối đó ba mình đi nhậu về xỉn, nhìn thấy vết đất cát do bánh xe để lại dưới sàn nhà mới la làng mắng mình, bảo mình chạy xe vào nhà đất cát dơ dáy, nhìn thấy dơ mà không biết dọn. Thật ra lúc ở nhà cũ trước đây, sàn nhà bằng xi măng và mỗi ngày xe trong nhà vẫn chạy ra chạy vào như thế. Đến khi xây nhà mới, sàn nhà lót gạch bông trắng sáng, chạy vào sẽ thấy vệt bánh xe ngay, nhưng làm sao bạn có thể để ý một chuyện mà mười mấy năm trước đó bạn không bao giờ để ý – dù cho mình là một người rất chú trọng tiểu tiết? Và một ngày dắt xe chạy ra chạy vào bao nhiêu lần như thế, không lẽ mỗi lần đều phải xách cây lau nhà để lau lại? (Và sau đó mình phải lau lại mỗi lần thật các bạn à!)
Khi sống trong cảnh nhà cao cửa rộng, cha mẹ cô bé Mabel bắt đầu chú trọng vào hình thức của ngôi nhà tới mức ám ảnh, đến mức nhiều lúc quên mất con cái mình mới là thứ quan trọng hơn ngôi nhà. Có đôi lúc, thật sự mình thấy nhớ những căn nhà cũ mình từng sống trước đây hơn là căn nhà mới tiện nghi sang trọng hiện tại. Vì căn nhà mới này được xây trong quãng thời gian mình học đại học, nên có cộng dồn lại số lần mình về nhà mỗi dịp lễ, Tết trong suốt hơn 10 năm xa nhà thì cũng không bằng hai quãng 10 năm trước đó ở hai căn nhà cũ. Và không biết từ lúc nào, mình có cảm giác căn phòng trọ mình đang ở tại Sài Gòn mới thực sự là nhà, là cái “home” để mình an trú và nương tựa vào bản thân mình sau những mệt mỏi trong ngày, còn ngôi nhà thật sự ở quê giờ chỉ là cái “house”.
Khi chiếc cầu thang trong ngôi nhà bị mất đi, mỗi đêm cô bé Mabel lại ẵm em gái Isobel đi lang thang khắp nhà tìm lối ra. Có lúc vì quá mệt mỏi và bất lực, Mabel thốt lên với em gái: “I don’t know where to go. I lost”. (Chị không biết phải đi đâu cả. Chị bị lạc rồi). Một câu nói nghe mà xót xa cho Mabel, trớ trêu thay cho những ai đi lạc trong chính ngôi nhà của họ, vì khi đó nhà không còn là nhà. Câu nói này làm mình nhớ tới một đoạn trong cuốn sách Lost Connections mình biên tập:
Tôi từng nghe nữ diễn viên hài Sarah Silverman nói trong một buổi phỏng vấn trên đài phát thanh về thời điểm chứng trầm cảm lần đầu tiên tấn công cô ấy lúc bước vào tuổi thiếu niên. Khi mẹ và cha dượng hỏi cô có chuyện gì, cô không tìm được lời lẽ nào để giải thích. Nhưng rồi cuối cùng, cô nói rằng mình cảm thấy nhớ nhà, giống như khi ở trại hè vậy. Cô kể lại điều này với người phỏng vấn, Terry Gross dẫn chương trình Fresh Air của đài NPR, với vẻ bối rối. Cô cảm thấy nhớ nhà. Nhưng cô đang ở nhà mà?
Tôi nghĩ tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra với Sarah. Ngày nay, khi nói về “nhà”, chúng ta chỉ muốn nói đến bốn bức tường và gia đình hai thế hệ (nếu chúng ta may mắn). Nhưng đó chưa bao giờ là ngôi nhà có ý nghĩa đối với cha ông của chúng ta. Đối với họ, nhà có nghĩa là cộng đồng – một mạng lưới dày đặc những người xung quanh chúng ta, một bộ tộc. Nhưng điều đó gần như đã biến mất. Cho đến nay, cảm giác về nhà của chúng ta đã teo tóp lại quá nhiều và quá nhanh, nó không còn đáp ứng được nhu cầu của chúng ta về cảm giác thân thuộc. Vì vậy, chúng ta mới nhớ nhà dù đang ở nhà.
Thật đáng buồn khi bạn ở trong căn nhà của chính mình nhưng lại cảm thấy nhớ nhà, bởi lẽ cái bạn nhớ ở đây là cái “home” của quá khứ, của một không gian sống cũ tuy nhỏ hẹp, chật chội nhưng lại gần gũi, ấm cúng khi các thành viên trong gia đình biết quan tâm tới nhau. Còn khi sống trong một cái “house” nhà cao cửa rộng, mỗi thành viên có một không gian sống tách biệt, ít có thời gian sinh hoạt chung và ngồi lại với nhau, tình cảm gia đình cũng sẽ dần xa cách như chiếc lò sưởi đã từng cháy rồi cũng có lúc nguội lạnh. Như để nhóm chiếc lò sưởi ở căn nhà mới, ông Raymond phải dùng củi là những món đồ đạc cũ trong nhà cũ, đó là một sự đánh đổi.
Và trong ánh đèn phát ra từ những dãy phòng trọ cạnh những căn biệt thự nơi hẻm nhỏ, có đôi lúc mình cũng tự hỏi, liệu những người công nhân ấy có biết cái giá mà gia đình họ phải trả khi giấc mơ về ngôi nhà mơ ước trở thành hiện thực hay không? Và nếu biết cái giá ấy rồi, liệu họ có thấy an vui trong hoàn cảnh sống khó khăn hiện tại?