
Gần công ty mình có một quán cơm của hai anh chị chủ người miền Tây thuê mặt bằng để bán. Ngoài cơm trưa cho dân văn phòng và sinh viên, anh chủ mỗi ngày còn nấu hai món nước để bán thêm. Hủ tiếu nước hay hủ tiếu khô là món thường trực ngày nào cũng có, món còn lại có khi là bún bò, bò kho, bún măng vịt,… xoay đi xoay lại.
Có một điểm đặc biệt thú vị ở cặp vợ chồng này là anh chủ rất niềm nở hiếu khách, cũng chính là đầu bếp chính rất thích sáng tạo những món mới. Ở anh có tố chất của một người làm dịch vụ chăm sóc khách hàng, như khách tới ăn thì anh sẽ chủ động giới thiệu hôm nay có món gì mới hay có món nước nào, rồi khách ăn xong thì anh sẽ hỏi xin feedback về món mới nấu có vừa ăn không để mà gia giảm lần sau. Chị vợ anh thì ngược lại hoàn toàn, mặt suốt ngày luôn cau có nhăn nhó, nhiều khi khách xin thêm gì đấy là mặt lại khó chịu. Đó là chưa kể cái màn phục vụ tà tà từ từ của chị, nhiều khi mang cơm ra mà quên mang canh, nhắc một hồi chờ mang ra thì khách đã ăn xong hết đĩa cơm rồi. Có lần mình còn chứng kiến cảnh chị chủ đứng cãi nhau với một thực khách chỉ vì bình trà hết nước, khách nhắc đổ nước thêm thì chị lại tỏ vẻ khó chịu.
Với tài nấu ăn của anh chủ quán, thêm mặt bằng của quán cũng ở vị trí tương đối đắc địa (hẻm lớn gần sát ngay mặt tiền đường), mình thử nhẩm một bài toán buổi trưa anh chị chỉ cần bán cơm, buổi sáng hay tối bán thêm các món nước thì cũng khá khẩm lắm rồi, vì thực tế là quán lúc nào cũng luôn đông khách vì món ăn ngon. Nhưng thực tế thì anh chị chỉ bán mỗi buổi trưa, vì công tác chuẩn bị hậu cần chỉ có hai người làm chứ không thuê nhân viên. Có lần anh chủ có việc bận về quê, chị vợ nấu thay thì không bằng một góc anh chồng. Đôi lúc đi ăn chứng kiến cảnh hai vợ chồng buôn bán, mình có phần thấy tiếc cho tài năng của anh chồng. Phải chi đổi lại một người vợ tháo vát, nhanh nhẹn hơn, hẳn là anh chồng đã được giúp đỡ hơn rất nhiều và sự nghiệp buôn bán của cả hai vợ chồng sẽ không chỉ dừng lại ở một quán cơm nhỏ xíu như vậy.

Không biết vô tình hay hữu ý mà công thức nhân duyên tương khắc này ứng vào hết mấy quán ăn mà thường hay lui tới, lặp lại đúng cùng một kiểu hình. Ở quán cơm trưa gần khu mình ở thì ngược lại với ca trên, chị vợ mới là chủ xị cầm trịch quán cơm còn anh chồng chỉ là người phụ. Công việc chính của anh chồng hết sức đơn giản, chỉ đứng đó chờ vợ gắp thức ăn xong thì bưng ra bàn cho khách ăn tại chỗ hay bỏ bọc cho khách mang về, lấy tiền rồi thối tiền là xong. Quán bán ở đó ước chừng cũng năm năm rồi, từ ngày mình dọn sang khu này đã thấy bán, nhưng bán tới bây giờ anh chồng vẫn chưa thuộc hết giá tiền các món. Mỗi lần mình ghé mua đều thấy anh ta hỏi lại vợ hộp này bao nhiêu, xong rồi tính tiền thối tiền vẫn hết sức lóng ngóng trong khi bao nhiêu khách đang chờ.
Có lần trong lúc mình chờ anh này đứng thối tiền, chị vợ đưa đĩa cơm ra mà anh chưa kịp mang ra bàn cho khách, thế là chị vợ la làng cái bàn ngay sát sau lưng sao không quay ra đưa cho nhanh để khách ăn rồi thối tiếp. Vậy đó mà anh chồng nổi cáu, giận dỗi bỏ đi một mạch vừa càm ràm không ngớt, trong khi tiền thì vẫn chưa thối xong cho mình, bỏ lại chị vợ một mình ba đầu sáu tay loay hoay giữa trận địa. Thực sự có đôi lúc, nhìn cảnh anh chồng làm mọi thứ đều chậm chạp cập rập, mình chỉ muốn chen ngang vô thôi anh đưa đây để tui làm cho nhanh rồi về, chứ đứng đợi anh làm tới Tết Công-gô vẫn chưa xong.

Ở công ty bạn mình có một cặp đôi hết sức kỳ lạ. Chàng trai là leader của một team IT, lương áng chừng cũng 30-40 triệu/tháng. Bạn gái thì nhỏ hơn vài tuổi, không làm gì cả mà ở nhà cho người yêu “bao nuôi”. Chuyện bạn trai nếu có năng lực kinh tế tốt, không muốn cho người yêu làm việc mà chỉ giữ tiền giùm mình thì cũng không có gì đáng nói, cái đáng nói ở đây là tính nết kỳ quặc của cô bạn gái này. Là tay hòm chìa khóa, cô bạn gái đó nắm hết tiền của bạn trai, muốn mua món gì (dù chỉ là nạp card điện thoại) cũng phải xin tiền bạn gái. Đến cuối năm ngoái, khi công ty có lương thưởng thì cô bạn gái tậu ngay chiếc Iphone 12 liền, trong khi bạn trai mình là dân làm công nghệ tới giờ xài một chiếc điện thoại cũ mèm hư lên hư xuống thì không mua cho điện thoại mới.
Nếu như chi tiền cho bản thân vung tay bao nhiêu, cô bạn gái lại kiệt xỉn bấy nhiêu với bạn trai. Mang tiếng là team leader nhưng bạn trai này chỉ có vài bộ quần áo mặc đi mặc lại, đến một cái quần jean dài bạn gái cũng không thèm mua cho. Các bạn trong công ty này có một group hay đi chơi chung mà các anh có add vợ và người yêu vào. Có lần mọi người rủ nhau đặt áo nhóm, ai cũng tham gia đặt hết, riêng bạn gái vào trả lời rằng hai bạn ấy không mua đâu vì tháng này cả hai có đi đám cưới nên phải… tiết kiệm.
Đợt giãn cách xã hội, cả hai đều bị nhiễm Covid và trở thành F0, phải đi cách li ở bệnh viện dã chiến. Người bạn mình đợt đó có tư vấn chi tiết gói cách li ở khách sạn, tính sơ sơ cách li hết 14 ngày thì khoảng tầm 14 triệu, nhưng bù lại cơ sở vật chất thì tiện nghi và chuyện ăn uống, chăm sóc cũng được đảm bảo đầy đủ. Cuối cùng, cả hai lựa chọn đi cách li ở trường học để… tiết kiệm chi phí, và phải ngủ suốt 14 ngày trên mấy chiếc bàn học sinh được ghép lại tạm bợ trong khi bản thân thì đang sốt, ho và khó thở. Đỉnh điểm câu chuyện là có mấy lần đi chơi chung cả nhóm, cô bạn gái giận dỗi và tát luôn bạn trai mấy phát trước mặt sếp và đồng nghiệp, khiến chàng trai ngại tới mức không còn dám dẫn người yêu đi chung mà toàn trốn đi riêng.

Ba câu chuyện mình kể trên chỉ là điển hình trong số rất nhiều câu chuyện về mối quan hệ nghịch duyên, mà trong đó thay vì nâng đỡ và giúp nhau cùng đi lên thì các cặp đôi lại trì kéo nhau đi xuống. Sự tồn tại của người này như một cửa ải hết sức nan giải thử thách lòng kiên nhẫn của đối phương. Nghịch duyên không chỉ hiện hữu ở các cặp đôi như người yêu, vợ chồng mà còn là người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Bất kỳ ai trong bất cứ mối quan hệ nào, ít nhiều đều phải trải qua những mối nghịch duyên như thế.
Nhưng nghịch duyên cũng chia làm hai loại: nghịch duyên ràng buộc và nghịch duyên không ràng buộc. Như trường hợp hai cặp vợ chồng chủ quán ăn thuộc về nghịch duyên ràng buộc, khi họ đã lập gia đình, sống chung với nhau một quãng thời gian rất lâu, khó có thể nói bỏ là bỏ đi tìm người khác thuận duyên hơn được. Trường hợp con cái với cha mẹ, anh chị em cùng một nhà với nhau cũng vậy, đã là quan hệ huyết thống thì rất khó cắt đứt nhân duyên, nói từ là từ dễ dàng được. Riêng trường hợp cặp đôi thứ ba thì thuộc loại nghịch duyên không ràng buộc, vì chỉ mới dừng lại ở mối quan hệ người yêu chứ chưa kết hôn, nếu chàng trai cảm thấy đi tới điểm cực hạn của mình và không chịu đựng bạn gái nổi nữa thì có thể chia tay, đường ai nấy đi, xem như giải thoát cho bản thân. Tương tự, mối quan hệ nghịch duyên giữa bạn với sếp, với đồng nghiệp hay bạn bè cũng là nhân duyên không ràng buộc, muốn cắt chỉ cần lấy kéo cắt cái một là xong.
Đối diện với nghịch duyên ràng buộc, khả dĩ thứ chúng ta có thể làm được là chấp nhận thực tại và nhìn vào sở trường, vào điểm tốt của đối phương thay vì cứ chăm chăm nhìn vào sở đoản và điểm yếu của họ. Có những người mà sự hiện diện của họ trong đời chúng ta là để dạy cho chúng ta một bài học gì đó, đa phần là sự kiên nhẫn và sức chịu đựng để chấp nhận tất cả những nghịch cảnh mà họ tạo ra cho chúng ta. Cửa ải này bạn chỉ vượt qua được đến khi nào thấy mọi cái xấu cái dở của đối phương là chuyện hết sức bình thường, và bạn an vui được trong mớ sóng gió hỗn độn mà người đó khuấy động lên. Đạt đến cảnh giới đó thì từ nay về sau có thêm phong ba bão táp cũng chỉ là chuyện ruồi chuyện muỗi.
Đối với nghịch duyên không ràng buộc, cắt đi là chuyện rất dễ dàng, ai cũng cắt được cái rụp như cắt sợi chỉ hay tờ giấy. Nhưng cái khó là sẵn lòng đối diện và chuyển hóa nghịch duyên thành thuận duyên. Chẳng hạn một cô bạn mình làm việc với một người sếp theo phong cách quản lý vi mô, luôn săm soi và bắt bẻ tất tần tật những gì bạn làm và khiến đời sống công sở của bạn trải qua mỗi tuần toàn năng lượng tiêu cực chứ chẳng mấy thuận lợi dễ dàng. Về lâu về dài đi làm với trạng thái cảm xúc như vậy thì không tốt một chút nào. Nhiều lần bạn tâm sự với mình, cảm thấy rất nản và muốn nghỉ việc để tìm sếp khác “thuận duyên” hơn. Câu hỏi trọng điểm mình đặt ra cho bạn là: Nếu tiếp tục ở lại, bạn cảm thấy có thể học hỏi thêm được điều gì từ vị sếp đó không? Nếu vẫn còn nhiều thứ để học từ hoàn cảnh nghịch duyên đó, vậy thì cứ tiếp tục ở lại học cho hết bài rồi hẵng suy nghĩ tiếp việc rời đi.

Có đôi lúc vũ trụ dày công đặt để, xây dựng cho bạn một vở kịch, một tình huống đặc sắc đến như thế, bạn còn chưa diễn tới cao trào mà đã muốn hạ màn chỉ vì bị đẩy vào tình thế bất xứng ý, vậy kịch đâu còn gì hay để xem?
Nhưng cũng có những mối quan hệ nghịch duyên không ràng buộc, mà việc cắt đứt với họ càng sớm sẽ càng tốt cho cuộc đời bạn. Bạn không thể tiếp tục đi lên khi có người cứ trì kéo cuộc đời bạn xuống. Những đứa bạn phản bội, chơi mất dạy. Những đồng nghiệp bẩn tính, thích đâm sau lưng hay hắt nước bẩn vào bạn. Những gã sếp mồm mép tép nhảy, thích thao túng người khác, âm thầm bóc lột sức lao động của nhân viên trắng trợn. Những mối quan hệ kiểu đó thì thà không có còn hơn, ở đời còn có khối người tốt hơn để chơi và tìm hiểu, thay vì chơi với loài lòng lang dạ thú.
Trên bước đường đời, nhiều khi bạn mắc kẹt vào một thời điểm nào đó là do những mối quan hệ nghịch duyên xuất hiện và trì kéo bạn lại. Thà đi một mình mà đi nhẹ nhàng còn hơn đi nhiều mình mà người trèo lên đầu, người đu lên cổ, người níu hai tay, người bám hai chân thì có khi gần cả đời người trôi qua mà bạn vẫn giậm chân tại chỗ hay chỉ nhích lên được vài bước. Lựa chọn tiếp tục níu giữ hay buông bỏ mối nhân duyên đó, cuối cùng vẫn là ở bạn.
Và ngược lại, những mối quan hệ thuận duyên mà bạn và đối phương cùng nhau nâng đỡ và đưa nhau đi lên là thứ mà bạn nên để tâm duy trì và trân trọng, bởi không có thứ gì lâu bền mà không cần đến sự bồi đắp và vun trồng theo thời gian.