Ảnh: Unsplash

Trong số những người mình từng gặp gỡ trong cuộc đời này, giáo sư Lê Tôn Hiến là một người thầy mà mình hết mực kính trọng, không chỉ vì sự uyên bác của thầy ở nhiều lĩnh vực trong đời sống mà còn ở lý tưởng sống và nhân cách của thầy. Là một người từng trải qua nhiều binh biến của thời cuộc, kinh qua những giai đoạn sóng gió thời tao loạn, thầy đến Mỹ định cư và cống hiến gần như cả đời cho công việc nghiên cứu và dạy học. Những năm cuối đời, thầy về Việt Nam dạy tiếng Anh tại trường Kinh Luân, ngôi trường do thầy thành lập từ năm 1968 và cũng là nơi mình theo học tiếng Anh trong suốt 4 năm liền cho tới khi thầy qua đời vào năm 2018.

Trong quá trình theo học với cố giáo sư Lê Tôn Hiến, mình từng được nghe thầy kể rất nhiều câu chuyện về cuộc đời thầy cũng như về những khám phá của thầy trong việc học tiếng Anh nói riêng hay lĩnh vực học thuật nói chung. Khi thầy mất, điều khiến mình tiếc nuối nhất là thầy chưa viết xong quyển hồi ký về cuộc đời thầy, cũng như nhiều kiến thức và hiểu biết quý giá của thầy chưa bao giờ được tập hợp và ghi chép lại thành sách để lưu truyền cho thế hệ sau. Không chỉ mình mà nhiều lứa học trò yêu mến thầy đều tiếc nuối điều này, những gì thầy để lại – ngoài bộ giáo trình tiếng Anh được biên soạn công phu cho người Việt – chỉ là những hồi ức trong tâm tưởng của nhiều thế hệ học trò.

Từ khoảnh khắc đó, mình bắt đầu trăn trở về việc những tri thức quý báu mà một cá nhân ưu tú khám phá và tích lũy được trong suốt cuộc đời họ, nếu không được trao truyền thì chẳng lẽ sẽ bị mai một và thất truyền theo thời gian sao?

Ảnh: Unsplash

Trăn trở về việc lưu giữ tri thức

Có lần mình trao đổi với một chuyên gia marketing nổi tiếng, có mấy chục năm thực chiến và thành công trong khá nhiều lĩnh vực kinh doanh, anh chia sẻ với mình về ý định viết một cuốn sách để tổng hợp lại những điều anh quan sát và chiêm nghiệm được trong nhiều năm làm nghề. Anh bảo rằng trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào cũng tồn tại những quy luật nhất định, nhưng không phải ai cũng thấy được những quy luật đó, chỉ có những người dấn thân vào nghề lâu năm, từng “lên voi xuống chó” nhiều lần thì mới ngộ ra được tính khuôn mẫu quy luật trong ngành nghề của mình. Một khi khám phá được những quy luật đó, bạn đem ứng dụng vào những trường hợp khác thì đều đạt được mức độ thành công nhanh hơn, giống như nắm giữ được chiếc chìa khóa bí mật vậy. Anh cũng nhấn mạnh với mình rằng những quy luật vốn luôn tồn tại ở đó, anh chỉ là người may mắn khám phá ra được chúng chứ không phải là người phát minh ra chúng.

Những điều anh chia sẻ làm mình rất đồng cảm, bởi khi đi làm công sở một thời gian, mình cũng nhận ra môi trường công sở có những quy luật nhất định dành cho người đi làm, mà ai biết được thì làm việc sẽ hết sức nhẹ nhàng, hiệu quả. Đa số những người mới đi làm hay thậm chí cả những người đi làm lâu năm đều mắc phải những sai lầm giống nhau trong những tình huống nhất định, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ “lỗi tư duy” của họ. Đó cũng là lý do thúc đẩy mình viết series Trưởng Thành Nơi Công Sở để chia sẻ những kinh nghiệm mình tích lũy trong suốt quãng thời gian đi làm, và mình nghĩ nó sẽ giúp nhiều bạn tiết kiệm thời gian, công sức và rút ngắn được hành trình chinh phục nấc thang công sở.

Một chị sếp của mình cũng là một người có hơn 30 làm nghề trong ngành xuất bản, có thể nói chị nắm được tất cả các ngóc ngách và quy luật trong nghề, mà những người mới vào nghề một vài năm như mình không thể nào thấy được bức tranh toàn cảnh hay chiếc lưới được dệt nên bởi vô vàn kiến thức và kinh nghiệm đan xen đó. Khi nghỉ việc, chị tuyên bố có lẽ từ nay chị sẽ giải nghệ và không còn tiếp tục sống với nghề xuất bản nữa, mà sẽ thử trải nghiệm ở những lĩnh vực khác. Giống như trường hợp của cố giáo sư Lê Tôn Hiến, điều mình tiếc nuối nhất là chị không có ý định viết một cuốn sách về kinh nghiệm làm nghề của chị, cũng như rất nhiều tri thức quý giá mà chị tích lũy được trong nhiều năm làm nghề không được trao truyền và tiếp nối. Giống như một ngọn đuốc lớn không mồi lửa cho những ngọn đuốc nhỏ hơn kế cận, một ngày nào đó nó sẽ vụt tắt, và vòng đời của tri thức sẽ khép lại ở đó.

Ảnh: Unsplash

Những tri thức không được trao truyền

Hồi mình còn quản lý một đội Sales ở cả hai chi nhánh miền Nam và miền Bắc, mình nhận ra một điểm yếu chí mạng khiến đội Sales cứ giậm chân tại chỗ dù trước mình đã trải qua khá nhiều đời quản lý, đó là những kiến thức và kinh nghiệm làm việc với khách hàng không bao giờ được lưu giữ và trao truyền trong đội ngũ cũng như liên hế hệ. Ví dụ một bạn nhân viên Sales được xem là kỳ cựu làm việc tại công ty khoảng 5 năm, đến khi bạn nghỉ việc thì tất cả những kiến thức tích lũy về hệ thống và khách hàng cũng đi theo bạn, công ty và đội Sales không được thừa hưởng gì từ bạn. Đến khi mình tuyển một nhân viên Sales mới, gần như bạn ấy phải học lại mọi thứ về hệ thống từ đầu.

Trăn trở và tìm kiếm giải pháp cho điều này, mình đã sáng chế ra một trang web nội bộ dành riêng cho đội ngũ Sales, do chính mình tập hợp và biên soạn lại tất cả chính sách Sales hiện hành được áp dụng từ trước tới giờ, hệ thống lại thành một bộ chính sách bài bản dựa trên việc phỏng vấn sếp và phỏng vấn các thành viên kỳ cựu của đội Sales (xin nói rõ là trước đó công ty không có bộ chính sách chung, chỉ có email hay bài đăng nội bộ của sếp thông báo, và đội Sales cứ y theo đó mà làm trong khi nhiều chính sách mới và cũ mâu thuẫn lẫn nhau). Trong trang web đó mình có một mục gọi là Q&A (Hỏi và đáp), dành để tổng hợp các case study hay từ những bạn Sales giỏi để cả đội ngũ tham khảo. Trong quá trình quản lý, mình cũng khuyến khích đội ngũ Sales tích cực chia sẻ những case study hay các bạn gặp cũng như một số đoạn ghi âm lúc các bạn tư vấn cho khách hàng để làm tư liệu tham khảo chung cho cả đội học hỏi.

Trên thực tế, ngoại trừ những nỗ lực kêu gọi của mình thì không có bạn Sales nào hưởng ứng với việc chia sẻ và trao truyền thông tin với nhau trong nội bộ. Sau này, mình mới nhận ra bản chất chung của công việc Sales là sự cạnh tranh về mặt doanh số, một bạn Sales giỏi sẽ có những bí quyết và kinh nghiệm riêng mà một bạn Sales kém không có. Và dĩ nhiên, người giỏi họ không có nhu cầu chia sẻ bí quyết họ khổ công khám phá được để người khác ngồi không hưởng lợi, với họ đó là sự không công bằng. Giống như trong phim kiếm hiệp, bạn nhặt được một quyển bí kíp võ công và khổ luyện bao nhiêu năm trời mới đạt được đến tu vi đó, vậy bạn có sẵn lòng chia sẻ quyển bí kíp đó ra ngoài để ai ai cũng luyện được tới trình độ ngang hàng với bạn không?

Từ thực tế này, mình nhận ra có hai kiểu người khác nhau: người có nhu cầu chia sẻ tri thức và người không có nhu cầu đó. Ví như Đức Phật Thích Ca là người khám phá ra chân lý giác ngộ dưới cội cây bồ đề và trao truyền tri thức đó cho nhiều lớp đệ tử khác nhau, từ đó đạo Phật mới hình thành và tiếp nối cho đến tận bây giờ. Nếu ngày ấy thái tử Tất Đạt Đa giác ngộ và chỉ giữ riêng cái ngộ ấy cho riêng mình, thế gian hẳn sẽ không có cái gọi là đạo Phật. Bản thân mình khi mình lập ra blog này cũng xem nó như một nơi để lưu trữ những ghi chép của bản thân trong hành trình mình sống và khám ra những quy luật ở kiếp sống hạn hữu này. Mình thường ví mỗi bài viết như một “trái trí tuệ” (một hình ảnh tượng trưng từ bộ truyện Đôrêmon), giúp độc giả phần nào đó khai mở tư duy, gặt hái thêm một tri thức và hiểu biết mới để sống nhẹ nhàng và minh triết hơn trong cuộc đời này.

Thế nhưng, chúng ta có thể nhận định những người không có nhu cầu chia sẻ tri thức là ích kỷ được không? Nếu họ chỉ khư khư giữ tri thức cho riêng họ thì liệu những tri thức ấy có bị thất truyền?

Ảnh: Unsplash

Đại thư viện ẩn tàng của vũ trụ

Khi nói về kho tàng tri thức của nhân loại, mình tạm ví von bằng một hình ảnh ẩn dụ sau đây. Đó là có một đại thư viện ẩn tàng của vũ trụ, nơi lưu giữ hết những tri thức của vũ trụ mà Trái Đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong vũ trụ đó. Trong đại thư viện này, có vô vàn những kệ sách khác nhau được phân chia theo ngành nghề lĩnh vực, mỗi ngành nghề lĩnh vực lại có hằng hà sa số sách về những quy luật bản chất của ngành nghề đó.

Một người ở thế gian, khi sống và làm việc lâu năm trong một ngành nghề nhất định, giống như người có cơ hội bước vào đại thư viện và mượn được vài quyển sách ở kệ sách chuyên môn của họ. Đôi khi họ sẽ đi dạo qua một số kệ sách ở các ngành nghề khác liên quan và mượn thêm vài quyển sách khác. Người nắm giữ tri thức của một quyển sách có thể lựa chọn trao truyền một phần hay toàn bộ tri thức mà họ thấu đạt cho người khác, hoặc đơn giản là họ không trao truyền gì cả và chỉ giữ cho riêng mình. Không có quy định nào bắt buộc họ phải chia sẻ, và cũng không có tiêu chuẩn nào để chúng ta phán xét hành vi không chia sẻ của họ.

Xin nói rõ, tri thức hay quyển sách vốn dĩ thuộc về đại thư viện của vũ trụ, chứ không thuộc về bất cứ ai trên thế gian. Lẽ vậy, dẫu họ có lựa chọn không trao truyền và rồi rời bỏ thế gian này, thì tri thức ấy vẫn quay lại với đại thư viện của vũ trụ, không mai một cũng không mất đi hoàn toàn. Và không có họ thì sẽ có một người khác đến được đại thư viện và mượn được quyển sách đó, vòng đời của tri thức lại tiếp tục được tuần hoàn. Giống như nếu không có Phật Thích Ca khám phá ra chân lý giác ngộ, hoặc nếu ngài lựa chọn không chia sẻ tri thức đó với nhân loại, thì thế gian cũng sẽ xuất hiện một bậc giác ngộ khác thực hiện sứ mệnh đó. Chân lý giác ngộ không thuộc về sở hữu của riêng Phật Thích Ca, mà vốn của vũ trụ thường hằng. Chân lý ấy luôn nằm ở đại thư viện của vũ trụ từ thuở vô thủy vô chung tới nay, chỉ chờ con người bước vào thư viện để mượn quyển sách đó.

Ảnh: Unsplash

Mong muốn nắm giữ hết kho tàng tri thức của nhân loại là một sự vĩ cuồng. Ở mỗi kiếp sống hạn hữu, con người chỉ có thể mượn được một vài cuốn sách của đại thư viện, chứ không thể đọc hết tất cả số sách của thư viện đó. Vũ trụ này có vô vàn quy luật ẩn tàng và luôn hiện hữu, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có thể thấu suốt được tất cả những quy luật đó, mà chúng ta chỉ có thể chiêm nghiệm được một vài quy luật.

Nếu trước khi nhận được đề bài thi toán, chúng ta đã biết được tất cả đáp án trong ngân hàng đề thi, thì việc giải bài toán ấy trở nên vô nghĩa và chẳng có gì thú vị. Nếu khi đối diện với mọi vấn đề trong cuộc đời, chúng ta đều đã nắm rõ mọi giải pháp để xử lý thì cuộc đời này cũng sẽ trở nên tẻ nhạt và đơn điệu vô cùng. Tương tự, bản chất của các quy luật và tri thức ẩn tàng trong cuộc sống là để chúng ta tìm tòi, khám phá và tự thấu đạt theo cách của riêng mình, để áp dụng vào riêng trường hợp của mình. Những tri thức được người khác trao truyền chỉ mang tính chất tham khảo, chứ bài toán cuộc đời đặt ra cho mỗi người không ai giống ai, và mỗi người đều phải tự mình đi tìm lời giải. Khi Phật Thích Ca sắp tịch diệt, ngài có nhắn nhủ các đệ tử của mình: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đây là lời động viên mà cũng là lời nhắc nhở của Đức Phật cho hàng chúng sinh đệ tử, rằng họ nên nương tựa vào chính mình và tự đi trên đôi chân của mình.

Khoa học công nghệ của tương lai có thể hứa hẹn với bạn về viễn cảnh có thể download toàn bộ tri thức trong bộ não của một người xuống như một tập tin, để rồi copy paste nó sang một bộ não khác, và à há đột nhiên bạn sở hữu toàn bộ tri thức của người kia. Tương lai đó vẫn còn là một điều hết sức xa vời và phản ánh tham vọng tri thức quá lớn của loài người. Nó đi ngược lại với trật tự vận hành của vũ trụ, và những gì trái với quy luật tự nhiên, đều phải nhận lãnh những cái giá phải trả rất lớn. Sau rốt thì, hãy là một người cầu thị luôn sẵn lòng học hỏi và mưu cầu tri thức, vũ trụ sẽ mở ra cánh cửa cho bạn bước vào đại thư viện ẩn tàng đó để khám phá kho tàng tri thức của nhân loại, thay vì chỉ biết đứng bên ngoài cánh cổng thư viện và mong chờ người khác sẽ trao truyền tri thức cho mình.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải