
Gần đây mình có đọc được một chia sẻ thú vị của một người em trên Facebook. Quá mệt mỏi với chuyện tìm chỗ trọ mới ở Sài Gòn, em mạnh dạn inbox những người em quen để… xin tiền mua nhà. Dĩ nhiên đây chỉ là trò đùa vui vui của em và thực tế không có người bạn giàu có nào xuất hiện và trả lời như em mong ước: “Mày thích ở quận mấy? Chung cư nào? Để tao đi mua”. Hầu hết các bạn đều có cùng tâm trạng với em trong nỗi trăn trở về việc an cư lập nghiệp ở một đô thị lớn, và chuyện có một căn nhà mơ ước đối với dân văn phòng quả thực là một ước mơ xa vời. Mặc dù đây chỉ là một thử nghiệm xã hội nhỏ, nhưng ẩn sâu sau đó là mong ước hoàn toàn chính đáng về một chỗ ở ổn định lâu dài – điều mà bất cứ người dân tỉnh lẻ nào khi đến thành phố lớn lập nghiệp cũng đều mong mỏi.
Một người bạn khác của mình làm vị trí quản lý trong lĩnh vực PR với mức thu nhập hơn ngàn đô. Dù bạn đã hết lửa với nghề và đi học thêm văn bằng hai về một lĩnh vực hoàn toàn khác với mong muốn rẽ hướng con đường sự nghiệp theo đam mê mới, nhưng bạn lại không sẵn sàng từ bỏ công việc cũ bởi thu nhập đang rất tốt, trong khi bắt đầu lại ở một lĩnh vực mới thì lương khá thấp. Chưa kể, để đi sâu đi xa hơn trong lĩnh vực mới, bạn phải học tiếp lên thạc sĩ ở Việt Nam hoặc nước ngoài, nhưng vấn đề đặt ra là nếu lựa chọn đi theo con đường này thì phải đầu tư khá nhiều tiền bạc, thời gian lẫn công sức. Một khi đã dấn thân vào việc học lên cao thì đồng nghĩa là bạn phải từ bỏ công việc ổn định hiện tại và đối mặt với một tương lai không có thu nhập. Đó cũng là điều khiến bạn chần chừ suốt một thời gian dài mà vẫn chưa thể đưa ra quyết định.
Ngày nay, một trong những nguyên nhân khiến con người ta trầm cảm và lo âu nhiều nhất là việc họ không có sự bảo đảm về một tương lai chắc chắn và hứa hẹn. Nỗi lo sợ về một tương lai bất định cũng là thứ khiến cho nhiều người phải khổ sở vật lộn ngày qua ngày với một công việc họ không thích, bán mình cho tư bản để đổi lấy lương tháng và bị cuốn vào một vòng xoáy luẩn quẩn tới kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng hãy thử tưởng tượng, trong cơn bủa vây của cơm áo gạo tiền và một tương lai mờ mịt, bỗng nhiên có một ông Bụt xuất hiện và chìa ra trước mặt bạn một chiếc thẻ đen: “Thẻ đây, con lấy xài đi, sau này ta bao nuôi con”. Tương lai của bạn khi đó có lột xác huy hoàng như ngày cô Tấm gặp được nhà vua không?

Một địa đàng lý tưởng nơi trần gian
Khi trò chuyện với một số người ở độ tuổi U40 hoặc U50, một trong những điều mình thường nghe họ chia sẻ là họ phải kiếm tiền đến khi nào trong tài khoản có khoảng 1 tỷ trở lên thì mới cảm thấy an tâm về mặt tài chính. Bởi lẽ những người ở độ tuổi này thường có gia đình và con cái nên mục tiêu tài chính mà họ đặt ra cũng lớn hơn những người trẻ U30 như mình. Với những bạn trẻ ở đầu hai mấy ba mươi thì trong tài khoản có vài trăm triệu đã là khá nhiều, vì có một thực tế rằng có những người ra trường và đi làm gần chục năm nhưng trong tài khoản nhiều khi không có nổi 100 triệu. Nếu bạn rơi vào nhóm này thì cũng đừng quá buồn, bởi có một số liệu thống kê rằng 60% công dân Mỹ có chưa tới 500 USD (gần 12 triệu đồng) tiền tiết kiệm trong tài khoản cho tình huống khẩn cấp và nhiều nước phương Tây cũng có xu hướng tương tự.
Không phải người Mỹ quá nghèo tới mức không có nổi 12 triệu, mà do họ phải làm việc để trả nợ vay mua nhà, vay tiền học đại học và nhiều khoản nợ khác bên cạnh chi phí sinh hoạt khiến cho họ phải dành gần như cả đời để làm việc và trả nợ chính phủ. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa khiến cho nhiều người dân phương Tây rơi vào trầm cảm và lo âu vì một tương lai quá bất định. Không ai biết được đến một ngày nào đó đột nhiên bạn bị mất việc, bệnh tật hay tai nạn ập đến, khi đó bạn sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng của sự vô sản. Căng thẳng về tài chính là một nỗi lo có thực và luôn thường trực hiện hữu ở bất cứ quốc gia nào, từ phương Tây đến phương Đông. Chừng nào trong tài khoản của bạn không có một số tiền tiết kiệm đủ lớn để bạn có thể bình thản vượt qua những điều bất định trong tương lai, chừng ấy bạn sẽ còn ám ảnh với áp lực kiếm tiền không dứt.

Trên thực tế, có một số nhà kinh tế học đã đưa ra một giải pháp hết sức hứa hẹn nhằm giúp các chính phủ giải quyết mối lo này của người dân, đó là đề xuất về một mức thu nhập căn bản phổ quát. Theo đó, chính phủ sẽ trao cho bạn một khoản tiền vừa đủ để trang trải các nhu cầu cơ bản (chỗ ở, thức ăn, chi phí sinh hoạt) hằng tháng hoặc hằng năm. Bạn không cần phải làm bất cứ điều gì để đổi lấy số tiền đó, mà tất cả được trao tặng hoàn toàn miễn phí. Tại Phần Lan vào năm 2017, chính phủ đã quyết định thử nghiệm ý tưởng này với 2.000 công dân được chọn ngẫu nhiên, tuổi từ 25-58 bằng cách trao cho họ 560 Euro (khoảng 15 triệu đồng) vào mỗi tháng. Chính phủ thiết lập một chương trình nghiêm ngặt để theo dõi điều gì sẽ xảy ra và kết quả mang lại rất tích cực. Những người được hưởng chính sách cải thiện được khả năng tập trung và giảm căng thẳng một cách đáng kể, cũng như chỉ số IQ tăng lên rõ rệt.
Trước đó vào giữa thập niên 1970, Đảng Tự Do của chính phủ Canada cũng từng thử nghiệm ý tưởng tương tự ở một thị trấn nhỏ có tên Dauphin. Trong vòng vài năm, người dân ở thị trấn này được chính phủ cấp vô điều kiện số tiền 19.000 USD (khoảng 450 triệu đồng) mỗi năm tính theo giá tiền tệ hiện tại, tức mỗi tháng họ sẽ có khoảng 37,5 triệu đồng để trang trải sinh hoạt. Nhưng có một sự vụ hết sức ly kỳ liên quan đến thử nghiệm này, đó là sau ba năm thử nghiệm thì quyền lực chính phủ ở Canada được chuyển giao sang Đảng Bảo Thủ nên chương trình đột ngột bị dừng lại. Toàn bộ dữ liệu thu được từ chương trình được xếp thành mấy chục thùng hồ sơ lớn, bị cất vào một góc trong nhà kho và hoàn toàn bị lãng quên. Về sau giáo sư Evelyn và một nhóm các nhà nghiên cứu truy theo dấu vết và tìm gặp những người đã sống trong thời kỳ đó để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Các khám phá của giáo sư Evelyn đem lại những góc nhìn hết sức táo bạo và mới mẻ về chương trình thu nhập căn bản phổ quát. Những người dân được hưởng chính sách ở thời điểm đó chia sẻ rằng khoản trợ cấp ấy giống như một hợp đồng bảo hiểm đối với họ, nó giúp loại bỏ rất nhiều căng thẳng và mối lo lắng trong cuộc sống về những khoản chi phí mà họ phải chi trả hay chuyện lo cho gia đình và con cái ăn học. Một phụ nữ con nhà nghèo nhờ số tiền đó mà bà có thể học lên đại học, trở thành thủ thư và vươn lên thành một người được kính trọng trong cộng đồng. Lần đầu tiên trong đời, có những người có thể ngoi lên khỏi những bất an thường trực để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và theo đuổi những sở thích của bản thân.
Mặc dù có những lợi ích tích cực và khả quan như thế, chương trình thu nhập căn bản không được phổ biến rộng rãi và đưa vào áp dụng trong thực tế vì nhiều lý do. Một là, khả năng kinh tế của quốc gia không cho phép và chính phủ phải tốn một khoản kinh phí rất lớn để triển khai chương trình trong thực tế. Hai là, người ta chăm chăm quá nhiều vào những bất lợi của cuộc thử nghiệm hơn là lợi ích mà nó đem lại, chẳng hạn như việc một số thành phần lợi dụng chính sách này để trở nên lười biếng và nằm không hưởng lợi, hay tỷ lệ ly hôn cao hơn do phụ nữ trở nên độc lập về tài chính và không còn bị ràng buộc vào người chồng. Kết cục là, những nghiên cứu về thử nghiệm này dần bị trôi vào quên lãng và bị chôn vùi trong lớp bụi thời gian.

Mấy ai có được cảng chắn gió trong đời?
Gần đây mình có nghe được một chuyện đáng suy ngẫm từ người nhà. Một đứa cháu của mình đang học tới năm ba đại học thì tự dưng quyết định bỏ học về quê vì cảm thấy không muốn đi học nữa. Nghe câu chuyện này, nhiều người sẽ cho rằng con bé này sẽ bị cha mẹ quở trách và bị bắt đi học trở lại. Nhưng thực tế thì hoàn toàn trái ngược, cha mẹ hoàn toàn ủng hộ quyết định của nó chỉ đơn giản vì họ quá giàu. Ngay từ khi con bé mới vào năm nhất đại học, gia đình đã mua cho nó một căn chung cư ở Sài Gòn. Giờ nó học thấy chán thì về nhà phụ ba nó kinh doanh rồi tương lai nối nghiệp làm chủ, bởi ba nó có một vựa hải sản và một cái nhà hàng lớn ở quê. Thay vì mất bốn năm đại học để học lấy một cái bằng rồi cuối cùng cũng đi làm thuê cho người ta với mức lương bèo bọt, cha mẹ khuyến khích việc nó bỏ học về làm chủ cho khỏe.
Trong nhiều năm đi làm, mình cũng chứng kiến không ít trường hợp những cậu ấm cô chiêu đi làm văn phòng kiểu như vậy. Dù cho mức lương tương đối thấp, công việc nhiều áp lực và deadline nhưng họ vẫn vui vẻ đi làm. Trên thực tế, mình không hề biết background của các bạn ấy cho tới khi họ nghỉ việc. Người thì về tiếp quản công ty gia đình, người thì về làm giám đốc cho xưởng sản xuất lớn của người nhà, dù cho chuyên môn hay kinh nghiệm họ tích lũy trước đó không mấy liên quan. Khi hiểu về background của họ, mình mới lý giải được vì sao mấy năm qua họ có thể đi làm trong trạng thái nhẹ nhàng đến thế, bởi lẽ họ đi làm với tâm thế học việc và trải nghiệm cho biết, còn lương thì lãnh cho vui chứ thấm tháp bao nhiêu so với khối tài sản khổng lồ của gia đình. Có mấy ai trong số chúng ta may mắn có được một cảng chắn gió an toàn như vậy ở hậu phương? Hầu hết chúng ta đều phải vật lộn từng ngày với công việc, mang trong mình những gánh nặng về tương lai và luôn canh cánh về những nỗi mưu sinh trong đời.

Nếu bạn biết rằng mình sẽ có đủ tiền để sống một cách an toàn – có thể là từ chương trình thu nhập căn bản phổ quát hay một khoản tiết kiệm lớn mà bạn đã tích lũy trong suốt nhiều năm đi làm, tâm thế đi làm của bạn sẽ hoàn toàn khác hẳn với lúc bạn không có nhiều tiền. Bạn sẽ không cần phải thảo mai với sếp hay phải hạ mình để làm đồng nghiệp vui lòng, bạn sẽ sẵn sàng từ chối một nhiệm vụ bất khả thi trong công việc, và bạn sẽ mạnh dạn nộp đơn xin nghỉ việc nếu cảm thấy môi trường không phù hợp hoặc mình bị đối xử tệ bạc. Sự đảm bảo về mặt tài chính giúp bạn không phải trở thành nô lệ của công việc mình đang làm hay không phải làm những công việc hết sức bullshit (nhảm nhí). Khi cảm thấy không thể gắn bó với công việc hiện tại được nữa, bạn chẳng cần phải sợ bị mất khoản “heroin” lương tháng mà chỉ đơn giản là rời đi một cách nhẹ nhàng.
Rutger Bregman, một nhà sử học kinh tế xuất sắc người Hà Lan mà mình rất ngưỡng mộ tầm nhìn và tư duy nhân văn của ông trong góc nhìn về nhân loại, là một người đã dành rất nhiều tâm huyết để nghiên cứu về ý tưởng thu nhập cơ bản phổ quát. Ông có một góc nhìn rất thú vị rằng ngày nay việc ai đó nghỉ việc và theo đuổi đam mê của họ được người đời xem như một điều gì đó hết sức táo bạo và vượt khỏi mọi khuôn khổ lề lối. Ông cho rằng đó là một dấu hiệu cho thấy xã hội chúng ta đã đi lệch hướng như thế nào khi việc tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc và theo đuổi đam mê trong cuộc sống lại được xem là chuyện kỳ lạ, thay vì tất cả chúng ta nên sống theo cách như thế. Có bao nhiêu người trong số chúng ta đang làm một công việc lặp đi lặp lại ngày qua ngày mà bản thân ta cảm thấy thật vô nghĩa và chẳng có đóng góp gì cho thế giới?

Hãy thử tưởng tượng viễn cảnh nếu bạn được trợ cấp một khoản thu nhập cơ bản hằng tháng và không còn phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền nữa, liệu bạn có lựa chọn tiếp tục làm công việc hiện tại hay sẽ nghỉ việc và theo đuổi đam mê của riêng mình? Đây là câu hỏi hết sức quan trọng và mấu chốt, bởi nó cho biết bạn có đang thực sự cảm thấy gắn kết và yêu thích những gì mình đang làm hay không. Cốt lõi của chương trình thu nhập cơ bản phổ quát muốn truyền tải tới mọi người thông điệp: “Bạn là một con người. Bạn chỉ sống một lần. Sao không làm những gì bạn muốn, thay vì phải làm những gì bạn không muốn?”.
Sau cùng, đây là một phạm trù thuộc về vấn đề hiện sinh. Bản thân mình chỉ khơi gợi ra một góc nhìn để bạn đọc suy ngẫm chứ không thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào vì đó là một nan đề lớn trong cuộc đời. Suy cho cùng, giàu sang có số và không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình có điều kiện tốt. Thôi thì, nếu cuộc đời đã không muốn bạn giàu hoặc bạn có nỗ lực cách mấy cũng không thể giàu lên được thì hãy tận hưởng niềm vui của một người có mức thu nhập trung bình, học cách hài lòng với những gì bạn có và biết đủ là đủ. Đó cũng chính là phương trình tinh thần dành cho những người bình thường không có nhu cầu trở nên phi thường.
Tài liệu tham khảo:
– Sách “Lost Connection – Mất kết nối” – Johann Hari
– Sách “Stolen Focus – Kiểm soát sự tập trung giữa cơn bão công nghệ” – Johann Hari
– Sách “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa” – Rutger Bregman