Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim ấm áp về tình cảm gia đình thì “Nữ nhi nhà họ Kiều” là bộ phim không thể bỏ qua. Đối với mình, đây là bộ phim truyền hình về đề tài gia đình hay nhất năm 2021 mà mình đã xem. Hay tới nỗi mình xem phim nhập tâm tới mức cùng khóc cùng cười cùng trải qua những nỗi bi ai thống khổ của các nhân vật. Xem xong 36 tập phim mà những tưởng vừa trải qua một kiếp sống.
Tựa phim “Nữ nhi nhà họ Kiều” thực ra đặt không chính xác, tên gọi đúng của bộ phim là “Những đứa con nhà họ Kiều” (乔家的儿女), nhưng không hiểu sao bên FPT mua bản quyền bộ phim này phát sóng ở Việt Nam lại đặt sai tên như vậy, khiến những trang khác đăng tải lại cũng đặt thành tựa sai nốt.

Bối cảnh phim diễn ra ở thành phố nhỏ Nam Kinh, Trung Quốc vào đầu thập niên 80, trong một căn nhà nhỏ ở một khu phố nghèo, xoay quanh 5 anh em nhà họ Kiều với cách đặt tên rất đặc trưng thời điểm đó: anh cả Nhất Thành, anh hai Nhị Cường, em ba Tam Lệ, em tư Tứ Mỹ, và cậu út sinh vào năm 1977 nên đặt là Thất Thất. Ngày Thất Thất ra đời cũng là 5 anh em nhà họ Kiều mất mẹ vì ca sinh khó. Người cha Kiều Tổ Vọng vốn là một kẻ mê chơi cờ bạc, rượu chè, khi vợ còn sống thì mọi việc nhà đều do vợ quản, đến khi vợ mất thì cả bầy con nheo nhóc ở nhà cũng không thèm quan tâm, tới khi ăn thì chỉ lo nấu ăn phần mình. Trong hoàn cảnh éo le đó, anh cả Nhất Thành khi đó mới học cấp hai phải đứng ra cáng đáng việc gia đình, vừa đi học vừa ở nhà cơm nước chăm sóc bốn đứa em, có thể nói Nhất Thành vừa làm cha mà cũng vừa làm mẹ cả bốn đứa.

Vì cậu út Thất Thất quá nhỏ, Nhất Thành không thể nào chăm sóc chu đáo được nên gia đình đành phải gửi sang nhà dì Hai nuôi giúp, mỗi tháng sẽ gửi sinh hoạt phí sang cho dì. Dì Hai vốn là em gái của mẹ Nhất Thành, gia đình dì là một gia đình kiểu mẫu mà Nhất Thành từ bé luôn mơ ước nhưng không bao giờ có được. Ông bố Nhất Thành bê tha, lầy lội bao nhiêu thì dượng Tề là phiên bản hoàn toàn ngược lại, suốt ngày quan tâm, chăm sóc mấy đứa cháu như con ruột mình, lâu lâu ghé nhà dẫn tụi nhỏ đi chơi hay cho quà bánh, cho tiền khi tụi nhỏ gặp khó khăn.
Trong căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ và ọp ẹp nơi ngõ nhỏ đó, bốn anh em Nhất Thành, Nhị Cường, Tam Lệ, Tứ Mỹ phải tự mình xoay xở lớn lên, trong một gia đình có cha mà như không cha. Có lần khi Tam Lệ và Tứ Mỹ tới tuổi dậy thì, Nhất Thành đề nghị bố đổi phòng cho hai em gái, sang ngủ cùng Nhị Cường, còn Nhất Thành sẽ ngủ ngoài phòng khách nhưng người bố nhất mực không cho, còn cố sống cố chết bảo giường của ông ta thì không ai được nằm, ổng sẽ nằm trên cái giường đó cho tới chết.

Từ giai đoạn thơ ấu đến lúc trưởng thành, “Nữ nhi nhà họ Kiều” thay tới ba lứa diễn viên ở các độ tuổi khác nhau. Diễn xuất của các em nhỏ cực kỳ xuất sắc, và đạo diễn cũng rất khéo khi chọn các em rất giống ngoại hình của bốn anh em khi trưởng thành. Tuy là một bộ phim tâm lý gia đình bình thường, tưởng như không có gì đặc biệt nổi trội, nhưng “Nữ nhi nhà họ Kiều” quy tụ cả một dàn sao có tên tuổi ở Trung Quốc đại lục như Bạch Vũ (anh cả), Mao Hiểu Đồng (Tam Lệ), Tống Tổ Nhi (Tứ Mỹ), Đường Nghệ Hân (Nam Phương) và một cơ số diễn viên phụ khác cũng toàn dàn diễn viên thực lực nổi tiếng, nhiêu đó đủ để thấy quy mô và sự công phu của bộ phim này như thế nào.

Trong vỏn vẹn 36 tập phim, mỗi tập là một vấn đề, một nút thắt phát sinh xoay quanh câu chuyện của mỗi đứa con nhà họ Kiều, đầy drama và cũng lắm biến cố suốt cả quá trình từ bé tới lớn. Như Nhị Cường thì không đam mê học hành, bỏ học từ cấp hai, ra đời sớm rồi lại yêu thầm vị sư phụ lớn hơn mình cả chục tuổi. Tam Lệ từ bé bị xâm hại tình dục, sang chấn tâm lý nên lớn lên không thể yêu ai và cực kỳ nhạy cảm với sự động chạm của người khác phái. Tứ Mỹ là một nhân vật rất thú vị trong phim, mê trai từ bé và thay idol như thay áo, sự u mê tới lớn cũng không đổi dẫn tới cuộc hôn nhân đầy phong ba bão táp. Như một cậu đồng nghiệp của Nhất Thành từng nói, chuyện nhà cậu chẳng bao giờ có lúc bình yên, không chuyện này thì cũng chuyện khác xảy ra, cậu đi giải quyết hết từng chuyện thì không biết bao giờ mới tới hồi kết.
Để bình luận về “Nữ nhi nhà họ Kiều” thì thật sự có quá nhiều chuyện để nói, phải viết tới cả chục bài review mới đủ cho từng vấn đề, nhưng khuôn khổ bài viết có hạn nên mình chỉ bình luận một số vấn đề nổi bật trong phim.
Tình thân và tình yêu
Cuộc hôn nhân thất bại giữa anh cả Nhất Thành và Tiểu Lãng là bài học lớn đầu đời của anh cả. Tiểu Lãng là một nhân vật được khắc họa cá tính hoàn toàn trái ngược với Nhất Thành – xốc nổi, tùy hứng, nghĩ gì nói đó, tầm nhìn ngắn hạn. Khi va phải một phiên bản đối lập như thế thì Nhất Thành lại cảm thấy thú vị và có sức hút, anh cả đã quá mệt mỏi với những chuyện xảy ra trong gia đình mình nên từ nhỏ anh luôn mơ ước có một tổ ấm riêng, một mái nhà riêng thuộc về mình. Và Tiểu Lãng là người giúp anh hiện thực hóa ước mơ đó, khi cô chủ động cầu hôn Nhất Thành sau chỉ vài lần hẹn hò.

Kết cục của sự va chạm tính cách là cuộc hôn nhân của cả hai sau đó liên tục xảy ra lục đục, mâu thuẫn về quan điểm sống. Khi bước vào một cuộc hôn nhân, xây dựng một tổ ấm của riêng mình, nhiều lần Nhất Thành đứng giữa thế lưỡng nan giữa người nhà và vợ mình – một bên là tình thân, không thể không quản và một bên là tình yêu, là người đầu ắp tay gối sẽ kề cạnh mình trong quãng đời còn lại. Khi gia đình Nhất Thành gặp biến cố, ông cố lừa đảo người khác bị vỡ nợ, ba anh em phải tới sống ở nhà Nhất Thành với chị dâu, mâu thuẫn tới đây càng đẩy lên đỉnh điểm.
Nan đề mà Nhất Thành gặp phải cũng là điều khiến mình suy ngẫm nhiều. Rốt cuộc thì gia đình chẳng phải cũng là từ hai người dưng ghép lại với nhau đó sao, và hai người dưng đó sống chung với nhau lâu năm sẽ thành người thân. Tình thân sâu đậm đến mấy, khi xa cách thì người thân dần cũng trở thành người dưng, gặp nhau không còn quan tâm, hỏi han, chuyện trò được như lúc còn bé. Trong trường hợp của Nhất Thành, tình thân vẫn là thứ mạnh mẽ hơn tình yêu.
Người thân và người dưng
Trong cuộc hôn nhân giữa Tam Lệ và Vương Nhất Đinh, Tam Lệ chịu thiệt thòi khá nhiều khi sống chung với bà mẹ chồng trái tính trái nết, khó ăn khó ở. Nhất Đinh tuy là con cả nhưng bà mẹ xem như con ghẻ, dành hết mọi tình thương cho cậu con trai út, và còn bắt Nhất Đinh phải chu cấp cho em trai ngay cả khi nó đã trưởng thành. Bà mẹ chăm lo thương yêu cậu út là thế nhưng rốt cuộc, cậu ta là người làm bà tức đến đổ bệnh và tới khi bà ngã bệnh cũng không thèm tới thăm một lần nào. Về sau, Tam Lệ mới biết hóa ra Nhất Đinh là con nuôi, còn cậu út mới là con ruột. Chính sự chăm sóc tận tình của Nhất Đinh và Tam Lệ mà tới khi chết, bà để lại di chúc cả căn nhà và tài sản cho người con nuôi, thay vì cậu con ruột để bù đắp cho sự ngược đãi, thiên vị của bà với Nhất Đinh trong suốt bao nhiêu năm qua.

Trường hợp hai gia đình họ Kiều với gia đình họ Tề phía dì Hai cũng thú vị không kém. Từ nhỏ Nhất Thành luôn là một cái bóng mờ nhạt sau Tề Gia Dân, cậu anh họ học hành giỏi giang, làm gì cũng giỏi. Dượng Tề và dì Hai là người luôn thương yêu, chiều chuộng hết mực với tụi nhỏ trong nhà và cho ăn học đàng hoàng, tử tế nên lớn lên ba anh em nhà họ Tề đều là người có học vị cao, có vị trí trong xã hội, có người còn đi du học. Sau này khi dượng Tề mất, dì Hai sống một quãng đời cô đơn cả chục năm, tới khi tìm được người tri kỷ muốn kết hôn bầu bạn tuổi già thì bị hai đứa con từ mặt (bối cảnh thập niên 90 thì chuyện tái hôn vẫn là điều khó chấp nhận). Đến khi dì Hai lâm bệnh nặng, hai đứa con về thăm cũng mặt nặng mày nhẹ, đùn đẩy trách nhiệm chăm sóc mẹ cho nhau. Chứng kiến cảnh đó, cậu anh cả Tề Gia Dân cũng lực bất tòng tâm, những đứa em một thời cậu thương yêu tới khi lớn lên lại trở mặt như thế.

Có một nghịch lý lạ thường ở chỗ, ba đứa em do Nhất Thành chăm sóc theo phương pháp cứng rắn, từ nhỏ đã quản các em rất nghiêm, ai hư thì cậu phạt đòn không nương tay, ai ngờ lớn lên lại thành những người sống tình cảm, hiểu chuyện, biết trước biết sau. Trái lại, những đứa con sống trong sự bảo bọc và thương yêu của dượng Tề và anh cả Tề Gia Dân thì lại trở thành những kẻ ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, biết nhận mà không biết hồi báo. Âu cũng là một bài học đáng suy ngẫm về phương pháp dạy con và cách thể hiện tình thương. Nếu năm đó Nhất Thành không nghiêm khắc như thế thì ba đứa em lớn lên không biết sẽ như thế nào.

Thất Thất cũng là một trường hợp đặc biệt, tuy là cậu út nhà họ Kiều nhưng từ nhỏ được nuôi bên nhà dì Hai, thành ra khi lớn lên tình cảm giữa bốn anh em đầu với Thất Thất không mấy thân thiết với nhau, có thể nói gần như là người dưng, mãi cho đến những tập cuối thì mối quan hệ này mới được hàn gắn trở lại.
Nhất Thành – một đời hi sinh vì gia đình
Xem “Nữ nhi nhà họ Kiều”, nhân vật tội nhất và diễn xuất xuất sắc nhất với mình là Nhất Thành, qua cả ba phiên bản từ bé đến lớn. Trước giờ mình chưa xem phim nào của Bạch Vũ, nhưng xem bộ này thì cảm giác như Bạch Vũ chính là Nhất Thành của thập niên đó chứ không phải do một diễn viên nào đang đóng.

Cho đến cuối phim, khi Nhất Thành đã trải qua hai cuộc hôn nhân, cậu vẫn không có ý định có con. Căn bản không phải là Nhất Thành không muốn, mà cậu luôn có cảm giác rằng mình đang có rất nhiều đứa con – Nhị Cường, Tam Lệ, Tứ Mỹ và cả Thất Thất rồi. Cả một đời Nhất Thành luôn sống vì người khác, vì đàn em, vì ông bố, vì gia đình, suốt ngày toàn đi giải quyết vấn đề người khác gây ra, mà đôi khi quá sức của một đứa nhỏ, đến khi lấy Tiểu Lãng thì phải gánh thêm cả tá vấn đề bên gia đình Tiểu Lãng nên chưa có một phút giây nào Nhất Thành được sống cho chính mình.

Lúc nhỏ, có một gia đình trí thức tới nhà họ Kiều nhận Tứ Mỹ làm con nuôi. Nhất Thành đã lén bố và mấy đứa em, tìm tới nhà trọ cặp vợ chồng trí thức này, đem theo rất nhiều bằng khen để xin gia đình đó nhận cậu làm con nuôi. Đó là lần duy nhất trong đời Nhất Thành gác lại gia đình sang một bên để sống cho chính mình, nhưng cuối cùng cậu cũng không được toại nguyện. Gia đình với Nhất Thành không phải là một tổ ấm để trở về, mà như một gánh nặng thường trực. Một cậu bé phải học cách làm cha làm mẹ từ khi còn quá sớm.
Chính vì tâm lý bản thân mình đã gồng gánh quá nhiều gánh nặng rồi, Nhất Thành không bao giờ muốn làm phiền tới người khác, không bao giờ dám mượn tiền ai ngay cả khi mình gặp khó khăn nhất, chỉ vì không muốn tạo thêm gánh nặng cho ai. Cơ bản là vì anh hiểu cảm giác đeo mang gánh nặng trên người mệt mỏi đến nhường nào. Lẽ vậy mà đến khi Nhất Thành kiệt sức, đổ bệnh nan y thì anh cũng giấu không tiết lộ cho người nhà, một mình tự gánh chịu, cũng chỉ vì không muốn đem lại gánh nặng cho người thân. Một nhân vật, một hình tượng cực kỳ đáng nể trọng.
Kiều Tổ Vọng – ông bố bị nghiệp quật
Diễn viên đóng vai ông bố Kiều Tổ Vọng quả thực xuất sắc, khiến người xem coi tập nào cũng phát điên phát khùng lên vì cái tánh chướng khí của ông. Suốt từ bé tới lớn, lão Kiều không bao giờ quan tâm hỏi han tới bốn đứa con, ngoài chuyện đưa sinh hoạt phí cho Nhất Thành mỗi tháng. Tới chuyện họp phụ huynh cũng là Nhất Thành phải thay bố đi họp cho các em, để rồi cũng là người nghe giáo viên mắng vốn. Khi Tam Lệ bị lão hàng xóm xâm hại tình dục, ông bất nhân tới mức lấy đó làm điểm yếu vòi tiền người hàng xóm rồi xí xóa cho qua, để rồi lấy chính đồng tiền dơ bẩn đó đãi Tam Lệ một bữa màn thầu. Tội lỗi của lão Kiều với bốn đứa con kể ra không hết, nhưng tới khi bốn anh em trưởng thành, làm ra tiền rồi thì ông bắt đầu kể khổ, than mình đã vất vả nuôi con ra sao để đòi tiền chu cấp.

Tới khi trưởng thành và tự lập được, Nhất Thành không còn nể nang gì ông bố mà sẵn sàng chặt bụp đấu khẩu hay phản kháng với lão Kiều mỗi khi ông nổi chứng. Trong gia đình nhà họ Kiều, ba anh em cũng chỉ nghe lời của anh cả chứ không nghe lời bố. Cả một đời lão Kiều chỉ sống ích kỷ cho bản thân ông, khiến Nhất Thành cảm thán, đôi lúc anh cũng ngưỡng mộ cái dáng vẻ tự do tự tại của bố, vì ông có thể làm những gì mình thích mà chẳng cần quan tâm người khác nghĩ gì.
Nếu so sánh giữa lão Kiều và dượng Tề, thì dượng Tề là người tốt gấp lão Kiều gấp trăm lần, sống một đời tử tế nhưng lại bạc mệnh khi ra đi ở tuổi trung niên. Trong khi đó lão Kiều sống bạt mạng, bất cần đời thì lại khỏe nhăn răng, chẳng thấy đau ốm bệnh tật gì, ngay cả khi đại dịch SARS bùng lên vào năm 2003. Nhưng muốn xem nhân quả vận hành thế nào thì phải nhìn vào kết cục của một người. Dượng Tề tuy mất sớm nhưng ra đi bình an trong vòng tay yêu thương, săn sóc của gia đình, còn lão Kiều tới cuối đời bị liệt cả người phải nằm một chỗ, không đứa con nào thèm quan tâm săn sóc và ra đi trong cô độc.

Sau khi mẹ Nhất Thành mất, lão Kiều một đời không gái gú, tới lúc về già lại sanh tật quyết lấy cô bảo mẫu, ai dè đụng phải thứ dữ khi cô này rắp tâm đưa con trai, con dâu lên ở nhà lão Kiều để hòng chiếm đoạt cả căn nhà. Có một phân cảnh rất cảm động ở cuộc gặp cuối ở Nhất Thành và lão Kiều, khi anh chất vấn bố mình, tại sao ngày trước anh đề nghị bố nhường phòng cho hai em gái ở thì bố nhất quyết thề sống thề chết không đồng ý, còn bây giờ người dưng là con dâu cô bảo mẫu vào ở thì bố lại nhường phòng cho cô ta để ra nằm ở phòng khách? Một câu hỏi vạn tiễn xuyên tâm vào cả hai, và cái chết của lão Kiều cũng chính là sự lựa chọn của ông để giải thoát cho chính mình và để âm mưu của hai mẹ con kia bất thành.

Mỗi nhân vật, mỗi tình huống, mỗi câu chuyện trong phim đều là một mảnh ghép nhỏ trong một bức tranh lớn được phục dựng lại dưới bối cảnh xã hội Trung Quốc từ thập niên 80 tới những năm đầu 2000. Trong mỗi câu chuyện, khán giả phần nào lại được thấy mình trong đó, cũng như được sống lại bầu không khí tuổi thơ mình từng trải qua đối với lứa khán giả độ tuổi 8x – 9x.
Điểm cộng nữa cho “Nữ nhi nhà họ Kiều” là nhạc phim hay, bốn bài OST chính bài nào cũng hay. Dàn diễn viên thực tài mỗi người mỗi vẻ đều diễn rất tròn vai và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Cảm giác khi xem được một bộ phim hay với mình như vừa trải qua một kiếp sống, ở đó có đủ thăng trầm hỉ nộ ái ố bi ai lạc dục của đời người. Đến khi giật mình tỉnh lại, thấy cuộc đời cũng như một giấc mộng thoáng qua.