Khá nhiều tài liệu ghi: “Hai Bà Trưng gieo mình xuống sông Hát để tự vẫn“. Còn đây là một câu trích nguyên văn từ bài tường thuật đăng trên tờ báo nọ: “Ông X đã treo cổ tự vẫn bằng dây điện thoại tại nhà riêng”. Dùng từ thế là sai! Sai chỗ nào?
Tự vẫn chữ Hán ghi 自刎 (bộ đao), chỉ trường hợp chủ thể tự tay dùng dao cắt cổ mà chết. Trong bộ sách Sử ký của Tư Mã Thiên, phần Hạng Vũ bản kỷ có câu: “Nãi tự vẫn nhi tử”. Dịch đúng: “Hạng Vương bèn tự đâm cổ mà chết”.
Nếu gieo mình xuống nước, tự dìm thân vào nước mà chết, thì gọi tự trầm (自沈 – bộ thuỷ). Theo truyền tụng, Hai Bà Trưng tự trầm chứ chẳng tự vẫn.
Nếu chủ thể dùng dây tự thắt cổ hoặc treo cổ khiến ngạt thở rồi chết, phải gọi tự ải (自縊 – bộ mịch). Ải tử là cái chết bằng cách thắt cổ hoặc treo cổ.
Còn tự thân tìm đường “vân du cõi hạc” bằng cách dùng lửa nung đốt châu thân thì gọi tự thiêu (自燒 – bộ hoả). Tham dự hội thảo Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức ngày 29-5-2005, một số tham luận dùng tiêu đề có từ này: Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu của Thích Đức Nghiệp, Nhân kỷ niệm ngày tự thiêu của Minh Chi.
Tất cả hành vi vừa nêu được gọi chung tự tử. Từ này đồng nghĩa với tự sát, tự tận, quyên sinh, quyên mệnh.