Trong tiếng Anh có hai từ “focus” và “attention” để phân biệt giữa “tập trung” và “chú ý”. Vậy trong tiếng Việt, “tập trung” và “chú ý” có gì khác nhau không?
Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do GS Hoàng Phê chủ biên:
- Tập trung:
1. Dồn vào một chỗ, một điểm. VD: Tập trung hỏa lực, nơi tập trung đông người.
2. Dồn sức hoạt động, hướng các hoạt động vào một việc gì. VD: Tập trung suy nghĩ, tập trung sản xuất lương thực. - Chú ý:
1. Hướng mắt nhìn, lắng tai nghe một cách tập trung, để hết tâm trí vào trong một lúc nào đó. VD: Chú ý nghe giảng, chú ý xe cộ phía trước.
2. Để tâm trí đến một cách thường xuyên. VD: Chú ý dạy dỗ con cái.
Có thể thấy, cả hai từ “tập trung” và “chú ý” có nhiều điểm tương đồng với nhau là cùng dồn hết tâm trí vào một việc hay một điểm gì đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ ở từ “chú ý” thì có sự huy động của các giác quan khác như mắt nhìn, tai lắng nghe.
Trong một số ít trường hợp, chúng ta có thể thay thế vị trí của hai từ này cho nhau mà không gây ra sự sai khác về nghĩa. VD: tập trung/chú ý nghe giảng.
Nhưng trong đa số trường hợp, việc thay thế vị trí của hai từ sẽ tạo thành nét nghĩa hoàn toàn khác biệt hoặc không có nghĩa. VD:
- chú ý hỏa lực = để tâm tới hỏa lực thường xuyên # dồn hết hỏa lực để chuẩn bị công phá
- nơi chú ý đông người => không có nghĩa
- tập trung xe cộ phía trước = huy động, dồn hết xe cộ lại ở phía trước
Trong tiếng Việt, có những từ ngữ thoạt nhìn mang hàm nghĩa gần giống hệt nhau, nhưng khi đặt vào bối cảnh sử dụng thực tế thì chúng ta mới thấy được từ nào phù hợp hơn.