Hôm qua ngồi xem ngẫu nhiên một tập trong TV show “Thử Thách Cực Hạn” mùa 4 của Trung Quốc, có một trải nghiệm của các nghệ sĩ tham gia chương trình để lại trong mình rất nhiều xúc động và suy ngẫm. 6 nghệ sĩ trong bang đàn ông Cực Hạn ghé đến trấn Đông Thăng – một trấn nghèo miền núi nằm ở bắc bộ thị Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông để thực hiện nhiệm vụ ghi hình.

Nhiệm vụ tập này là mỗi thành viên xem một đoạn video trong điện thoại của mình, tương ứng với 6 đoạn chia sẻ của bố mẹ 6 em nhỏ trong trấn đi làm xa nhà và để các em ở lại cho ông bà nội ngoại nuôi. Các thành viên phải đi tìm 6 em nhỏ đó để ghép đội và tổ chức một hoạt động để kết nối tinh thần đoàn kết của các em với nhau. Theo hướng dẫn của thư ký chi bộ, các thành viên đến trường tiểu học trong trấn và cho các em học sinh xem hình trong điện thoại để nhận diện ai là bố hoặc mẹ của mình.

6 em nhỏ là 6 hoàn cảnh khác nhau, có em thì bố mẹ đã ly hôn, có em thì bị mẹ bỏ rơi từ nhỏ chưa bao giờ thấy mặt mẹ, và điểm chung là các em đều thuộc diện hộ nghèo, sống chung với ông bà cùng em trai hay em gái của mình. Trong 3 ngày ghi hình ngắn ngủi, các nghệ sĩ và tổ chương trình ngày đầu tiên làm quen với các em, ngày thứ hai thì tập luyện cho các em để tham gia hoạt động thi đấu thể thao tranh giải vào ngày cuối cùng. Ở ngày thứ hai, các nghệ sĩ lái xe vào khu vực trung tâm để mua sắm trang phục thi đấu cho các em tham gia và mua rất nhiều thực phẩm để đầu bếp Huỳnh Lỗi nấu một bữa đại tiệc cho các em vào chiều tối.

Trong buổi chiều chập choạng tối nơi vùng núi cao, các em nhỏ trong trấn lần đầu tiên được ăn nhiều món ăn ngon như vậy trong đời, em nào cũng ăn no đến căng bụng. Điều đáng mến nhất là các em nhỏ lúc ăn còn biết gắp thức ăn mời 6 nghệ sĩ đã đồng hành với mình suốt 2 ngày qua, ăn xong dù không người lớn nào bảo nhưng các em vẫn ý thức tự dọn dẹp chén đũa lại vào một chỗ, xong còn lấy giấy lau bàn rất sạch sẽ khiến những người lớn cũng phải ngạc nhiên vì tinh thần tự giác của chúng.

Vì lịch trình công việc cá nhân, ca sĩ Trương Nghệ Hưng (thành viên nhóm EXO) phải từ biệt đoàn ngay tối thứ hai để về sớm chứ không tham dự được tới ngày thứ ba. Món quà anh dành tặng cho các em nhỏ trong trấn là một màn trình diễn pháo hoa rực sáng cả bầu trời trấn Đông Thăng. Lần đầu tiên trong đời, các em nhỏ được xem bắn pháo hoa trực tiếp nên cảm xúc em nào cũng choáng ngợp, mừng rỡ, thích thú và háo hức vô cùng, ánh mắt em nào cũng lấp la lấp lánh như chứng kiến một kỳ quan của vũ trụ.

Pháo hoa thì chóng tắt, niềm vui thì chóng lụi tàn. Chỉ gắn bó với Nghệ Hưng ca ca mới 2 ngày nhưng đến giờ phút chia tay, em nào cũng khóc nức nở không chịu cho ca ca đi. Có em hỏi Nghệ Hưng một câu làm anh chỉ biết cười trừ: “Pháo hoa đẹp như vậy có tốn nhiều tiền không anh?”

Cậu nhóc Khởi Bưu mắt cũng rưng rưng ngồi ở một góc, nhưng len lén ngẩng mặt lên trời để ngăn những giọt nước mắt. Diễn viên Tôn Hồng Lôi mới hỏi cậu bé: “Con sao rồi bé cưng?” A Bưu xúc động trả lời: “Một ngày thật nhanh…”

Khi xem đến phân đoạn này mình rất xúc động, vì nhiều em nhỏ khác không kiềm được nước mắt trước sự ly biệt mà bật khóc, nhưng A Bưu thì nén nước mắt lại trong lòng và không dám nhìn thẳng vào mặt chú Hồng Lôi vì sợ chú thấy mình sắp khóc. Một cậu nhóc chỉ mới 10 tuổi đầu, nhỏ con nhất lớp, điều gì có thể khiến em trở nên mạnh mẽ đến như vậy?

6 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt này, so với bạn bè cùng trang lứa đang sống cùng cha mẹ thì tính cách của chúng có phần rắn rỏi, trưởng thành hơn. Ngay từ nhỏ, chúng đã sớm cảm nhận được rằng niềm vui thì rất ngắn ngủi, mà nỗi buồn thì kéo rất dài. Mỗi năm, bố mẹ chúng chỉ về quê được mấy ngày vào dịp Tết, là những ngày gia đình đoàn viên vui vẻ nhất. Khi bố mẹ đi rồi, chúng tiếp tục sống trong chuỗi ngày dài đằng đẵng chờ đợi một cái Tết năm sau, chờ đợi những lời hứa hẹn từ người lớn. Có lẽ vì vậy mà khi pháo hoa trên bầu trời đêm chợt tắt, những đứa trẻ này khi đối diện với cảnh chia ly mới buồn nao lòng đến vậy.

Có một đoạn trò chuyện giữa Trương Nghệ Hưng và cậu bé Dương Khởi Siêu cũng rất xúc động:

– Em có nhớ mẹ em không? (Mẹ cậu bé đã bỏ hai cha con đi khi cậu mới 3 tháng tuổi)
– Dạ có.
– Vì sao em lại nhớ mẹ khi cả gương mặt mẹ mình em cũng chưa thấy bao giờ?
– Vì mẹ là người sinh ra em…

Với những đứa trẻ ở chốn quê nghèo, niềm vui của chúng là những điều rất giản đơn bình dị, như Dương Uy thì thích trèo lên cây chơi, ra sông bắt cá, Hầu Viện Lệ thì thích tập nhảy và sáng tác nhạc, A Bưu thì chỉ thích ngồi yên một chỗ ngắm nhìn các bạn mình vui chơi. Một ngày của chúng thường rất dài, ngoài việc học ở trường lớp còn phải làm việc nhà, đi lên núi nhặt củi, gánh củi đem về, đi lấy nước, cho heo ăn, quét dọn nhà cửa, nấu cơm nước, chăm em,… nên niềm vui chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi trong giờ học hay giờ ra chơi với bạn bè.

Nhưng cuộc sống khó khăn chưa bao giờ làm bọn trẻ nản lòng. Như Hầu Viện Lệ là một cô bé 12 tuổi đa tài đa nghệ, em có thể tự học nhảy shuffle dance và tự luyện tập xoạc chân hay uốn dẻo, thậm chí cả sáng tác nhạc. Trong điều kiện hạn chế, em học nhảy shuffle dance qua những màn biểu diễn trên TV xem ké của hàng xóm (thậm chí em còn chẳng thể lên mạng để tự học), và em tự dựa vào tường nhà để tập luyện khả năng uốn dẻo mỗi ngày tới mức độ thuần thục. Trong căn phòng của mình, em trang trí toàn màu hồng như phòng của một tiểu công chúa, ấy vậy mà có những đêm tới 12 giờ em mới đi ngủ được vì… bị muỗi cắn.

Sở dĩ trải nghiệm ly biệt khiến mình có nhiều đồng cảm vì mình cũng từng là A Bưu, cũng từng là Nghệ Hưng, là một cậu bé từ thành phố về chốn quê nghèo vào những mùa hè hay những dịp cuối tuần thời thơ ấu. 2 ngày cuối tuần hay 3 tháng mùa hè ở quê ngoại tuy khác biệt lớn về thời gian nhưng về cảm giác rất giống nhau ở chỗ là một ngày sao trôi quá nhanh, những trò vui chốn làng quê chơi hoài với chúng bạn không biết bao giờ chán, và cái ngày buồn nhất là ngày tạm biệt để về lại thành phố.

Hồi ấy, tâm trạng của mình cũng như các nghệ sĩ trong chương trình, luôn cảm thấy khó chịu trong lòng vì các bạn ở quê quá thiếu thốn, hoàn cảnh lại không được tốt như mình, và tâm lý lúc nào cũng muốn bù đắp cho các bạn một điều gì đó. Như cách mình làm là đem nhiều đồ chơi hay trò chơi mới lạ ở thành phố để về “phổ cập” cho các bạn dưới quê.

Mình nhớ một lần, mình đem bộ đồ chơi Lego mua tại một siêu thị lớn ở Sài Gòn (thành phố Phan Thiết hồi đó còn chưa bán huống hồ là thị trấn) về quê chơi cùng mấy đứa bạn ở quê. Một cô trong xóm đi ngang qua hỏi mình bộ này giá bao nhiêu? Lúc đấy mình không biết có nên trả lời hay không, vì bộ Lego này tới gần 200K và nó là một số tiền rất lớn với người dân quê những năm 2000, cuối cùng mình chọn im lặng không nói gì nên bị ăn mắng: “Thằng này bộ mày xem thường tao không có tiền hay sao không dám trả lời!”

Có lần mình phổ cập trò cờ tỷ phú cho tụi bạn ở quê, luật chơi cũng phức tạp và phải tính toán tiền bạc các kiểu nên không phải ai chơi cũng được. Một chị lớn hơn mình vài tuổi cũng tham gia chơi, mà dù chỉ hoài thì chị vẫn chơi sai làm mình nổi cộc mới nói thôi chơi không được thì nghỉ đi để người khác còn chơi. Thế là chỉ giận lẫy quăng xấp tiền (trong trò chơi) xuống rồi bật khóc chạy luôn một mạch về nhà.

Giờ xem chương trình, ngẫm lại chuyện hồi xưa mới thấy suy nghĩ của mình thật cạn cợt và trẻ con. Pháo hoa có thể đẹp và tốn nhiều tiền, nhưng không thể đẹp bằng bầu trời đêm nơi vùng quê với hàng triệu vì sao mà người thành phố có ở trên một căn hộ tít trên cao vĩnh viễn cũng không bao giờ thấy được. Những món đồ chơi thành phố có thể vui và đắt tiền, nhưng không thể vui bằng những trò chơi dân dã chốn đồng quê chơi từ trưa trời tới tối mịt cũng không thấy chán. Thành phố có thể có nhiều của ngon vật lạ, nhưng không thể so bì được với những vườn cây trĩu quả sau nhà, những cánh đồng bạt ngàn để đi mò cua bắt ốc câu cá mỗi trưa hè hay những ngọn đồi lộng gió chiều chiều chạy đi thả diều.

Làng quê có thể nghèo đói, nhưng những đứa trẻ làng quê ấy không nghèo, chúng sở hữu cả một bầu trời tuổi thơ trù phú với thiên nhiên giàu có mà những đứa trẻ thành phố phải đánh đổi bằng những ngày nghỉ ít ỏi mới được trải nghiệm. Căn bản chúng ta không thể lấy thước đo niềm vui hay hạnh phúc của mình làm tiêu chuẩn cho niềm vui hay hạnh phúc của người khác, chưa biết ai đã vui hơn ai.

Hoa bách hợp.

Khi kết thúc chương trình, diễn viên Hoàng Bột có đọc lên lời một bản nhạc do cô bé 12 tuổi Hầu Viện Lệ sáng tác:

“Một buổi tối trong khu vườn bên ngoài
Truyền đến mùi cỏ xanh nhàn nhạt
Ngẩng nhìn bệ cửa sổ dưới ánh trăng sáng rực
Trong sự xinh đẹp đặc biệt của đóa bách hợp
Tôi nhớ đến ông Diệp đó
Tôi tìm kiếm mùi hương ở một nơi hẻo lánh
Ây da chẳng phải đóa bách hợp tôi thích nhất đây sao?
Xem những cánh hoa gợn sóng của nó
Từng cánh duỗi ra tao nhã
Tôi tham lam ngắm nhìn từng đóa hoa bách hợp
Trong mắt ngập tràn mùi thơm
Chúng thật thuần khiết tao nhã
Không giống mẫu đơn thích khoe khoang bản thân
Chỉ bình thản ngắm nhìn nhân thế.”

Đọc bài thơ của cô bé, mình thấy có một chút xấu hổ khi ngày xưa từng hành xử như một đóa mẫu đơn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.