Nếu bình thường khi nhìn vào tựa sách để mua, chắc chắn tôi sẽ chẳng thèm ngó ngàng đến Quân khu Nam Đồng vì trước giờ vốn không thích dòng sách về chiến tranh. Quyển sách cuối cùng về chiến tranh tôi đọc là “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh từ năm cấp 3, do cô chủ nhiệm dạy Văn giới thiệu về sách quá hấp dẫn nên mới lùng sục trong thư viện để đọc.
Chuyện mua Quân khu Nam Đồng cũng như một cái duyên đưa đẩy, khi cách đây cả tháng một chị bạn làm bên Tiki có giới thiệu quyển này cho một chị bạn khác trong nhóm, bảo quyển này phong cách viết hay lắm, đang làm mưa làm gió ở Tiki với số lượng đơn hàng không ngớt. Ban đầu tôi nghe, cứ ngỡ đây là thể loại ngôn tình chiến tranh của Trung Quốc, ai ngờ khi mua mới biết của tác giả Việt Nam hoàn toàn. Không hiểu sao đang đi lang thang trong nhà sách thì quyển này đập vào mắt, lại bật lên cái tên Quân khu Nam Đồng từ buổi cafe hôm bữa hai bà chị rủ rỉ với nhau.
“Don’t judge a book by its cover.”
Làm trong lĩnh vực Xuất bản, con số khiến tôi ấn tượng ở bìa quyển sách là Quân khu Nam Đồng đã in tới lần thứ 8, tới nay đã xuất xưởng hơn 10.000 bản in – con số đủ để nói lên độ hot của quyển sách này như thế nào. Nếu chỉ nhìn sơ qua cái bìa, đọc sơ qua nội dung bìa sau (do sách được bọc bìa kính) thì tôi đã bỏ qua một quyển sách hay và chất này rồi, cũng may nhờ có con số ấn tượng trên cứu vãn lại.
Quân khu Nam Đồng là một câu chuyện viết về thời chiến, ở giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam chống đế quốc Mỹ – những năm đầu 72 cho tới tận giải phóng đất nước. Bối cảnh của truyện diễn ra ở Hà Nội, tại một khu tập thể của cán bộ quân đội tên là Nam Đồng, tập trung vào câu chuyện của các con em cán bộ sĩ quan tại đây. Nghe tới đây có vẻ khô khan, nhưng thật sự phải cảm khái rằng đây là quyển sách có thể khiến bạn dính chặt vào nó từ trang đầu tiên tới trang cuối cùng mà không rời mắt!
Thời chống Mỹ, cả nước ta chỉ có 6 quân khu do Bác Hồ kí sắc lệnh thành lập là quân khu Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bác, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4. Vậy cái “Quân khu Nam Đồng” trời ơi đất hỡi này ở đâu ra? Trong quân trang của người lính, bộ quần áo bộ đội màu xanh rêu và cái nón cối là hình ảnh rõ nét hơn cả. Các thanh niên choai choai Hà Nội thời bấy giờ, đặc biệt là lứa con em nhà cán bộ lại thích khoác lên mình bộ đồ lính. Khi gặp các anh này mà sinh sự gây chuyện, chỉ cần động vào một anh thôi cả bọn nón cối xuất hiện tả xung hữu đột bảo vệ anh em không khác nào bộ đội trong một quân khu. Từ ý tưởng này mà cái tên “Quân khu Nam Đồng” xuất hiện để các bạn trẻ ở khu tập thể Nam Đồng xưng hùng xưng bá với tụi cùng lứa ở các khu khác.
Quân khu Nam Đồng không có nhân vật chính, nói đúng hơn ai cũng là nhân vật chính cả, bởi lẽ quyển sách là một tập hợp những kỷ niệm của bọn trẻ ở khu tập thể Nam Đồng ngày nào sau hơn 50 năm có dịp gặp lại ở thời bình của đất nước. Lũ trẻ ngày nào nay đã lên chức ông chức bà, kẻ còn người mất, tóc đã điểm bạc pha sương mà ôn lại kỷ niệm cũ, từ đó mới nảy sinh ý tưởng nhờ Hòa – một thằng bạn văn hay chữ tốt trong nhóm, người chuyên làm thơ tình hộ cả đám thời cắp sách tới trường – tập hợp các mẩu chuyện của mỗi người để viết nên “Quân khu Nam Đồng”.
Ngày ấy, bọn trẻ chỉ là lũ học sinh cuối cấp 2 của trường Đống Đa, đang ở độ tuổi ăn tuổi lớn chuyển cấp lên cấp 3 với những rung động đầu đời cùng những màn yên hùng nghĩa khí. Con nhà lính nên tính đứa nào cũng khảng khái nghĩa hiệp, cả hội chơi chung với nhau có Việt, Khanh, Hòa, Bích, Hà Tư, Thái Đen… cùng tụi bạn ở trường Đống Đa. Mỗi khi có đứa nào dám xâm phạm lãnh thổ của khu Nam Đồng đều bị cả bọn xử đẹp cho biết mùi. Những trận đánh nhau trong truyện được tác giả mô tả đậm chất điện ảnh, đọc mà có thể tưởng tượng được nguyên cả một bộ phim hành động hoành tráng trong đầu. Thời đấy, bọn học sinh đi học mà đem hết lưỡi lê, búa, dao, kìm đầy cặp, động chuyện là tả xung hữu đột máu chảy tơi bời hoa lá.
Bên cạnh những pha hành động gây cấn, truyện vẫn có những khoảng lặng rất nhẹ nhàng và trữ tình khi kể về những câu chuyện của lũ trẻ ngày ấy. Đó là chuyện tình của Việt với Mai Hương, chuyện của Ngọc và Liên, chuyện của Hà Tư và Hải Yến, chuyện của Khanh và 4 cô người yêu, chuyện của Anh Sơn và Lệ Dung. Có những chuyện tình sau thời bình có những cái kết đẹp trọn vẹn, cũng có những mối tình chia cắt trong mưa đạn sinh tử của chiến tranh, có những mối tình do duyên phận trắc trở mà không đến được với nhau. Tất cả những mảng màu này hòa trộn lại với nhau tạo nên ma lực hấp dẫn khó cưỡng lại cho quyển sách.
Ở cái giai đoạn đất nước chuyển giao từ thời chiến sang thời bình, người thanh niên trẻ có rất nhiều hoài bão và lựa chọn, không còn như lớp thế hệ cha ông ngày trước. Những băn khoăn, trăn trở của các nhân vật trong truyện cũng chính là “tâm tư của một thế hệ” như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Mặc dù ẩn danh, nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tác giả Bình Ca chính là một trong lũ trẻ của “Quân khu Nam Đồng” ngày đó nên mới chắp bút viết được những mảng hồi ức sống động như thể vừa mới hôm qua. Đọc quyển sách này, cái hay mà tác giả làm được là khiến độc giả sống trên từng trang sách, trải qua cuộc đời từng nhân vật như thể mình đang là nhân chứng trong câu chuyện của họ. Bối cảnh và thời gian là ở thời đấy nhưng cái âm hưởng rất mới mẻ, hiện đại chứ không khô khan một chút nào.
Tôi vốn hiền lành, nhút nhát và ngại xuất hiện chỗ đông người. Trong thời buổi cởi mở thông tin và tự do gần như hoàn toàn trên các trang mạng xã hội như hiện nay, biết đâu tôi lại bị thiên hạ xúm vào “ném đá” vì tội chẳng biết gì văn chương chữ nghĩa mà dám viết sách. Ban đầu, tôi chỉ muốn viết lại chuyện ngày xưa, gửi bạn bè đọc chơi, không có ý định xuất bản. Trước khi cầm bút viết câu chuyện này, tôi chưa từng viết dù chỉ một trang trên báo. Thế rồi, chú em tôi đọc, cho là hay, đòi đem in. Nhưng chú ấy có bị phơi tên ra đâu, nếu chẳng may sách bị người ta chỉ trích. (Bình Ca)
Hãy đọc một quyển sách như Quân khu Nam Đồng, để bạn hiểu thêm một phần về tâm tư của lớp thế hệ cha ông thời trẻ – họ đã sống như thế, và càng trân quý thêm cuộc sống hòa bình của nước mình hiện tại.
Hôm nay đang lang thang vào Goodreads đọc review cuốn Đi trốn của tác giả thì thấy review của anh ở đó. Cuốn Đi trốn có hay như Quân khu Nam Đồng không vậy anh?
Vẫn hay và cuốn nha em, nếu em hứng thú về đề tài thời chiến và nhân vật là những đứa trẻ ở thời đó. Tác giả dành 5 năm mới ra được một cuốn thì khuyến đọc để ủng hộ tác giả nha 😀