Có lần mình và cô bạn trao đổi về một influencer nọ đúng chuẩn “con nhà người ta” mà cả bạn và mình đều có biết. Bạn influencer này giỏi cả ba thứ tiếng Nhật – Anh – Hàn, IELTS 8.0, tiếng Nhật N1 và từng đi du học ở Nhật, xuất thân trong một gia đình gia giáo mà cả bố mẹ đều biết rất nhiều ngoại ngữ. Bạn cao ráo điển trai, tự học đàn piano, hát rất hay, giọng trầm ấm, chụp ảnh rất đẹp, và còn nhiều tài chẵn tài lẻ khác hội tụ trong một combo mà ai nhìn vào cũng chỉ biết ao ước.
Thi thoảng bạn mình và em gái vẫn hay xem vlog trên kênh YouTube của bạn influencer này. Lúc ấy em gái bạn cũng đang học tiếng Nhật, và khi xem vlog một ngày nói tiếng Nhật của bạn này cũng như vài vlog khác về cách bạn ấy lập kế hoạch cuộc sống trên Google Calendar hay Notion, em gái bạn mới cảm thán: “Xem vlog của anh ấy xong em thấy mình thật thua kém và áp lực quá. Một chút xíu của người ta mình cũng không bằng. Em thấy mình thật ngu ngốc, dở tệ, sống không có kế hoạch gì cả”.
Bạn mình đang học văn bằng 2 chuyên ngành tâm lý nên mới lý giải cho em gái bạn hiểu về phức cảm tự ti của bản thân, cảm giác khi bạn thấy không tự tin ở một lĩnh vực và có tâm lý đánh giá thấp bản thân khi so sánh với người khác. Phức cảm tự ti khiến chúng ta luôn rơi vào trạng thái lo lắng, e sợ, rụt rè, khép mình lại, ta luôn phải nhìn ánh mắt của người khác mà sống và lạc lối trong cuộc đời của chính mình.
Mình thì không am hiểu nhiều về chuyên ngành tâm lý như bạn, nhưng có thể thấy được một điều rõ ràng rằng, phức cảm tự ti này có ở rất nhiều người ngày nay, khi chúng ta ngày càng chứng kiến quá nhiều người tài giỏi trên mạng xã hội. Từ một cái chuẩn “con nhà người ta” trong phạm vi hẹp của đứa hàng xóm nhà bên, đến đứa bạn cùng lớp, đột ngột chúng ta bước vào một thế giới mà con nhà người ta có mặt ở khắp mọi nơi – trên Facebook, trên Instagram, trên YouTube, trên mọi mạng xã hội mà chúng ta tham gia. Từ so sánh nhỏ lẻ với một đứa bạn, với một đồng nghiệp, chúng ta mở rộng phạm vi so sánh của mình với biết bao người tài ba khác trên cả nước, rồi tới cả thế giới, để rồi cuối cùng ta thấy mình bé xíu xiu chẳng là cái đinh gì hết so với bao người.
Với những influencer nổi tiếng trên mạng, mình tạm xếp thành hai kiểu chính: một là những bạn hết sức tài năng, đa tài đa nghệ; hai là những bạn có cuộc sống hết sức sang giàu chia sẻ về lifestyle của bản thân, từ chuyện thời trang, makeup, đập hộp hàng hiệu cho tới check-in hàng quán sang chảnh, đi du lịch nước ngoài,… Và khi người ta nổi tiếng vì có tài hay có tiền, mọi điều các bạn ấy nói dường như đều trở thành “đạo lý” với cả hàng trăm ngàn đến hàng triệu follower hay subscriber luôn hóng từng bài post, từng bức hình, từng vlog để tranh suất comment đầu tiên. Đôi lúc đọc comment của một số bạn, mình có cảm tưởng rằng các influencer ấy cũng không khác gì các idol trong showbiz với tầm ảnh hưởng quá lớn tới một bộ phận giới trẻ (và đôi khi cả “giới già”).
Khi bước chân vào con đường trở thành content creator hay influencer, nhiều người sẵn sàng “bán” cuộc sống cá nhân của họ lên mạng để đổi lấy lượt view và thu hút sự chú ý. Dù chỉ là người dưng nước lã, nhưng một khán giả qua đường như mình cũng có thể biết rõ mồn một nội thất bên trong căn nhà của một người nổi tiếng, phòng ngủ của anh ta ra sao, bếp của anh ta như thế nào, tới cái toilet bài trí ra sao mình cũng biết nốt mà không cần… núp gầm giường nhà gia chủ. Mỗi sáng người đó ăn gì, cuối tuần thường đi chơi với bạn bè ở đâu, tủ quần áo có những bộ cánh nào, cho tới chuyện nhà có thiết bị công nghệ gì đôi khi người xem biết tất tần tật. Và cuộc đời một người nổi tiếng trên mạng từ lúc còn độc thân, tới lúc có người yêu, kết hôn rồi tới lúc mang bầu, đi đẻ, chăm con, chăm chó chăm mèo trong nhà ra sao thì mình có thể biết hết, biết tất.
Ở thời đại này, nhiều view đồng nghĩa với nhiều tiền và độ nhận diện thương hiệu tăng cao, có nhiều cơ hội được các thương hiệu để mắt tới để book quảng cáo với mỗi deal từ vài chục cho tới vài trăm triệu. Một kênh YouTube “bình thường” cỡ vài chục ngàn subscriber, nếu đầu tư vài clip hot được trăm ngàn view hay triệu view thì trung bình mỗi tháng có thu nhập từ 10-15 triệu ngon ơ, một số tiền ngang ngửa với mức lương trung bình của một người đi làm văn phòng 3-5 năm. Bạn không cần phải cày bục mặt ở văn phòng, đối diện với những ông sếp bà sếp khó ở, những đồng nghiệp khó ưa xấu tánh mà chỉ cần ngồi một chỗ và nghĩ cách sáng tạo content sao cho thật bắt trend và câu view.
Khi nhìn vào cuộc sống của hai nhóm influencer kể trên, mỗi tuần xem thêm vlog mới của họ, khoảng cách giữa ta với họ ngày càng xa vời vợi – người thì ở trên đỉnh, kẻ thì ở dưới đáy. Chúng ta ao ước, khao khát, ngưỡng mộ những cái mình không có (như hội chứng mảnh trần bị mất – chấp niệm về sự không hoàn hảo), và đa phần là mãi mãi chúng ta cũng không bao giờ có được, chỉ trừ một số ít người cật lực phấn đấu noi gương theo thần tượng. Giống như em gái của cô bạn mình, em chỉ mới chập chững bước vào con đường học tiếng Nhật, trong khi idol em ngưỡng mộ có bố là giảng viên Nhật ngữ, từng sống ở Nhật mấy năm lúc nhỏ, từng du học Nhật và “tắm” trong môi trường tiếng Nhật mỗi ngày, mặc nhiên cái “pờ-rồ” của người ta là thứ mà em phải mất một thời gian rất dài mới phấn đấu cho bằng được. Tương tự, cuộc sống sang giàu và lifestyle “sang xịn mịn” của người khác – cần bao nhiêu năm tháng đi làm, cần bao nhiêu tài sản bố mẹ để lại thì bạn mới có được, mà có khi là cả đời?
Có một nghịch lý thú vị trong chuyện fan theo đuổi và ngưỡng mộ những influencer trên mạng như vậy. Đó là càng có nhiều người hâm mộ, càng có nhiều view thì các influencer ấy lại càng giàu, từ thu nhập thụ động hằng tháng trên YouTube cho đến các “xô chậu” từ các nhãn hàng, thương hiệu booking, trong khi đó các bạn fan thì vẫn “đỗ nghèo khỉ”, mèo lại hoàn mèo. Bạn cứ thử tưởng tượng, nếu như một hot YouTuber nào đó, một ngày nọ chẳng còn ai thèm xem video bạn ấy đăng, view chỉ lèo tèo vài trăm thì cái cuộc sống như mơ như thơ ấy của bạn ấy vẫn còn – nó vẫn hiện hữu trên mạng, bạn ấy vẫn tài năng, vẫn giàu sang – chỉ là không còn ai biết đến sự tồn tại của người đó một khi độ nổi tiếng không còn. Chúng ta lại trở về với quỹ đạo cuộc sống giống như trước đây, khi mạng xã hội còn chưa phủ sóng khắp mặt trận, và ta lại thu hẹp phạm vi tiêu chuẩn “con nhà người ta” về những người gần bên mình, là nhỏ đồng nghiệp, là đứa bạn trong nhóm, là đứa hàng xóm. Và lại bắt đầu thấy mình là cọng cỏ, là con kiến, là hột bụi bên đường.
Vốn dĩ con nhà người ta thực tế không có quá nhiều như thế trong cuộc sống nhỏ hẹp của chúng ta, nhưng khi công nghệ xóa nhòa khoảng cách và thế giới trở nên phẳng hơn, chúng ta mới được diện kiến một cơ số con nhà người ta nhiều đến mức choáng ngợp. Vấn đề là nhiều người trong chúng ta không nhìn thấy “con nhà mình” thực ra mới là thành phần chiếm đa số, và con nhà mình thì rất bình thường. Họ chỉ là những người bình thường sống một cuộc đời hết sức bình thường, đi làm công ăn lương, học cái này cái kia, có một vài sở thích nho nhỏ, có mấy chuyện xíu xiu làm vui. Không ai biết họ là ai vì họ không nổi tiếng, cũng không ai thèm ngưỡng mộ họ thì họ quá ư là bình thường.
Sống một cuộc đời bình thường thì có gì đáng xấu hổ không? Có nhiều người không chấp nhận được chuyện mình là một người bình thường trong xã hội, sống một cuộc đời vô danh không được ai biết đến. Đi làm thì ai cũng muốn được trở thành trưởng phòng, thành sếp được người khác nể nang trọng vọng chứ không ai muốn là một nhân viên bình thường. Đi học bất cứ môn gì thì ai cũng muốn giành được giải nọ giải kia, phải có bằng khen, cúp, huy chương, chứng chỉ công nhận cái sự giỏi của mình. Ngay cả đi chơi cũng phải đến những địa điểm nổi tiếng, những hàng quán sang trọng để check-in cho người ta biết mình đã đến đó. Có mấy ai hớn hở up một tấm hình mình chụp với bụi bông đầu ngõ, hay mình ngồi ăn hủ tiếu gõ trong một cái quán xập xệ đèn leo loét bên đường? Ai mà quan tâm mấy điều bình thường trong cuộc sống của mình?
Thử xoay chuyển góc nhìn một chút, sống một cuộc đời bình thường thì bạn không cần phải suy nghĩ kế hoạch nội dung cho vlog của mình tuần này và tuần sau, không phải chủ tâm quay lại những hoạt động mình trải nghiệm. Đi ăn đi chơi với bạn bè thì bạn cũng không phải xách máy quay theo, xong rồi loay hoay tìm chỗ để chân máy, set up góc quay, cảnh quay sao cho lên hình lung linh nhất. Bạn cũng không phải mất thời gian về nhà rã băng, dựng phim, cắt ghép chỉnh sửa, lồng nhạc để đóng khung cuộc sống của mình trên những thước phim. Cuộc sống của bạn không do chiếc máy quay hay Instagram điều khiển, bạn cũng không phải sống theo yêu cầu của người hâm mộ nào, bạn cũng không cần vạch túi cho người ta xem trong túi mình có gì.
Sống một cuộc đời bình thường, thứ bạn có được là sự tự do của một người vô danh, vì vô danh nên không sợ ai soi mói, cười chê, gièm pha, bình phẩm bạn hôm nay xấu hay đẹp, mập hay ốm, nói chuyện có não hay rớt não, nay còn duyên hay hết duyên. Thứ bạn có được là sự chậm rãi thưởng thức từng giây phút trôi qua trong cuộc sống này một cách trọn vẹn. Như mình mỗi sáng ngắm giàn bông giấy màu hường ở ban công và chậu mười giờ nhỏ xíu bên bậu cửa sổ là đã thấy vui, chứ không cần bật YouTube xem nhà người ta có một khu vườn rồi ao ước khát khao, dù khát khao đó là chính đáng thì vẫn phải biết điều kiện và giới hạn của mình ở đâu.
Sống một cuộc đời bình thường, mình chỉ tập trung làm những điều mình thích và thấy vui, trò chuyện với những người mình thấy mến, viết ra những điều mà mình thấy có giá trị và sẽ hữu ích cho ai đó nếu vô tình ghé qua đọc được. Một bông hoa dại bình thường mọc ở bên đường cũng hàm chứa vẻ đẹp của một bông hoa dại, mà ong bướm lãng du khi mỏi mệt vẫn có thể ghé đậu trên cánh hoa, chứ ta không nhất thiết phải là hoa hồng hoa huệ kiêu sa trong vườn hay hoa sen cao lãnh cắm trong lục bình.
Nếu bạn sinh ra không phải là ong chúa thì hãy là một chú ong thợ cần mẫn hút mật đơm phấn cho hoa. Nếu bạn không phải là kiến chúa thì hãy là một chú kiến thợ chăm chỉ kiếm ăn để kiến tha lâu có ngày đầy tổ. Nếu bạn không phải là cẩm tú cầu hay hoa loa kèn đài các hay tulip, oải hương nơi hải ngoại thì hãy là bụi bông mười giờ hay bông giấy bên đường nở hoa màu hường cho cuộc đời thêm vui.
Mình vui khi mình là một người bình thường và đang sống một cuộc đời bình thường, còn bạn thì đến bao giờ bạn mới thấy vui?