
“Ai cũng đi tìm thiên đường niềm vui
Thiên đường không có điểm kết thúc
Không cần lo lắng, quên đi hết phiền não
Công viên vui vẻ mà mọi người hướng tới, nơi tạo ra niềm vui
Không có đau thương, chỉ có hương thơm tràn đầy”
(Ca khúc tiếng Trung “Thiên đường”)
Trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc của nhân loại, ai trong chúng ta cũng tìm kiếm một địa đàng trần gian với niềm vui và sự khoái lạc, ngay cả khi bước qua cửa tử thì chúng ta cũng mong mình được lên nước thiên đàng hay vào một cung trời nào đó toàn hỷ lạc và không còn khổ đau. Có thể nói, con người gần như dành cả đời mình để chạy trốn khỏi nỗi đau và kiếm tìm niềm vui.
Một thế giới bão hòa niềm vui
Có lần mình xem một đoạn video trên mạng, nội dung video đặt ra một câu hỏi: “Chúng ta nỗ lực kiếm tiền mỗi ngày là vì điều gì?”. Video lần lượt đưa ra từng tình huống giả định để trả lời câu hỏi trên, ví như để lúc bố mẹ ốm đau thì chúng ta có thể lo cho bố mẹ ở bệnh viện tốt nhất, để cho người thân của mình thoải mái lựa chọn những điều họ cần, hay để đủ sức lo cho một người khi bạn yêu người đó, v.v. Thông điệp cuối cùng video kết lại là: “Chúng ta nỗ lực mỗi ngày là để có nhiều lựa chọn hơn”.
Nhưng nhiều lựa chọn hơn, liệu có tốt hơn chăng?
Chỉ trong vòng khoảng một trăm năm qua, nhân loại đã biến đổi thế giới từ một nơi khan hiếm trở thành nơi dư thừa quá mức, từ các thiết bị vật dụng sinh hoạt hằng ngày, sách báo tạp chí, thời trang, các loại thuốc, thực phẩm cho đến các thiết bị công nghệ, mạng xã hội, v.v. Chỉ cần bạn bước vào một kệ hàng bất kỳ trong siêu thị, ví dụ quầy hàng thực phẩm, bạn sẽ có không chỉ hàng chục mà tới hàng trăm lựa chọn khác nhau cho bữa ăn gia đình. Cuối tuần rảnh rỗi đến một trung tâm mua sắm? Bạn sẽ lạc vào một ma trận với hàng chục cửa hiệu thời trang, các nhà hàng quán ăn, rạp chiếu phim, nhà sách, khu trò chơi giải trí, v.v. đủ để làm bạn hoa mắt chóng mặt.
Ngoài đời sống vật lý, đời sống số của chúng ta ngày nay cũng có vô vàn lựa chọn mà bạn phải đối diện mỗi ngày. Mỗi sáng thức dậy, bạn sẽ phân vân không biết nên lướt mạng xã hội nào? Facebook, Instagram, YouTube hay TikTok? Mỗi buổi trưa, bạn sẽ băn khoăn không biết trưa nay ăn gì trong vô số đề xuất món ăn từ các ứng dụng đặt thức ăn. Trên mạng xã hội, có hầm bà lằng tin tức và thông tin như một nồi lẩu thập cẩm, mà món ăn kèm nào trông cũng có vẻ hấp dẫn và kích thích sự tò mò của bạn.

Trong khoa học thần kinh não bộ, dopamine là một loại hormone quan trọng trong não bộ, còn được gọi là “hormone hạnh phúc” vì nó là thành phần chính đem lại hạnh phúc, niềm vui và sự khoái lạc cho con người. Các nhà khoa học sử dụng dopamine như một loại thước đo về khả năng gây nghiện của mọi trải nghiệm. Càng nhiều dopamine trên đường dẫn truyền tưởng thưởng của não thì khả năng chúng ta nghiện một thứ gì đó càng cao. Ví như bạn nghiện xem Facebook, Instagram hay TikTok, nguyên nhân chủ yếu là vì chúng kích hoạt và giải phóng một lượng dopamine trong não bộ của bạn, và bạn thấy vui thích và sẽ muốn lặp lại cảm giác đó. Điều tương tự cũng xảy ra với việc bạn nghiện một thứ gì đó khác, như uống rượu bia, hút thuốc lá, chơi game hay thủ dâm, quan hệ tình dục, v.v. Mỗi loại chất hay hành vi gây nghiện sẽ tương ứng với các liều lượng dopamine khác nhau, ví như một lần sử dụng ma túy tương đương với mười lần cực khoái. Đó là lý do vì sao những người nghiện ngập rất khó cai nghiện đến vậy.
Nếu so sánh cuộc sống của con người hiện đại với các bậc vua chúa hay quý tộc thời xưa, con người chúng ta ngày nay được sống trong một thế giới có nhiều niềm vui hơn. Khi đói hay khi khát, chúng ta có muôn vàn lựa chọn về thức ăn và thức uống. Khi có nhu cầu giải trí, chúng ta cũng có vô số trò vui để chơi. Bạn không cần phải là tỷ phú thì vẫn có thể tận hưởng được bạt ngàn niềm vui từ tiện ích của cuộc sống hiện đại, ngay cả khi thu nhập của bạn chỉ ở mức trung bình. Ai cấm một nhân viên văn phòng bình thường không được lên tòa nhà Landmark 81, đi ăn Haidilao hay đi chơi Vinpearl Land?
Nhưng sống trong một thế giới có vô vàn lựa chọn và có được niềm vui dễ dàng như thế, thế giới trở nên bão hòa niềm vui, và chúng ta không còn cảm nhận được niềm vui thật sự như trước đây nữa.

Sự khan hiếm niềm vui thật sự
Trong một cuộc trò chuyện với một người bạn, khi nói về chủ đề niềm vui, mình hỏi bạn: “Lần gần nhất bạn thấy vui vẻ thật sự là khi nào?”. Bạn mình khựng lại một lúc lâu và không tìm được câu trả lời, cơ bản vì bạn chẳng thể nhớ được lần bạn vui thật vui gần nhất là khi nào. Thực ra, nếu đổi vị trí người được hỏi là mình, có lẽ mình cũng không tìm được câu trả lời, vì những ký ức vui vẻ nhất của mình hóa ra là ở thời thơ ấu, hoặc ở những năm tháng học sinh – khi thế giới công nghệ chưa phát triển như hiện tại.
Nhớ lúc bé, cảm giác mỗi tuần chờ đón bộ truyện tranh mình yêu thích ra tập mới và rước em nó về từ quầy sách báo là một niềm vui “kinh khủng khiếp” thật sự. Ngày hôm đó, tất cả thế giới của mình đều xoay quanh cuốn truyện đó, mình phải chuẩn bị món ăn vặt ngon nhất, dành thời gian thoải mái nhất trong ngày để nhâm nhi cuốn truyện cho đã đời mới thôi. Hay mỗi buổi chiều đúng 5 giờ, tan trường là phải lật đật vội vàng chạy như bay về nhà để hóng tập tiếp theo của bộ phim kiếm hiệp đang chiếu, hay tới khung giờ vàng 6 giờ trên VTV3 là loạt phim thiếu nhi ăn khách một thời.
Ở cái thời cách đây mười mấy hai chục năm, mọi thứ trong đời sống con người ta đều khan hiếm chứ không quá dư dật như hiện tại. Không dễ gì để một đứa con nít có được một cuốn sách để đọc, chứ chưa nói tới một cuốn sách hay, nên vớ được một mẩu báo nào từ tờ giấy gói bánh mì hay mớ báo cũ người lớn dùng gói hàng là mình đọc ngấu nghiến như chết đói thông tin. Con nít muốn ăn quà vặt ư? Làm gì có chuyện hàng hàng lớp lớp xe quà vặt khắp nơi, mà có thì cũng chả có tiền để mua, mỗi ngày chỉ có đúng vài cô bưng thúng hay gánh hàng gì đó như đậu hũ, chè, bánh đi ngang qua nhà. Hôm nào mấy cổ bán đắt quá thì hết sớm, hôm mình thèm ăn thì lại không có tiền, hôm mình có tiền thì trời mưa gió mấy cổ lại không ghé. Muốn ăn hàng cũng đâu phải chuyện dễ dàng!
Có lẽ chính vì sự khan hiếm trong các lựa chọn thường nhật như thế, từ chuyện ăn, chuyện uống tới chuyện đọc, chuyện giải trí, chúng ta mới cảm thấy trân trọng những điều bình dị bé nhỏ mà mình có và mới cảm thấy vui – thứ niềm vui thật sự. Hệ quả là ngay khi sống trong một thế giới có quá nhiều lựa chọn và quá nhiều niềm vui, chúng ta lại không cảm nhận được niềm vui một cách trọn vẹn. Và càng tiêu thụ những phần thưởng có hàm lượng dopamine cao – qua những hoạt động gây nghiện mà chúng ta lặp đi lặp lại mỗi ngày – chúng ta dần đánh mất khả năng tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt bình dị.
Ngày nay, nếu ai đó bảo nhìn một đóa hoa mới nở, nhìn một giọt sương đọng trên lá, nghe một tiếng chim hót ríu rít hay một tiếng rao vang lên trong ngõ mà thấy vui, có lẽ nhiều người sẽ bảo họ “bị khùng” hay “thần kinh”. Bởi những niềm vui này chỉ còn dành cho thiểu số chứ không dành cho số đông.

Cuộc chạy trốn nỗi đau
Trong cuốn sách Dopamine Nation (tạm dịch: Vòng xoáy dopamine) của giáo sư tâm thần học Anne Lembke mà mình đang biên tập, tác giả có đưa ra một hình ảnh thú vị: cán cân lạc thú và nỗi đau. Lạc thú và nỗi đau có vai trò như hai phía đối lập của một cán cân. Bên cạnh việc phát hiện ra dopamine, một trong những phát hiện về khoa học thần kinh đáng chú ý nhất trong thế kỷ qua chính là việc bộ não xử lý lạc thú và nỗi đau ngay cùng một vị trí.
Ví von cho dễ hiểu, giả sử bạn đang ăn một thanh sô-cô-la, hay đọc một cuốn sách hoặc xem một bộ phim hấp dẫn nào đó, khi thanh sô-cô-la, cuốn sách hay bộ phim gần hết, bạn sẽ muốn cảm giác vui vẻ, khoái lạc bạn có được khi ăn, khi đọc, khi xem đó sẽ kéo dài mãi mãi. Khoảnh khắc mong muốn đó là khi cán cân lạc thú-nỗi đau đang bị nghiêng về phía nỗi đau (vì niềm vui sắp hết), và trong lòng bạn muốn níu kéo lại ở phía lạc thú.
Chính vì cơ chế xử lý tự nhiên này của não bộ, chúng ta rất dễ sa đà vào các thói nghiện ngập – không riêng gì việc nghiện ma túy, rượu bia, thuốc lá mà còn bao hàm việc nghiện nhiều thứ khác như mạng xã hội, sống ảo, thủ dâm, sex, v.v. Nếu cuộc sống của bạn là một vòng lặp của sự nhàm chán và vô vị, bạn sẽ có xu hướng đẩy cán cân của mình nghiêng về phía lạc thú để kích hoạt sự giải phóng dopamine bằng các hành vi gây nghiện. Đang buồn chán? Lướt Facebook, Instagram, xem video ngắn trên TikTok là não bộ “bừng sáng” lên ngay. Nhưng trong cơ chế hoạt động của cán cân lạc thú-nỗi đau, cán cân này sẽ có xu hướng tự cân bằng khi nó bị thiên lệch về một phía. Đó là lý do vì sao sau khi trải qua hành vi gây nghiện, bạn thường có cảm giác mặc cảm, xấu hổ và tội lỗi, ví dụ như khi bạn dành cả ngày cuối tuần chỉ để sống trên mạng xã hội hay sau một màn “tự xử”. Và khi sống trong cảm giác tội lỗi vì nỗi đau đè nặng đó, bạn lại vô thức tìm tới lạc thú (qua các hành vi gây nghiện) để khỏa lấp nỗi đau.
Vòng lặp này sẽ kéo dài vô tận, cho tới khi bạn chết đi, nếu bạn vẫn còn mắc kẹt trong đó. Như tác giả Anne Lembke nói một câu mình rất tâm đắc: “Mọi lạc thú đều phải trả giá, và nỗi đau diễn ra sau đó sẽ kéo dài và đau đớn hơn so với chính lạc thú ấy”. Không ai khác, chính bạn là người nuôi dưỡng và gieo trồng hành vi cho chính mình, hay chính bạn là người quyết định cán cân lạc thú-nỗi đau sẽ nghiêng về phía nào.

Đừng chết chìm trong thế giới dopamine
Sau mười mấy năm kinh nghiệm mua sách và đọc sách, số sách mới mình mua hiện tại đều là sách được tuyển chọn kỹ càng từ nội dung cho đến tác giả, đơn vị xuất bản và đều thuộc nhóm đề tài ưa thích của mình, hay nói cách khác là mình biết chọn sách đúng gu đọc của bản thân và tỉ lệ mua trúng sách không hợp gu ngày càng thấp. Đối với những tín đồ nghiện mua sắm online, còn có thứ dopamine nào kích thích bằng cảm giác bạn đặt một món hàng, trông chờ nó được ship tới tận nhà từng ngày, rồi khoảnh khắc “đập hộp” là lúc dopamine dâng trào dữ dội. Nhưng niềm vui ngắn ngủi thì rất chóng tàn.
Khi đối diện với một chồng vài chục cuốn sách mới, cuốn nào cũng đều hay và mình cũng đều thích, đáng lẽ với một mọt sách thì mình phải vui mừng tột đỉnh, nhưng không, mình lại thấy chán và không còn hứng thú với chuyện đọc sách khi có quá nhiều lựa chọn. Thật lạ kỳ!
Tương tự, bên cạnh chuyện là mọt sách thì mình cũng là một mọt phim, chuyên luyện nhiều thể loại phim khác nhau. Khác với cái thời sinh viên phải download từng tập phim để coi, thế giới phim online bây giờ đầy rẫy các thể loại từ miễn phí tới có trả phí. Cùng một thời điểm, có khi có rất nhiều bộ phim hay, toàn các diễn viên mình yêu thích lên sóng hàng loạt, đó là chưa kể một cơ số các gameshow giải trí (nước ngoài) với sự góp mặt của các nghệ sĩ mình hâm mộ. Mỗi cuối tuần hay mỗi tuần mới, mình lại đối diện với muôn vàn lựa chọn cho nhu cầu giải trí của bản thân. Thật đau đầu!
Đáng lý ra khi sống trong một thế giới có quá nhiều phương cách để tạo ra niềm vui như thế, chúng ta hẳn phải thấy vui và luôn ngập tràn niềm vui sống mỗi ngày như đang ở địa đàng nơi trần thế. Nhưng về mặt sinh học tiến hóa, bộ não chúng ta vốn dĩ không được thiết kế cho một thế giới quá sung túc và thừa mứa như thế này. Chúng ta, như những kẻ khát niềm vui, đang bị nhấn chìm trong một cái bể tràn đầy niềm vui tới mức ta thấy ngột ngạt và sặc nước vì sự dư thừa quá mức đó.
Vậy làm thế nào để đừng chết chìm trong thế giới dopamine?
Câu hỏi này mình nghĩ đó là một nan đề xã hội cho nhân loại của thế kỷ 21, và cho cả thế hệ tương lai – thế hệ của những đứa trẻ “ngón tay cái” chuyên chúi mặt vào smartphone và thời gian sống trong thế giới ảo nhiều hơn thế giới thật.

Giải pháp hạn hẹp mình nghĩ tới cũng là câu khẩu hiệu quen thuộc mà tôn giáo đã ra rả suốt mấy nghìn năm qua: Hãy sống trong hiện tại, ở đây và ngay bây giờ. Nói theo ngôn ngữ văn vẻ hơn là sống trong chánh niệm.
Để tìm kiếm lại niềm vui thật sự mà chúng ta đã mất, theo mình, chúng ta cần tái lập lại không gian và trải nghiệm đã tạo ra niềm vui đó trước đây, bằng việc loại bỏ đi sự dư thừa quá mức qua lối sống tối giản và vừa đủ theo nhu cầu. Trên cái nền của lối sống tối giản, chúng ta hãy rèn luyện cách sống chú tâm hơn vào từng trải nghiệm và tập trung vào chất thay vì lượng.
Ví như trường hợp của mình, khi đã tích trữ quá nhiều sách mới và hay mà chưa đọc, những cuốn sách muốn mua khác mình sẽ đưa vào một danh sách dự định mua trong tương lai (hoặc cứ bỏ vào giỏ hàng điện tử và để đó, tạo cảm giác như thể đã mua rồi), và mình sẽ tập trung đọc từng-cuốn-một một cách trọn vẹn, cho tới khi đọc hết thì chuyển sang cuốn khác, lần lượt từng cuốn như vậy. Thay vì bày ra 4-5 cuốn sách trên bàn để đọc xoay tua như trước đây, mình dẹp bớt và chỉ để lại đúng 1 cuốn mình cần đọc trong thời điểm này.
Tương tự, thay vì xem song song cùng lúc nhiều bộ phim hoặc chương trình, mình quyết theo đuổi một bộ phim tới cùng, hóng từng tuần đợi nó ra tập mới – như cách chúng ta hóng phim trên tivi ngày bé, và không xem thêm một bộ phim nào khác trong thời điểm đó. Bằng cách này, mình sẽ sống trọn vẹn với từng bộ phim trong dòng chảy của nó mà không để tâm trí ngắt quãng và phân tán bởi sự hấp dẫn mời gọi của nhiều bộ phim khác nhau.

Quan trọng nhất, để không trở thành một zoombie smartphone trong thời đại số, mình tiết chế thời gian dùng điện thoại nếu không cần thiết và dành nhiều thời gian cho việc xúc chạm và trải nghiệm cuộc sống này nhiều hơn. Thay vì ngồi ở nhà lướt sàn thương mại điện tử, bạn có thể đi ra siêu thị, trung tâm mua sắm hay một tiệm tạp hóa gần nhà để mua món đồ mình cần mua, sờ chạm vào món đồ đó để trải nghiệm thực tế. Thay vì mua sách online, bạn có thể ghé đường sách hay một nhà sách nào đó sau giờ làm, cảm nhận lại việc chạm tay vào một cuốn sách thật và hít hà mùi sách mới, biết đâu bất ngờ bạn bắt gặp một cuốn sách hay ho nào đấy mà trước đây bạn chưa bao giờ thấy trên mạng – và thứ dopamine tiết ra lúc này mới là niềm vui thật sự đấy. Sống quen trong thế giới ảo, đôi khi chúng ta quên mất cuộc đời này là thực. Và mười niềm vui hời hợt trong thế giới ảo không đổi được một niềm vui trọn vẹn trong thế giới thực.
Trong thế giới ngập tràn dopamine, tất cả chúng ta đều muốn thỏa mãn nhu cầu của mình ngay tức thì. Khi chúng ta muốn mua thứ gì đó, ta muốn nó được ship tới nhà mình càng sớm càng tốt. Khi chúng ta muốn biết một thứ gì đó, ta muốn kết quả hiện ra ngay và luôn trên Google (tới nỗi nhiều khi ta còn lười tới mức chẳng vào trang Google mà gõ ngay thứ mình muốn tìm kiếm trên ô nhập thông tin của trình duyệt). Dần dà, chúng ta đánh mất khả năng khám phá mọi việc như cách một đứa trẻ từng khám phá sự rộng lớn bao la của thế giới, cũng như ta đánh mất sự kiên nhẫn khi phải chờ đợi một thứ quá lâu. Chờ đợi không còn là hạnh phúc, mà là thứ giết chết nỗi ham muốn lạc thú.
Hai mươi hay ba mươi năm nữa, khi trở thành một gã hay một bà cô trung niên phốp pháp, liệu bạn có muốn sống theo cách mình đang sống, tiếp tục nghiện những thứ bạn đang nghiện? Càng chìm đắm vào thói nghiện để tìm kiếm niềm khoái lạc nhất thời, bạn đang nuôi dưỡng bộ não mình theo cái cách sống hời hợt và cạn cợt mà cả xã hội số đang cùng dìm nhau vào bể dopamine, cho đến chết. Khi đó, tuy mang tiếng sống trên thiên đường trần gian, nhưng thực chất bạn đang sống dở chết dở ở một nơi không khác nào địa ngục. Một địa ngục của những “niềm vui”.
1 bình luận
Đọc bài viết của anh như một cách em tìm lại cuộc sống mà mình đã từng quan niệm rồi vô tình bỏ lỡ. Sau vài lần được chiếc “smartphone” cảnh báo về lượng thời gian sử dụng điện thoại tăng lên, em đã quyết định lên kế hoạch cho một ngày và hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại, chỉ xem nó là công cụ hỗ trợ trong vài trường hợp cần thiết. Khoảng thời gian đó thật sự rất thoải mái và em cảm nhận rõ ràng đầu óc của mình tỉnh táo hơn hăn. Nhưng dạo gần đây, có vẻ như cách anh nói, em đang chết chìm trong bể Dopamine. Cảm ơn bài viết của anh, nhờ nó mà em nhìn nhận lại những việc em đang làm.