Gần đây mình có xem xong 9 tập series Inventing Anna (Tiểu thư dựng chuyện) của Netflix, dựa trên nguyên mẫu nhân vật Anna Sorokin có thật ngoài đời với kịch bản được phát triển dựa trên bài báo của Jessica Pressler. Là một người Đức gốc Nga, ở thời điểm xảy ra vụ việc thì Anna chỉ mới 25 tuổi nhưng cô đã tạo dựng danh tính Anna Delvey, một người thừa kế giàu có người Đức sở hữu quỹ tín thác trị giá 60 triệu đô, để làm khuynh đảo cả giới tinh hoa New York. Cô đã thực hiện một loạt hành vi lừa đảo các ngân hàng, khách sạn và những người nổi tiếng giàu có để bước vào cuộc sống đẳng cấp thượng lưu, với tổng số tiền lừa đảo lên đến hơn 200.000 đô la. Thậm chí nếu phi vụ lừa đảo lớn nhất của Anna thuận buồm xuôi gió, cô có thể đã gầy dựng thành công trung tâm văn hóa – nghệ thuật TAD, ước mơ mà cô theo đuổi cả đời để tạo dựng nên một thứ gì đó thật đẳng cấp của riêng mình.

Trong bộ phim, Vivian là phóng viên của tờ Manhattan đã dày công theo đuổi vụ án của Anna, từ việc phải đến đảo Rivers (nơi tạm giam Anna trước phiên tòa xét xử) mỗi tuần để phỏng vấn Anna dù cho Vivian đang mang bầu và sắp tới ngày sinh, cho tới việc lần theo rất nhiều đầu mối trong vụ việc để phỏng vấn chéo người trong cuộc và tái hiện lại toàn bộ diễn tiến của sự vụ. Đổi lại thành quả cuối cùng là bài báo về Anna đã đưa sự nghiệp của Vivian một bước thăng hoa, từ một phóng viên bình thường trở nên được tòa soạn ưu ái hết mức, và bài báo của cô cũng đã phá kỷ lục với hàng triệu view mà trong suốt mấy năm trời tòa soạn không có bài đinh nào như thế.

Sau thành công vang dội đó, tòa soạn muốn Vivian đi đến Đức, tìm gặp gia đình Anna và môi trường sống của cô để thực hiện một bài tiếp theo nhằm tìm hiểu xem: Điều gì đã tạo nên một cô gái Anna 25 tuổi có thể trót lọt lừa đảo cả giới tinh hoa New York? Ở quá trình phỏng vấn trước đó, những nhân vật giàu có và quyền lực mà Vivian phỏng vấn đều đánh giá rất cao gu thẩm mỹ và con mắt nghệ thuật sành sỏi của Anna, bởi cô “tiểu thư” này rất am hiểu về thời trang, văn hóa và nghệ thuật của giới thượng lưu. Chưa kể, Anna còn biết tới 7 ngoại ngữ khác nhau, có trí nhớ hình ảnh cực kỳ tốt, như chỉ cần nhìn sơ qua bảng profile một người trong vài giây là có thể nắm được toàn bộ thông tin về người đó. Đặc biệt, cô còn sở hữu một trí thông minh cảm xúc (EQ) cũng cao không kém khi dễ dàng đọc vị cảm xúc người khác và có thể nhận ra được cảm xúc bất ổn của Vivian khi cô phóng viên này cố tình phủ nhận.

Nhân vật Anna và phóng viên Vivian

Với thiên kiến nhận thức thông thường, sẽ dễ dàng để chúng ta nghĩ một con quái vật được tạo ra bởi một con quái vật. Khác với những giả định ban đầu của Vivian về khả năng Anna có một người cha là nhà tài phiệt giàu ngầm thật sự, hay cha cô cầm đầu một băng đảng xã hội đen nào đó ở Đức, trên thực tế cha cô chỉ là một tài xế xe tải và mẹ cô chỉ là một bà nội trợ hết sức bình thường. Manh mối duy nhất làm sáng tỏ phần nào tính cách của Anna là việc gia đình Anna từng chuyển từ Nga đến Đức sinh sống vào năm cô 16 tuổi. Theo lời người phiên dịch tiếng Đức đồng hành cùng Vivian, bản thân cô là người Thổ Nhĩ Kỳ nên hiểu được những khó khăn nhất định Anna từng trải qua. Ở thời điểm đó, những đứa trẻ nhập cư từ Thổ hay Nga như cô thường bị bạn bè người Đức kỳ thị, xa lánh và hay bị cười cợt, và thời đi học đối với cô là một trải nghiệm khó khăn và tệ hại.

Sắp xếp những mảnh ghép từ gia đình và những người bạn học cùng thời với Anna, Vivian có thể hình dung được trong quá khứ Anna đã trải qua những gì để trở thành con người hiện tại. Chính vì sự tổn thương về mặt tâm lý như thế, Anna thường hay chui vào một góc trong phòng, say mê đọc những tạp chí và blog thời trang, thậm chí cô còn cắt dán và sưu tập rất nhiều hình ảnh thiết kế khác nhau dán đầy tường trong phòng. Từ trong thâm tâm, Anna luôn có khát khao được trở nên nổi bật và khác biệt với đám đông, khát khao được học hỏi tất cả mọi thứ để thoát khỏi cái nơi xó xỉnh này. Và Anna bắt đầu thay đổi phong cách ăn mặc hợp thời trang và sành điệu hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Từ vị thế bị bắt nạt, Anna chuyển sang “bắt nạt” ngược lại bạn bè bởi gu ăn mặc thậm tệ và lỗi mốt của họ.

Những mảnh ghép của Vivian tìm được trong chuyến đi công tác tại Đức đã làm sáng tỏ phần nào về tính cách và con người của Anna hiện tại. Chính vì có một quãng thời gian say mê tìm tòi học hỏi về thời trang và nghệ thuật như thế, ở Anna mới có sự am tường và con mắt nghệ thuật khiến cho nhiều người chuyên môn trong giới tinh hoa New York cũng phải trầm trồ thán phục. Trí nhớ hình ảnh siêu việt lẫn trí thông minh cảm xúc đặc biệt của Anna, có lẽ phần nào cũng được hình thành nhờ quãng thời gian cô độc và chịu những tổn thương thời đi học ấy.

Câu chuyện của Anna Sorokin khiến mình nhớ đến một nhân vật trong series Lie to me (Dối tôi xem) nói về ngôn ngữ cơ thể mà mình xem gần chục năm trước. Ria Torres là nhân viên trong trung tâm nghiên cứu về nói dối hàng đầu thế giới của Tiến sĩ Cal Lightman. Xuất thân của Torres vốn không phải là chuyên gia tâm lý ở các trường đại học hàng đầu như những nhân viên khác của Tiến sĩ Cal, cô vốn chỉ là một nhân viên an ninh sân bay. Ngay tập đầu tiên, khi Cal Lightman đến sân bay đã phát hiện ra năng khiếu bẩm sinh của Torres trong việc đọc vị ngôn ngữ cơ thể người khác và nhận biết được hành khách nào đang nói dối. Sau đó, ông ngỏ lời mời cô về làm việc tại viện nghiên cứu của mình.

Năng khiếu của Torres vốn không phải tự nhiên mà có, cô là một người da đen sinh ra trong một gia đình nghèo khó với một ông bố nát rượu. Mỗi lần rượu vào, nổi nóng lên là ông lại lôi cô ra bạo hành. Ngay từ nhỏ, Torres đã được trui rèn một khả năng đặc biệt là nhận dạng được những biểu hiện cảm xúc của bố, để biết khi nào ông vui và khi nào ông nổi quạu để tránh bị đòn. Xác xuất những lần đọc vị đầu tiên có thể không chính xác, nhưng qua thời gian thì cô ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với cảm xúc của bố mình, dù là những biểu hiện vi tế nhất. Chính thói quen đó mới hình thành bản năng, lâu dần tích lũy tạo thành một thứ kỹ năng đặc biệt vượt trội mà người bình thường rất khó có thể học được trong một sớm một chiều.

Trong tuyển dụng nhân sự, những người như Ria Torres là một dạng ứng viên có tố chất. Tố chất là những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi lặp đi lặp lại được áp dụng hiệu quả trong từng vị trí công việc, do những kết nối nơ-ron thần kinh tạo nên và thuộc vào dạng năng khiếu khó học tập được như các kỹ năng thông thường. Trong đội ngũ chuyên gia phát hiện nói dối của Tiến sĩ Cal Lightman, có những người được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở trường lớp, riêng những ca có tố chất đặc thù như Ria Torres là thuộc dạng thiểu số.

Nhà tâm lý học Paul Ekman

Hồi trước, mình biết đến bộ phim Lie to me là từ một quyển sách mình đọc về ngôn ngữ cơ thể. Mãi hơn chục năm sau, khi biên tập cuốn Trí tuệ của sự từ bi của tác giả Victor Chan viết cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma, mình mới biết hóa ra nguyên mẫu của hình tượng Tiến sĩ Cal Lightman cũng dựa trên một nhân vật có thật ngoài đời – nhà tâm lý học Paul Ekman. Ông là một người đọc biểu cảm khuôn mặt nổi tiếng khắp thế giới với những công trình tiên phong đột phá về ngành khoa học xúc cảm, một chuyên gia trong lĩnh vực phát hiện nói dối và từng được CIA lẫn FBI nhờ cậy. Và một điều thú vị hơn nữa, câu chuyện về nhân vật Ria Torres trong bộ phim Lie to me cũng được xây dựng dựa trên chính tuổi thơ của Paul Ekman.

Ngay từ nhỏ, Ekman đã lớn lên trong cảnh bị cha mình đánh đập thường xuyên, cái vòng luẩn quẩn ấy kéo dài cho đến năm ông 18 tuổi. Trong một cơn giận dữ, ông đã cảnh báo cha mình rằng nếu cha còn tiếp tục đánh ông nữa, ông sẽ đánh lại cha. Khiếp vía trước lời đe dọa đó, cha Ekman đã báo cảnh sát, và Ekman đã bỏ nhà đi vĩnh viễn từ đó. Mặc dù nổi tiếng là một chuyên gia đọc vị biểu cảm khuôn mặt, Paul Ekman cũng sở hữu tai tiếng là một người có tính khí hết sức cộc cằn, khó ở, hung hăng và xấu tính, đến nỗi ông đi đến đâu thì tai tiếng của ông đã đến trước đó rồi. Cả đồng nghiệp, học trò lẫn thành viên gia đình của Ekman đều hết sức thận trọng trong cách cư xử với ông, bởi không ai biết ông sẽ nổi cơn tam bành lúc nào. Sự giận dữ của ông chỉ biến mất sau cơ duyên ông được gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma sau này vào năm 2000 (sách đã phát hành với tựa “Trí tuệ của sự từ bi“).

Ảnh: Unsplash

Khi xem Lie to me, câu chuyện của Torres (hay của chính Ekman) khiến mình ấn tượng rất sâu sắc bởi mình nhìn thấy hình ảnh bản thân trong đó. Năm cấp hai là thời điểm mà hầu hết tụi học sinh đều bắt đầu dậy thì và tính khí bắt đầu thất thường, riêng mình sinh vào cuối năm nên từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng bé nhất so với bạn bè đồng trang lứa, đã vậy còn thêm tính cách siêu hướng nội, không thích nói chuyện với ai nên lại càng là đối tượng dễ bị bắt nạt trong lớp. Nhớ lại những ngày tháng đó, đi học với mình không phải là niềm vui mà là một cực hình như bị đọa xuống 18 tầng địa ngục, vì lúc nào mình cũng bị đám con trai trong lớp bắt nạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nhiều lúc mỗi sáng thức dậy, mình chỉ ước rằng hôm nay trời có bão hay có một nguyên nhân nào đấy để không phải đi học, và chỉ biết cầu nguyện cho quãng thời gian đi học trôi qua thật nhanh.

Đối với lứa tuổi thiếu niên, chuyện cả đám hùa nhau bắt nạt một bạn trong lớp có thể là một trò đùa đem lại niềm vui mỗi ngày, nhưng đối với người bị bắt nạt như mình thì đó là một sang chấn tâm lý khó có thể chữa lành. Nó để lại nhiều dư chấn tới mức khi vào cấp ba và cho tới đại học, mình đã cắt đứt hết mọi liên lạc với bạn bè cấp hai cũ, không add nick Yahoo hay Facebook, cũng không đi họp lớp hay không dự đám cưới của bất kỳ đứa nào, ngay cả những đứa ở gần nhà mình nhất. Mình chỉ muốn bấm nút xóa hẳn quãng thời gian đó ra khỏi ký ức của mình. Vĩnh viễn.

Suốt một thời gian dài đi học, mình phải tập làm quen với việc nhìn mặt những đứa đại ca trong lớp, xem lúc đó nó đang buồn hay vui mà tránh nó ra để khỏi bị đánh hay bắt nạt. Đến khi trưởng thành, trong mình có một cái gọi là giác quan nhạy cảm mà chính mình cũng không hề nhận ra, sau này đọc nhiều sách thì mới biết nó gọi là “trí thông minh cảm xúc” (EQ), tức việc bạn có thể dễ dàng đọc vị cảm xúc, nội tâm của người khác chỉ qua những biểu hiện rất nhỏ bên ngoài của họ. Chỉ với một ánh mắt, một cái thở dài, một cái chép miệng, một biểu lộ vi tế của cử chỉ thì mình cũng có thể cảm được tâm trạng của họ ra sao. Cùng với tư duy hệ thống sẵn có, mình có thể kết nối được rất nhiều dữ kiện lại với nhau để nhìn thấu được vấn đề một người đang gặp phải.

Tố chất này của mình rất hữu dụng khi đi làm nơi công sở. Vì vốn là một người hướng nội, không hoạt ngôn và xởi lởi như những bạn có tính thảo mai, những người kiểu như mình sẽ rất khó hòa nhập với đời sống công sở. Nhưng trên thực tế, qua quá trình đi làm nhiều năm ở nhiều chỗ, mình chợt nhận ra một điểm đặc biệt là mình rất dễ kết giao với tất cả nhân viên ở tất cả các phòng ban, theo kiểu ai mình cũng có thể nói chuyện được và nhờ họ giúp đỡ khi cần, chính nhờ những quan sát tỉ mỉ và khả năng đọc vị cảm xúc đó.

Nhớ lần ngồi ở rạp xem Spider-Man: No Way Home hay những phiên bản người nhện khác trước đó, có một điều làm mình trăn trở mãi ở cuối phim, khi chàng trai Peter Parker (người nhện) vì thân phận người nhện của mình mà mất đi dì May, hay cô bạn gái, những người bạn thân và một cuộc sống bình thường. Bất kỳ siêu anh hùng sở hữu một năng lực nào đó cũng đều mang một gánh nặng trên mình và một cái giá mà họ phải đánh đổi.

Rất nhiều người khi nhìn vào những người sở hữu một tài năng, một năng lực đặc biệt nào đó thường cho rằng đó là dạng năng khiếu bẩm sinh hay thiên khiếu trời cho. Mấy ai hiểu được rằng mọi cái gifted (món quà hay thiên khiếu) nào trời ban đều có một cái giá phải trả để có được, chứ không tự nhiên mà có. Và khi biết được cái giá cho một loại năng lực là như vậy, bạn có sẵn sàng đánh đổi để sở hữu nó?

Sau khi bị bắt, Anna Sorokin có nói với phóng viên của tờ New York Magazine: “Tiền trên thế gian này là vô hạn, nhưng người tài thì có hạn”. Khi tìm hiểu về cuộc đời, nhất là tuổi thơ của những nhân vật có tài như Anna hay giáo sư Ekman, mình mới hiểu được lý do vì sao họ sở hữu những tài năng đặc biệt đến vậy. Phải chăng, sự nhạy cảm rốt cuộc lại đến từ những tổn thương? Còn người chỉ biết làm tổn thương người khác, thì chẳng bao giờ sở hữu được năng lực ấy…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.