Ảnh: Unsplash

“Sống chung một nhà sao mà đứa thương đứa ghétSống chung một nhà sao mà máu chảy không đau”
(Ca khúc “Con ghẻ” – Nhật Kim Anh)

Từ ngàn xưa, câu chuyện con ruột và con ghẻ đã được nhắc tới trong các câu chuyện dân gian ở khắp các dân tộc trên thế giới, từ “Cô bé Lọ Lem” của phương Tây cho tới “Tấm Cám” của Việt Nam. Chủ đề con ghẻ bị cha mẹ phân biệt đối xử thì không có gì lạ với đa số mọi người. Nhưng cùng là con ruột có chung huyết thống với mẹ cha, ấy vậy mà lại có những trường hợp cha mẹ thiên vị đứa con này hơn đứa con khác và dành hết tình cảm, sự yêu thương và quan tâm của mình dành cho đứa con ấy, trong khi đứa con ruột còn lại thì bị đối xử không khác gì con ghẻ.

Bằng một nhân duyên nào đấy, cuộc đời đưa đẩy cho mình gặp khá nhiều trường hợp như trên, mỗi gia đình là mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung mô thức cha mẹ thiên vị và phân biệt đối xử với con cái. Đa số trường hợp đứa con bị xem như con ghẻ thường là con lớn trong nhà, và đặc biệt thường là phụ nữ, nhưng họ phải đứng ra cáng đáng và gần như hy sinh cả cuộc đời mình để chăm lo cho những đứa em kế cận mà quên mất việc kiếm tìm hạnh phúc của riêng mình.

Ảnh: Xframe

Nỗi khổ tâm của chị hai

Sinh ra trong một gia đình ở miền Tây, Mai Anh (tên đã đổi) là chị hai trong nhà với ba đứa em nhỏ theo sau. Mình biết chị trong một lớp học tiếng Anh và có dịp nghe chị tâm sự khá nhiều chuyện buồn lòng về gia đình. Từ khi chị ra đời đi làm, ba mẹ chị ngập trong cảnh nợ nần nên khoán hết trách nhiệm nuôi ba đứa em ăn học sang cho chị – từ lúc chị còn là công chức Nhà nước với đồng lương bèo bọt cho tới khi chị chuyển sang làm ở công ty tư nhân. Suốt mười mấy năm đi làm, hầu hết số tiền chị làm ra đều gửi về cho gia đình trả nợ và phần còn lại là để nuôi ba đứa em sống chung nhà trọ với chị ở Sài Gòn khi chúng lên thành phố học đại học.

Có lần chị đi Malaysia chơi với đứa em họ, chuyến đi ấy là do cô của chị đài thọ chứ chị cũng không có tiền để đi. Khi vừa đáp máy bay xuống nước bạn, chị gọi điện về báo cho mẹ một tiếng thì mẹ chị tỏ thái độ không vui, mà nói rằng “Mày sung sướng quá ha. Mày lo mà về lo cho mấy đứa em của mày kìa. Mày đi mà ở nhà hư nồi cơm điện, tụi nó không có cơm mà ăn”. Ở thời điểm đó, hai đứa em kế của chị một đứa đã 25 tuổi, một đứa đã 21 tuổi – nhưng trước giờ chưa hề đụng tay vào việc nhà. Sau này, chị lại có cơ hội đi Nhật với Cộng đoàn bên Giáo hội của chị để làm tình nguyện. Cha chị biết tin thì chửi chị: “Mày đi rồi cha mẹ chết mày có bằng lòng không?”, còn mẹ thì trách chị: “Sao mày ích kỷ quá vậy? Mày chỉ biết lo cho bản thân mày thôi!”. Lúc đó chị chỉ đi Nhật có 2 năm, chứ không phải 20 năm hay qua bển ở luôn.

Trong quãng thời gian 2 năm ấy, chị cũng nhận ra đứa trẻ bên trong mình đã từng chịu rất nhiều tổn thương. Đến khi về nước, chị quyết định không quay lại đời sống văn phòng mà chuyển sang làm freelancer và nghỉ ngơi một thời gian. Khi ba mẹ chị biết chuyện, họ gọi điện mắng chị: “Mày ở nhà hoài vậy hả? Sao mày vẫn chưa đi xin việc làm? Rồi mấy đứa em mày ai lo?”. Từ trước đến giờ ba mẹ chỉ quan tâm tới đời sống những đứa em của chị, ngay cả khi hai đứa em kế đã đi làm, chỉ còn đứa em út còn đang học đại học, thì chị vẫn phải chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho tụi nó. Cha mẹ chưa bao giờ hỏi chị dạo này sống sao, chị còn tiền xài không hay có đang gặp khó khăn gì không.

Ảnh: Xframe

Có một thời gian đứa em kế của chị nhập viện phải mổ cần số tiền vài chục triệu, bảo hiểm trả phần lớn, còn lại 20 triệu chị cũng phải vay mượn khắp nơi lo cho nó. Tới nửa năm sau, chị bị đụng xe nằm một chỗ suốt nửa tháng, nhưng không có đứa em quan tâm lo lắng hay chăm sóc cho chị, mà chị phải một mình tự lo thân. Ở góc độ người ngoài, mình chỉ thấy rằng những đứa em của chị dựa dẫm, không biết ơn và các bạn xem việc chị chăm sóc cho các bạn là một nghĩa vụ và trách nhiệm đương nhiên của chị hai trong nhà. Mình cũng nói với chị rằng chị đừng trên trông mong sau này các bạn sẽ giúp đỡ ngược lại chị khi chị gặp khó khăn, vì ích kỷ là thứ hình thành do nuông chiều.

Trong khá nhiều câu chuyện tương tự mình gặp, tất cả đều có chung một khuôn mẫu là người chị lớn phải hy sinh quá nhiều cho những đứa em, nhưng đổi lại thì những đứa em ngày càng ăn bám và phụ thuộc vào người chị lớn. Như trường hợp của chị Mai Anh, đứa em kế của chị khi ra trường không thể tự đi xin việc được, chỉ biết nằm ở nhà chơi, chính chị phải đi xin việc giùm cho em mình ở chỗ người quen. Một chị bạn khác của mình, tuy em trai đi làm mức lương cao hơn chị, nhưng chị lại là người trả tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt ở căn phòng trọ mà cả hai ở chung. Đến khi cậu em quý tử tập tành chơi coin và đầu tư chứng khoán thua lỗ, nợ nần ngập mặt, chị cũng phải đứng ra gánh nợ giùm em mình. Một cô bạn khác của mình, nuôi em học đại học rồi em bỏ học vì chán ngành hiện tại, xong em nhảy qua ngành khác, cuối cùng vẫn bỏ rồi thất nghiệp, mỗi tháng bạn phải gửi tiền chu cấp cho em.

Ảnh: Freepik

Vì sao cha mẹ lại thiên vị con cái?

Khi đào sâu vào vấn đề này, mình nhận thấy có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc cha mẹ thiên vị và phân biệt đối xử giữa con cái trong nhà:

Thứ nhất, gia đình có “truyền thống” thiên vị con thứ hay con út. Như trong trường hợp của Mai Anh, cả cha lẫn mẹ chị đều là con út, từ nhỏ đã được ông bà nội ngoại rất cưng. Chính vì là út cưng nên từ nhỏ họ đã mặc nhiên được nhường phần ngon và được quan tâm chăm sóc đặc biệt hơn con cả trong nhà. Một số phụ huynh hay có quan niệm rằng đứa nhỏ vì bé hơn nên cần phải được quan tâm nhiều hơn so với đứa lớn, hay đứa lớn hiểu biết hơn nên phải có trách nhiệm chăm lo cho đứa nhỏ. Có trường hợp mình biết cha mẹ đối xử thiên vị với con út, dù đứa út sai nhưng lại đánh đòn đứa lớn và mắng mỏ nó, khiến cho đứa em út cũng coi thường chị mình và đánh lại chị.

Có những cha mẹ thường hay dạy con theo kiểu mỗi khi con cái tranh giành thứ gì đó với nhau, họ thường bảo: “Con là anh/chị mà, phải biết nhường em chứ”. Chính cách nói này mưa dầm thấm lâu khiến đứa con lớn luôn phải nhường nhịn và mất luôn động lực cạnh tranh cho quyền lợi của nó, sau này đứa lớn luôn xem bản thân nó phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chăm lo và nhường nhịn cho em mình – dù cho những đòi hỏi ấy có vô lý đến mức nào. Trong bộ phim Hoan lạc tụng (phần 3) mình xem, em trai của nữ chính Chu Cát Cát còn trơ trẽn tới mức tới xin tiền của chị mình để mua nhà kết hôn, trong khi chị cậu đang sống rất chật vật ở một nhà trọ và phải ở ghép với những người khác.

Thứ hai, cha mẹ có tư duy “trọng nam khinh nữ” nên thường thiên vị đứa con trai trong nhà hơn là đứa con gái. Tư duy này là thứ thâm căn cố đế do môi trường sống của họ và cách họ được dạy từ lúc nhỏ nên rất khó thay đổi. Như một người chị họ của mình, tuy là con gái út nhưng cha mẹ chị lại dành tình thương cho người anh lớn sống chung nhà với họ hơn. Ngay từ nhỏ, mỗi lần anh trai bị đau bệnh gì là ba mẹ chị luôn sốt sắng lo cho anh, đến khi lớn anh phải phẫu thuật thì cha mẹ cũng bắt chị phải bỏ tiền ra chi trả viện phí cho anh, còn đi theo anh tới tận Sài Gòn chữa bệnh. Trong khi đó chị là single mom, ở trọ xa nhà, chưa bao giờ ba mẹ hỏi han chị sống ở đâu và ghé tới coi hai mẹ con chị đang sống ra sao. Những lần chị đau bệnh phải nhập viện, ba mẹ chị cũng chưa bao giờ hỏi thăm chị một tiếng nào.

Ảnh: Freepik

Thứ ba, sự thiên vị của cha mẹ lại xuất phát sâu xa hơn từ vấn đề tâm lý cá nhân, nhưng chính bản thân họ cũng không nhận ra nếu không có sự khai mở từ người khác hay những phiên điều trị tâm lý. Một trường hợp điển hình nhất mình từng gặp là một chị có hai đứa con gái nhỏ, một đứa 8 tuổi và một đứa 3 tuổi. Cả hai bé đều rất xinh xắn dễ thương, nhưng không hiểu sao mỗi lần nhìn đứa con gái lớn là chị lại thấy chán ghét và bực mình, nhìn là chỉ muốn đánh và la mắng nó, trong khi đó chị lại hết mực yêu thương bé nhỏ hơn. Với đứa con gái lớn, chị đánh nó nhiều lần tới nỗi chị cảm thấy ghê sợ chính mình. Có lần con gái lớn vẽ một bức tranh về mẹ, với con nít thì vẽ có nguệch ngoạc cũng là chuyện bình thường, nhưng nhìn bức tranh vẽ mình xấu xí thì chị tức giận tới mức xé nát bức tranh và lấy chổi đập con một trận.

Dần dần, ở đứa con gái lớn của chị hình thành một phản xạ vô điều kiện, là mỗi lần nghe tiếng xe máy của mẹ đi làm về, nó bắt đầu sợ hãi và ngồi co rúm một góc trong phòng, làm việc gì cũng phải nhìn ngó sắc mặt của mẹ. Trong ánh mắt của nó, chị không khác nào một con quỷ dữ. Khi truy nguyên từ góc độ tâm lý, ở thời gian chị mang thai đứa lớn thì chị vô tình đọc được tin nhắn chồng mình ngoại tình với người khác (chồng chị là một người rất đẹp trai và hào hoa). Sau đó chị phát hiện chồng còn lừa dối mình trong chuyện tiền lương, mỗi tháng anh chỉ đưa vợ một phần nhỏ mức lương của anh để quán xuyến mọi chi tiêu trong gia đình. Chị phải loay hoay xoay xở cáng đáng gia đình với những khoản thiếu trước hụt sau, trong khi anh chồng ngược lại còn xin tiền chị để đi cà phê cà pháo nhậu nhẹt với bạn bè.

Nhiều lần muốn ly dị chồng nhưng chị biết mình đang mang thai và chị không muốn đứa nhỏ sinh ra đã không có cha. Chưa kể gia đình dòng họ chị cũng thuộc dạng gia giáo nên chị không muốn đem lại điều tiếng cho gia đình. Thế là chị vẫn tiếp tục nhẫn nhịn và sống chung với chồng mình, nhưng mối hận thù trong lòng ấy chị đem trút lên bào thai cho đến ngày nó tượng hình và ra đời, dẫn tới cảm xúc chán ghét và thù hận mỗi khi chị nhìn thấy đứa con gái lớn. Ngược lại, chị sinh đứa con gái út ở giai đoạn chị đã tha thứ cho chồng mình và cho anh cơ hội làm lại từ đầu, nên cảm xúc về đứa con này là sự yêu thương, chiều chuộng nhiều hơn dù cho nó không ngoan ngoãn và giỏi giang như đứa lớn.

Ảnh: Freepik

Có một điều quan trọng mà chúng ta cần hiểu là, những bậc cha mẹ cũng chỉ là những người bình thường chứ họ không phải thần thánh. Nếu họ không có may mắn được sinh trưởng trong một gia đình bao dung với những bậc cha mẹ am hiểu về tâm lý, thì khi lớn lên họ cũng chỉ là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ hay ông bà của họ, với những sang chấn tâm lý và thương tổn bên trong. Chính vì không có ai dạy họ cách trở thành một bậc cha mẹ tốt, cũng như không có một hình mẫu nào đủ tốt để họ noi theo, thành ra họ mới có những cách hành xử vô tri như đối xử bất công với con cái, yêu đứa này và ghét đứa kia.

Có những bậc cha mẹ rơi vào nghiện ngập rượu chè, cờ bạc hay nợ nần, họ loay hoay không thể tự giải quyết được vấn đề của bản thân thì không thể nào yêu thương và san sẻ tình yêu thương của họ với con cái. Nếu bạn muốn san sẻ tình yêu thương với ai đó, thì trước hết bạn phải là một người có đủ đầy tình yêu. Không phải bậc cha mẹ nào cũng là một đứa trẻ từng được yêu thương và hạnh phúc – đủ để họ có thể chia sẻ lại chúng đồng đều cho con cái của mình.

Ảnh: Xframe

Áp lực ở những đứa con bị đối xử bất công

Ở câu chuyện của chị Mai Anh, vì lý do nợ nần nên cha mẹ đặt lên vai chị gánh nặng phải nuôi ba đứa em của mình ăn học. Với người bình thường, chuyện nuôi một ai khác suốt mấy năm trời đã không dễ dàng thì với chị gánh nặng còn chồng chất gấp bội phần, buộc chị phải làm nhiều việc hơn và lao vào kiếm tiền nhiều hơn để trang trải cho cuộc sống. Dù khó khăn áp lực là thế, nhưng trong tâm thức chị luôn xem việc mình làm là đang báo hiếu cha mẹ, là đang phụ giúp cho gia đình và là việc mình có bổn phận phải làm. Chính vì hai chữ “báo hiếu” mà không ít người sẵn sàng làm trâu làm ngựa đeo ách lên cổ để trả ơn sinh thành cho bậc cha mẹ.

Trong rất nhiều luân lý của đời sống và tôn giáo, chúng ta luôn được dạy rằng phải biết hiếu thảo với mẹ cha, rằng “cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Nhưng có công bằng hay không khi có nhiều bậc cha mẹ đánh đập, chửi mắng con cái hết sức tàn nhẫn; cha mẹ nhồi nhét vào đầu con cái những tư tưởng sai lầm lệch lạc; cha mẹ o ép bắt con cái phải sống theo ý mình; cha mẹ phân biệt đối xử với con cái trong nhà; cha mẹ bỏ rơi con cái của mình chạy theo thú vui riêng; cha mẹ xem con cái là vật sở hữu của mình và thậm chí tước đi mạng sống của con nếu con làm trái ý mình,… nhưng lại đòi hỏi con cái phải biết ơn dưỡng dục, đối xử tốt và phụng dưỡng cha mẹ?

Có đôi lúc trong đời, người khiến chúng ta đau đớn nhất không phải là người ngoài, mà lại chính là người thân trong gia đình. Tuy nhiên, không có người làm cha làm mẹ nào lại dám thẳng thắn thừa nhận mình không tốt hay tệ hại, bất nhẫn với con cái. Không ai muốn thừa nhận bản thân họ cũng có vấn đề, cũng có những sự ích kỷ và nhỏ nhen nên họ đối xử với con cái theo cái cách ích kỷ, nhỏ nhen của chính họ. Có những người có cha mẹ mà lại cảm thấy đau khổ hơn cả trẻ mồ côi, và đôi lúc họ ao ước rằng giá như cha mẹ đừng sinh mình ra trên đời, hay giá như mình không có cha mẹ còn hơn.

Ảnh: Freepik

Đôi khi chính vì cái đạo làm con và hai chữ “báo hiếu” đó mà người đời phải sống trong cái gông cùm xiềng xích của xã hội áp đặt lên mình. Nhiều bậc cha mẹ nhân danh tình thương và nhân danh cha mẹ để dạy dỗ con cái, nhưng sâu bên trong, họ chỉ yêu thương chính họ mà thôi. Sau cú đụng xe và phải nằm một chỗ hơn nửa tháng trời, ở khoảnh khắc tăm tối nhất của cuộc đời, chị Mai Anh nhận ra rằng gia đình không hề là điều tuyệt vời nhất, và người thân của mình là những người ích kỷ trước giờ chỉ biết nhận chứ không bao giờ biết hồi đáp lại những gì chị đã cho họ. Chị ám ảnh với gia đình mình tới mức không có ý định kết hôn và không muốn sống trong một gia đình nào khác với những ràng buộc về trách nhiệm, với chị nhiêu đó đã là quá đủ rồi.

Mình có nói với chị một ý, rằng nhà tù lớn nhất là chính mình, từ nay chị nên giải thoát cho bản thân khỏi gánh nặng về gia đình và hãy sống cuộc đời của riêng mình. Nợ nần của ba mẹ thì cũng đã trả hết, mấy đứa em của chị cũng đã trưởng thành ra đời đi làm rồi, chị không còn có trách nhiệm gì với cuộc đời tụi nó nữa cả. Nói thì nói vậy, chứ mình không phải là chị nên cũng không biết chị có đủ mạnh mẽ để làm được điều đó hay không. Không phải ai cũng dám dũng cảm chặt bỏ xiềng xích đang kiềm cặp trói buộc mình để sống đời tự do, vì có những người sống lâu với cái khổ, người ta đã quen khổ rồi.

Và đối với những đứa con may mắn hơn, nhận được nhiều tình thương và sự quan tâm của cha mẹ hơn thì không hẳn đã là phúc mà có khi là họa. Bởi chính vì sự thiên vị, bao che, dung túng của cha mẹ mà có không ít người sau này ra đời không làm nên trò trống gì, chỉ biết lười biếng và ỷ lại vào cha mẹ hay các anh chị lớn của mình, và vì đã quen nhận nên họ không bao giờ biết cho mà hết sức vô ơn. Kết cục là hỏng hết cả một đời người chỉ vì sự yêu thương không công bằng của cha mẹ. Và khuôn mẫu này, bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều trong đời sống và xã hội của người Việt Nam. Khi nhìn thấy những cái nhân quả nhãn tiền như vậy, mong rằng những bạn đọc nào đang và sắp làm cha mẹ – hãy làm cha mẹ trong tỉnh thức để đừng cho đời thêm những đứa con đau.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Bản thân em may mắn được “thiên vị” hơn anh chị trong nhà, vì được tạo điều kiện cho học hành đến nơi đến chốn; nhưng trộm vía bản thân chưa từng nghĩ đến hai chữ “ỷ lại”. Thậm chí nhiều lúc còn cảm thấy đó là trách nhiệm, lấy “lợi thế” đó mà khiến gia đình được tốt hơn – cảm giác như mình “nợ” thì mình phải “trả” vậy.

    Nhưng em rất tâm đắc với ý: “Chính vì không có ai dạy họ cách trở thành một bậc cha mẹ tốt, cũng như không có một hình mẫu nào đủ tốt để họ noi theo, thành ra họ mới có những cách hành xử vô tri như đối xử bất công với con cái, yêu đứa này và ghét đứa kia”. Bên em cũng đang làm một show về gia đình, do chưa có con nên em cũng chưa “biết được lòng cha mẹ” như thế nào. Nhưng từ tất cả những trải nghiệm, hiểu biết và cả bài viết này, tự nhiên thấy thông cảm vơi cha mẹ nhiều hơn.

    Cảm ơn anh!

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải