Ảnh: Greg Rosenke

Gần đây khi có dịp tham gia một dự án với một cơ quan nhà nước của TP.HCM, mình xem bảng số liệu về tầm nhìn và mục tiêu của họ trong ba năm tới mà nhận thấy một sự bất ngờ thú vị. Từ con số doanh thu khoảng hơn 130.000 tỷ đồng trong năm 2022, mục tiêu họ đặt ra trong ba năm tới là đạt mốc doanh thu khoảng gần 250.000 tỷ đồng, dù cho mức tăng trưởng trung bình mỗi năm chỉ ở khoảng 22%. Tức là, dựa theo mức tăng trưởng như vậy thì lẽ ra doanh thu mục tiêu chỉ rơi vào khoảng 215.800 tỷ đồng, nhưng nó lại được đẩy lên một con số cao hơn tới gần gấp đôi.

Đối với những người làm công ăn lương như mình, chuyện đặt ra một mục tiêu tăng trưởng quá sức như vậy là điều rất lạ lùng. Nhưng đối với những cán bộ cấp cao vận hành cơ quan đó hay những chủ doanh nghiệp, việc đặt mục tiêu năm sau tăng gấp đôi hay gấp ba năm trước là chuyện hết sức bình thường như cân đường hộp sữa, như thể họ luôn đeo một cặp kính màu hường và nhìn đời theo một cách vô cùng lạc quan. Nếu bạn thử sống chậm lại một khắc và nhìn nhận lại cách mà các doanh nghiệp đang vận hành, hay cách mà thế giới này đang xoay vần, bạn sẽ nhận ra một sự thật vô cùng gây sốc: thế giới này được vận hành dựa trên nền tảng của tâm tham và đó là một cái túi tham không đáy.

Ảnh: Freepik

Nghịch lý KPI ở các doanh nghiệp

Có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao khi bạn đi làm ở một công ty nào đó, cứ mỗi năm lãnh đạo lại đặt ra KPI cho đội nhóm của bạn ngày một cao – bao giờ năm sau cũng gấp đôi hay gấp ba năm trước, nhất là ở những bộ phận như Sales và Marketing? Cá nhân mình từng đảm nhận vị trí quản lý cho hai bộ phận Sales & Marketing của một doanh nghiệp và từng cảm thấy hết sức lạ lùng về mục tiêu KPI như vậy ở những năm đầu đi làm. Từ mục tiêu chạy quảng cáo kiếm đủ 400-500 khách hàng cho khoảng 4-5 hội thảo phễu mỗi tháng, con số đó dần tăng lên thành 10-15 hội thảo, rồi sau này trở thành 8 khóa phễu cỡ đại từ 4.000-5.000 người. Rõ ràng là ban đầu khi phác thảo kế hoạch, mình và sếp đều thống nhất phương án chỉ làm 4 khóa phễu mỗi năm là maximum, nhưng sau đó chính anh ấy lại nhất quyết muốn tăng gấp đôi cho bằng được.

Sau này khi mình sang công ty khác, tuy không làm ở vị trí Sales hay Marketing nữa nhưng khi có dịp cùng ngồi họp và nghe mục tiêu lãnh đạo đặt ra cho phòng ban của các bạn ấy thì mình có một sự sốc không hề nhẹ. Đó là, từ con số doanh thu 3 tỷ mỗi tháng, sếp tăng lên hơn gấp 3 lần thành 10 tỷ mỗi tháng – một con số không tưởng và quá sức với team kinh doanh. Đồng thời, những phòng ban liên đới như phòng nội dung của bọn mình cũng bị áp KPI cao tương đương bởi phải như vậy thì khâu sản xuất mới chạy theo được mục tiêu đó. Ngay cả khi lãnh đạo công ty biết đó là điều bất khả và quá sức với tập thể, họ vẫn hết mực lạc quan và mỉm cười động viên nhân viên: “Anh chị tin tụi em có thể làm được!”.

Ảnh: Freepik

Vấn đề nghịch lý lớn nhất là lãnh đạo thì muốn doanh thu tăng gấp đôi gấp ba, nhưng mức lương của nhân viên và đội ngũ nhân sự thì không bao giờ tăng tương xứng. Đồng nghĩa rằng cùng một đội ngũ nhân sự năm sau cũng y như năm trước nhưng họ phải gánh khối lượng công việc tăng gấp 2-3 lần. Việc này chẳng khác nào cùng một công ruộng và cùng mớ thóc giống được giao nhưng các địa chủ lại mong muốn đám nông dân làm công cho họ phải thu hoạch số thóc lúa năm sau cao gấp đôi gấp ba năm trước. Còn bí quyết nào để hạt lúa tự nhân hai nhân ba thì họ không nói. Nghe cứ như chuyện cổ tích Việt Nam! Và đó là một thực trạng đang tồn tại ở hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả thế giới, nên trên mạng mới có những bài ca thán cười ra nước mắt:

Điện tăng mà lương hổng tăng. Nước tăng mà lương hổng tăng. Xăng tăng mà lương hổng tăng. Điện nước xăng tăng mà lương hổng tăng. Việc tăng mà lương hổng tăng. Chửi tăng mà lương hổng tăng. Mệt tăng mà lương hổng tăng. Mấy cái đó tăng mà lương hổng tăng.

Ảnh: Freepik

Cỗ máy tăng trưởng kinh tế khổng lồ

Nếu như gia đình là hạt nhân của xã hội thì doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế. Nhìn một cách sâu xa, cách các doanh nghiệp đang vận hành hiện tại phản ánh chính cách vận hành của nền kinh tế trên toàn cầu. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp diễn ra từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, các nền kinh tế của chúng ta được xây dựng xoay quanh một ý tưởng mới mẻ và cấp tiến: sự tăng trưởng kinh tế. Ý tưởng này dựa trên một niềm tin cơ sở rằng mỗi năm nền kinh tế phải ngày càng lớn hơn, đồng nghĩa rằng các doanh nghiệp là hạt nhân nằm trong nền kinh tế cũng phải tăng trưởng tương ứng. Lớn hơn có nghĩa là phát triển hơn và thịnh vượng hơn, đó cũng là tiêu chuẩn mà xã hội định nghĩa về thành công.

Vì sao doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung lại phải rốt ráo tăng trưởng như vậy? Câu trả lời nằm ở tính hệ quả của sự tăng trưởng. Nếu một công ty phát triển, ban giám đốc lãnh đạo công ty đó sẽ được ca tụng và được hưởng rất nhiều lợi ích từ cổ phần và lương thưởng. Nếu nền kinh tế của một đất nước tăng trưởng, dàn lãnh đạo của đất nước đó sẽ có nhiều cơ hội được tái đắc cử trong nhiệm kỳ kế tiếp. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu của một công ty sụt giảm hoặc nền kinh tế của một đất nước đi xuống, các CEO và chính trị gia có nguy cơ bị cách chức và sa thải cao hơn. Có thể nói sự tăng trưởng kinh tế chính là tâm điểm của cả xã hội và điều này giải thích vì sao chính phủ của nhiều quốc gia luôn tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế nhiều đến mức lơ là các mục tiêu khác.

Ảnh: Freepik

Trong thực tế, sự tăng trưởng có thể diễn ra theo hai con đường. Một là, một tập đoàn có thể tìm thấy nhiều thị trường mới bằng cách tạo ra các sản phẩm mới hoặc xuất khẩu đến những quốc gia chưa có sản phẩm đó. Nếu lên cỗ máy thời gian của Đô-rê-mon quay ngược về 10-20 năm trước và bước chân vào một siêu thị hay cửa hàng tạp hóa, chắc chắn bạn sẽ không lạc lối trong một rừng sản phẩm với đủ loại nhãn mác và thương hiệu như bây giờ. Hồi trước nhắc đến bột giặt thì chỉ có hai loại Omo hoặc Tide, nhắc tới mì tôm thì cũng chỉ có vài loại như mì giấy Miliket, mì Hảo Hảo hay mì Gấu Đỏ. Giờ đây trong bất cứ dòng sản phẩm nào cũng có tới hàng chục hay cả trăm thương hiệu lớn nhỏ, và trong mỗi loại sản phẩm như vậy thì lại được biến chế ra vô số biến thể. Như dầu gội Clear hồi trước chỉ có một loại Clear bạc hà duy nhất, chứ không phải lên tới hơn cả chục loại như bây giờ. Bản chất của sự đa dạng về mẫu mã và dòng sản phẩm cũng chính là hệ quả của việc chạy theo mục tiêu tăng trưởng không ngừng.

Hai là, một tập đoàn có thể tăng trưởng bằng cách thuyết phục người tiêu dùng hiện tại tiêu thụ nhiều hơn. Nếu có thể thuyết phục khách hàng của họ ăn chơi, mua sắm và tiêu xài nhiều hơn cũng như ngủ ít đi, doanh thu của doanh nghiệp cũng sẽ tăng trưởng vượt trội. Đó chính là lý do vì sao các tập đoàn không ngừng tìm cách nhồi nhét và phát tán thông điệp quảng cáo hay tiếp thị của họ đi khắp nơi trên các phương tiện truyền thông truyền thống lẫn các nền tảng mạng xã hội. Bạn cứ thử xách xe chạy một vòng trên đường hoặc mở bất kỳ màn hình thiết bị điện tử, truy cập bất cứ ứng dụng mạng xã hội nào xem, khắp nơi đều tràn ngập quảng cáo với những thông điệp kích thích mua hàng. Khi thời đại thương mại điện tử nhường bước để thời đại livestream TikTok lên ngôi, những “chiến thần” hay KOL có thể chốt giùm cho doanh nghiệp mỗi ngày hàng nghìn đơn với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi lần livestream như vậy. Và người tiêu dùng chúng ta không khác nào những con thiêu thân bị dẫn dụ bởi thứ ánh sáng ma mị của chủ nghĩa tiêu dùng và săn sales.

Ảnh: Freepik

Cuộc chạy đua của những ông lớn

Cách đây vài tháng, mình từng nhận được một cuộc gọi của nhân viên nhà mạng A hỏi mình đang xài mạng của bên nào (mình xài của nhà mạng B), gần đây mạng có bị chậm hay trục trặc gì không. Sau đó bạn đi vào trọng tâm vấn đề là bên nhà mạng A đang có chính sách miễn phí lắp đặt dành cho những khách hàng muốn chuyển đổi nhà mạng. Bản thân mình không có nhu cầu đổi nhà mạng, nhưng nghe một người bạn đang là nhân viên nhà mạng B kể lại thì mới biết hiện hai bên đang cạnh tranh giành khách với nhau dữ dội. Để chạy KPI, thậm chí nhân viên nhà mạng A còn có chiêu trò nói khách lắp mạng bên họ sẽ được miễn phí vài tháng đầu, nhưng thực tế họ vẫn tính phí (!). Tức là, họ bất chấp nguy cơ có thể bị khách hàng chửi trong tương lai chỉ để đạt chỉ tiêu hồ sơ đăng ký hằng tháng. Sự cạnh tranh bát nháo giữa ba nhà mạng lớn đã khiến Bộ Thông tin & Truyền thông phải ra quy định là từ ngày 1/7/2023, khi khách hàng lắp mạng mới ở nhà mạng nào thì cũng tốn mức phí 300K như nhau.

Đôi khi chạy trên đường và nhìn vào sự hiện diện của các chuỗi thương hiệu lớn như Vinmart, Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động, Pharmacity, An Khang, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, v.v. ở hai bên đường, mình lại cảm thấy choáng ngợp và sợ hãi trước tâm tham của những ông lớn. Bởi lẽ các tập đoàn lớn là những doanh nghiệp rất rất giàu, doanh số mỗi năm của họ đều rất khủng khiếp nhưng họ vẫn không ngừng bành trướng tập đoàn của mình ra mọi ngóc ngách trong xã hội với mục tiêu tăng trưởng thần tốc. Với cái đầu của những người am hiểu về kinh tế và học sâu hiểu rộng, các doanh nghiệp đang đối đầu và muốn thao túng cả thị trường, thậm chí là sẵn sàng triệt hạ luôn những người yếu thế hơn họ – những người bình dân buôn bán và lao động để mưu sinh ngoài xã hội. Sự hiện diện của các cửa hàng bách hóa và siêu thị tiện lợi ngày càng nhiều ở khu dân cư cũng đồng nghĩa rằng những tiệm tạp hóa và khu chợ truyền thống sẽ dần bị đào thải, mất khách và mất cả nguồn thu.

Ảnh: Freepik

Hồi mình biên tập cuốn sách Amazon – Cuộc chinh phạt của Jeff Bezos nói về sự tăng trưởng của đế chế Amazon trên toàn cầu, có một trích đoạn trong sách khiến mình đọc xong cứ day dứt mãi. Ở giai đoạn thương mại điện tử lên ngôi khoảng năm 2018, người tiêu dùng truyền thống đã thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng và gần như chuyển sang thói quen mua hàng trên các sàn thương mại điện tử với mức giảm giá hấp dẫn hơn nhiều và chương trình khuyến mãi thì diễn ra liên tục. Nếu như các ông lớn như Amazon tiền đổ vào ầm ầm như nước, doanh thu không ngừng tăng trưởng chóng mặt thì các cửa hàng bán lẻ truyền thống sụt giảm doanh số một cách nặng nề.

Tại khu chợ sỉ đồ điện tử ở thành phố Bangalore (Ấn Độ), chưa bao giờ việc buôn bán ở đây lại trở nên ế ẩm và vắng khách đến thế, các chủ tiệm mỗi ngày mở cửa hàng ra chỉ biết ngồi đó ngáp ruồi ngán ngẩm. Công việc kinh doanh của họ dần trở nên nguội lạnh và những vị khách ghé tới cửa hàng cũng dần thay đổi hành vi mua sắm. Thay vì hỏi giá từ chủ tiệm, họ lại bảo rằng đã xem giá trên mạng rồi và đòi mua với mức khuyến mãi tương đương trên sàn, hay họ tìm đến để thử một sản phẩm nào đó rồi bảo sẽ quay lại sau – và sau đó không một ai quay lại. Với những cửa tiệm nhỏ lẻ kiếm sống qua ngày như thế, họ đâu có những bệ đỡ về nguồn vốn như các tập đoàn triệu đô hay tỷ đô để có thể chạy những chương trình khuyến mãi sập sàn. Nếu mặt hàng nào cũng bán với cái giá khuyến mãi gần sát hay ngang giá vốn đó, làm sao họ có thể có lời?

Trong cuộc chạy đua của những ông lớn, gánh nặng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang đè nặng lên vai của hàng triệu doanh nghiệp và cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, khiến cho việc kiếm sống của những người buôn bán bình thường ngày càng trở nên khó khăn hơn. Và với mình, đó quả thực là một cuộc đua rất bất nhẫn – khi người giàu ngày càng giàu lên vượt trội, còn người nghèo thì càng lún sâu vào bẫy nghèo.

Ảnh: Freepik

Một góc nhìn về sự bền vững

Khi thế giới này bị tâm tham đưa đường dẫn lối, nhân loại ngày càng đi sai hướng và dẫn tới rất nhiều sự khổ đau cùng cực trong xã hội. Theo quan điểm của nhà Phật, tham – sân – si cũng chính là tam độc khiến chúng sinh trôi lăn trong cõi luân hồi sinh tử. Muốn dừng lại vòng xoay của bánh xe luân hồi thì diệt trừ tam độc là điều kiện tiên quyết. Vậy làm thế nào để chúng ta có thể loại bỏ tâm tham để xoay lại trục vận hành của thế giới?

Ở góc độ doanh nghiệp, họ nên hướng đến mục tiêu kinh doanh bền vững và tạo ra giá trị cho xã hội. Thay vì chạy đua và cạnh tranh với nhau trong cuộc đua lợi nhuận và sự bành trướng thương hiệu khắp toàn cầu, các doanh nghiệp nên hướng đến mục tiêu chăm sóc cho nhân viên và khách hàng của mình sao cho thật tốt. Các lãnh đạo nên kiến tạo một văn hóa làm việc lành mạnh và môi trường làm việc hạnh phúc, bởi lẽ nhân viên của một doanh nghiệp có hạnh phúc thì họ mới có thể đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Đồng thời, thay vì cứ liên tục mở rộng và tìm kiếm nguồn khách hàng mới, doanh nghiệp nên tối ưu hóa vòng đời từng khách hàng và chú trọng hơn vào trải nghiệm khách hàng song song với cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Nếu doanh nghiệp nào cũng biết đủ là đủ, biết an vui với miếng bánh mình có được và tận hưởng nó, nhiêu đó thôi cũng đã đủ để họ duy trì hoạt động kinh doanh bền vững thay vì cứ cố nhăm nhe miếng bánh của người khác. Khi một doanh nghiệp bỏ bê nhân viên và khách hàng, đặt trọng tâm vào doanh số và sự tăng trưởng, họ sẽ cứ mải chạy theo cuộc đua không hồi kết đó và ai cũng mệt. Lãnh đạo mệt vì doanh số luôn trồi sụt, hôm nay mình đứng nhất thì hôm sau lại có đối thủ vượt mặt. Nhân viên cũng mệt vì KPI chất chồng mỗi năm mỗi tăng mà lương không thấy tăng. Khách hàng cũng mệt không kém vì chất lượng dịch vụ ngày càng tệ.

Ảnh: Freepik

Ở góc độ nền kinh tế, các chính phủ nên hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn thay vì mô hình kinh tế tuyến tính như trước đây để thay thế hoàn toàn cách tiếp cận sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ. Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình kinh tế mới nổi, trong đó trọng tâm vẫn là làm cho hoạt động kinh doanh sinh lời nhưng lợi nhuận sẽ đạt được bằng cách thực hiện một số hoạt động tái tạo, hướng đến sự phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như môi trường. Trong mô hình này, các quá trình công nghiệp sẽ dần chuyển đổi sang vật liệu có nguồn gốc sinh học và thân thiện với môi trường, các quy trình thiết kế cũng hướng tới việc sử dụng lâu bền và có thể tái tạo được.

Bất cứ sự thay đổi lớn lao nào trong xã hội cũng đòi hỏi một cuộc cách mạng lớn. Không phải các chính phủ hay các doanh nghiệp không biết những giải pháp mình vừa nêu, mà mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ cái thế giới mà chúng ta đang sống đã quen vận hành theo một quy luật kinh tế như vậy trong suốt hơn 200 năm qua. Nhà nhà làm như vậy, người người làm như vậy, cả thế giới đều làm như vậy thì việc một doanh nghiệp hay một chính phủ nào đó dám đứng ra tiên phong cải cách và thay đổi rất dễ vấp phải sự phản ứng từ số đông. Song bạn nên nhớ rằng không phải đông bao giờ cũng đúng, nhưng chắc chắn đông thì luôn đáng sợ và nguy hiểm. Ta có thể diệt trừ được tâm tham bên trong mỗi cá nhân, nhưng để diệt trừ được tâm tham của cả thế giới này thì đó là chuyện vĩ mô khó tưởng. Chỉ có những quy luật xoay vần của con tạo dần sàng nhân loại qua năm lần bảy lượt thì họa may thế giới này mới xoay trục được.

Mong rằng với góc nhìn và những đúc kết như trên, tâm trí bạn sẽ tỉnh táo hơn để giữ mình vững chãi mà không bị cuốn vào vòng xoáy của tâm tham như cách thế giới đang vận hành.


Tài liệu tham khảo:
– Stolen Focus (Johann Hari)
– Amazon – Cuộc chinh phạt của Jeff Bezos (Brad Stone)
– Quản trị chiến lược và kinh tế tuần hoàn (Marcello Tonelli, Nicoló Cristoni)

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.