Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với thuyết tiến hóa của Darwin đối với sinh vật sống, nhưng một thực thể như doanh nghiệp mà cũng có sự tiến hóa ư? Nghe thật lạ lùng! Về bản chất, con người cũng chỉ là một loài động vật hữu nhũ, sống thành bầy đàn, từ đó hình thành nên những bộ lạc và cộng đồng từ thuở hồng hoang. Xuyên suốt quá trình tiến hóa của nhân loại, loài người cũng có sự tiến hóa trong cách hợp tác với nhau để tạo nên các mô hình tổ chức. Các tổ chức mà chúng ta biết ngày nay đều phản ánh thế giới quan của nhân loại qua từng giai đoạn phát triển khác nhau.

Là một nhà tư tưởng lớn trong lĩnh vực kinh doanh và doanh nhân xã hội nổi tiếng, Frederic Laloux đã nghiên cứu qua các dạng thức mô hình tổ chức từ xưa đến nay và đúc kết công trình nghiên cứu của mình trong cuốn sách nổi tiếng Tái tạo tổ chức (Reinventing Organizations). Trước đây Saigon Books từng phát hành phiên bản tóm tắt có hình minh họa và cuốn sách từng đứng đầu “Top 10 cuốn sách đáng đọc” do bạn đọc báo Doanh nhân Sài Gòn bình chọn. Sau hai năm, chúng tôi tiếp tục đem đến cho quý độc giả phiên bản đầy đủ của cuốn sách với những nội dung chuyên sâu hơn. Điều gì khiến cho một cuốn sách về mô hình tổ chức có thể bán ra hơn 800.000 bản và được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ kể từ khi phát hành vào năm 2014?

Tác giả Frederic Laloux

Khi đi làm chốn công sở, ắt hẳn ai cũng từng băn khoăn vì sao công ty mình làm việc vận hành theo cách như thế, trong khi công ty của một người quen nào đó lại vận hành theo cách hoàn toàn khác. Nếu từng trải qua nhiều môi trường làm việc, bạn sẽ nhận ra một số công ty có cùng một khuôn mẫu vận hành và nhìn chung có một số kiểu khuôn mẫu tổ chức nhất định. Cũng giống như quá trình tiến hóa của sinh vật, các tổ chức cũng có sự tiến hóa theo từng cấp bậc. Theo Laloux, có 5 dạng thức tổ chức chính tương ứng với 5 màu sắc: Tổ chức Màu đỏ, Tổ chức Hổ phách, Tổ chức Da cam, Tổ chức Xanh lá và Tổ chức Xanh ngọc.

Trong Tái tạo tổ chức, tác giả sẽ đi sâu phân tích từng dạng thức tổ chức từ sự khai sinh trong lịch sử nhân loại, ý thức hệ, thế giới quan cho tới những đặc trưng, điểm đột phá mà dạng thức tổ chức ấy mang lại. Chẳng hạn như, hình ảnh biểu tượng của Tổ chức Màu đỏ là bầy sói hung hãn, nơi con sói đầu đàn luôn thể hiện sức mạnh áp đảo và dạy dỗ những người khác qua những màn trừng phạt dã man và công khai để giữ vững vị trí quyền lực của mình.

Tổ chức Hổ phách thì vận hành như một đội quân, nơi những người lính dưới đáy kim tự tháp phải nhất cử nhất động tuân theo mệnh lệnh của cấp trên, không được phép thắc mắc. Ở thế giới quan Hổ phách, cấp lãnh đạo xem phần lớn người lao động là những kẻ lười biếng, không trung thực và cần sự kiểm soát chỉ đạo. Chính từ thế giới quan này mà người lao động luôn bị giám sát dưới nhiều hình thức khác nhau như chấm công, báo cáo công việc hằng tuần, hằng tháng,…

Tổ chức Da Cam là dạng thức đặc trưng của các tập đoàn toàn cầu hiện tại với hình ảnh biểu tượng là cỗ máy. Lãnh đạo là những người thiết kế tổ chức và nhân viên là những nguồn lực được sắp xếp cẩn thận trên sơ đồ tổ chức, giống như các bánh răng bên trong một cỗ máy. Nếu vài bộ phận máy móc hoạt động không như ý muốn của lãnh đạo thì sẽ có những buổi họp hành chỉ đạo hay team building để bơm dầu làm trơn bánh răng.

Tiến lên một cấp độ nữa là Tổ chức Xanh lá với hình ảnh biểu tượng là một gia đình. Nhân viên là một phần của một gia đình chung và họ sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, luôn ở đó vì nhau. Cuối cùng, Tổ chức Xanh ngọc là cấp độ tiến hóa cao nhất của một tổ chức với hình ảnh biểu tượng là một sinh vật sống hoặc hệ thống sống.

Trong hai phần ba cuốn sách, tác giả Laloux đi sâu vào cấu trúc, cách thực hành và văn hóa của Tổ chức Xanh ngọc với sự xuất hiện của các tổ chức mới nổi làm ví dụ, bởi lẽ đây chính là dạng thức tổ chức lý tưởng mà doanh nghiệp nên hướng đến. Đa số người đi làm ngày nay hầu như đều không hạnh phúc bởi chúng ta phải đeo những chiếc mặt nạ hằng ngày và phải cố tỏ ra thật chuyên nghiệp. Chúng ta làm những công việc nhàm chán lặp đi lặp lại, sống không thật với chính mình và không tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm.

Trong Tổ chức Xanh ngọc, cuộc sống được xem như một cuộc hành trình của cá nhân và tập thể hướng tới bản chất chân thật và sự toàn vẹn của chúng ta. Nhân viên được khuyến khích tự do thể hiện bản thân và cá tính của mình trong tập thể mà không có bất kỳ ai phán xét họ. Các nhà quản lý cũng ít có xu hướng để tâm tới những lỗi sai và thiếu sót nơi nhân viên hay xem nhân viên là những cỗ máy hỏng hóc cần sửa chữa, mà họ chú tâm vào những tiềm năng và điểm mạnh của nhân viên. Với tư cách là con người, nhân viên không phải là những vấn đề chờ được giải quyết mà là những tiềm năng chờ được bộc lộ.

Nếu nhìn vào thế giới tự nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng sự thay đổi trong tự nhiên diễn ra mọi lúc mọi nơi mà không cần sự chỉ huy và kiểm soát của một cơ quan trung tâm nào đó. Tiềm năng của Tổ chức Xanh ngọc là vô hạn khi chúng ta được tiếp sức bởi chính sức mạnh của sự sống và thuận theo dòng chảy tự nhiên.

Tái tạo tổ chức là không chỉ là một cuốn sách thiết thực mà còn mang tính khai sáng đối với bất kỳ độc giả nào, dù cho bạn là chủ doanh nghiệp hay một người đi làm thuê. Hiểu về hành trình tiến hóa của tổ chức, doanh chủ có thể định hướng cho tổ chức của mình đi đến cấp độ tiến hóa cao nhất để đem lại hạnh phúc cho nhân viên và cả xã hội. Người đi làm cũng sẽ xác định được công ty mình đang làm việc thuộc dạng thức tiến hóa nào, hay sếp của bạn có ý thức hệ thuộc kiểu nào. Một khi các tổ chức trở nên tỉnh thức và có sự chuyển mình để hướng tới cấp độ tiến hóa cao hơn, chúng ta sẽ cùng nhau hòa mình vào dòng chảy không ngừng đi lên của sự sống.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx