
Hôm nọ mình lướt YouTube thì được đề xuất một clip có tựa “Thông thạo mọi ngôn ngữ” nghe rất hấp dẫn. Ban đầu mình cơ hồ tưởng là một vloger nào đó sẽ chia sẻ bí quyết học nhiều ngoại ngữ, ai ngờ video mình xem vỏn vẹn chỉ là một bản nhạc không lời trên nền một tấm hình tĩnh, thậm chí video còn chẳng có hiệu ứng gì đặc biệt.
Nhưng thứ khiến mình phải khựng lại trong giây lát là con số gần 700.000 lượt xem. Kéo xuống đọc phần mô tả clip, chủ kênh “khẳng định” chắc nịch rằng ai nghe video này sẽ được:
⁃ Học được tất cả ngôn ngữ
⁃ Thông thạo tất cả ngôn ngữ
⁃ Phát triển kĩ năng nghe/nói/đọc/viết ở tất cả những ngôn ngữ bạn học
⁃ Dễ dàng ghi nhớ từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, ngữ điệu của mọi ngôn ngữ bạn học
…
⁃ Giỏi ngôn ngữ khác dù ít ôn luyện
⁃ Có cơ hội phát triển kĩ năng nghe/nói/đọc/viết của bạn ở mọi ngôn ngữ
⁃ Kết quả tồn tại vĩnh viễn
⁃ Khẳng định giúp nhận kết quả cực kỳ nhanh
Đọc hết đoạn trên, hẳn nhiều bạn sẽ cảm thán giống mình: “Chuyện dụ con nít hả chời?!”. Nhưng kéo xuống comment, mình mới bật ngửa khi thấy rất nhiều bạn bình luận khen lấy khen để như đúng rồi. Lướt qua thêm một số video khác của kênh này, mình thấy một số clip khác cũng giật tít rất kêu không kém, như: “Mũi cao như tây”, “Đôi chân người mẫu”, “Chàng trai hoàn hảo”, “Giọng nói đáng yêu”,… toàn chuyện thật như đùa nhưng lại được một số bạn vào xác nhận kết quả khả quan mới đáng sợ.
Theo lý giải của chủ kênh YouTube này, loại âm nhạc mà bạn ấy “chế tác” (cũng chẳng biết lấy nguồn ở đâu) gọi là nhạc “Subliminal”, một dạng sóng âm có thể tác động đến suy nghĩ và làm thay đổi cấu trúc ADN của cơ thể. Khoan bàn tới chuyện thông tin này có đúng khoa học hay chỉ là chuyện viễn tưởng, thông qua cách thức phát triển kênh này thì mình có thể nhìn ra chiêu trò câu view của chủ kênh khi đánh vào tâm lý ảo tưởng sức mạnh của nhiều bạn trẻ ngây thơ. Bạn chẳng cần làm gì vất vả cả, không cần phải khổ nhọc tập luyện thể dục thể thao, cũng không cần tốn kém tiền của phẫu thuật thẩm mỹ hay đi học khóa này khóa kia, chỉ cần ngồi một chỗ nghe nhạc từ “30 phút – 1 tiếng mỗi ngày” (thêm một chiêu trò ám thị để tăng view cho video) thì tự nhiên những gì bạn mong cầu sẽ được như ý nguyện. Nghe hết sức “luật hấp dẫn”!

Một bạn influencer mình follow gần đây có mở một khóa học về thiền, sales letter (trang bán hàng) giới thiệu khóa học được viết hết sức hấp dẫn bằng ngôn ngữ copywriting của người có nghề. Chỉ trong vỏn vẹn 7 ngày, mỗi buổi học 2 tiếng, bạn nắm sẽ tất cả lý thuyết về thiền từ Đông sang Tây, biết tất tần tật các kiểu thiền khác nhau và ứng dụng thiền vào trong cuộc sống. Nội dung mỗi buổi là một danh sách dài các lợi ích bạn sẽ nhận được trong mỗi buổi học. Và khóa học ưu đãi 50% chỉ còn tầm 400 ngàn. Dĩ nhiên không cần phải nói, với số followers lên tới hàng chục ngàn người như bạn thì một khóa như vậy có vài trăm học viên đăng ký là chuyện hết sức bình thường.
Trước đây mình cũng từng tham dự một khóa học của bạn này nhưng về chuyên môn dịch thuật chứ không phải khóa thiền kiểu này. Điều mình thấy lạ lùng nhất là bạn vốn không phải thiền sư, cũng không phải người học và thực hành thiền lâu năm để có cái gọi là ngộ mà dạy lại cho người khác. Thứ bạn dạy cho học viên chỉ là những kiến thức bạn cóp nhặt khắp nơi từ trong tài liệu, sách vở để rồi đem ra dạy lại mớ lý thuyết đó với một cách trình bày nội dung (phải công nhận là) thú vị, chiếu thêm một số trích đoạn phim ngắn cho sống động.
Mình thử tính nhẩm sơ sơ, một khóa học online như vậy trị giá 400 ngàn x 200 học viên = 80 triệu. Chỉ trong 1 tuần ngắn ngủi, mất khoảng 14 tiếng đồng hồ, bạn thu về một số tiền lớn gần bằng lương cả năm của một nhân viên văn phòng bình thường. Làm giàu quả thật không khó, và đó cũng là lý do vì sao rất nhiều người dấn thân vào con đường xây dựng thương hiệu cá nhân làm bệ phóng để rồi sau đó trở thành trainer, mở khóa học online hay offline để kiếm tiền. Cá nhân mình không phản đối những trainer chuyên nghiệp, có bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn và có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực của họ, khi đó họ có cái gọi là vốn liếng sự nghiệp để đem ra dạy cho người khác. Nhưng có một số trainer, họ chẳng có trải nghiệm thực tế mà chỉ ngồi một chỗ tổng hợp hàng tá lý thuyết có sẵn rồi xem đó như thể vốn tự có của mình mà đem đi dạy lại cho người khác.
Sở dĩ những khóa học online (hay offline) như khóa thiền ở trên thu hút đông đảo nhiều người tham gia, phần lớn cũng bắt nguồn từ tâm lý tham đi lối tắt của số đông. Nếu bạn nói bạn muốn học thiền, mình gửi bạn list một chục cuốn sách về thiền để nghiên cứu, liệu bạn có đủ rảnh để đọc? Nếu bạn đủ rảnh để đọc hết chục cuốn sách đó, mình bảo bạn dành mỗi ngày 30 phút đến 1 tiếng để hành thiền, liệu bạn có đủ kiên nhẫn để làm trong 1 hay 3 tháng? Hầu hết mọi người khi nghe vậy đã thấy nản lòng thối chí, chứ mấy ai đủ kiên tâm bền chí mà theo đuổi một thứ gì đó họ muốn học cho tới cùng. Bởi vậy sự ra đời của những khóa học “fast food” như vậy thỏa mãn được cái tâm lý thích đi đường tắt đó, bạn chỉ cần bỏ một chút tiền cỏn con và mất 7 buổi ngắn hạn, đổi lại là bạn thâu tóm được hết kiến thức về thiền – mà ai đó đã tổng hợp và đóng gói sẵn vào túi cho bạn.
Và ngay cả trong những khóa học fast food như vậy, mình cũng từng “đóng tiền ngu” để tham gia vài khóa và nhận ra một điều: Số lượng học viên sẽ càng giảm dần sau mỗi buổi học. Buổi đầu tiên lớp online thường rất đông, tầm 200 bạn, nhưng tới buổi thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, có khi chỉ còn 50 bạn. Số người còn lại bỏ dở khóa học đó, cho rằng đã có video record hay có slide tóm tắt rồi, mình sẽ xem lại sau, nhưng thực tế là hầu hết đều chẳng thèm đụng tới và quên béng luôn chuyện mình từng đăng ký một khóa học như vậy. Cuối cùng, bạn mất tiền vì lười và chẳng thâu nạp được kiến thức gì cả, nhưng người dạy thì vẫn thu đủ tiền của bạn, vậy ai lời hơn ai?

Trước đây mình từng làm marketing cho dịch vụ crypto currency (tiền điện tử) của một công ty nọ. Trainer trong chương trình quảng bá về crypto rất dữ dằn và như một lối thoát cuối cùng cho những người nghèo muốn làm giàu và sống sót trong thời cách mạng 4.0. Nếu bạn làm giàu bằng những con đường thông thường như đi làm thuê, bán sản phẩm trí tuệ, khởi nghiệp kinh doanh, cho thuê hay mua bán bất động sản,… thì con đường đó lắm chông gai và dài dằng dặc, bạn sẽ làm việc cả đời mà không biết khi nào mình sẽ giàu. Nhưng chơi crypto đi, nghe lời trainer mua crypto đi, họ sẽ chỉ cho bạn nên mua mã nào tốt để được x2, x4, x5 rồi x10, x20 hay x100 cũng có. Bạn có 10 triệu thì chơi 10 triệu, tới khi x10 thành 100 triệu thì bạn lời tới 90 triệu. Nghe mà phát ham phải không?
Mình nhớ có một lần, sau khi tổ chức một sự kiện crypto như vậy xong, một khách hàng tham dự có gửi email phản hồi về cho trainer (mình phụ trách cả customer service nên cũng nhận được email đó). Trong thư, khách hàng này bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của trainer trong khóa học, vì theo bạn việc làm giàu có nhiều con đường khác nhau và có thể đánh đổi sức lao động lấy tiền lương với bạn là một niềm tự hào. Bạn tự hào ngay cả khi bạn chỉ đi làm thuê chứ không làm chủ và bạn cảm thấy số tiền kiếm được bằng mồ hôi công sức bạn bỏ ra thì có giá trị hơn một số tiền trời cho x10, x100 nào đó.
Bản thân mình rất đồng tình với quan điểm của khách hàng này. Khi bạn thật sự bỏ công sức, bỏ thời gian ra để đổi lấy tiền bạc thì bạn mới thấy quý tiền bạc do mình làm ra, đồng tiền bạn kiếm được khi đó mới có giá trị cá nhân. Và cái công sức, thời gian mình đó phải là sự đóng góp cho sự phát triển của xã hội hay ít nhất là làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn, chứ dĩ nhiên người chơi coin, trade coin thì vẫn phải đầu tư thời gian, công sức thì mới chơi thắng được, nhưng cái đầu tư đó theo mình là vô nghĩa và không ích lợi gì cho cuộc đời này.
Quy luật tự nhiên từ ngàn đời nay là để có được một điều gì đó thì bạn phải đánh đổi bằng một cái giá tương xứng. Bạn muốn mua một món đồ hay cái quần cái áo thì phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó từ đâu mà ra? Đó là sức lao động do bạn bỏ ra để đổi lấy, và sức lao động đó sẽ tái đóng góp vào vòng tuần hoàn của cuộc sống. “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ bưng phần tới cho” nên tiền trời cho thì không ai biết trời sẽ lấy lại của bạn lúc nào.

Gần đây đọc tin trên mạng, mình thấy rộ lên chuyện sugar baby và sugar daddy, khi nhiều em gái 2K bây giờ vào những group kín đăng tải thông tin cá nhân, số đo ba vòng để tìm sugar daddy chu cấp cho mình với yêu cầu mỗi tháng từ 10-30 triệu, tùy theo nhan sắc. Số tiền các em đòi hỏi đó như một điều kiện để đánh đổi thân xác và cũng là một hình thức kinh doanh vốn tự có. Thời sinh viên, mình cũng từng nghe một cô bạn kể chuyện một nhỏ bạn khác cùng trường cấp ba với mình cặp bồ với đại gia, là người đã có vợ con rồi. Bạn này được đại gia đó thuê cho một căn hộ riêng để ở, mỗi tháng chu cấp cả chục triệu (chuyện cách đây hơn chục năm), sống một cuộc sống hưởng thụ và chỉ phục vụ cho vị đại gia đó chứ chẳng phải bận tâm chuyện vào đời kiếm tiền.
Nếu đi theo một lộ trình bình thường, tốt nghiệp đại học xong bạn phải rải CV đi khắp nơi, đi phỏng vấn, đi thử việc rồi gắn bó với một công ty nào đó với mức lương khởi điểm từ 5-8 triệu tùy theo loại hình công việc. Nếu bạn làm tốt, công ty có chính sách phúc lợi tốt thì một năm bạn được review lương 1-2 lần, có công ty mình biết 3 năm chẳng review lương lần nào. Ai kiên trì lắm sống lâu năm thì lên lão làng, được lên chức thì cũng lên bậc lương theo. Và cái lộ trình thăng tiến sự nghiệp chốn công sở đó có khi phải mất 5-10 năm để bạn đạt mức lương 20-30 triệu trở lên, đòi hỏi không biết bao nhiêu công sức và nỗ lực.
Nhưng với các sugar baby thì khác, chỉ cần đánh đổi thân xác và thời gian vài tiếng của bản thân mỗi tuần thì bạn nghiễm nhiên có được mức thu nhập 10-30 triệu và được đưa rước bằng xe hơi, được thuê chung cư xịn sò cho ở, được mua sắm quà cáp toàn hàng hiệu, việc nhẹ lương cao mà còn sướng như vậy hỏi sao không thích?
Vốn dĩ cuộc sống này có rất nhiều con đường để đi, có người thích đi đường bằng, người thích đi đường rừng, người chọn đi đường dài, người lại ham đi lối tắt. Lựa chọn là ở mỗi người. Nhưng có thật là có lối tắt giúp người ta đốt cháy giai đoạn để sớm đi tới cái đích thành công, hạnh phúc và viên mãn nhanh hơn không? Hay đó chỉ là thứ mị hoặc người ta lầm đường lạc lối?
Câu hỏi này mình bỏ ngỏ để quý bạn đọc suy ngẫm và chiêm nghiệm. Cá nhân mình thì theo chủ trương thà đi chậm mà chắc và “đường dài mới biết ngựa hay”, người lên voi hôm nay chưa biết ngày mai sẽ xuống chó lúc nào. Và phải đi tới cái đích cuối cùng của cuộc đời thì chúng ta mới biết được kết quả từ sự lựa chọn của mỗi người.