
Hôm trước mình đọc một quyển sách cũ, xuất bản năm 1995, xem thông tin bìa sau của sách có số điện thoại nhà xuất bản. Đó là kiểu số điện thoại bàn 6 số quen thuộc của hai chục năm trước, như tới mình giờ vẫn còn nhớ hoài số điện thoại bàn ở nhà cũ là 8273**. Nhưng từ một lúc nào đó, số điện thoại bàn trên khắp cả nước đã chuyển sang cấu trúc 10-11 số, có thêm mã vùng từng tỉnh thành ở đầu, và từ đó số điện thoại bàn cũng không khác gì số điện thoại di động. Sau đó, mình chẳng tài nào nhớ nổi số điện thoại bàn mới của nhà mình khi đã đổi.
Ngày xưa, biển số xe gắn máy, xe ô tô cũng chỉ có 4 số cuối, từ một lúc nào đó đã trở thành cấu trúc 5 số XXX.XX. Và bây giờ chạy xe ngoài đường đa số đều là những biển xe 5 số, xe nào còn 4 số thì cũng thuộc đời cũ lắm rồi hoặc chủ là người thích hoài cổ không muốn đổi sang dòng xe mới. Khi số điện thoại hay số xe ngày một nhiều lên, nó phản ánh một điều là đất càng chật, người càng đông, tới mức tạo thành sức ép và các đầu số cũ chẳng thể nào đáp ứng nổi số xe ngày càng nhiều, số thuê bao ngày càng tăng.
Không chỉ khi số tăng, mà khi ngôn ngữ tăng, nhiều khái niệm và ý niệm mới cũng ra đời, cuộc sống dần cũng trở nên phức tạp hơn với quá nhiều quan điểm và tư tưởng mới. Nhiều khám phá mới ra đời, đồng nghĩa có nhiều khái niệm mới hơn để giải thích cho hiện tượng đó. Ngôn ngữ cũng vì thế mà trở nên phức tạp hơn trước. Đó là chưa kể tới ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ ngôn tình, ngôn ngữ ngoại nhập, ngôn ngữ của “Đài tiếng nói Gen Z”,… Như một dạo mình xem phim Trung Quốc, đọc bình luận cứ thấy cư dân mạng chỉ trích nhân vật “trà xanh” trong phim. Hóa ra “trà xanh” là từ dùng để chỉ thể loại “Tuesday” mới tiến hóa, bề ngoài thì rất ngây thơ, thanh thuần, nhưng bên trong là dã tâm muốn cướp chồng, giật bồ của người khác. Ngay cả chữ “Tuesday”, có một thời thấy trên mạng dùng, mình đọc cũng chẳng hiểu nổi. Sau đó search Google mới biết được “Tuesday” là người thứ ba, hay tiểu tam xuất hiện trong một cuộc tình hay cuộc hôn nhân.

Ngôn ngữ thiên biến vạn hóa, chế từ mới như một thứ vui của những người trẻ bây giờ, mới đầu thì đọc thấy vui, nhưng về sau mình càng thấy mệt với sự phức tạp và rườm rà không đáng có. Như bây giờ hễ nói tới “trà xanh” thì từ này không còn mang nghĩa thanh mát tươi nguyên của trà, mà cuối cùng bị biến tướng thành một hình ảnh ví von chẳng mấy tốt đẹp. Lần hồi giở lại mấy quyển sách cũ mấy chục năm trước, thời của các học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt,… thì ngôn ngữ rất đơn giản và bình dị. Để diễn tả một vấn đề, một ý niệm thì cũng chỉ có nhiêu đó ngôn từ. Nhưng thời buổi bây giờ, để diễn tả một ý niệm thì có quá nhiều từ ngữ, ví dụ như để diễn tả cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ 21 thì có cách mạng 4.0, trí thông minh nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, v.v.
Là một người đọc nhiều sách và là biên tập viên sách, trải nghiệm đọc của mình càng ngày càng tệ hại vì sách hay trên thị trường ngày càng hiếm mà sách “rác” thì ngày càng nhiều. Với người làm chuyên môn biên tập, sách “rác” là những sách chuyển ngữ chưa thuần Việt, câu cú còn sai ngữ pháp, lỗi diễn đạt dài dòng, khiến độc giả như bơi trong một đống rác. Còn ở tâm thế của người đọc sách lâu năm, sách “rác” với mình là những sách xào nấu lại từ những tư tưởng đã có, thêm thắt vẽ rắn thêm chân, ý tứ rối rắm, phức tạp mà không đem lại giá trị nào cho người đọc.
Có một quãng thời gian mình tải rất nhiều ebook, lên tới con số hàng trăm và phân theo nhiều thể loại khác nhau để rảnh rỗi đọc dần. Đa số ebook mình tải là đều có sự chọn lọc kỹ lưỡng về đề tài và nội dung trước khi quyết định tải. Ấy vậy mà khi đọc thử mười, hai mươi trang đầu của rất nhiều ebook đã tải, rồi lướt qua các phần khác trong cuốn sách, những gì mình thấy là một ý tưởng hết sức đơn giản nhưng được tác giả diễn giải ra thành những khái niệm hết sức phức tạp, rườm rà, dông dài, lê thê với một kiểu văn phong (dịch) cũng chẳng có gì hấp dẫn. Quy tắc đọc của mình là trong 10-15 trang đầu không có gì đủ cuốn hút để níu kéo mình lại thì mình sẽ thẳng thừng delete ebook đó không thương tiếc, cũng như với một quyển sách giấy.
Gần đây mình có trải nghiệm biên tập một quyển sách về đề tài tâm linh, tôn giáo, đúng ngay thế mạnh và vốn kiến thức có sẵn của mình. Đề tài của quyển sách rất đơn giản về điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người, được viết bởi một thiền sư, nên mình rất trông đợi nội dung quyển sách sẽ cực nhẹ nhàng và sâu lắng như một chiếc lá hay chiếc lông vũ rơi. Nhưng khi dấn thân vào bản thảo, những gì tác giả phơi bày ra là tầng tầng lớp lớp những khái niệm và diễn giải về thiền, về tâm thức, về vô ngã, về bản tánh chân thực,… bằng một lớp ngôn ngữ cầu kỳ kiểu cách và có thể tóm gọn trong ba chữ: “Đọc mắc mệt!”. Vấn đề không nằm ở người dịch, vì dịch giả là một người uyên thâm về Phật học, mà vấn đề là ngôn ngữ của bản gốc tiếng Anh vốn đã như vậy.

Càng đọc nhiều sách ở nhiều thể loại và đề tài khác nhau, từ Đông sang Tây, mình càng nhận ra một điều là cuộc sống có những quy luật tồn tại và vận hành bất biến theo thời gian, và trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực lại có những quy luật riêng. Nếu nhìn thấu được bản chất cốt lõi, bạn sẽ thấy cái quy luật đó hết sức căn bản và đơn giản, như định luật “gieo nhân nào gặt quả đó”. Nhưng qua thời gian, qua bao nhiêu phễu lọc của hàng trăm ngàn bộ não với óc tư duy và cách nhìn, cách tiếp cận cuộc đời khác nhau, quy luật đơn giản đó sẽ được phức tạp hóa lên thành hằng hà sa số lý thuyết, quan điểm với những tên gọi rất kêu, và khiến chúng ta rơi vào mê hồn trận của thông tin, không biết đâu mà lần.
Năng lực đọc và học lớn nhất nằm ở việc nhìn xuyên thấu qua lớp vỏ phức tạp của ngôn ngữ và kiến thức, thông tin để nhìn ra quy luật cốt lõi nằm sau nó, căn bản và đơn giản như nó vốn là, chứ không phải để những thứ phức tạp, rối rắm bề ngoài dẫn dắt bạn đi lòng vòng, đọc xong rồi hoang mang không biết mình đang đọc, học cái gì. Số quy luật thực sự trong cuộc sống áng chừng không tới 100 quy luật, nhưng số sách vở tài liệu diễn giải các quy luật đó lên tới hàng triệu hàng tỉ qua cả ngàn năm lịch sử nhân loại. Cho nên làm thế nào để lọc sàng mớ ngôn ngữ phức tạp đó để tìm ra được quy luật cốt lõi thì cũng như đãi cát tìm vàng trên hành trình mưu cầu tri thức.
2 bình luận
Hi Linh, Blog này của bạn thật độc đáo
Bạn có góc nhìn rất sâu sắc trong những nội dung mà bạn tạo ra.
Hãy tiếp tục phát triển nhé
Cám ơn bạn. Bạn có thể subscribe blog để nhận bài viết mới qua email nhé.