*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung phim
Kể từ bộ phim gần nhất của đạo diễn Hayao Miyazaki là The Wind Rises (Gió nổi) ra mắt năm 2013, tận mười năm sau đó ông mới tái xuất với The Boy and the Heron (Thiếu niên và chim diệc) – bộ phim được đồn đoán là tác phẩm cuối cùng của ông. Dẫu trong quãng mười năm vừa qua, Studio Ghibli vẫn sản xuất một số bộ phim hoạt hình khác như Chuyện công chúa Kaguya, Hồi ức về Marnie, Con rùa đỏ, Earwig và phù thủy nhưng các bộ phim này do các đạo diễn khác của hãng thực hiện chứ không do Hayao Miyazaki đích thân cầm trịch, thành ra chúng cũng nhanh chóng bị công chúng quên lãng vì thiếu đi những dấu ấn bản sắc của vị cha đẻ hãng phim này.
Khoảng cuối năm 2017, Studio Ghibli từng rục rịch hé lộ dự án phim Thiếu niên và chim diệc, dự kiến sẽ công chiếu vào Thế vận hội Mùa hè 2020. Tới tháng Năm năm 2020, bộ phim chỉ mới được hoàn thành khoảng 36 phút và không có thời hạn cụ thể về ngày phát hành. Trải qua mấy năm đại dịch Covid-19, cuối cùng bộ phim cũng đã hoàn thành và bắt đầu công chiếu ở Nhật Bản vào tháng Bảy năm 2023. Sau khi đi dạo một vòng quanh thế giới, Thiếu niên và chim diệc đã chính thức hạ cánh ở Việt Nam vào tháng 12 này – đây cũng là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Studio Ghibli được trình chiếu thương mại tại các rạp phim ở Việt Nam.
Hồi ức trở về
Mình đi xem Thiếu niên và chim diệc vào ngày đầu tiên phim công chiếu ở Việt Nam, trong một suất chiếu buổi tối kéo dài gần hai tiếng. Khi thấy hình hiệu quen thuộc màu xanh dương của Studio Ghibli hiện lên kèm hình ảnh Totoro, bao hồi ức dạt dào trở về. Bộ phim đầu tiên mình xem của hãng cũng chính là Hàng xóm của tôi là Totoro, xem hồi năm hai ngàn lẻ mấy, lúc đó xem bằng đầu đĩa CD. Ở thời điểm ấy, mình chưa có ý niệm gì về Studio Ghibli nhưng lại có một ấn tượng hết sức sâu đậm với bộ phim này, bởi thế giới hồn nhiên trong trẻo trong phim là một thiên đường mà mình chưa từng thấy trong bất kỳ bộ phim hoạt hình nào khác. Đi qua rất nhiều bộ phim khác của hãng, tuổi thơ của mình từ thời cấp một đến tận cấp ba không thể thiếu vắng bóng dáng của những bộ phim Ghibli, tới nỗi tên nick Yahoo đầu tiên lẫn màn hình máy tính cũng toàn để theo nhân vật mình yêu thích trong phim.
Hồi mình mới vào Sài Gòn học đại học, thời điểm đó ngành kinh doanh băng đĩa vẫn còn sống tốt, mình nhớ một kỷ niệm vui vui khi cùng một người bạn lặn lội từ khu ký túc xá dưới Thủ Đức lên tận Quận 3, đi tới mấy cửa hàng băng đĩa trên đường Võ Văn Tần để mua DVD bộ phim mới nhất của Ghibli là Thế giới bí mật của Arrietty. Vậy mà chỉ vài năm sau đó, ngành kinh doanh băng đĩa dần bị thoái trào và tuyệt diệt khi Internet và phim online lên ngôi. Bởi vậy nên mấy bộ phim sau đó của Ghibli như Ngọn đồi hoa hồng anh hay Gió nổi là mình đều xem trên mạng. Khoảnh khắc mình ngồi trong rạp chiếu phim, xem hình hiệu của hãng Ghibli hiện lên trên màn hình, có lẽ cũng là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ trong đời – và nó càng đặc biệt hơn nữa khi Thiếu niên và chim diệc được xem như là bộ phim cuối cùng của đạo diễn Hayao Miyazaki trước khi ông chính thức từ giã sự nghiệp.
Lối về ấu thơ
Cốt truyện của Thiếu niên và chim diệc có phần nào đó quen thuộc với khán giả lâu năm của Ghibli, với một tình huống mở đầu có vấn đề đưa đẩy nhân vật chính phải chuyển nhà từ thành phố về quê – giống như hai chị em Satsuki và Mei trong Hàng xóm của tôi là Totoro, hay cô bé Chihiro trong Vùng đất linh hồn,… Bối cảnh bộ phim diễn ra vào năm 1943 ở giai đoạn Chiến tranh Thái Bình Dương giữa Nhật Bản với phe Đồng minh trong Thế chiến II, cậu bé 12 tuổi Mahito bị mất mẹ trong một trận hỏa hoạn tại bệnh viện ở Tokyo. Sau đó cha cậu bé tái hôn với em gái của mẹ Mahito là người dì Natsuko, rồi hai cha con sơ tán tới nhà người dì ở một vùng nông thôn. Khi mới chuyển về quê ngoại sinh sống, Mahito choáng ngợp với ngôi nhà cổ kính như một ngôi đền thờ ở nơi đây, nằm trên một ngọn đồi cao, với 7 bà già giúp việc quán xuyến mọi chuyện trong gia đình. Có thể thấy gia đình bên ngoại của Mahito cũng là một gia tộc giàu có thời trước.
Đau buồn vì nỗi mất mẹ, Mahito vẫn chưa chấp nhận được chuyện phải gọi người dì Natsuko là mẹ và có phần thờ ơ, xa cách với cô. Trong những ngày đầu làm quen với nơi ở mới, Mahito nhiều lần bắt gặp một con diệc xám kỳ lạ cứ bay lượn bên ngoài ngôi nhà và tìm cách thu hút sự chú ý của Mahito. Khi đuổi theo con diệc, Mahito tìm thấy một tòa tháp bỏ hoang nằm trong khu rừng rậm gần bờ sông, nhưng vì sự cấm cản của những bà giúp việc già nên Mahito vẫn chưa thể vào được bên trong tòa tháp để khám phá những bí ẩn trong đó. Khi Mahito nhập học ở ngôi trường mới, cậu nhóc thành phố được ba chở bằng xe hơi tới trường nên bị lũ trẻ nông thôn bắt nạt và cô lập, để rồi hai bên xảy ra một trận ẩu đả tơi bời. Vì không muốn quay trở lại trường học, Mahito cố tình nhặt một cục đá đập vào một bên thái dương chảy máu để sau đó ốm một trận rất nặng.
Trong thời gian Mahito nằm dưỡng bệnh trong phòng, con diệc xám nhiều lần tiếp cận cậu bé và rủ rê cậu vào tòa tháp để giải cứu cho mẹ cậu, theo lời con diệc thì mẹ của Mahito vẫn còn sống chứ chưa chết. Ngay lúc này, một biến cố cũng bất ngờ ập tới với gia đình khi người dì Natsuko đột nhiên biến mất. Lần theo dấu vết của người dì, Mahito và bà giúp việc Kiriko vô tình lọt vào bên trong tòa tháp bí ẩn và bị con diệc xám kéo vào thế giới kỳ bí do vị tháp chủ tạo dựng – thế giới của phép thuật và những điều mầu nhiệm, nơi mỗi loài chim đều có đế quốc riêng của chúng. Trong thế giới huyền ảo ẩn sâu bên dưới tòa tháp, Mahito theo chân con diệc xám đi giải cứu người dì Natsuko và khám phá vô số điều bất ngờ khác. Có thể thấy cấu tứ này của Thiếu niên và chim diệc rất giống với mô-típ của những bộ phim trước của Ghibli khi một đứa trẻ tìm được một lối đi bí mật dẫn tới một thế giới cổ tích, tương tự như cách Alice lạc vào xứ xở thần tiên trong chuyện cổ tích Tây phương.
Mật ngữ của Hayao Miyazaki
Nếu nói một cách công tâm thì so với những bộ phim trước của đạo diễn Hayao Miyazaki, mình không cảm thấy chạm hay thấy WOW ở bộ Thiếu niên và chim diệc này, mà cảm xúc có phần tương đối bình bình. Có lẽ khi con người ta trưởng thành hơn, nhãn quan con người ta cũng khác và cảm xúc có phần chai sạn đi, không còn đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên trong trẻo như ngày nào. Như bộ Gió nổi gần nhất thì cũng đã là chuyện của mười năm trước rồi. Khi kết thúc bộ phim và bước ra khỏi rạp, trong mình cũng không có nhiều dư ba để trăn trở về bộ phim. Chỉ khi đọc được những bài phân tích sâu về bộ phim của nhiều bạn trên mạng, mình mới thấy nể phục hơn về cái tài và cái tầm vượt trội của đạo diễn Hayao Miyazaki khi ông cài cắm rất nhiều mật ngữ trong Thiếu niên và chim diệc – mà nếu không có một chiếc chìa khóa để giải mã thì những người xem phim bình thường sẽ không thể nào cảm nhận được sự sâu sắc của bộ phim.
Tên cậu bé Mahito trong tiếng Nhật là 眞人, có nghĩa là “chân nhân”, hay con người chân thật. Khi con người ta trở về với bản chất thuần khiết của mình, họ mới có thể mở ra cánh cửa dẫn tới những chiều kích tâm thức sâu hơn – cũng như Mahito tìm ra lối đi vào tòa tháp bí mật và bước vào thế giới mầu nhiệm đằng sau tòa tháp. Họ Maki (牧) của cậu bé có nghĩa là người chăn cừu, một hình ảnh biểu tượng liên quan đến Thiên Chúa giáo và Chúa cũng thường được ví là người chăn cừu. Trong phim, ông cố của của Mahito chính là vị tháp chủ – người tạo dựng nên thế giới phép thuật của tòa tháp từ năng lượng của viên thiên thạch. Ông cố của Mahito đã già và cần tìm một người hậu duệ để kế thừa công việc kiến tạo thế giới bên trong tòa tháp, và ông chiêu dụ những hậu duệ của mình, từ Mahito cho đến cả người cháu Natsuko đang mang thai vào bên trong tòa tháp.
Khán giả xem phim nếu biết câu chuyện đời của đạo diễn Hayao Miyazaki, hẳn sẽ hiểu được những thông điệp ngầm ẩn mà ông muốn gửi gắm thông qua tác phẩm (có thể là) cuối cùng này của mình. Ở ngoài đời thực, di sản Studio Ghibli của ông không có người kế thừa, bản thân con trai Goro Miyazaki của ông dù cố gắng đến mức nào cũng không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của người cha. Mặc dù anh cũng từng đứng ra đạo diễn chính cho một số bộ phim của Ghibli như Huyền thoại đất liền và đại dương, Ngọn đồi hoa hồng anh, hay mới nhất là Earwig và phù thủy (bộ phim đầu tiên của Ghibli sử dụng công nghệ 3D thay vì vẽ tay truyền thống), kết cục là những bộ phim anh nhúng tay vào đều không đem lại tiếng vang hay sự hưởng ứng như mong đợi. Dẫu cho Studio Ghibli cũng có những đạo diễn và họa sĩ tài năng khác, nhưng để tạo ra được linh hồn và cái chất Ghibli như vị cha đẻ Hayao Miyazaki của hãng thì đó là chuyện rất khó – nếu ông không trực tiếp đứng ra dẫn dắt dự án.
Có lẽ chính vì vậy mà ở Thiếu niên và chim diệc, tòa tháp trong phim cuối cùng cũng sụp đổ và tàn lụi – cũng như một điềm dự báo về thế giới của Studio Ghibli cũng sẽ có kết cục tương tự vào một ngày không xa. Sau cùng thì Mahito đã lựa chọn quay trở về thế giới thực tại, thay vì sống trong tòa tháp và kế thừa ngôi vị tháp chủ. Điểm này cũng giống như trong đời thực, những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương như Mahito (mẹ mất sớm, cha tái hôn với người dì, phải chuyển nhà về quê sinh sống) phải đối diện với những lựa chọn khác nhau trong đời – hoặc là thu mình lại và trốn vào thế giới bên trong mình, hay sẵn sàng đối mặt với tổn thương và bước tiếp. Cái kết của bộ phim cũng là một thông điệp hết sức sâu sắc về việc chúng ta nên sống trong hiện tại thay vì cứ mải chìm đắm trong những tổn thương ở quá khứ.
Mặc dù tòa tháp kỳ bí – dụ cho thế giới của Studio Ghibli – cuối cùng rồi cũng sụp đổ, nhưng tuổi ấu thơ hay thế giới thần tiên mà chúng ta từng được trải nghiệm vẫn còn vẹn nguyên ở đó. Như khán giả có thể xem lại bất cứ bộ phim cũ nào của hãng và hoài niệm về những ngày xa xưa tươi đẹp của mình. Cảm ơn Studio Ghibli vì đã kiến tạo nên một thế giới quá dỗi tuyệt vời, cho cả trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành…
*Phần Mật ngữ về nhân vật Mahito có tham khảo từ bài review của anh Lê Minh Mẫn