
Đối với những người đi làm công sở theo giờ hành chính, cứ mỗi thứ Hai đầu tuần, chúng ta lại trông ngóng đến thứ Sáu, thứ Bảy (tùy theo chính sách công ty bạn nghỉ cuối tuần là hai ngày hay một ngày). Để rồi khi thật sự đến cuối tuần, chúng ta lại cảm thấy sao mà cuối tuần trôi qua nhanh thế, chưa kịp ăn chơi tận hưởng ngày nghỉ thì thứ Hai đã chạm ngõ sát bên. Rồi loay hoay vài ngày thì vèo một phát lại đến cuối tuần.
Ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, mới nghỉ Tết đó đã tới nghỉ giỗ Tổ, nghỉ 30/4, rồi nghỉ 2/9. Thời gian trôi qua vùn vụt như ngựa chạy mây bay, như một gã trộm lén lút rình rập chôm chỉa ngày tháng và thanh xuân của chúng ta. Để một ngày chợt giật mình nhìn lại, ta vội vàng tự hỏi: Thời gian đi đâu mất rồi?
Lược sử cuối tuần và những ngày nghỉ
Có bao giờ bạn thắc mắc vì sao một tuần lại có 7 ngày và vì sao chúng ta lại được nghỉ vào cuối tuần? Một năm có 365 ngày tương ứng với chu kỳ Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời. Một ngày kéo dài 24 giờ tương ứng với chu kỳ Mặt Trời mọc và lặn. Hai khoảng thời gian này gắn liền với những quy luật vận hành tự nhiên của vũ trụ, thế nhưng “tuần” (hay “tháng”) lại là một khái niệm do con người tạo ra để phân định và quy ước các mốc thời gian trong 365 ngày đó.
Ban đầu, khái niệm tuần được đặt ra bởi Đế chế La Mã thời cổ đại ở giữa thế kỷ 1 và 3. Người La Mã cũng đặt tên các ngày trong tuần theo tên các vị thần tương ứng với các hành tinh, dựa theo chiêm tinh học Hy Lạp như: Sunday (Mặt Trời – Thần Mặt Trời), Monday (Mặt Trăng – Thần Mặt Trăng), Tuesday (Sao Hỏa – Thần Chiến tranh), Wednesday (Sao Thủy – Thần Hermes), Thursday (Sao Mộc – Thần Sấm sét Thor), Friday (Sao Kim – Thần Sắc đẹp Venus) và Sartuday (Sao Thổ – Thần Trồng trọt Saturn). Đến thế kỷ 4, cách phân chia tuần lễ 7 ngày trở nên phổ biến khắp nơi và lan rộng đến cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo sách Sáng thế của Kinh Thánh, Chúa Trời tạo dựng trên trời đất và muôn loài trong sáu ngày đầu tiên, đến ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ ngơi và lấy ngày này làm ngày thánh. Từ đó đối với người theo đạo Thiên Chúa, ngày thứ bảy trong tuần được gọi là “ngày của Chúa” hay “Chúa nhật”. Nguồn gốc bảy ngày trong tuần trong tiếng Việt cũng ảnh hưởng bởi văn hóa Tây phương, nhất là khi giáo sĩ Bồ Đào Nha Francisco de Pina tiên phong phát minh ra chữ quốc ngữ và truyền bá Công giáo cũng như văn minh Tây phương cho người Việt Nam từ thế kỷ 16. Về sau, chúng ta mới sử dụng cách gọi “Chủ nhật” cho trung lập hơn.
Tuy nhiên, bạn đừng nhầm tưởng rằng từ khi có thời gian hay khi khai sinh ra khái niệm tuần thì mặc nhiên chúng ta đã có cái gọi là ngày nghỉ hay cuối tuần, bởi dẫu cho Kinh Thánh có quy ước như vậy thì đó cũng là ngày nghỉ của Chúa chứ không phải của con người. Ở giai đoạn thế kỷ 19-20, vốn dĩ không có khái niệm cuối tuần, giai cấp lao động gần như phải làm việc quần quật cả ngày và suốt tuần ở khắp các công xưởng. Những ai từng xem qua bộ phim hài Sác Lô (Charlie Chaplin) có tên “Thời đại tân kỳ” lúc nhỏ sẽ phần nào hình dung được khung cảnh con người bị vắt kiệt sức lao động đến mức nào.
Đến năm 1886, nhiều cuộc biểu tình và bãi công diễn ra trên diện rộng khắp nước Mỹ, những người thợ đã giương cao khẩu hiệu: “Không một người thợ nào làm việc quá 8 giờ/ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi”. Sau đó, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ mới thông qua nghị quyết: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Từ thời điểm đó, chúng ta mới bắt đầu có khái niệm tuần làm việc 6 ngày x 8 giờ = 48 giờ, và được nghỉ Chủ nhật để những người theo Công giáo có thể đi lễ nhà thờ. Ngày Quốc tế lao động mà chúng ta được nghỉ lễ hằng năm cũng bắt đầu từ sự kiện đó.

Nhưng mãi đến năm 1926, Henry Ford – chủ hãng xe Ford và là một trong những người có ảnh hưởng nhất nước Mỹ ở thời đại ông sống – mới phát minh và phổ biến khái niệm tuần làm việc 5 ngày và nghỉ 2 ngày cuối tuần. Trước đó, người đi làm ở hầu hết các nước vẫn phải đấu tranh rất quyết liệt để đòi hỏi quyền lợi được nghỉ ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, bạn đừng nhầm tưởng phát sinh của Ford xuất phát từ lòng nhân đạo hay sự thấu cảm với giai cấp lao động. Nhìn từ góc độ kinh tế, Ford cho rằng khi mọi người có nhiều thời gian rảnh hơn thì họ sẽ có nhiều nhu cầu hơn trong việc mua sắm quần áo, đi ăn uống vui chơi, du lịch và sẽ cần sử dụng tới các phương tiện giao thông. Nói cách khác, họ sẽ có động lực chi tiêu mạnh tay hơn và có thể quay sang mua chính xe Ford để giúp cho hãng của ông ngày càng phát đạt hơn.
Cho tới tận bây giờ, ở thời điểm mình viết bài này là năm 2022 của thế kỷ 21, việc nghỉ tới tận 2 ngày cuối tuần vẫn là một khái niệm “xa xỉ” đối với nhiều công ty ở Việt Nam, nhất là các công ty thuần Việt hay công ty gia đình, và hầu như chỉ có ở các công ty đa quốc gia hoặc những công ty mà lãnh đạo có tư duy cấp tiến. Nhiều người lao động Việt Nam vẫn phải đi làm cả ngày thứ Bảy, hoặc “tiến bộ” hơn là chỉ làm nửa ngày hoặc cách tuần; một số công ty làm trong những lĩnh vực dịch vụ thậm chí còn không có cả khái niệm cuối tuần mà chỉ là ngày nghỉ tự chọn hay nghỉ phép năm.
Nhìn lại xuyên suốt chiều dài lịch sử, chúng ta mới nhận ra một sự thật phũ phàng rằng: cuối tuần hay những ngày nghỉ trong năm về bản chất là hoạt động kích cầu kinh tế của giai cấp cầm quyền, để những người đi làm sau khi thoát khỏi “chiếc lồng công sở” thì sẵn sàng chi tiêu xả láng và tiêu thụ mút mùa để thỏa mãn nhu cầu giải trí của bản thân – giải trí vì chúng ta đã phải lao động quá nhiều.

Cuộc chạy đua với thời gian
Khoảng hơn 50 năm trước đây, khi chưa có ứng dụng xử lý văn bản thì người ta tuyển dụng rất nhiều nhân sự để làm một lượng công việc khổng lồ liên quan tới thủ tục giấy tờ, thư từ, báo cáo,… với công cụ làm việc chính là chiếc máy đánh chữ. Đa phần những người làm công việc này là phụ nữ, ngồi lọc cọc gõ máy đánh chữ suốt ngày ở văn phòng. Nhược điểm của máy đánh chữ là không có chuyện gõ sai thì gõ lại như trình soạn thảo Word ngày nay, mọi sai sót hay nhầm lẫn đều đồng nghĩa với việc bạn phải gõ lại nguyên trang văn bản đó từ đầu. Evelyn Berezin là người phụ nữ đầu tiên nhìn ra vấn đề này và nhận thấy rằng nếu có một chiếc máy tính thì nó sẽ giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn. Đến năm 1969, bà khởi nghiệp và bắt đầu chế tạo ra một chiếc máy tính có chức năng xử lý văn bản.
Có thể nói, Evelyn Berezin là người tiên phong sáng tạo ra chiếc máy tính đầu tiên và đặt nền tảng cho nhiều nhà khoa học công nghệ tiếp nối sau đó phát triển nên chiếc máy tính mà chúng ta sử dụng ngày nay. Nhờ viên gạch nền nóng đầu tiên của Berezin, chúng ta mới có Bill Gates, Steve Jobs, mạng Internet, trình xử lý văn bản, hệ điều hành máy tính và một thế giới kỹ thuật số như ngày nay. Cuộc cách mạng về máy tính và Internet đã giúp con người tiết kiệm được rất nhiều sức lực và thời gian cho những công việc thủ công trước đây như gõ máy đánh chữ và nhiều công việc khác, chẳng hạn như lưu trữ và sắp xếp tài liệu.

Cuối những năm 1980, khi máy tính cá nhân và điện thoại di động sắp trở thành xu hướng chủ đạo, sự kiện World Expo 88 – ngày hội triển lãm thương mại thế giới đã diễn ra trong suốt nửa năm 1988 ở Úc. Với chủ đề “Giải trí trong thời đại công nghệ”, ngày hội đặt ra một vấn đề vượt thời gian và mang tầm thời đại: Chúng ta sẽ làm gì với tất cả thời gian rảnh mà công nghệ sẽ mang lại trong tương lai? Sự bùng nổ của thế giới công nghệ thời kỳ đầu khiến người ta lạc quan về viễn cảnh một thế giới giải trí phong phú, nơi công nghệ sẽ làm hết phần lớn công việc của con người và mặc nhiên chúng ta sẽ rảnh rang hơn.
Trên thực tế, quá trình phát triển của chủ nghĩa vật chất đã hình thành nên nền văn hóa tiêu dùng luôn thúc đẩy con người ta chạy theo sự so sánh, thỏa mãn tức thời, thích thể hiện bản thân, kèm theo hệ quả là sự căng thẳng bất an triền miên. Bản sắc cá nhân của mỗi người đột nhiên gắn liền với thành công vật chất: “Tôi là những gì tôi sở hữu”, “Tôi là những gì tôi kiếm được”, hay “Tôi là những gì tôi mặc”. Kết cục là trong 20 năm tiếp theo kể từ ngày hội đó, thời gian giải trí càng bị thách thức bởi sự tồn tại của một giả định vô hình trong xã hội – ai càng bận rộn thì càng có địa vị xã hội.
Huyễn tưởng về một thế giới mà loài người rảnh rang nhàn tản hơn rốt cuộc đã không xảy ra. Thay vì giúp con người tăng thời gian giải trí, công nghệ lại cho phép người ta họp hành trực tuyến hay email, nhắn tin công việc suốt 24/7 trên khắp toàn cầu. Ngoài đời sống công việc, công nghệ còn thâm nhập và chiếm đoạt luôn đời sống cá nhân của chúng ta, để hình ảnh quen thuộc ngày nay là những người luôn suốt ngày “bận rộn” trong thế giới ảo với chiếc điện thoại trên tay, từ con nít, người lớn cho tới người già. Cả một xã hội đầy bận rộn!
Trong cuộc cách mạng AI (trí thông minh nhân tạo), vốn dĩ một phần lý do AI được phát triển là để giúp con người có thể sống mà không phải chịu áp lực từ công việc quá nhiều. Chúng ta thiết kế nhiều robot hay AI như thế rốt cuộc để làm gì? Cũng chỉ để robot làm thay công việc của con người và giải phóng thời gian để con người rảnh rang hơn. Nhưng giữa lý tưởng và thực tế có hoàn toàn khớp nhau, hay kết quả cũng chỉ là kịch bản cũ lặp lại như ở cuộc cách mạng máy tính và điện thoại di động trước đây? Câu trả lời hạ hồi phân giải, mà chúng ta sẽ biết vào 20 năm tiếp theo.

Nghịch lý thời gian
Nghịch lý 1: Có ít muốn nhiều, có nhiều hết muốn
Một cô bạn của mình vừa làm việc full-time vừa đi học văn bằng 2, kèm thêm học ngoại ngữ để thi lấy chứng chỉ – điều kiện đủ để tốt nghiệp văn bằng 2. Quỹ thời gian của một người đi làm công sở vốn đã eo hẹp thì với bạn càng eo hẹp hơn bội phần, vì mỗi ngày bạn đều chật vật giữa việc giải quyết hàng tá nhiệm vụ mới trong công việc lẫn việc nghiên cứu mớ giáo trình dày cộp, học bài, làm bài tập nhóm và thi cử kiểm tra. Khi mắc kẹt trong vòng xoáy bận rộn đó, lúc nào bạn cũng ước ao có nhiều thời gian hơn, hay phải chi mỗi ngày có 48 giờ thay vì chỉ 24 giờ.
Đến khi bạn quyết định nghỉ công việc full-time và chuyển về làm freelancer như trước đây, bạn giải phóng bản thân khỏi công việc công sở và ngân quỹ thời gian của bạn bây giờ đột nhiên dư dả thêm 40 giờ mỗi tuần. Những tưởng khi có nhiều thời gian hơn, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn như ý nguyện vì từ giờ có thể ưu tiên chuyện học hành và nhận những job freelance phù hợp. Nhưng không, trở thành triệu phú thời gian đồng nghĩa với việc bạn cảm thấy lười hơn và chẳng muốn làm gì, nhiều khi chỉ muốn nằm dài cả ngày ở nhà ngủ nướng hay xem phim.
Cái sự ngược ngạo trớ trêu này, bản thân mình đồng cảm sâu sắc vì mình cũng từng gap year suốt một năm. Lúc chúng ta khan hiếm thời gian và bận rộn với công việc thì luôn thấy bản thân không có đủ thời gian để làm những chuyện mình cần làm và muốn làm, nhưng khi chúng ta thừa mứa thời gian thì lại mất đi động lực để làm những chuyện đó – vì thời gian nhiều quá, nên từ từ làm, việc gì phải vội? Vấn đề không nằm ở sự kỷ luật hay kỹ năng quản lý thời gian, vì mình với bạn đều là những người thuộc típ kỷ luật với bản thân và thừa kỹ năng (nên mới có thể làm được nhiều chuyện đến vậy lúc bận rộn), mà chủ yếu nằm ở tâm lý của chúng ta đối với ngân quỹ thời gian chúng ta sở hữu.
Giống như khi bạn ít tiền và thiếu tiền, bạn sẽ luôn muốn kiếm tiền nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của bản thân hoặc đơn giản là để cảm thấy an tâm hơn. Nhưng khi bạn đã có quá nhiều tiền, cái động lực kiếm tiền đó của bạn cũng không còn nữa. Thời gian tuy vô hình nhưng cũng là một loại tài sản tương tự như thế. Suy cho cùng, ở bất kỳ thái cực nào – quá bận hay quá rảnh – cũng đều không tốt, chỉ có ở khoảng vừa đủ công việc và vừa đủ rảnh rỗi thì chúng ta mới có cảm giác cân bằng.

Nghịch lý 2: Bận thì muốn rảnh, rảnh thì muốn bận
Theo lẽ thường, khi mệt nhoài với công việc bận rộn, chúng ta thường ước mình được rảnh rang nhiều ngày để nghỉ ngơi thư giãn, nhiều khi chỉ đơn giản là nằm chơi cả ngày chứ không cần làm gì. Nhưng khi lời ước đó thành hiện thực, chỉ mới nằm chơi một hai ngày thôi là chúng ta đã bắt đầu thấy chán và nhiều khi muốn quay trở lại làm việc hay trở về cái guồng quay bận rộn cũ.
Như hồi mình gap year và nghỉ suốt một năm dài, tới giai đoạn gần cuối kỳ gap year, mình lên cơn khao khát cái cảm giác được đi làm và sẵn sàng đi làm bất chấp – dẫu cho điều kiện và quyền lợi của công ty mình ứng tuyển thấp hơn tiêu chuẩn mình đặt ra. Quả thực vậy, đến khi mình chính thức đi làm trở lại, mình lao vào công việc như thể một con thiêu thân, sẵn sàng ngốn hết tất tần tật mọi công việc như một người đang khát việc để làm. Một người bạn của mình chỉ mới nghỉ việc một tháng, chơi hoài cũng chán, bạn cảm thán với mình giờ “mắc” làm việc y như mắc đi… đại tiện vậy.
Không có công việc hay cảm giác lao động trong một tập thể, chúng ta rất dễ nảy sinh cảm giác buồn chán bởi tâm lý bị tách ra khỏi bầy đàn theo chủ nghĩa bộ lạc – điều mà tổ tiên chúng ta từ thời nguyên thủy đã luôn né tránh và lo sợ, bởi tách bầy và không thuộc về bất kỳ nhóm nào cũng đồng nghĩa đối mặt với nhiều nguy hiểm và rủi ro hơn.

Nghịch lý 3: Tưởng rảnh mà bận
Bản chất của nền kinh tế, như phần trước mình có chia sẻ, phát minh ra cuối tuần và những ngày nghỉ là để phục vụ cho mục đích kích cầu kinh tế. Chính vì lẽ đó, chúng ta mới thường dành cuối tuần hay kỳ nghỉ cho các hoạt động tiêu thụ như mua sắm, đi cà phê, xem phim, gặp gỡ ăn uống, đi spa, đi mall, du lịch trong nước hay nước ngoài,… Tưởng là rảnh nhưng hóa ra chúng ta lại rất bận – bận chạy theo các nhu cầu giải trí của bản thân.
Đổi ngược lại, khi chúng ta dành ra cuối tuần hay một kỳ nghỉ nào đó để thật sự thư giãn và nghỉ ngơi trọn vẹn, ví dụ như đọc sách, thưởng trà, xem phim hay nấu ăn tại nhà thì đôi khi chúng ta lại có cảm giác hết sức ngược ngạo là mình đang… lãng phí thời gian. Bởi lẽ những hoạt động này quá nhàn tản, quá nhẹ nhàng nên không tạo cho chúng ta cảm giác bận rộn như khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác, đi gặp từ người này đến người khác, mua từ món đồ này cho tới món đồ khác. Đồng tiền không xài là đồng tiền chết, thời gian rảnh mà không xài để bận thì cũng như thời gian chết – trong thế giới bị cuốn theo chủ nghĩa vật chất, chúng ta dễ nảy sinh cảm tưởng như vậy.
Để là một người tiêu dùng thời gian thông minh, hãy luôn tỉnh táo và cẩn trọng với cách bạn tiêu xài ngân quỹ thời gian của mình. Hãy biết khi nào bạn nên “bận” lúc rảnh, và khi nào thì “rảnh” chỉ nên là rảnh mà thôi.

Nghịch lý 4: Càng nhỏ càng chậm, càng lớn càng nhanh
Hãy nhớ lại cảm giác thời gian của bạn khi còn là một đứa trẻ, có phải bạn luôn cảm thấy rằng thời gian trôi qua rất chậm? Như khoảng cách từ cái cuối tuần này đến cuối tuần khác trôi qua rất lâu, cũng như khoảng cách từ kỳ nghỉ này đến kỳ nghỉ khác đi qua rất chậm, chúng ta luôn mong mình có thể lớn thật nhanh và trưởng thành để bước vào thế giới của người lớn, nhưng sao cái ngày đó xa thật xa, lâu thật lâu. Nhưng khi chính thức trở thành người lớn, cảm giác về thời gian lại trôi qua rất nhanh, tới mức hôm nay là đầu tuần nhưng nhoáng một cái đã là cuối tuần, hay mới vừa ăn Tết đó mà vèo một phát đã gần cuối năm. Thời gian trôi qua nhanh đến nỗi chúng ta có cảm giác mình chưa kịp làm gì, mà trên đầu đã thấy tóc điểm bạc.
Người ta thường nói rằng thời gian dường như trôi nhanh hơn, năm tháng trôi qua vội vã hơn khi con người già đi. Có lẽ bởi vì khi còn trẻ, người ta cảm thấy thời gian của họ được ghi dấu bởi nhiều điều thú vị, mới mẻ, nhiều cái trải nghiệm đầu tiên – nụ hôn đầu, lần đầu đi học xa nhà, lần đầu đi du lịch một mình, lần đầu đi máy bay, lần đầu làm tình nguyện, v.v. Những ai trải qua những năm tháng tuổi trẻ có nhiều sự kiện đặc sắc thì càng thấy thời gian trôi qua chậm, vì họ luôn có những trải nghiệm và thử thách mới mẻ mỗi ngày, không có ngày nào giống ngày nào. Nhưng khi người ta bước vào quỹ đạo ổn định của đời sống công việc chốn công sở, thời gian giống như một vòng lặp mà chúng ta là những nhà tiên tri thấy trước tương lai của mình 5-10 năm tới. Tuần nào cũng như tuần nấy, tháng nào cũng như tháng nấy, năm nào cũng như năm nấy, với ngần ấy sự kiện lặp đi lặp lại, cũng như nhiệm vụ công việc quen thuộc mà chúng ta làm đi làm lại mỗi ngày – như một cái máy.
Có đôi lúc bị cuốn vào vòng xoáy công việc 8-2-5 (tám giờ làm, năm giờ về), ngồi bất động 8 tiếng mỗi ngày trước màn hình máy tính, thi thoảng mình lại cảm thấy bản thân giống như một con zoombie công sở sống vật vờ cho qua ngày, chỉ để cuối tháng lãnh lương, trong lòng luôn nuối tiếc hoài niệm về một thời tuổi trẻ sôi động mình đã từng trải qua. Khi người ta lớn, thời gian không còn là chiếc rương bí mật của những điều ta chưa biết và háo hức khám phá, mà trở thành những kế hoạch, dự định được tính toán từ trước và là những vòng lặp liên tu bất tận. Và khi người ta già đi, mỗi năm sẽ trở thành một phần ngày càng nhỏ của cuộc đời này.
Lẽ vậy, tôn giáo và nhiều pháp thiền mới dạy chúng ta hãy sống trong khoảnh khắc hiện tại, ở đây và ngay bây giờ. Dù bạn đang ở bất kỳ độ tuổi nào, cách sử dụng thời gian tốt nhất là hãy cho bản thân cơ hội trải nghiệm những điều mới mẻ mỗi ngày thì quãng đời còn lại mới phần nào đặc sắc và đỡ buồn chán hơn.
***
Qua chuyến du hành thời gian từ thời cổ đại cho tới hiện đại cũng như đi tham quan một số bảo tàng thời gian, chúc quý khách từ nay sẽ tỉnh thức hơn về ý niệm thời gian và luôn trân quý từng giờ từng phút trôi qua.
Tài liệu tham khảo:
– Wikipedia, mục lịch sử về ngày Chủ nhật và các ngày trong tuần
– Wikipedia, mục lịch sử về ngày Quốc tế lao động
– “Ngày nghỉ cuối tuần và nguyên nhân ra đời”, Phan Ngọc – Trí thức trẻ
– Sách Từ quản lý đến lãnh đạo, Michael Hyatt
– Sách Tư duy lại chiến lược, Steve Tighe
– Sách Dòng chảy ý thức, Oliver Sacks