
Năm 18 tuổi, mình trải qua cơn đau dạ dày lần đầu tiên trong đời, mà sau đó theo bác sĩ chẩn đoán là do căng thẳng áp lực. Năm đó là năm mình thi đại học.
Năm 24 tuổi, mình trải qua cơn đau dạ dày lần thứ hai, sau 7 năm trời. Đi khám bệnh viện, nội soi siêu âm các kiểu thì bác sĩ cũng chẩn đoán là do căng thẳng áp lực. Năm đó là năm lần đầu mình làm sếp.
Năm 25, 26, 27 tuổi, mỗi năm sau đó, cứ vào tầm cuối năm mình lại tái phát cơn đau dạ dày. Thời điểm cuối năm cũng là lúc khối lượng công việc ngày càng nhiều và áp lực lại càng dồn dập.
Không chỉ đau dạ dày mà hệ tiêu hóa của mình luôn luôn trong tình trạng có vấn đề. Mình rất dễ bị đau bụng, khó tiêu và cứ lâu lâu thì lại đau bụng mà không rõ nguyên nhân vì sao. Khi xem lá số tử vi online, thường trong lá số sẽ có một câu được lặp đi lặp lại nhiều lần (dấu hiệu cho biết xác suất xảy ra thông tin đó cao nhất), thì cái câu ấy của mình là: “Có vấn đề về đường tiêu hóa”.
Vào dịp Tết năm 2017, mình từng được khai mở tiền kiếp và biết được trong một kiếp ở quá khứ, mình từng mạt sát nặng nề gia nhân người hầu và thẳng tay ban rượu độc cho những ai làm trái ý mình. Trong kiếp sống đó, mình cho một nô tỳ uống rượu độc cho tới chết, cô ta ôm bụng nằm rên la đau đớn quằn quại dưới sàn nhà. Kiếp sống này giúp mình hiểu thêm phần nào về quả báo bệnh tật mà mình đang nhận lãnh ở góc độ siêu hình. Sau thời điểm đó, mình không còn tái bệnh đau dạ dày quá nặng như trước mà chỉ là những cơn đau nhẹ, và đường tiêu hóa của mình vẫn còn vấn đề.
Nếu bạn là một người trẻ sống ở thế kỷ 21 giống mình, chuyện căng thẳng vì những áp lực xảy đến trong cuộc sống là khá bình thường, và theo một con số phỏng đoán thì có tới 80% người trẻ đều từng trải qua căn bệnh đau dạ dày. Ngay cả những bạn gen Z trong văn phòng mình, thuộc lứa sinh năm 97-98, mới tốt nghiệp ra trường đi làm thôi nhưng cũng mắc phải căn bệnh này từ sớm.
Cho đến khi mình gặp sếp hiện tại của mình, một người nói rằng trước giờ chị ấy chưa bao giờ biết đau dạ dày hay đau bụng là gì – ngay cả khi ăn cà pháo mắm tôm, ăn đồ lên men hay đồ dễ gây lạnh bụng. Nghe tới đây thì mình thấy “Ồ wow” và nhìn chị như sinh vật lạ.
Sau một thời gian làm việc chung, đi ăn chung và trò chuyện, mình mới phát hiện ra bí kíp gì cũng ăn được mà không đau bụng của chị. Đó là chị ăn rất chậm, nhai rất kỹ và thường lắng nghe cơ thể để biết cơ thể đang thiếu món gì thì ăn món đó. Bí kíp chỉ đơn giản có vậy, nghe thì dễ dàng, nhưng với mình thì thực hành không dễ. Chuyện ăn trong chánh niệm từ những bài giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mình đã đọc qua nhiều trước đây, nhưng nói thì chưa bao giờ hành được, vì chuyện ăn uống đã là thói quen thâm căn cố đế ăn sâu vào gốc rễ của mình.

Cách đây khoảng 5 năm, khi còn làm ở công ty cũ, buổi sáng sớm ai tới sớm thì hay ngồi ăn sáng ngoài bàn ăn. Có lần mình đi ăn với một chị Team Lead Sales nọ, cả hai cùng ăn một ổ bánh mì như nhau, mình chỉ làm loáng một cái trong vài phát cắn là xong, chỉ trong chưa đầy 5 phút. Nhưng nhìn sang kế bên, chị ấy chỉ mới đang ăn tới phần đầu ổ bánh mì. Chị cắn từng miếng nhỏ, nhai một cách từ tốn và chậm rãi, rồi nhẹ nhàng nuốt xuống trong sự bình thản. Sau này mình mới biết, ngoài công việc làm sales thì chị ấy còn là một huấn luyện viên yoga. Qua hình ảnh của chị lần ấy, mình mới biết thế nào là ăn trong chánh niệm, nhưng sau đó mình vẫn ăn nhanh như một thói quen.
Mỗi lần đi ăn trưa với đồng nghiệp, dù mình đã giảm tốc độ ăn xuống, nhưng thường vẫn là nhanh hơn các bạn khá nhiều. Có lần đi ăn với bé đồng nghiệp nó, ăn xong về em bảo bị đau bụng, lý do là vì cố ăn theo kịp tốc độ của mình thay vì tốc độ thông thường của em ấy. Đó cũng là một câu nói khiến mình thức tỉnh, và nhận ra tốc độ ăn nhanh của mình là không-bình-thường một chút nào.
Mãi đến gần đây, mình mới có thời gian sống chậm lại để suy nghĩ và truy tìm lý do vì sao mình lại ăn nhanh đến thế? Đây là câu hỏi mà sau khi sống gần nửa đời người, lần đầu tiên mình mới tự đặt ra cho bản thân. Và câu trả lời nằm ở tuổi thơ khá buồn của mình.
Lúc nhỏ khi sống với gia đình ở thành phố, do nhà mình làm ăn buôn bán nên khách gần như ra vào suốt cả ngày từ sáng cho đến tối. Vì lẽ đó nên gia đình mình không giống như các gia đình bình thường khác, là hiếm khi nào có được một bữa cơm gia đình cả nhà ngồi quây quần với nhau, dù là buổi trưa hay buổi tối. Hễ tới giờ cơm, ai đói thì sẽ tự giác bới một tô cơm rồi tự gắp đồ ăn, xong rồi ngồi ăn một mình. Bởi ăn một mình thì buồn chán, nên bao giờ mình cũng vừa ăn vừa bật tivi xem, hoặc bật băng hoạt hình. Chính thói quen từ nhỏ ấy khiến cho mình đến bây giờ, mỗi khi ăn đều phải một cái gì đó lên để xem, và tập trung vào cái thứ mình đang xem – thay vì vào món ăn.
Chỉ những ngày cuối tuần hoặc những mùa hè, khi về quê ngoại, mình mới trải qua cảm giác gọi là bữa ăn gia đình. Khi đó không có chuyện ngồi ăn một mình trong buồn tủi rồi vừa ăn vừa xem tivi, mà cả nhà ngoại mình sẽ cùng ngồi ăn với nhau. Dù bữa ăn ở quê đạm bạc, đồ ăn không nhiều và đắt đỏ như ở nhà, nhưng bữa nào mình cũng ăn ngon lành mà vẫn còn thòm thèm. Hồi ấy quê ngoại còn nghèo, mỗi bữa nấu bao nhiêu lon gạo đều phải cân đo đong đếm, thêm mình về là thêm một miệng ăn thì những người đi làm đồng chưa về sẽ phải ăn ít lại. Lẽ vậy mà đôi khi ăn xong mình vẫn còn đói, nhưng không bao giờ dám than mình đói hay xới cơm thêm, vì mình biết chén cơm mình ăn cho no đó thì có người khác sẽ phải chịu đói thay mình.
Ngồi ăn một mình là một cảm giác rất trống trải và lạc lõng, ngay trong chính ngôi nhà của mình, có lẽ vì vậy mà mình luôn tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy bằng cách xem tivi – chỉ để có cảm giác có người đang cùng ngồi ăn với mình. Thói quen này đã đi theo mình từ bé đến lớn, cho đến khi trở thành một phần cuộc sống của mình một cách vô thức. Mình ít khi bao giờ ngồi ăn một mình tại quán mà thường mua về nhà để vừa ăn vừa bật laptop xem phim.
Đến khi nói chuyện cùng chị sếp, mình mới biết chị ấy cũng sống một mình, nhưng chị bảo rằng trước giờ chị chưa bao giờ mua đồ ăn về nhà. Lý do là vì ngồi ăn trực tiếp ở quán đồ ăn còn nóng sốt ngon hơn, đem về thì lỉnh kỉnh bao bì xả rác ra môi trường, mà về còn phải hâm nóng lại mất thời gian. Đến lúc này, mình mới vỡ lẽ ra một điều mà bấy lâu nay mình không hề nhận ra: Chính thói quen ăn uống của mình – ăn nhanh, vừa ăn vừa xem phim – mới là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới căn bệnh đau dạ dày và đường tiêu hóa. Câu chuyện nghiệp quả trong tiền kiếp chỉ là một phần nguyên nhân, còn cái nhân thực sự dẫn tới cái quả trong hiện tại – cuối cùng mình cũng tìm ra được.
Và sự vỡ lẽ chỉ mới xảy ra cách đây mấy ngày, khi mình sống chậm lại và có nhiều thời gian suy nghĩ về những vấn đề của bản thân hơn.
Sau đó, mình quyết định thực tập ăn trong chánh niệm, bằng hai việc đơn giản đó là (1) ăn chậm, nhai kỹ và (2) tập trung vào bữa ăn và không xem gì cả trong lúc ăn (cả ba bữa sáng, trưa, tối). Trước mỗi bữa ăn, mình không quên cảm tạ thần linh đã cho mình một bữa ăn ngon lành.
Và lần đầu điên trong đời, sau ngần ấy năm, mình mới cảm nhận lại được trọn vẹn mùi thơm của miếng bánh mì, vị ngọt của hạt cơm, vị béo bùi của lòng đỏ trứng, tiếng nhai thức ăn rộn ràng hòa điệu như bản đồng ca mùa hạ – mà bấy lâu nay, vì luôn đeo tai nghe và nghe những lời các nhân vật trên màn hình nói, mình đã bỏ qua chúng.
Kết thúc mỗi bữa ăn, mình cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, thoải mái, dễ chịu, cứ như là mình chưa ăn gì hết. Vì trong lúc ăn mình đã nhai rất nhuyễn nên cảm giác không bị nặng bụng như mọi khi. Bao tử của mình vì thế cũng không còn làm việc quá sức, mà năng lượng tại đó được giải phóng để chảy tràn qua những bộ phận khác của cơ thể.
Khi nghĩ về hình ảnh những đứa trẻ ngày nay, vì để cho chúng chịu ăn mà nhiều bậc cha mẹ luôn kè kè chiếc smartphone sát bên để chúng vừa ăn vừa xem Youtube, bất giác mình thấy lo sợ cho tương lai của những đứa trẻ khi chúng trưởng thành. Rồi chúng sẽ trở thành một phiên bản nào đó giống mình, mắc phải một căn bệnh giống mình. Nhưng chưa bao giờ là quá muộn cho những ai có sự thức tỉnh sớm, để tự bạn rẽ hướng con thuyền và lèo lái cuộc đời bạn đi đúng hướng.