1. Năm 2014, ca sĩ Mỹ Tâm có tổ chức một liveshow ca nhạc hoành tráng có tên gọi “Hearbeat” tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM). Nhân dịp này, fanclub của ca sĩ Mỹ Tâm muốn làm một clip nhảy flashmob để tặng cho thần tượng của mình, và cũng để truyền thông trước thềm liveshow, nên ekip bên mình được chị trưởng nhóm fanclub tìm đến để đặt hàng quay clip. Khi đó, mình lead một team khoảng 3 bạn trẻ đến quán cafe của Mỹ Tâm để trao đổi công việc với nhóm fanclub và lên kế hoạch ghi hình cho màn trình diễn flashmob ở một sân vận động.

Mình vốn dĩ cũng không phải là fan của ca sĩ Mỹ Tâm, cũng ít nghe nhạc của chị mà chỉ nghe qua một số bài hit quốc dân từ xửa từ xưa như “Ước gì”, “Họa mi tóc nâu”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Giọt sương”,… Ở thời điểm năm 2014, Mỹ Tâm có tung ra một MV trước liveshow là bản “Không yêu không yêu”. Khi MV này vừa lên sóng, trên social media thời điểm đó dậy sóng rần rần vì một ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Tâm lại thực hiện một MV “thảm họa” với phong cách sến súa quê mùa (bận áo đỏ, quấn lụa đứng múa may bên đường) như từ những năm 2000 – theo lời nhiều bình luận trên mạng lúc bấy giờ. Ca khúc mới ra mắt đó thì giai điệu lẫn ca từ cũng không có gì nổi bật nếu so sánh với nhiều bài hit của Mỹ Tâm.

Nhưng vô tình ca khúc này lại chính là phần nhạc nền của clip flashmob mà mình thực hiện cho nhóm fanclub của Mỹ Tâm. Ban đầu mình nghe bản này thì thấy dở, không hạp nhĩ, không đúng gu và không thấy có gì hay. Do tính chất của công việc dựng phim, để dựng được một video thì bạn phải cắt, ghép, chỉnh sửa, xem đi xem lại, nghe đi nghe lại tới mười mấy hai chục lần. Và bất ngờ thay, sau quá trình đó thì mình bị giai điệu ca khúc này ám ảnh đúng kiểu earworm (hiện tượng một giai điệu cứ lặp đi lặp lại trong đầu bạn liên tục). Khi ca khúc cứ vang lên hoài như vậy thì tự nhiên mình bị nhập tâm lúc nào không hay, và tự khắc mình cũng thấy hay và đồng điệu với ca khúc. Từ cảm xúc ban đầu là nghe thấy dở, tới khi nghe liên tục nhiều lần thì giai điệu thấm vào tai và mình thấy cũng hay quá trời, không đến nỗi phải bị chê thậm tệ như vậy.

Trải nghiệm tương tự sau này mình cũng từng gặp với nhạc Sơn Tùng MTP. Như thời điểm ca khúc “Lạc trôi” làm mưa làm gió, định kiến ban đầu của mình là anti ngay lập tức vì hát gì mà không rõ lời, chữ cứ dính vào nhau, MV cổ trang mà mang giày… Bitis. Nhưng tới khi đi ngoài đường, đi vô mấy trung tâm thương mại, tiệm cafe, nhà nhà người người ai ai cũng mở “Lạc trôi” thì mình bị ám ảnh ca khúc này và nghe kỹ lại thì thấy cũng hay dữ thần.

2. Hồi mình còn học tiếng Anh với cố Giáo sư Lê Tôn Hiến ở trường Kinh Luân, sau khi học qua chương trình tiếng Anh cơ bản và học thuật, thì có một khóa học thầy mở thử nghiệm gọi là khóa Close Reading (Đọc sâu). Tài liệu khóa học là những bài reading mà tụi mình đã từng đọc qua, học qua trong mấy cuốn sách học trình do thầy biên soạn ở những khóa trước đó.

Tuy nhiên, ở khóa Close Reading này, chúng mình đọc lại những bài này với một tâm thế khác. Nó không còn là những bài minh họa đọc thêm, mà là đọc và phân tích ngữ pháp, lối hành văn và thông điệp của các tác giả muốn truyền tải cho độc giả là gì. Từ những bài reading có tính chất khô khan như quá trình khởi nghiệp của Uber, Slack, fossil fuels (nhiên liệu hóa thạch), climate changes (biến đổi khí hậu),… – toàn những chủ đề mình rất ngán đọc trước đó vì không phải gu đọc của mình, khi đọc sâu thì mình mới vỡ lẽ ra có quá nhiều kiến thức hay ho ẩn tàng, mà chỉ vì định kiến ban đầu nên mình đã bỏ lỡ qua và không cảm nhận được cái hay của những nội dung “khô khan” ấy.

3. Khi trải nghiệm công việc của một biên tập viên sách, có một số cuốn sách ban đầu khi mình nhận về biên tập thì định kiến ban đầu của mình cũng tương tự: Cuốn sách có chủ đề khá khô khan, không thuộc gu đọc sách của mình, và lúc biên tập lần đầu thì nội dung không thú vị cho lắm!

Và khi bạn sống chung với bản thảo một thời gian, bạn phải đọc đi đọc lại cuốn sách khá nhiều lần để biên tập và dò lỗi morasses (chính tả, dấu câu, format,…) thì tự nhiên định kiến ban đầu biến mất. Nếu chỉ đọc một cuốn sách một lần, có thể cảm nhận chủ quan ban đầu là bạn thấy nó dở, khô khan, không có gì hay. Nhưng khi thử đọc nó ít nhất từ 3 đến 5 lần, chắc hẳn là bạn sẽ thay đổi định kiến này, vì có một số nội dung phải được nghiền ngẫm đi nghiền ngẫm lại thì bạn mới thấm được. Việc này cũng giống như bạn bốc một nắm thóc bỏ vào miệng rồi nhai, thì nhai lần đầu chỉ thấy vỏ trấu lạo xạo trong miệng không thể nào nuốt được. Nhưng khi bạn nhai kỹ và nhai nhiều lần, phần vỏ trấu bị tách ra khỏi hạt gạo, thì lúc này bạn mới nhai được vị ngọt thuần túy của hạt gạo.

Dĩ nhiên là nếu bạn có sẵn một nắm gạo đã được tách vỏ trấu rồi thì nhai vào sẽ ngon hơn (nó cũng tương ứng với một ca khúc, một cuốn sách đã hay sẵn ngay từ đầu và ai cũng thưởng lãm được liền). Nhưng trên thực tế, những thứ hay-phổ-quát như vậy ngày càng ít dần và nó đòi hỏi năng lực sáng tạo của người viết, người sáng tác và sự dụng công của họ phải hơn trước đây rất nhiều lần.

4. Trong chuyện tìm hiểu một con người cũng vậy, có những người chúng ta mới gặp lần đầu và trong ta có rất nhiều định kiến đối với họ. Chẳng hạn như, ăn mặc tuềnh toàng thì là người cẩu thả, làm hành chính – nhân sự thì sẽ có thái độ quan liêu, xăm chi chít trên người là dân ăn chơi hư hỏng, v.v.

Lúc này, mình lại chợt nhớ tới ý niệm của nhà văn Nam Cao trong truyện ngắn “Lão Hạc”:


“Chao ôi! Ðối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ối… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương”


Vì định kiến ban đầu, ta có thể sẵn sàng chụp mũ hay dán nhãn bất cứ ai mà ta không có thiện cảm, ai mà nói chuyện trái ý ta, ai mà làm chuyện gì khiến ta ngứa mắt, để rồi ta cao cao tại thượng xem mình là bậc chính nhân quân tử còn người khác chỉ là hạng tiểu nhân bỉ ổi, rác rơm bên vệ đường.

Nhưng thử một lần bạn tiếp xúc, nói chuyện, chơi với người bạn ghét, bạn không ưa nhiều hơn đi để mà hiểu sâu thêm về họ. Khi đó, bạn mới thấy được những khía cạnh khác trong tính cách và con người của họ, để thấy hóa ra họ cũng có những mặt chơi được và những điểm dễ thương riêng mà vì định kiến che mờ bạn chưa thấy được.

o0o

Muốn trở thành người sống sâu sắc, bạn cần mài giũa các giác quan của mình để chúng trở nên nhạy bén hơn.

Đừng chỉ đọc mà hãy đọc sâu.

Đừng chỉ nghe mà hãy nghe sâu.

Đừng chỉ nhìn mà hãy nhìn sâu.

Đừng chỉ nói mà hãy nói sâu.

Đừng chỉ hiểu hời hợt mà hãy hiểu sâu.

Từng giờ, từng ngày, từng tháng, rồi từng năm trôi qua, sự tích lũy của phần sâu lắng qua các giác quan mà bạn rèn giũa được, đó chính là thứ trầm tích lắng lại bên trong để bạn sống sâu sắc hơn giữa cuộc đời này.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.