Ảnh: Unsplash

Năm đầu tiên vào đại học, lần đầu tiên xa nhà đến một thành phố lớn để học tập và sống ở ký túc xá, cảm giác của mình là cô đơn và lạc lõng ở một nơi có quá nhiều người. Từ một gia đình nhỏ xíu chỉ có vài người, bạn phải chuyển sang thích nghi với cuộc sống tập thể, ở chung với 8 người, và còn hàng trăm, hàng ngàn người khác trong khu ký túc xá với một cơ số tòa nhà. Thứ âm thanh quen thuộc khiến mình cảm thấy thiếu vắng nhất, có lẽ là âm thanh phát ra từ chiếc TV ở nhà vào mỗi giờ chiếu phim. Đó cũng là lúc mình bắt đầu tìm đến điện ảnh như một thú vui giải khuây sau giờ học trên trường, sau những bài tập làm xong vào mỗi tối.

Mình còn nhớ bộ phim Hàn 16 tập đầu tiên mình xem trọn vẹn trên mạng là bộ Nice guy của Song Joong Ki. Sau đó vì muốn luyện nghe tiếng Anh nên mình chuyển sang luyện bộ Once upon a time của Mỹ, đúng ngay vào năm bộ này ra mắt mùa 1, và xem liên tục trong 7 năm trời cho tới mùa 7 cũng là mùa cuối của series. Xem phim một mình mà không có bạn bình phim thì cũng mất vui, thế là mình “rù quến” cái sự mê phim đó sang một người bạn cấp ba, học chung trường đại học và cũng ở ký túc xá giống mình.

Cách đây hơn chục năm, thời đó chưa có những trang xem phim online phổ biến như bây giờ, mà muốn xem bộ nào thì bạn phải chịu khó vào mấy diễn đàn chuyên dịch sub phim để tải về từng tập, có khi tải bằng torrent hay phải tải nhiều file nén rồi gộp lại thành một file mới coi được, nói chung để coi được một bộ phim cũng phải khó khăn vất vả nhiều phần. Hồi ấy bọn mình chỉ xài USB 2GB tới 4GB là maximum dung lượng, chứ làm gì có ổ cứng mấy trăm GB để lưu trữ, nên mỗi lần phim ra tập mới là bạn lại chạy tới đưa USB cho mình để copy về máy mà xem. Suốt hai năm ở kí túc xá, bạn và mình đã luyện qua hết mấy chục bộ phim như thế. Tới năm ba thì mình chuyển ra ngoài sống do hết thời hạn ở kí túc xá, từ đó hết có người copy phim cho bạn xem.

Ảnh: Unsplash

Thấm thoát mười năm sau trôi qua, nghe y như phim, bạn về quê làm một công việc bình thường suốt một thời gian dài, sống một cuộc đời hết sức phổ thông mà như bạn tự nhận là buồn chán, tẻ nhạt, ngày nào cũng như ngày ấy không có gì khác biệt. Mình với bạn từ lúc ra trường cũng ít có dịp gặp lại, lâu lâu chỉ nhắn vài câu hỏi thăm tình hình của nhau. Mãi gần đây khi mình hỏi thăm thì mới biết hóa ra bạn đã nghỉ việc, một công việc nhàm chán bạn đã làm suốt 5-6 năm trời, để lên Sài Gòn tìm một công việc khác với mong muốn thay đổi cuộc sống. Nhắc lại chuyện cũ, mình mới hỏi dạo này bạn có xem phim gì không? Câu trả lời của bạn khiến mình hết sức ngỡ ngàng, từ lúc chuyển ra ngoài kí túc xá và không còn gặp mình, suốt 8 năm qua bạn không còn xem một bộ phim nào và cũng không hứng thú tự tìm phim để xem.

Bạn không biết rằng trong 8 năm đó, mình vẫn tiếp tục luyện phim tới mức thần sầu, và đã luyện qua không biết mấy trăm bộ, từ điện ảnh tới truyền hình, từ phim Mỹ, Anh, Pháp tới Hàn, Trung, Thái, Nhật, Việt, v.v. Có thể nói, phim ảnh như một chỗ dựa tinh thần của mình trong những quãng thời gian cảm thấy buồn chán và cô độc, giúp mình thoát li khỏi hiện tại để bước vào một thế giới khác. Xin nói rõ mình “luyện phim” ở đây là xem theo hướng giải trí, có chừng mực, và mình thường xem trong thời gian chill lúc nghỉ trưa, cuối ngày hay cuối tuần, sau khi đã hoàn thành xong những việc cần làm, chứ không phải luyện phim bất kể ngày đêm quên luôn giờ giấc. Bởi vậy lúc trước có vài đồng nghiệp từng cảm thán rằng, không biết mình lấy đâu ra thời gian để xem phim và review phim liên tục, trong khi vẫn làm được ti tỉ việc khác. Mấu chốt vấn đề cũng nằm ở chỗ bạn cần biết cách sắp xếp thời gian và tinh thần xem phim có kỷ luật.

Với một số người, trí tưởng tượng của họ có thể bay bổng hơn khi đọc sách, và cho rằng từ sách chuyển thể thành phim thì mất hay. Mình thuộc nhóm ngược lại, cho rằng xem phim ảnh thì sống động hơn đọc sách, vì đọc sách chủ yếu bạn chỉ đọc qua kênh nhìn và vận dụng trí tưởng tượng, còn xem phim thì bạn không chỉ nhìn, mà còn nghe giọng nói, âm nhạc và cảm thụ cả diễn xuất của diễn viên. Cái sự “touching” (chạm) trong ngôn ngữ phim ảnh có ma lực và hấp dẫn hơn với mình, một người trí tưởng tượng vốn không được phong phú cho lắm và thường học mọi thứ thông qua các khuôn mẫu sẵn có.

Xem phim với mình cũng như trải nghiệm nhiều kiếp sống khác nhau, để rồi cùng khóc, cùng cười, cùng trải qua bao nỗi bi ai thống khổ hay hoan hỉ vui mừng với nhân vật. Trong đời thực, cuộc sống của bạn có thể có nhiều giới hạn về hoàn cảnh, về ngoại hình, về năng lực, về sự nghiệp, về khát vọng đam mê,… nhưng trong phim ảnh thì không có biên giới nào cho những giới hạn. Sáu mươi năm cuộc đời ngắn ngủi, nếu bạn có đổi nghề thì nhiều lắm cũng chỉ đổi sang được 5-7 nghề khác nhau, nhưng thực tế thì đa phần chúng ta sẽ gắn bó cả đời mình với một công việc nào đó. Có những nghề nghiệp chúng ta chỉ biết mơ tưởng, ao ước, chứ dẫu có thi đại học hay có cơ hội chọn nghề lại thì cũng chưa chắc ta đã có cửa đậu vào ngành đó. Nhưng bước vào thế giới phim ảnh, bạn có thể “nhập vai” vào vô số nghề nghiệp khác nhau, từ bác sĩ, lính cứu hỏa, quân nhân cho tới cảnh sát, phóng viên, nhà văn, vận động viên, v.v. với những trải nghiệm hết sức sống động và chân thật, vì biên kịch những bộ phim ấy cũng phải tham khảo rất nhiều tư liệu thực tế để xây dựng bối cảnh và nhân vật.

Đôi khi chỉ qua một bộ phim mấy chục tập, bạn có cảm tưởng như mình đã trải qua cả một kiếp sống của nhân vật đó, từ lúc mới chào đời, đi qua những năm tháng niên thiếu cho tới khi trưởng thành, lập gia đình, sinh con đẻ cái, đối diện với biết bao sóng gió trong sự nghiệp và cuộc sống. Như “Chân Hoàn truyện” hay “Như Ý truyện” là điển hình cho một bộ phim mô tả một kiếp sống trùng trùng sóng gió đầy phong ba bão táp chốn hậu cung, khi cả Chân Hoàn lẫn Thanh Anh từ một thiếu nữ ngây thơ trong sáng ban đầu nhập cung từng bước trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ nội tâm sâu vời vợi như đáy giếng.

Trong đời thực, bạn có thể là một người có ngoại hình bình thường, học hành làng nhàng, năng khiếu chẳng có gì nổi trội. Nhưng xuyên không vào thế giới phim ảnh, bạn có thể trở thành soái ca mỹ nữ, học bá đứng đầu trường, trở thành tổng tài bá đạo hay người sở hữu năng lực siêu phàm, biết đàn biết hát biết nhảy, chơi bất cứ môn thể thao nào cũng giỏi. Phim ảnh như một thế giới nhiệm mầu biến những ước vọng thầm kín của mọi người trở thành hiện thực, mà trong đời sống thực tế có lắm phũ phàng, đó là điều mà dẫu cho có sống hết kiếp này, mãi mãi chúng ta cũng không bao giờ thực hiện được.

Nếu sống một cuộc đời phổ thông, làm một công việc văn phòng, chơi cùng dăm ba người bạn, đi qua kiếp sống ngắn ngủi ở cõi đời này thì bạn cũng chỉ học được chừng ấy bài học cuộc đời, và thường là phải học đi học lại cho đến khi thuộc làu. Thế giới phim ảnh mang lại cho bạn cơ hội được học những bài học của người khác, biết được cái sai lầm, thất bại của người ta mà tránh phạm phải trong đường đời của mình. Ở ngoài đời, chơi với một người, bạn chỉ biết một phần bề nổi câu chuyện của họ qua những gì họ kể, chứ còn nhiều điều riêng tư thầm kín hay khó khăn thất bại họ sẽ không bao giờ chia sẻ với bạn. Nhưng với phim ảnh, bạn không cần núp gầm giường nhà người khác mà vẫn biết hết mọi thói quen sinh hoạt, mọi suy nghĩ riêng tư theo tuyến tâm lý nhân vật, mọi chuyện lớn bé to nhỏ xảy ra trong nhà họ.

Có câu “gió tầng nào mây tầng đó”, khi là một người bình thường, đa phần bạn bè của bạn cũng đều là những người bình thường. Chơi với vài người bạn, mỗi tháng đi gặp gỡ bè bạn vài lần, bạn cũng chỉ nghe ngần ấy câu chuyện quẩn quanh chuyện gia đình, con cái, hay mấy chuyện drama công sở nhạt nhẽo vô vị ở đâu cũng có. Có gặp nhau chủ yếu là để cập nhật tình hình đời sống của nhau, hay để biết tụi mình còn chơi với nhau. Chuyện vui nói lắm thì cũng nhạt, chuyện cũ nói hoài thì cũng hết, nhưng phim ảnh lại là một thế giới vô cùng tận với hàng trăm ngàn câu chuyện, hàng trăm ngàn cuộc đời mà có sống hết kiếp này bạn vẫn chưa khám phá hết. Một thư viện cuộc đời vô cùng sống động để bạn có thể bước vào đó tham khảo cuộc đời người khác bất cứ lúc nào.

Lẽ vậy, khi nghe người bạn cũ tâm sự cuộc đời bạn trong mấy năm qua nhàm chán ra sao, mình mới thấy tiếc khi bạn đã bỏ qua thú vui xem phim ngày trước. Ít nhất khi có phim ảnh, đời bạn cũng sẽ bớt vô vị đi nhiều. Nhiều người có thể cho rằng phim ảnh chỉ là phim ảnh, còn đời thực mới là cuộc đời mà chúng ta đang sống. Dĩ nhiên mình cũng không cổ vũ chuyện xem phim rồi chìm đắm trong thế giới phim ảnh mà bỏ ăn bỏ ngủ, sống trong ảo tưởng của một thế giới màu hường rồi bỏ quên đời thực. Bản thân mình cũng phải sống trọn vẹn trong đời thực trước, rồi mới xem phim ảnh như một phương tiện để làm phong phú thêm đời sống cá nhân của mình.

Ảnh: Unsplash

Nhớ lúc nhỏ, mỗi lần TV chiếu bộ phim nào hay là nhà nhà người người đều hóng tới giờ chiếu phim, thường là 12 giờ trưa hay 5 giờ chiều, rồi cả nhà quây quần ngồi xem phim thật vui. Cái cảm giác cố gắng đạp xe đi học về thật sớm để canh giờ coi phim cũng vui không kém, mà bây giờ khó tìm lại được. Những series phim dài tập, phát sóng hằng tuần trên mạng bây giờ phần nào tái tạo lại cảm giác thời thơ bé đó. Nó cho chúng ta cảm giác trông ngóng, chờ đợi hằng ngày, hằng tuần cho tới giờ khắc phim lên sóng trên mạng. Cảm giác ấy với mình là một niềm hạnh phúc, giống như bạn gieo một hạt mầm xuống đất rồi trông chờ nó mọc lên mỗi ngày cho đến khi thành hình một cái cây.

Đã bao lâu rồi chúng ta đã lãng quên đi việc chờ đợi một điều gì đó, như chờ mẹ mua quà bánh mỗi buổi đi chợ về, như chờ tới giờ TV chiếu bộ phim kiếm hiệp mà cả làng trên xóm dưới đều xem, như chờ kết quả thi vào cấp ba, như chờ điểm thi đại học, hay việc ngóng trông chờ đợi một thời bây giờ chỉ còn là chuyện chờ tin nhắn báo lương mỗi tháng?

Chúng ta có thể phải mất rất nhiều kiếp sống để học những bài học cần thiết mà linh hồn cần học để tiến hóa. Xem phim ảnh nhiều không giúp bạn đốt cháy giai đoạn đó, vì có những thứ bạn phải trải qua rồi mới nghiệm được, nó khác hoàn toàn so với việc nhìn thấy người khác trải qua. Nhưng ít nhiều thì phim ảnh như một thư viện lớn, một xấp giáo trình khổng lồ để bạn tham khảo trước kinh nghiệm sống của người khác, để từ đó đúc rút hành trang trên hành trình linh hồn của mình.

Hôm nay mình gieo một hạt mầm phim ảnh, hi vọng nó sẽ trưởng dưỡng trong lòng những người hữu duyên.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.