Hồi còn là nhà cũ chưa xây, ngoài ban công trên tầng ba nhà mình có hai cái bồn lớn trồng toàn địa lan. Lan của người chủ trước để lại, là một ông già hóm hém gần đất xa trời. Khi bán nhà còn dặn dò lại với ba mình, nhớ để tâm chăm sóc vườn lan. Ông quý lắm nhưng già cả rồi không đem theo được.
Tầng ba nhà mình không có ai ở, để làm nhà kho. Nhà mình gắn với nhiều huyền thoại rùng rợn, hồi nhỏ nghe mấy chị lớn trong xóm kể. Có một chị từng được dẫn lên tầng ba của căn nhà này chơi, tầng này có căn phòng thờ vợ ông chủ đã mất. Chị lên và bắt gặp cảnh tượng con búp bê nằm trên giường chảy máu sợ quá bỏ chạy té khói. Từ đó căn nhà luôn là một bí ẩn và nỗi kinh sợ cho tụi con nít của xóm.
Trong hai cái bồn ở hai bên ban công, cơ man không biết bao nhiêu là củ lan vùi lấp bên dưới. Có củ thì mọc ra hoa tóc tiên, có củ mọc ra loại lan như hoa ly ly, củ thì mọc ra hoa tím li ti kéo thành chùm như oải hương. Duy có một loại củ cực kì hiếm, mình chẳng biết gọi tên nó chính xác là gì, chỉ biết khi nó nở bung tròn và bùm ra một khoảng bự như pháo bông nổ trên trời đêm ba mươi Tết, đỏ rực như sắc hoa phượng. Củ này một năm chỉ nở hoa được mấy lần và chỉ lác đác mỗi bồn tầm một, hai cái, không nở đại trà như các loại còn lại. Mình chẳng phải là một nhà thực vật học, cũng không có đam mê hứng thú tới nỗi đi tìm hiểu về các loại địa lan. Chỉ biết là, cứ mỗi mùa nắng củ nằm vùi dưới đất, lá mọc lên xanh um. Sau mỗi đợt mưa rào, mần lan trỗi dậy và bung nở hoa vào một sớm mát trời nào đó, rồi le lói tàn trong mấy ngày sau.
Lan đẹp, ai cũng thích, ba mình cũng ưng. Tuy nhiên, hai bồn lan ở tít tầng ba nhà kho không ai ở, còn nhà mình chủ yếu ở dưới tầng hai. Bởi vậy, có một công việc giờ nhớ lại cũng khá buồn cười, là mỗi sáng mình sẽ phải xách xô nước đầy lên lầu tưới cây. Đổi lại mỗi tháng ba chục ngàn, tính ngày công mỗi ngày một ngàn, hồi đó với một đứa học lớp năm như mình là một số tiền khá lớn. Vậy mà cái thằng đó leo lên leo xuống mấy ngày rồi than thở ỉ ôi, từ chối công việc béo bở để ba nó tự xách tự tưới cho khỏe.
Có một thời, mình bị cuồng cây, đi mua cây cảnh về trồng và bày ra khắp ban công tầng hai. Hết treo chậu lủng lẳng trên cao rồi dàn binh bố trận trên khắp mái tôn phía trước nhà. Sáng nào cũng cầm kéo ra cắt cắt tỉa tỉa, vạch lá tìm sâu rồi nhổ cỏ bắt giun. Những ngày tháng đó nghĩ lại thật yên bình. Và không thể không kể đến sự góp mặt của mấy chậu địa lan nở hoa quanh năm suốt tháng dưới bàn tay mát rượi của mình.
Rồi lên cấp ba, học bù đầu, không có thời gian chăm sóc cho chim muông cây cảnh. Vô Đại học, nguyên dàn vườn ban công của mình đã bị triệt hạ thẳng cánh cò bay về nơi xa ấy. “Châu về hợp phố”, mấy chậu lan lại về an phận trên ban công tầng ba, nằm lăn lông lốc cùng thời gian. Mà nghĩ cũng lạ, cũng hay, có mấy cái củ bé xíu tròn tròn như củ hành tây, bỏ trong chậu chẳng có ai chăm sóc tưới nước. Cứ hứng hết cái nắng rồi cái mưa của mùa, mà nở, mà xanh tươi, mà héo úa rồi lại tươi tràn. Chẳng có ai quan tâm tới chúng, chúng cũng tự nở và tự thấy mình đẹp.
Mình gọi đó là triết lý củ lan – đẹp tự nhiên và duyên dáng, làm đẹp không phải để cho người khác nhìn, đẹp để cho mình xem và hạnh phúc khi thấy mình đẹp. Thi thoảng có mấy dịp về nhà, xốn xao chạm bước trên tầng ba, mở tung cánh cửa ám đầy bụi và mạng nhện, bất chợt lại thấy mấy củ lan hấp háy bên trời…
P/S: Từ khi xây nhà mới, tầng ba đã đẹp, vườn lan cũng không còn 🙁