Ảnh: Unsplash

Mỗi buổi sáng thức dậy, với lấy chiếc điện thoại lướt mạng xã hội để xem bạn bè quanh ta khởi đầu một ngày mới như thế nào hay tối qua ăn gì, chơi ở đâu, rồi sửa soạn đến công ty làm việc, hòa mình vào dòng người tấp nập trên đường, có bao giờ bạn tự hỏi: Nếu không có công việc này, không có khoản thu nhập này, không sống trong đô thị này, bạn sẽ là ai trong cuộc đời này?

Có bao giờ bạn lo sợ cái viễn cảnh một ngày nào đó đột nhiên bạn thất nghiệp, vì công ty phá sản, chính sách cắt giảm nhân sự hay vì một lý do nào đó, và bạn cũng không có một khoản tiết kiệm dự phòng nào cho mấy tháng nghỉ việc sắp tới, bạn sẽ sống như thế nào khi đối diện với hoàn cảnh đó?

Kể từ thời điểm chính thức bước ra trường đời, chúng ta dường như bước vào một cuộc đua không hồi kết để tìm kiếm tiền tài, danh vọng và địa vị xã hội. Giống như con chuột chạy miệt mài trong chiếc lồng chạy bộ, từ khoảnh khắc ta mở mắt ra mỗi buổi sáng cho tới khoảnh khắc ta nhắm mắt lại khi an vị trên giường ngủ, ta liên tục chạy đua không ngừng theo guồng quay cuộc sống. Nếu đột ngột chiếc lồng chạy bộ ấy dừng lại hay ta bị đánh bật ra khỏi nó, chú chuột là ta sẽ ngơ ngác giữa dòng đời khi không thể định vị được bản thân. Rốt cuộc, chúng ta chạy miệt mài như vậy, là để làm gì?

Ảnh: investorcircle

Câu chuyện của Trang

Mình gặp Trang vào năm 2017, trong một chuyến công tác đến chi nhánh của công ty (cũ) ngoài Hà Nội, ngay giữa mùa thu của thủ đô với những con đường lá bắt đầu chớm vàng và tiết trời se se lạnh, sương dày đặc vào mỗi sáng sớm. Khi đó em là cộng tác viên của công ty mình, thường lên văn phòng hỗ trợ coaching cho một số khóa học dành cho tuổi teen. Không chỉ là một cộng tác viên bình thường, em là một trong những nhân tố tham gia chương trình tuyển chọn tài năng của công ty mình ở mùa thứ hai. Từ hàng trăm CV đến từ các đại học ở hai miền Nam – Bắc, trải qua tới 4-5 vòng phỏng vấn với nhiều thử thách để chọn ra một đội ngũ hạt giống chỉ khoảng 15 bạn.

Do mình chủ yếu làm việc ở TP.HCM nên hầu như không biết nhiều bạn ở chi nhánh Hà Nội, khi đến công tác thì được các bạn tiếp đón rất nhiệt tình. Sau mấy ngày ngắn ngủi tham gia vài sự kiện ngoài ấy, đến hôm đi về thì Trang mới nhờ mình gửi giúp một món quà cho một bạn nhân viên trong Nam, nhân tiện em cũng tặng mình một món quà. Nhận được món quà ấy mình khá bất ngờ, vì tính ra mình với em không thân và cũng không nói chuyện nhiều, em bảo vì quý mình nên mới tặng quà kỷ niệm. Món quà ấy là một chú mèo nhồi bông trong bộ phim hoạt hình Chi’s Sweet Home. Sau đó, hai anh em có kết bạn trên Facebook và chỉ theo dõi nhau trên mạng chứ cũng chưa có cơ hội gặp gỡ hay nói chuyện sâu ngoài đời.

Đến tháng 5/2020, mình thấy Trang chia sẻ trên Facebook về chuyến hành trình em một mình đạp xe xuyên Việt từ Bắc tới Nam, mà điểm bắt đầu là Hà Nội. Trong ấn tượng của mình, em là một cô gái miền Bắc mỏng manh và có giọng nói rất nhẹ nhàng, nói vui thì tính cách của em bên ngoài rất “bánh bèo” nên mình khó có thể liên kết được hình ảnh cô bé ấy với một cô gái bất chấp nắng gió đạp xe ầm ầm trên đường trường. Và xuyên suốt hành trình đi dọc đất nước ấy, điều khiến mình bất ngờ hơn là em không đi theo kiểu dân phượt đi du lịch, ở lại khách sạn hay homestay nào đó, mà em khởi hành với một số tiền rất ít ỏi và xin tá túc ở nhờ nhà người dân trên đường.

Khi biết về chuyến hành trình của em, mình hẹn em một ngày nào đó sẽ gặp nhau ở Sài Gòn. Hơn hai năm trôi qua, em chỉ mới dừng chân ở Bình Thuận, chuyển từ đi xe đạp sang đi bộ được khoảng một thời gian vì chứng bệnh đau lưng, không thể đạp xe ở tư thế đó quá lâu. Em chuyển sang dùng một chiếc xe đẩy nhỏ loại tay kéo để đựng chiếc ba lô và một vài món đồ dùng cá nhân. Một chiều nọ trùng hợp khi mình đang ở Phan Thiết, thấy em check-in ở một địa điểm gần nhà mình, thế là hai anh em mới hẹn một buổi tái ngộ sau nhiều năm.

Ảnh: Facebook của Trang

Loay hoay định vị bản thân

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, tích cực tham gia các câu lạc bộ thời sinh viên, thực tập ở công ty lớn, ra trường làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, từng theo chân sếp chuyển sang một dự án giáo dục lớn để xây dựng một ngôi trường ngay từ đầu, có thể nói background của Trang hội tụ toàn những điểm sáng để có thể phát triển con đường sự nghiệp ở một đô thị lớn như Hà Nội. Đó là chưa kể bố em làm trong quân đội nên gia đình được cấp nhà ở Hà Nội, dù sinh ra ở Hải Dương nhưng phần lớn thời gian em học hành và lớn lên ở thủ đô nên cũng không khác gì một công dân đô thị. Vậy, điều gì đã khiến em từ bỏ tất cả mọi thứ đang tốt đẹp của mình để dấn thân vào một hành trình lạ đời đến thế?

Theo lời Trang tâm sự, khoảng thời gian ra trường đi làm công việc văn phòng và chuyển từ dự án này sang dự án khác, từ sâu trong lòng em cảm thấy mình đang đi không đúng đường mà có gì đó sai sai, bởi công việc và tất cả mọi thứ em đang làm vốn không phải là đam mê mà em muốn theo đuổi. Thứ em theo đuổi là lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, ví như việc làm phim hoạt hình mà em từng tham gia trong câu lạc bộ thời sinh viên. Nghĩ tới viễn cảnh mỗi sáng thức dậy đi làm và kiên trì đều đặn như vậy để lãnh lương mỗi tháng, em không thể nào tiếp tục được nữa mà muốn bứt phá ra khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy. Sau một số cuộc trò chuyện với vài người thầy và dành thời gian phản tư với chính mình, Trang quyết định sẽ thực hiện một chuyến khởi hành mà em đã luôn ấp ủ từ bé.

Ngay từ bé khi ở quê, khi được đạp xe trên những con đường làng, được hòa mình vào thiên nhiên, ngửi thấy mùi đất, mùi cỏ cây hoa lá, để cho gió vờn qua mái tóc và chảy qua vai, em rất thích cảm giác đó và luôn muốn sau này trưởng thành mình sẽ đạp xe đi khắp dọc đường đất nước để ngắm nhìn Việt Nam từ Bắc vào Nam. Nếu cứ tiếp tục sống theo cái cách em đang sống hiện tại, em sẽ bị mắc kẹt mãi trong cái vòng kim cô đô thị và chẳng thể nào thực hiện được ước mơ tấm bé, nên em đi, đơn giản chỉ vì bên trong em thôi thúc em phải đi.

Chiếc xe đạp có tên Water đồng hành cùng em trong giai đoạn đầu của chuyến đi. Ảnh: Facebook của Trang

Khởi hành với số tiền 3 triệu đồng trong túi và một ít hành lý trong ba lô, em bắt đầu đạp xe từ Hà Nội đi về phía Nam. Trải qua hơn hai năm, em đã đi qua gần 25 tỉnh thành và tá túc tại hơn 100 gia đình khắp dọc đất nước, từ những người dân bình thường cho những đồng bào dân tộc người Mường, người Ba Na, người H’Mông, người Thái, người Ê Đê, người Mạ,… ở khu vực Tây Nguyên. Có người cho em bữa ăn, có người cho em ở lại ngủ qua đêm, có những gia đình em ở lại chung sống với họ cả tuần cho tới cả tháng ròng nếu họ hiếu khách và sẵn lòng dung chứa em. Khi em rời đi, không ít cô dì chú bác hay các ngoại dúi vào tay em chút bánh trái hoa quả mang theo ăn dọc đường, hay cho em một ít lộ phí đi đường khi biết về hành trình của em.

Riêng quãng thời gian dịch bệnh bùng phát trên cả nước, em bị mắc kẹt lại ở một vài tỉnh khá lâu vì giữa các tỉnh chưa cho phép đi lại bình thường và tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân e ngại tiếp xúc với người lạ, do đó em phải ở tạm nhà nghỉ suốt mấy tháng trời và gần như tiêu hết số tiền tiết kiệm em tích lũy trong tài khoản. Khi Trang đến Phan Thiết, em kể với mình trong túi em chỉ còn vỏn vẹn 90 nghìn đồng.

Chiếc xe đẩy đồng hành cùng em trên khắp nẻo đường ở giai đoạn sau. Ảnh: Facebook của Trang

Hành trình giải phóng bản thân và tìm thấy tự do

Nếu bạn từng xem chương trình truyền hình “Lữ khách 24 giờ”, hẳn bạn không mấy xa lạ với tình huống các nghệ sĩ đi tới một tỉnh thành nào đó và xin tá túc lại nhà người dân một ngày, sinh hoạt và ăn uống chung với gia đình chủ nhà. Chuyện nghệ sĩ xin ở nhờ nhà người dân thành công cũng dễ hiểu vì họ là người của công chúng, có độ nhận diện cao và có cả ekip quay phim đi theo cùng. Nhưng đổi lại, nếu đó là một người hoàn toàn vô danh thì sao, bạn có sẵn lòng rộng cửa nhà mình để đón một vị khách lạ tới ăn uống và ngủ lại qua đêm, hay trú lại vài ngày?

Khi mình hẹn gặp Trang ở Phan Thiết, buổi chiều hôm trước em được một người dân cho ghé nhà ăn tối chung, nhưng vì ngại người lạ nên họ không thể cho em tá túc lại qua đêm mà cho em tiền để thuê nhà nghỉ. Khi dẫn em tới nhà nghỉ thuê phòng, người đàn ông trung niên 46 tuổi chốt cửa phòng lại và khóa kín cửa sổ, xong rồi ông ta bỏ dép leo lên giường ngồi, bảo em đi tắm đi. Biết sắp rơi vào một cái bẫy, dù trong lòng có đôi chút sợ hãi nhưng em vẫn bình tĩnh đối đáp và hỏi sao anh ta chưa về, em cũng nói rõ quan điểm của mình là anh giúp thì em cảm ơn chứ ngoài ra em không có ý gì khác, người đàn ông đó mới bỏ đi về. Đây không phải lần đầu tiên em gặp tình huống này mà trên suốt hành trình của mình, có khoảng hai mươi lần em từng bị người khác gạ tình như vậy.

Khi mình hỏi bình thường em xin ở nhà dân như thế nào, em bảo thực ra em không chủ ý hỏi “xin” mà là mỗi khi em đi qua một nơi nào đó, những người đi đường thấy em nên tò mò hỏi thăm, và khi biết câu chuyện cũng như chuyến hành trình của em thì họ là người chủ động mời em về nhà ăn cơm hay cho em ở lại một thời gian. Mọi thứ đều xảy đến một cách tự nhiên như vậy. Có lần em từng ghé ở nhà hai vợ chồng một chủ quán nhậu nọ, hai người mới bảo em ở lại làm nhân viên phụ quán cho họ và sẽ trả lương cho em. Nhưng khi ở một thời gian, mối quan hệ chuyển từ chủ-khách sang chủ-tớ và bị gò bó ràng buộc nhiều thứ, thế là em quyết định từ biệt để tiếp tục chuyến hành trình dù cô chú hết mực nài nỉ em ở lại.

Ảnh: Facebook của Trang

Đối với Trang, mọi chuyện xảy ra trên đường, dù là thuận lợi hay bất xứng ý, đều là những trải nghiệm mà tạo hóa đã dày công thiết kế và thử thách em. Từ những con dốc cao và dài trên cung đường để thử thách sức bền cho đến những góc hẹp nhọn sắc trong trái tim con người, rồi cả những lần cơ thể bị đau mỏi, bị dị ứng, gặp phải vấn đề tiêu hóa, v.v. đều là những điều giúp em học tập về sâu thẳm cội nguồn bản thân mình. Em đi với một hành trang nhẹ tênh và rũ bỏ mọi thứ lại sau lưng, cũng như cái tên “Không Màu” em chọn trên Facebook và việc em để các bài viết chia sẻ về chuyến hành trình ở chế độ bạn bè, đơn giản là em chỉ muốn ẩn danh chứ không muốn bố cáo với cả thiên hạ chuyện mình đang làm. Em đi không phải để trở thành một cái gì đó cao siêu, một con người vĩ đại như các nhà sư tam bộ nhất bái cầu nguyện hòa bình cho thế giới, mà em đi chỉ đơn giản là vì em muốn giải phóng bản thân và tìm thấy tự do trong sự hòa mình vào mẹ thiên nhiên.

Trên hành trình này, bài học lớn nhất mà em phải học liên tục là lòng can đảm để dấn thân về phía trước, để tiếp tục hành trình mà không nản lòng bỏ cuộc giữa chừng, cũng như để đối diện với những gai góc trong cuộc đời. Nhiều người từng hỏi: Bao giờ thì em đi xong? Với Trang, đây không phải là một chuyến đi cho xong mà đây chính là cuộc sống em lựa chọn, và bản thân em cũng không biết ngày nào nó sẽ kết thúc. Tháng 7/2022, em chỉ mới dừng chân ở Phan Thiết, dự kiến 2 năm nữa em sẽ đến đất mũi Cà Mau, rồi sau đó vòng ngược về lại để đi các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc mà em chưa đi. Hành trình đi bộ khắp Việt Nam của Trang, có lẽ sẽ còn kéo dài 6-7 năm tới. Mình có hỏi Trang kết thúc chuyến đi khắp Việt Nam này, em dự định sẽ làm gì? Trang bảo em muốn sang châu Phi để dạy học, dạy nhảy và chơi đùa cùng trẻ em bản xứ.

Khi biết về câu chuyện của Trang, có thể một người trẻ như chúng ta sẽ thấy ngưỡng mộ và trầm trồ thán phục về lựa chọn của em. Nhưng với những người lớn hơn ở thế hệ trước, họ có thể cay nghiệt nói rằng em có vấn đề về thần kinh hay bị hâm, dở người thì mới lựa chọn như thế, vì “người bình thường thì chẳng ai làm vậy”. Trong khá nhiều nơi em từng trú chân lại, không ít người cảm thấy kỳ quặc và khó hiểu trước chuyến đi của em, họ không biết em đang tìm kiếm điều gì và tại sao phải cực khổ như vậy, bởi đối với họ niềm vui hay hạnh phúc trong cuộc sống chỉ đơn giản là có một công việc ổn định và kiếm được tiền.

Một cách vô tình, mình bấm vào xem một tấm ảnh cũ của em vào hai năm trước (2020), khi em mới bắt đầu chuyến đi, trong đó có bình luận của một người mà xem thông tin thì mình biết đó là mẹ em. Lời bình luận đại ý rằng mẹ van nài và xin em hãy sống như bình thường, rằng cả đời bố mẹ em vất vả chỉ mong có ngày nhìn thấy con mình sinh ra trưởng thành, hạnh phúc chứ chẳng ai muốn thấy con mình hành xác vất vả như thế. Mình không rõ em có đọc được lời bình luận ấy không (vì nó được đăng dưới hình em được tag vào), nhưng thử thách mà em từng phải đối diện ở cửa ải gia đình, hẳn cũng có nhiều gian nan không kém mà người ngoài cuộc như mình không thể nào hiểu hết được. Bản thân em cũng tự nhận, có một đứa con gái như em là thử thách rất lớn đối với bố mẹ em.

“Trưởng thành” và “hạnh phúc” trong quan niệm của thế hệ trước đơn giản chỉ là con cái ra tốt nghiệp ra trường thì có công ăn việc làm ổn định, sau đó vài năm thì lập gia đình rồi an cư lạc nghiệp, chăm lo vun vén cho đời sống gia đình. Nhưng đối với những người như Trang hay chúng ta, một cuộc sống với quỹ đạo mặc định như thế liệu có khiến bạn cảm thấy “trưởng thành” và “hạnh phúc”? Mình không nghĩ những năm tháng mài mòn ghế văn phòng hay trở thành một bà mẹ bỉm sữa sẽ cho Trang nhiều trải nghiệm và bài học sâu sắc như chuyến hành trình đi khắp Việt Nam của em ấy – có thể nói đó là một chuyến đi của đời người, một điều mà phải dũng cảm và can đảm lắm chúng ta mới dám làm trong cuộc sống hiện đại.

Ảnh: Facebook của Trang

Ai trong chúng ta cũng mang trong mình rất nhiều nỗi sợ. Sự gắn kết cố hữu vào một công việc, một sự nghiệp hay một khoản thu nhập hằng tháng đem lại cho chúng ta cảm giác an toàn. Nhưng bạn có từng bao giờ dừng lại để tự hỏi bản thân: Nếu gác bỏ lại hết những nhãn mác người đời thường dán lên chúng ta, ta sẽ là ai và ta thật sự muốn làm gì trong cuộc đời này? Rốt cuộc, chúng ta có đang sống tự do và hạnh phúc? Rốt cuộc, chúng ta có đang trở thành con người mà mình muốn trở thành?

Mình xin kết lại câu chuyện của Trang bằng đôi dòng thơ em tự viết:

“Hãy tự đi, tự làm người thầy của chính mình.
Hãy tin tưởng vào con người cao quý ẩn sâu trong bạn.
Hãy để cho nó có không gian lên tiếng,
Đừng vội tìm đến và cả đời chỉ dành để ngưỡng mộ những người khác.
Phải tự trải nghiệm mới có thể hiểu, ta không thể nhìn đời qua đôi mắt của kẻ khác.

Không ai biết ngày mai thế nào,
Nhưng còn sống là còn chu du,
Chu du vào bên trong,
Để Học.

Tình nguyện, làm một cánh chim không để lại dấu vết”

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

1 bình luận

  1. Mình đã khóc đi đọc hành trình của Trang! Hành trình tìm về con người mà mình muốn trở thành!

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.