
Trong nhiều cuốn sách mình biên tập, mỗi khi nói đến những áp lực chốn công sở, có một từ tiếng Anh thường được các tác giả sử dụng: treadmill. Nghĩa đen là cái máy chạy bộ, còn nghĩa bóng chỉ những công việc đơn điệu lặp đi lặp lại đến nhàm chán và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi đến kiệt sức. Giống như chiếc máy chạy bộ, một khi bạn đã bước lên máy và bấm nút chạy, nó sẽ liên tục chạy mải chạy miết không có hồi kết – áp lực công việc cũng là một dạng guồng quay bất tận không dừng, một khi đã bị cuốn vào rồi thì rất khó thoát ra được.
Dĩ nhiên mỗi chúng ta ai cũng có quyền chủ động để quyết định bấm nút dừng và bước xuống khỏi chiếc máy chạy bộ ấy bất cứ khi nào. Nhưng khi nhìn ra xung quanh, thấy rất nhiều bạn bè cùng trang lứa đang nỗ lực bỏ công bỏ sức miệt mài chạy không ngừng để tiến xa hơn, bao nhiêu người trong chúng ta dám bình thản an nhiên bấm nút dừng để bị chững lại và tụt lại phía sau?

Một tinh thần mệt mỏi, một thân xác rã rời
Mình quen biết Hân từ khi em còn là một sinh viên chuyên ngành Ngôn ngữ Nhật, mà mình là mentor hướng dẫn em trong một chương trình nọ. Em vẫn giữ liên lạc với mình qua những email hay tin nhắn tâm sự về những vấn đề trong cuộc sống nên mình mới có cơ hội dõi theo hành trình của em từ khi em còn là sinh viên cho tới lúc cứng cáp ra đời. Khi mới ra trường, nhờ thành tích phỏng vấn tốt mà Hân được nhận vào một công ty IT lớn chuyên làm việc với các đối tác Nhật Bản. Khoảnh khắc em ngồi xuống chiếc ghế và cái bàn làm việc của riêng mình trong một công ty lớn, trong em vỡ òa cảm xúc sung sướng vì ước mơ bấy lâu nay của mình cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực.
Ngay từ khi mới vào nghề, em đã đặt mục tiêu trong 5 năm tới mình sẽ trở thành một Brse thực thụ (Bridge Software Engineer) – chức danh chỉ kỹ sư cầu nối trong các công ty IT, người theo một dự án từ đầu đến cuối và giám sát mọi đầu việc. Với tâm thế của một người học việc, những tháng ngày đầu tiên em phải cố gắng làm việc rất nhiều vì có quá nhiều kiến thức mới mẻ em chưa hề biết và thường phải ở lại công ty rất khuya. Quãng thời gian đó em không thấy mệt, cũng không thấy vất vả mà xem đó là cơ hội để mình học tập.
Lúc Hân mới vào làm thì cũng là thời kỳ công ty này ở giai đoạn đỉnh cao, nhận được nhiều dự án và nhiều đầu tư, được thực hiện những công nghệ mới nhất trên thế giới. Trong vòng xoáy công việc, em như chìm đắm trong thế giới công nghệ khi trải nghiệm thành quả từ các dự án của công ty. Ví dụ như thực tế ảo, em có thể thấy mình bước đi trên mặt sông gợn sóng lấp lánh ánh bạc, xuyên không đi trên sa mạc hay thậm chí nhìn thấy cả dải Ngân hà xuyên qua người mình,… Cảm giác đó tuyệt vời và quá chân thực, khiến em ngày càng ngưỡng mộ đội ngũ nhân sự và công ty của mình nhiều hơn.
Trong một môi trường hội tụ toàn những nhân tài đến từ khắp mọi nơi trên thế giới, Hân được cọ xát liên tục trong nhiều dự án và ngày càng trưởng thành hơn. Thấm thoát cũng 3-4 năm trôi qua, em vẫn trung thành với công ty đó kể từ khi ra trường, khối lượng công việc ngày càng nhiều và áp lực cũng ngày lớn. Nhưng công việc cũng ngày một bào mòn sức lực của em khi ngày nào em cũng phải OT tới 1-2 giờ sáng, tới hôm sau thì em phải nốc tới ba cữ cà phê sáng-trưa-chiều thì mới đủ tỉnh táo để làm việc. Em nói với mình rằng trong thế giới của em thì ai cũng vậy cả, càng đảm nhiệm vai trò quan trọng thì công sức lại phải bỏ ra gấp nhiều lần. Thứ em sợ duy nhất chỉ là tuổi trẻ mình không cố gắng được như họ thì về già em không có gì gọi là thành tựu trong đời.

Mọi xáo trộn trong sự nghiệp đi làm của em xảy đến khi cấp trên mời một vài vị giám đốc từ tập đoàn khác về và cơ cấu lại tổ chức. Họ thực hành chiến lược “chia để trị”, phân đội ngũ cũ ra thành nhiều phòng ban nhỏ và gây ra sự xung đột chức năng về lợi ích giữa các bên. Bị cuốn vào trò chơi chính trị công sở, em trở thành nạn nhân khi lựa chọn trung lập thay vì đứng về một phe phái nào đó giữa team Nhật và team nhà. Dần dà, em bị chính team nhà ghét ra mặt và tẩy chay, bị đổ cho nhiều tội không đáng và bị ép phải làm nhiều việc vượt quá sức mình. Suốt quãng thời gian ấy, em thường trốn trên sân thượng của tòa nhà hay góc cầu thang thoát hiểm để ngồi khóc, em stress đến mức như một người vô hồn – lặng lẽ làm việc, lặng lẽ chịu đựng, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra mình ổn.
Từ một cô gái trẻ đầy ước mơ, hoài bão và khát vọng ban đầu, em dần đánh mất đi động lực của mình, mất đi ước muốn trở thành một ai đó, mất đi khao khát đạt đến một vị trí nào đó. Em bắt đầu những ngày tháng làm việc như một cỗ máy, không còn thèm quan tâm công ty trả mình bao nhiêu, có thấp hơn mặt bằng chung hay không, hay công ty có đang bóc lột mình hay không,… Em trở nên căm ghét công việc và căm ghét chính bản thân mình. Em cứ lao đầu chạy điên cuồng trên chiếc máy chạy bộ ấy mà chưa bao giờ tự hỏi bản thân: Vì sao mình cứ cắm đầu mà chạy như vậy?
Rốt cuộc, khi tự nhìn lại mình trong gương, chính em còn phải giật mình và tự hỏi bản thân đã tự hủy hoại mình như vậy từ lúc nào. Đó cũng là thời khắc em quyết định rời khỏi công ty đó với một tinh thần mệt mỏi và một thân xác rã rời.

Sóng ở trong lòng: Vui rồi hết vui
Theo chân một vị sếp cũ đã nghỉ, Hân chuyển sang công ty startup mới do vị sếp đó đầu tư và thử sức ở một vai trò mới khác với chuyên môn cũ nhưng vẫn trong lĩnh vực công nghệ. Ở vai trò mới, từ một người từng bận rộn chạy như con thoi, giờ đây bỗng dưng em lại rảnh rỗi một cách bất thường. Em không còn là một cỗ máy làm việc 24/7, lúc nào cũng phải mang laptop và điện thoại sát bên người, không cần phải kiểm tra tin nhắn liên tục chỉ vì sợ trả lời đối tác chậm 5 phút. Em không còn phải thức khuya chạy dự án cùng đồng nghiệp tới 3, 4 giờ sáng để rồi sáng sớm hôm sau bị sếp chê bai đủ thứ. Em cũng không còn đối mặt với trò chơi chính trị công sở vớ vẩn của cấp lãnh đạo bên trên.
Vấn đề sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của em cũng dần được cải thiện. Các triệu chứng bệnh công sở của em trước đây như đau lưng, mỏi cổ, mỏi mắt, đau đầu thường xuyên cũng không còn xuất hiện. Bởi lẽ ở đây em không có quá nhiều áp lực, không phải suy nghĩ nhiều và cũng không còn đeo mang quả tạ nào trong lòng, tới mức em còn khó tin chuyện có ngày mình lại rảnh rỗi đến thế. Mỗi ngày đi làm của em đều tràn ngập tiếng cười, được học nhiều thứ mới mẻ và có nhiều không gian để phát triển trong sự nghiệp hơn. Thế nhưng, khi sống trong niềm vui như thế một thời gian, em lại cảm thấy dần mất vui.
Công ty mới vốn dĩ là một công ty startup nên quy mô nhỏ hơn công ty cũ của em rất nhiều. Vì công ty theo khuynh hướng thuần Nhật nên cơ sở vật chất cũng kém xa công ty cũ. Ở công ty cũ, vì là công ty lớn nên họ rất chăm chút cho không gian và sự thoải mái của nhân viên, từ chiếc ghế ngồi thoải mái cho tới chất lượng bữa ăn, cà phê, teabreak hay bài trí cây cảnh, khu giải trí ngay trong văn phòng, chưa kể một loạt đãi ngộ khác kèm theo. Khi sang làm công ty mới một thời gian, Hân bắt đầu so sánh mọi thứ với công ty cũ, từ chiếc ghế em ngồi không thoải mái tới chuyện công ty không có không gian riêng tư cho nhân viên làm việc rồi tới chuyện mỗi ngày phải chấm công bằng vân tay. Ngay cả đồng nghiệp ở công ty mới cũng thiếu chuyên nghiệp và thiếu tế nhị hơn công ty cũ như nói chuyện quá ồn ào, quá để tâm đến chuyện riêng của người khác,…

Khi tiếp nhận và làm quen với nghiệp vụ mới, Hân mới nhận ra nó có chút không phù hợp với em vì những công việc ấy mang tính chất lặp đi lặp lại theo lộ trình cố định. Không còn có chuyện em sẽ ngồi cùng team thảo luận hay suy nghĩ vắt óc để giải quyết một vấn đề nào đó trên hệ thống, chạy theo một yêu cầu bốc đồng nào đó của khách hàng thâu đêm suốt sáng. Cái cảm giác được sử dụng chất xám của mình và cảm nhận tinh thần đồng đội hoàn toàn không có ở công việc mới. Điều này khiến cho Hân cảm thấy chết trong lòng một ít, vì công việc không có quá nhiều sức sống để em phát huy toàn bộ khả năng.
Chỉ qua một thời gian ngắn, em được sếp cất nhắc lên vị trí quản lý và thông báo này làm dậy sóng toàn công ty, bởi lẽ một khi em lên vị trí ấy cũng đồng nghĩa thay thế bạn quản lý hiện tại vốn làm lâu hơn em. Ngay sau đó, cả công ty đều tỏ thái độ ra mặt với em, ngạc nhiên có, chán ghét có, xem thường có,… Mọi người ai cũng quan tâm đến người bị mất chức và ghét bỏ em, cho rằng em đi cửa sau vì mối quan hệ với sếp. Mỗi ngày đến công ty, em có cảm tưởng như mình đi nhầm chỗ vì mọi người vờ như không nghe thấy em đang nói hay cần trao đổi gì đó.
Khi bị sếp đặt vào thế khó như vậy, em không chỉ bực sếp mà còn bực với bản thân. Em đã từng làm một công ty lớn có tới vài trăm người, ở đó chức danh hay vị trí không có gì to tát, dù là manager hay leader thì đều được xem như một thành viên trong team và cần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Hầu hết mọi người ở đó đi làm vì một mục tiêu chung, tinh thần teamwork rất tốt. Tại sao em lại từ bỏ hết tất cả những thứ tốt đẹp mình từng có để đến đây, làm ở một công ty nhỏ hơn để rồi phải chịu sự đối xử tệ hại như thế này, khi nguyên cả công ty này gộp lại chỉ bằng một team nhỏ ở công ty trước của em?

Lớn lên rồi cái gì cũng có, chỉ không có hạnh phúc
Khi đối mặt với mớ hỗn độn phát sinh từ công việc mới, vốn dĩ ban đầu đó là một bước chuyển tiếp để Hân tìm lại điểm cân bằng trong công việc và cuộc sống, nhưng cuối cùng em lại chới với và chênh vênh ở cái nơi em từng thấy rất vui và thoải mái. Em trốn chạy khỏi một chiếc hố để rồi lại sụp xuống một chiếc hố khác và tự vấn bản thân tại sao em lại từ bỏ chiếc hố cũ? Thật ngược tâm mà cũng thật ngược đời! Câu chuyện của Hân có lẽ cũng là điều mà nhiều bạn trẻ khi bước vào đời đều từng trải qua, có thể bạn sẽ có chút cảm khái vì đồng cảnh ngộ, khi bạn cũng nhảy việc từ nơi này tới nơi khác nhưng lại không tìm thấy đâu là nơi hoàn hảo nhất mà còn có phần nuối tiếc nơi mình đã nghỉ. Nhưng căn bản làm gì có cái gọi là nơi làm việc hoàn hảo?
Một buổi sáng cuối tuần, Hân ngồi ngẩn ngơ trên ban công chung cư nhìn xuống vạt nắng xiên qua bụi bông giấy đối diện bên nhà hàng xóm, cảm giác đó rất hạnh phúc. Bởi nó làm em nhớ tới đoạn hồi ức đẹp lúc nhỏ, khi em cùng đám bạn chơi đồ hàng dưới bụi bông giấy trước hiên nhà, nhặt hoa nấu đồ ăn, nhặt lá làm tiền trao đổi với nhau. Hồi nhỏ không có cái gì, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc, cuộc sống còn khổ hơn hiện tại gấp trăm lần nhưng em chưa bao giờ thấy khổ.
Lớn lên rồi cái gì cũng có, nhưng lại không có hạnh phúc mà chỉ cảm thấy khổ sở, mệt nhọc cả thân và tâm. Rốt cuộc quanh đi quẩn lại cũng là chuyện vì tiền tài danh lợi mà ép bản thân làm điều mình không thích, trói buộc vào một công việc, một chỗ làm, mất đi sự tự do. Cầm thì nặng nhưng lại không bỏ xuống được. Lo sợ mất mát đủ thứ thì mình không đứng vững được trong xã hội. Sợ mình ngã thì người ta cười. Sợ mình nghèo thì người ta khinh. Sợ mình không có gì thì người ta xem thường. Rốt cuộc điều làm mình hạnh phúc có khi lại đơn giản nhẹ nhàng như vạt nắng xiên qua bụi bông giấy trước hiên nhà.

Khi cảm thái được điều này, Hân cũng chia sẻ với mình rằng em đã quyết định nghỉ việc và nộp đơn xin nghỉ chính thức rồi. Em dự định nghỉ tầm một năm để cho mình thời gian đi đây đi đó, cho mình có cơ hội được yêu đời đôi chút, cho mình nhìn lại bản thân trong suốt hành trình vừa qua. Đối với cái cục rối như tơ vò hiện tại, đâu có ai ép uổng em ngồi gỡ đâu mà em phải mắc kẹt ở đó để gỡ? Em tự lên một kế hoạch training cho bản thân trong vòng một năm tới cho đến khi quay lại nghề cũ, như đăng ký đi học một số khóa học chuyên môn, mở rộng mối quan hệ với những anh chị có tên tuổi trong ngành, hay luyện thêm tiếng Anh để trao đổi với đối tác nước ngoài bên cạnh vốn tiếng Nhật,…
Có rất nhiều bạn mình biết không có đủ can đảm giống như Hân. Đa số khi nghỉ một công việc liền vội vàng nộp đơn ứng tuyển để nhảy ngay sang một công việc khác vì họ đã quen guồng quay liên tục trên chiếc máy chạy bộ. Ngay cả khi thân tâm rã rời và kiệt sức, họ vẫn không đủ dũng khí để bấm nút dừng và bước xuống chiếc máy chạy bộ đó vì ma lực của lương tháng hay áp lực đồng trang lứa, và ti tỉ lý do khác. Thực ra, bạn không cần phải gap year hẳn một năm nếu không có đủ dũng khí và khoản tiết kiệm để dành, nhưng bạn hoàn toàn có thể gap nửa năm hay 2-3 tháng. Hãy xem như bạn tự thưởng cho bản thân một kỳ nghỉ hè dài ở tuổi trưởng thành để sạc lại năng lượng cho đầy bình và làm những điều mình muốn làm nhưng trước giờ bận rộn không có thời gian làm.
Con người chúng ta, khi chịu đựng đủ đau khổ rồi thì người ta mới biết đi kiếm tìm hạnh phúc. Nếu không có đau khổ, chúng ta sẽ không có động lực hay thôi thúc để đi tìm hạnh phúc. Lựa chọn chạy tiếp hay bước xuống chiếc máy chạy bộ vô hình ấy, cuối cùng vẫn là ở bạn.
2 bình luận
A Job is a Job
“Another day breaks, you pour out of bed.
Not a minute awake and in creeps the dread.
The dread of the world waiting outside your door
With its deadlines, appointments, its meetings, its chores!
You feel uninspired as you sit in your cube.
A few minutes of joy watching cat clips on YouTube.
When you’re colleagues ask a friendly “How do you do?”
You simply say “Fine”, but you’d like to say “Blue”.
You say to yourself, that’s the way it must be.
There’s duties and schedules, and your kid’s dentist fees.
A job is a job and a job must be done!
There’s no time to sit around and simply have fun!
So you slumpity-slump your way through each day.
And you gripe, and you type, as you labor away.
Now, this will not do. No, this simply won’t do!
Who’s running this show, here? It’s you, my dear, you!
It’s time to start asking what do you want to do?
Plan some time for yourself, two, three hours a day.
Leave your smartphone at home – go out and play.
Why have we stopped playing? How silly, how wrong!
To think growing up means being earnest all day long.
Remember, you liked to go out and dance?
You once played guitar in that weird indie band.
Or painting, whatever did happen to that?
Strange how all of those passions fell flat.
Now, a job is a job, and a job must be done.
But a you is a you, and you must also have fun.
So take a week off, one, or two, six, or eight!
This is your mental health – and that simply can’t wait.
But wait! It’s not easy when money is tight.
That’s true, but you can still take that art course at night.
If risks aren’t your thing, work part-time for a while.
In your new found free time, do things that make you smile.
Sure there’s bosses, and partners, and clients to whoo.
But in the grand scheme of things, you’re working for you.
And if they don’t get it – that self-care must be.
Well then, good riddance, there’s other job-fish in the sea!
Taking care of yourself is the first job of all.
If you don’t work at that, soon you’ll have no job at all.
So, eat a grand meal, sing a song, learn Malay.
Not just once in a while – do these things every day.
Yes, a job is a job and a job must be done.
But taking care of yourself is job Number One”
Cảm ơn anh Giang đã chia sẻ, một bài thơ rất thú vị và ý nghĩa 😀