Khoảng ba năm trước đây, mình từng ấp ủ viết một series theo kiểu chân dung nhân vật với hình thức phỏng vấn theo kiểu hỏi – đáp như các tuyến bài phỏng vấn thường thấy trên tạp chí. Nhân vật ở đây không phải là những người nổi tiếng hay có thành tích hết sức nổi trội, mà chỉ là những người bạn bình thường trong cuộc sống của mình, là những người mình quen biết nhưng ở họ có một câu chuyện hay ho, thú vị nào đó.
Đôi khi sự hiện diện của một người trong cuộc đời bạn, dù chỉ là thoáng qua hay gắn kết lâu dài, là để mở mang cho bạn thêm một góc nhìn mới hay giúp bạn nhận ra một bài học nào đó. Mình luôn xem những người xung quanh mình như một vị thầy, mà ở họ luôn có điều gì đó để mình học được cũng như soi rọi lại chính mình. Nếu bạn sẵn lòng làm học trò, có hằng hà sa số vị thầy sẽ xuất hiện xung quanh bạn, chứ không cần phải lặn lội tìm cầu đâu xa.
Động lực khởi xướng series này là bản thân mình muốn kết nối sâu sắc hơn với những người mình quen biết, có hảo cảm tốt, nhưng chưa có dịp nào đó để cả hai ngồi xuống “đàm đạo” nói chuyện sâu. Chúng ta có thể trò chuyện xã giao hay tán gẫu với bạn bè mỗi ngày rất nhiều trên mạng, nhưng hiếm khi nào chúng ta thật sự dành thời gian chất lượng cho nhau để trò chuyện về những điều sâu sắc và ý nghĩa hơn trong đời.
Nói là làm, mình hẹn một người bạn cũ đã lâu không gặp ra một quán cafe ở đường sách để nói chuyện cuối tuần, thậm chí mình còn đem cả máy ảnh để dự tính xin chụp ảnh chân dung của bạn làm tư liệu cho bài viết, y như một bài phỏng vấn nhân vật chuyên nghiệp mà dân học Báo chí như mình từng được đào tạo. Chưa kể, mình còn đem cả chiếc máy ghi âm mua thời sinh viên theo để tính ghi âm lại cuộc trò chuyện và về rã băng phỏng vấn viết bài. Vì thực tế nếu chỉ trò chuyện đơn thuần, trí nhớ của bạn sẽ không đủ tốt để trích dẫn lại chính xác lời nhân vật đã nói.
Chuẩn bị bài bản chuyên nghiệp là thế đấy, cuối cùng khi ra gặp bạn thì bạn bảo “Thôi đừng có ghi âm nha!”, bởi bạn thấy không thoải mái khi nói chuyện mà bị ghi âm như vậy, dù cả hai chẳng nói chuyện chính trị nhạy cảm gì. Thật sự nếu đổi ngược vị trí là mình, mình cũng thấy không thoải mái với một chiếc máy ghi âm nằm chễm chệ trên bàn như thế. Nó tạo một rào cản tâm lý rất lớn và làm cho cuộc nói chuyện không còn diễn ra theo cách tự nhiên, và nhân vật nhiều khả năng sẽ lựa lời mà nói nếu biết mình đang phỏng vấn bạn để viết bài. Thế là mình đành cất chiếc máy ghi âm vào túi, và nhân tiện cũng “dẹp tiệm” luôn series này khi nó còn chưa kịp lên sóng tập nào.
Bẵng đi tới ba năm sau, mình có thời gian sống chậm và gặp gỡ một số người thú vị, với những câu chuyện hay ho mà mình nghĩ chúng nên được ghi lại ở một góc nào đó trên núi Tà Lơn để lưu dấu những người mình đã gặp, những câu chuyện mình đã nghe. Và series Trò Chuyện Cùng Người Hướng Nội một lần nữa được khởi động lại.
Tại sao là trò chuyện cùng người hướng nội?
Người hướng nội ở đây không phải khách thể – những vị khách cùng mình trò chuyện, mà chỉ về chủ thể là mình – một người hướng nội. Thế trò chuyện với người hướng nội có khác gì với người hướng ngoại?
Ở một thủ phủ ngập tràn tiệm cafe như Sài Gòn, có lẽ lời từ chối mình nói nhiều nhất với người khác là cho những lời hẹn rủ rê mình đi cafe, đặc biệt là với những người mới quen. Là một người hướng nội, mình thật sự không thoải mái khi trò chuyện với một người lạ, ở một không gian xa lạ, và cùng nhau ngồi nói chuyện khi cả hai chưa có nhiều quen biết và mối giao kết với nhau trước đó. Dĩ nhiên ở góc nhìn của người hướng ngoại, họ sẽ bảo không biết không thân thì mới phải nói chuyện để thân nhau hơn chứ. Nhưng với mình, những cuộc nói chuyện như vậy chỉ mang tính chất xã giao và khá hời hợt, nhất là với những người còn không có kỹ năng nói chuyện.
Một cuộc nói chuyện lý tưởng với mình là một cuộc nói chuyện sâu, trong đó cả hai bên đều biết rõ về tính cách của nhau để không phải quá dè dặt hoặc đề phòng, hoặc nếu chưa rõ thì phải trò chuyện làm sao để thấu hiểu tính cách của đối phương trước vì đó là nền tảng căn bản. Sau đó cả hai mới có thể đi đến trò chuyện về những chủ đề sâu hơn mà cả hai có chung mối quan tâm. Trong một cuộc nói chuyện sâu, bạn không nhất thiết phải có cùng góc nhìn hay quan điểm với đối phương, đôi khi quan điểm của bạn trái ngược hay mâu thuẫn với họ. Nhưng nếu có sự đồng điệu, cả hai sẽ làm đầy phần khuyết của nhau và bổ sung cho nhau những góc nhìn mới mẻ một cách rất ôn hòa chứ không phải tranh cãi gay gắt.
Có những cuộc trò chuyện kéo dài cả buổi trời, nhiều khi nói xong bạn vẫn không biết hay không hiểu gì về đối phương. Có những cuộc trò chuyện chỉ diễn ra trong vài tiếng ngắn ngủi, nhưng bạn cảm tưởng như thể cả hai đã thân nhau mấy kiếp.
Rút kinh nghiệm từ sai lầm lần trước, mình không có chủ đích tiếp cận nhân vật và mời họ tham gia phỏng vấn, cũng như không ghi âm lại cuộc trò chuyện. Series này sẽ không diễn ra theo cách mình đã hình dung trước đó. Mà thực tế nó chỉ đơn giản là những câu chuyện có thật, từ những con người có thật mình gặp gỡ và nói chuyện sâu, được tường thuật lại từ góc nhìn và trải nghiệm của mình. Qua câu chuyện của mỗi nhân vật, mình cũng phản tư về chính mình và có những bình luận, mở rộng thêm vấn đề. Mỗi nhân vật không chỉ là một cá nhân cụ thể mà còn đại diện cho một kiểu mẫu, một vấn đề nào đó mà ai trong chúng ta rồi cũng phải đối mặt trong đời.
Mong rằng khi khởi sự với dự án nhỏ này, cuộc đời cũng sẽ đưa đường dẫn lối cho mình đủ duyên để được gặp thêm nhiều người thú vị, được nghe thêm nhiều câu chuyện hay ho.