Hôm nọ trò chuyện với một cô em về phim ảnh, em có nhận xét rằng tiêu chuẩn xem phim của mình sao khó quá. Như em xem phim chỉ đơn thuần là giải trí, còn tiêu chí chọn phim của mình thì diễn viên phải vừa đẹp vừa thuộc phái thực lực, nội dung phải nhân văn sâu sắc, bối cảnh và phục trang phải được đầu tư chỉn chu bài bản. Để thỏa được hết những tiêu chí này thì thực tế không có quá nhiều bộ phim như vậy khi đa số đều chạy theo tiến độ sản xuất hoặc theo mức độ nổi tiếng của diễn viên. Chính vì vậy, mình mới hiếm khi viết review phim dù cũng có một số bạn hay hỏi vì sao không thấy mình review phim mới. Sau bộ cổ trang Thiếu niên ca hành quá xuất sắc đầu năm nay, đến tận giữa năm mình mới tìm thấy một bộ cổ trang hay để xem tiếp – Trường Phong Độ.
Tác phẩm Trường Phong Độ được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mặc Thư Bạch với sự tham gia diễn xuất của cặp đôi diễn viên trẻ là Bạch Kính Đình (vai Cố Cửu Tư) và Tống Dật (vai Liễu Ngọc Như). Điểm neo đầu tiên khiến mình quyết định xem Trường Phong Độ là vì bối cảnh trong phim được đầu tư hết sức mãn nhãn, xem mấy đoạn teaser về phim mà khán giả đã thấy choáng ngợp với những đại cảnh hoành tráng và nước màu phim quá đẹp không khác gì phim điện ảnh. Xem rồi mới biết hóa ra đạo diễn của phim cũng chính là Doãn Đào – đạo diễn của bộ Thiếu niên ca hành – nên với người đã xem bộ trước như mình mới có cảm giác quen thuộc đến thế. Chưa kể, bạn nào là fan của Thiếu niên ca hành thì sẽ được gặp lại gần như nguyên dàn diễn viên của phim bên đây, giống như một cuộc hóa kiếp từ thời này sang thời khác.
Oan gia ngõ hẹp
Trường Phong Độ bắt đầu với một mô-típ khá quen thuộc trong truyền hình – oan gia ngõ hẹp và cưới trước yêu sau. Nữ chính Liễu Ngọc Như vốn là trưởng nữ của một nhà buôn vải ở thành Dương Châu, luôn xem trọng những chuyện lễ nghi phép tắc mà phụ nữ thời bấy giờ phải tuân thủ. Gia đình bên ngoại của Ngọc Như lúc trước cũng là gia đình quan lại quý tộc, nhưng về sau bị sa cơ thất thế nên mẹ của cô cũng bị người cha bạc đãi, hắt hủi khi ông lấy vợ kế và người vợ kế này nắm hết mọi quyền hành trong nhà. Ngay từ nhỏ, Ngọc Như đã phải chịu nhiều ấm ức khi sống cùng cha và người mẹ kế, mọi sự quan tâm lo lắng của họ đều dành cho những đứa em kế của Ngọc Như, còn hai mẹ con cô thì bị đối xử hết sức tệ bạc như người ăn kẻ ở trong nhà.
Gia đình Liễu thị của Ngọc Như vốn có mối giao hảo tốt với Diệp gia là một sĩ tộc lớn ở Dương Châu được rất nhiều người trọng vọng. Từ tấm bé, Ngọc Như đã là tỷ muội thân thiết với Diệp Vận là khuê nữ của nhà họ Diệp và từ lâu cô đã thầm thương trộm nhớ Diệp Thế An là anh trai của Diệp Vận. Suốt cả thanh xuân của mình, Liễu Ngọc Như đã dành không biết bao nhiêu tâm sức trau dồi phẩm hạnh và lễ nghi chỉ để được lọt vào mắt xanh của nhà họ Diệp. Khi mong ước bao lâu nay của Ngọc Như cuối cùng cũng được thỏa nguyện – Diệp gia tìm bà mai tới hỏi cưới cô cho Diệp Thế An – thì đùng một phát, danh tiếng của cô bị hủy hoại trong tay Cố Cửu Tư – một công tử ăn chơi trác táng nổi tiếng khắp thành Dương Châu.
Ban đầu Ngọc Như không có mấy thiện cảm với một gã công tử chơi bời lêu lổng như Cố Cửu Tư, một hình mẫu hoàn toàn trái ngược với Diệp Thế An là sĩ tử học cao đỗ đạt đứng đầu, nhưng vì một số hiểu lầm xích mích mà dẫn tới việc cô lọt vào tầm ngắm và trở thành trò đùa của Cố Cửu Tư giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Vốn dĩ Ngọc Như giúp Diệp Vận bày mưu để khỏi bị gả vào nhà họ Cố, nhưng xui rủi thế nào quả tú cầu đó lại rớt trúng đầu cô và Cố Cửu Tư muốn trả đũa cô bằng cách tuyên bố cho cả thành Dương Châu biết rằng mình muốn hỏi cưới Ngọc Như. Đối với phụ nữ thời phong kiến, một khi danh tiếng đã bị hủy hoại thì rất khó cứu vãn. Gia đình họ Cố lúc đó vì muốn né tránh cuộc hôn nhân sắp đặt với triều đình nên cũng thuận nước đẩy thuyền mà tìm bà mai tới tận nhà họ Liễu hỏi cưới Ngọc Như.
Cố gia từ xưa đến nay vốn nức tiếng là một danh gia vọng tộc giàu có bậc nhất Dương Châu, chưa kể cậu của Cố Cửu Tư còn là Lại bộ Thượng Thư trong triều đình nên cả tiết độ sứ (chức quan cao nhất cai quản một châu) cũng phải nể nang nhà họ Cố vài phần. Đứng trước một gia đình vừa có tiền vừa có quyền như thế, mẹ kế của Ngọc Như đã đồng ý gả cô đi ngay tắp lự. Và cuộc hôn nhân oan gia ngõ hẹp giữa Liễu Ngọc Như và Cố Cửu Tư cũng bắt đầu từ đó. Ngay từ đầu, cả hai căn bản không có tình cảm gì với nhau nên thỏa thuận rằng cuộc hôn nhân này chỉ là trên danh nghĩa, họ ngủ chung phòng nhưng không chung giường. Mẹ của Cố Cửu Tư về sau cũng biết chuyện nhưng không trách mắng mà ngược lại còn thương xót và cảm mến cô con dâu của mình nhiều hơn. Bà dành hết tâm sức dạy dỗ để Ngọc Như có thể học cách kinh doanh buôn bán.
Trong gia đình kinh doanh như nhà họ Cố, phụ nữ nắm vai trò quyết định mọi thứ trong nhà. Nhờ tài tháo vát và giỏi giang của Ngọc Như, cô đã dần cảm hóa được Cố Cửu Tư từ một công tử ăn chơi chuyển thành một người nghiêm túc học hành và có chí tiến thủ. Từ một cuộc hôn nhân trên danh nghĩa, trải qua nhiều sóng gió của gia tộc nhà họ Cố, binh biến loạn lạc khi triều đình phân tranh và cuộc lưu lạc của Cố gia tới tận Du Châu xa xôi hiểm trở lánh nạn, tất cả những biến cố đó càng khiến cho tình cảm giữa Ngọc Như và Cửu Tư ngày càng thêm sâu sắc, đến nỗi cả hai đã phải lòng nhau từ lúc nào mà không hay biết.
Bài học từ sự bất như ý trong cuộc đời
Ngay từ đầu, Liễu Ngọc Như không hề muốn gả vào Cố gia. Cô đã bỏ bao nhiêu tâm sức trau dồi bản thân để trở thành người con dâu lý tưởng của nhà họ Diệp. Gả vào Diệp gia đồng nghĩa với việc cô được giải thoát khỏi những gông cùm xiềng xích từ người mẹ kế, chính thức bước vào một danh gia vọng tộc và hoàn toàn thay đổi vị thế của mình. Chưa kể, Diệp Thế An là người mà Ngọc Như đã thầm thương trộm nhớ từ rất lâu, anh cũng là một hiền tài có con đường công danh xán lạn. Thêm vào đó, làm con dâu nhà họ Diệp thì Ngọc Như cũng được ở gần tỷ muội thân thiết của mình là Diệp Vận. Viễn cảnh lý tưởng đó là những gì cô hằng khát khao mơ ước, nhưng bất thình lình mọi thứ đều bị sụp đổ hoàn toàn chỉ vì một lời trêu hoa ghẹo nguyệt của Cố Cửu Tư.
Từ trên thiên đàng, Ngọc Như như rớt cái rầm xuống địa ngục. Bởi công tử nhà họ Cố là một người trái ngược hoàn toàn với Diệp Thế An, một phiên bản mà cô không hề muốn lấy làm chồng và chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ lấy phải một người chồng như vậy. Lẽ vậy nên khó trách khi mới về làm dâu, Ngọc Như trốn trong phòng khóc từ ngày này qua ngày khác vì khó có thể chấp nhận sự thật phũ phàng rằng cuộc hôn nhân lý tưởng của mình giờ chỉ là mộng phù du. Sau quãng thời gian chìm trong u uất và đau khổ, cuối cùng Ngọc Như cũng tự vực dậy bản thân và tìm ra điểm sáng trong con hầm u tối mà mình đang đi. Căn bản từ nhỏ tới lớn, cuộc đời của Ngọc Như đã trải qua nhiều chuyện không mấy tốt đẹp thì nhiêu đây có thấm tháp gì so với cô. Nhìn nhận ở góc độ lạc quan, ít ra khi cô gả vào nhà họ Cố thì Diệp Vận cũng tránh được một kiếp nạn.
Trong cuộc đời, không phải ai trong chúng ta cũng có may mắn làm việc gì cũng được thuận lợi dễ dàng, hay mọi thứ ta mong cầu đều trở thành sự thật. Đôi lúc có những thứ ông Trời không an bài cho ta cũng là có lý do, và đôi khi chính sự bất như ý mà ta không đạt được ấy lại là một cảnh huống tốt hơn những thứ mà chúng ta hằng mơ tưởng. Như trong Trường Phong Độ, bản chất của Cố Cửu Tư không phải là một vị thiếu gia lười nhác hay xấu xa, mà chỉ đơn giản là vì Cố gia quá giàu, gia sản có ăn mấy đời cũng không hết và vì cha mẹ của Cố Cửu Tư chỉ có một mụn con trai nên từ nhỏ đã quen nuông chiều cậu ấm, từ đó mới khiến Cửu Tư sinh hư. Khi Liễu Ngọc Như xuất hiện trong cuộc đời của Cửu Tư, cô như một làn gió mới thổi vào Cố gia. Chứng kiến sự mạnh mẽ, độc lập và cương quyết của Ngọc Như trong việc kinh doanh, Cửu Tư cũng dần thay tâm đổi tính và quyết chí học hành để chứng minh cho cô thấy là mình cũng có thừa năng lực không kém Diệp Thế An.
Về sau, Cố Cửu Tư từng bước thay đổi và phấn đấu đi lên, từ một sai nha nhỏ ở Du Châu mà trở thành tri huyện. Khi Du Châu gặp binh biến thì anh đứng ra giữ thành và điều binh khiển tướng đánh giặc. Sau này triều đình qua một cơn tao loạn thì Cố Cửu Tư cũng nối gót cậu mình trở thành Lại bộ Thượng Thư rồi Tả Thừa tướng. Ngay cả chính cha mẹ của Cửu Tư cũng không ngờ rằng cậu quý tử chơi bời lêu lổng quen được chiều chuộng của mình từ từ lại lột xác trở thành một người khác đến như vậy. Khi chồng công thành danh toại thì Ngọc Như cũng trở thành một mệnh phụ phu nhân và là một phú hộ kinh doanh giàu có bậc nhất Đại Vinh. Nếu ngày trước gả cho Diệp Thế An, chưa chắc Ngọc Như đã có được kết quả viên mãn như vậy mà có khi còn dính vào một kiếp nạn trong cuộc binh biến. Vậy mới thấy những sự bất như ý trong cuộc đời chưa chắc đã là một điều quá tồi tệ.
Những điểm sáng của bộ phim
Mặc dù đây là lần đầu tiên mình xem một bộ phim do hai diễn viên trẻ Bạch Kính Đình và Tống Dật đóng, nhưng phải công nhận thực lực và khả năng diễn xuất rất có thần của hai bạn. Bạch Kính Đình diễn ra được cái nét láu cá, lém lỉnh và thông minh của Cố Cửu Tư một cách rất tự nhiên, còn Tống Dật thì diễn xuất quá đỉnh, từ hình thể, thần thái, đài từ cho tới cảm xúc. Dù trong phim xây dựng hình tượng nhân vật Liễu Ngọc Như ban đầu hơi mít ướt, rất mau nước mắt, nhưng các cảnh khóc của Ngọc Như khiến người xem thương cảm và đồng cảm nhiều hơn là thấy khó chịu như một số diễn viên trẻ khác. Có thể nói Tống Dật là một viên ngọc sáng trong giới điện ảnh Hoa ngữ mà mình hi vọng bạn này sẽ tỏa sáng hơn và nhận được nhiều vai chính hơn trong tương lai (trước Trường Phong Độ thì hầu hết phim bạn này chỉ đóng vai phụ).
Bên cạnh hai diễn viên chính thì mình cũng rất mê dàn diễn viên phụ của phim là những người bạn vào sinh ra tử với hai vợ chồng Ngọc Như và Cửu Tư. Đó là một tướng quân Châu Diệp nghĩa hiệp cùng kết nghĩa vườn đào với vợ chồng Cửu Tư, một Diệp Thế An dám rũ bỏ những tư tưởng cổ hủ của một nhà nho để xông pha vì nước nhà, một Diệp Vận tuy là tiểu thư khuê các nhưng dám mạnh mẽ giết chết kẻ thù sát hại gia tộc mình, một tướng cướp Thẩm Minh nghĩa khí sẵn sàng xả thân vì đồng đội, một Uyển Chi cô nương tuy là nữ giới nhưng khoác chiến bào cầm quân ra trận không sợ tên giặc nào. Ngoài tuyến nhân vật thuộc phe chính, phe phản diện còn có nhân vật Lạc Tử Thương do Lưu Học Nghĩa thủ vai cũng hết sức xuất sắc. Đây cũng là một nhân vật chịu nhiều sang chấn tâm lý từ thời thơ ấu và trả thù hết cả cuộc đời chỉ để chữa lành những thương tổn méo mó của mình.
Trong Trường Phong Độ có nhiều trường đoạn khác nhau gắn liền với cuộc đời của hai nhân vật chính, như từ lúc Ngọc Như mới lấy chồng và học hành kinh doanh ở Dương Châu tới giai đoạn chạy loạn tới Du Châu sinh sống và lập nghiệp lại từ đầu, rồi giai đoạn sau là dời lên kinh thành Đông Đô để Cửu Tư bước vào chính trường. Quãng thời gian mình thích nhất trong phim cũng là giai đoạn cả Cố gia chuyển tới Du Châu là địa bàn của tiết độ sứ Phạm Hiên và Châu tướng quân. Ở Du Châu, nhà họ Cố sẵn sàng hiến hết cả sản nghiệp của mình cho thành Dương Châu giải quyết nạn đói và chống giặc, sau đó một tay Ngọc Như gầy dựng lại mọi thứ từ đầu. Trận chiến giữ thành Du Châu cũng là một cao trào kịch tính xuất sắc của phim, khiến khán giả hồi hộp nghẹt thở tới từng phút từng giây.
Với những ai thiếu kiên nhẫn, có thể ở những tập đầu thì mạch phim khá chậm khi chỉ mới giới thiệu bối cảnh và thông tin sơ bộ về các nhân vật. Phải đi qua khoảng 5 tập đầu, tới khi Liễu Ngọc Như chính thức gả vào Cố gia và bắt đầu hành trình “cải hóa” Cố Cửu Tư thì mạch phim mới bắt đầu nhanh hơn và có nhiều kịch tính thú vị hơn. Càng về sau thì phim cũng càng lôi cuốn hấp dẫn hơn, khiến mình phải hóng xem từng tập cho tới tận tập cuối cùng. Những phân đoạn về sau cũng có nhiều nút thắt cao trào và những cú twist bất ngờ, khiến những khán giả như mình cũng nhiều phen rơi nước mắt với số phận của các nhân vật. Xem một bộ phim mà vừa cười vừa khóc cùng với nhân vật thì với mình đó đã là một bộ phim hay và đáng xem, bởi cảm xúc luôn là điều chân thật nhất.
Trong mùa hè này, nếu bạn cần xuyên không để bước vào một bộ phim cổ trang nào đó thì Trường Phong Độ là một lựa chọn sẽ không làm bạn thất vọng.