
Ở Phan Thiết quê mình có một fanpage rất nổi tiếng có tên “Phan Thiết Phố” chia sẻ về đời sống, văn hóa và ẩm thực địa phương với hơn 37.000 người theo dõi. Fanpage này không chỉ nổi tiếng với người địa phương mà có nhiều bạn bè mình ở các tỉnh thành khác cũng theo dõi vì chất lượng hình ảnh và nội dung của trang. Bạn admin tầm tuổi mình, chụp hình bằng máy ảnh cơ DSLR nên chất ảnh và nước màu rất đẹp. Bạn thường rong ruổi các hàng quán mỗi ngày mỗi tuần để giới thiệu ẩm thực quê nhà cùng những câu chuyện về con người nơi đây.
Theo dõi fanpage này mấy năm trời, đến một ngày mình chợt nhận ra rằng: Các món ăn đặc sản mà bạn admin thường giới thiệu là các món tủ bạn hay ăn từ nhỏ, và trong danh sách đó thiếu khá nhiều món khác là món tủ của mình mà không được nhắc tới. Tương tự, các hàng quán bạn hay ăn lại là các hàng quán mà mình ít ăn hoặc chưa ăn bao giờ, hoặc không biết sự tồn tại của quán đó. Khác với những đô thị lớn như Sài Gòn hay Hà Nội, Phan Thiết là một thành phố rất nhỏ, bạn chỉ mất khoảng 10 phút để chạy từ đầu này tới đầu kia của thành phố, nó chỉ tương đương một phường của Sài Gòn chứ chưa bằng một cái quận.
Chính vì yếu tố địa lý như vậy, ban đầu mình khá ngạc nhiên với ý nghĩ này, tại sao cùng sống trong một thành phố bé xíu mà trải nghiệm về các món ăn địa phương của bạn với mình lại khác nhau nhiều đến thế. Cái món ăn hay hàng quán gọi là “quốc dân” với mình thì không phải là “quốc dân” đối với bạn. Sau này, mình mới nhận ra rằng mình sống ở một phường khác và bạn sống ở một phường khác, môi trường sinh sống ngay từ nhỏ đã khác nhau nên trải nghiệm về chuyện ăn uống cũng có sự khác biệt.
Có thể nói tuy cùng sống trong một thành phố, nhưng mình với bạn là hai vòng tròn khác nhau với những trải nghiệm khác biệt, chỉ giao nhau một ít.

Cuộc sống trong những chiếc vòng tròn
Vòng tròn (circle) nguyên là một từ mang hàm nghĩa ẩn dụ chỉ vòng bạn bè hay vòng kết nối của bạn trong các mối quan hệ xã hội từ khi mạng xã hội phát triển. Ví dụ mình quen biết 5 người bạn, bạn quen biết 5 người bạn, trong số 10 người đó thì có 3 người bạn là bạn chung mà cả hai đều quen biết – khi đó vòng tròn của mình và vòng tròn của bạn giao nhao tại điểm chung ấy. Trong khuôn khổ bài viết này, mình muốn mở rộng khái niệm vòng tròn ra, không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ xã hội mà còn là các phạm trù khác như hiểu biết, kiến thức, trải nghiệm sống, v.v. Mỗi người chúng ta đều có một chiếc vòng tròn như thế, trong vòng tròn lớn của chúng ta thì lại có một tập hợp con những vòng tròn nhỏ hơn của từng lĩnh vực.
Một buổi sáng gần đây, một người bạn nhắn tin hỏi mình có biết phốt mới nhất của hai nghệ sĩ Việt Nam chưa. Trong tích tắc, một nhóm chat khác của bạn mình cũng rộn ràng về drama của hai nghệ sĩ Việt Nam nổi tiếng dính nghi án tấn công tình dục một bé gái người Anh 17 tuổi. Điều quái lạ là trước đó mình lướt newsfeed Facebook một hồi nhưng không thấy tin tức nào như thế cả, sau khi nghe tin xong mình cũng F5 mấy lần Facebook nhưng không thấy trang nào đưa tin như vậy. Tại sao hai người bạn của mình cập nhật được tin tức đó trên Facebook trong khi mình lại không thấy gì?
Có hai cách để lý giải điều này dựa trên góc nhìn của một người từng làm marketing. Một là, nhóm bạn mình thích hóng chuyện nên thường like, follow các fanpage hoặc tham gia vào mấy group Bí mật showbiz, Cafe & Showbiz, Hội khẩu nghiệp – Hội nhiều chuyện, v.v nên luôn được cập nhật các phốt mới nhất về showbiz, trong khi mình thì không tham gia vào các hội nhóm này. Hai là, thuật toán đề xuất của Facebook dựa trên sở thích và hành vi của người dùng, ví dụ bạn thường có xu hướng thích đọc và xem những tin tức lá cải như vậy (qua một số hành vi của bạn trước đây) thì Facebook sẽ chủ ý đề xuất những tin tức tương tự, dù cho bạn không like, follow các fanpage hay tham gia vào các group bà tám showbiz. Khi mình biên tập cuốn Attention Factory (tạm dịch: Nhà máy thu hút sự chú ý) nói về đế chế TikTok, thuật toán đề xuất là một công nghệ đỉnh cao của hãng này, hơn hẳn Facebook và YouTube trong việc thấu hiểu hành vi người dùng và đề xuất những video ngắn chắc-chắn-bạn-sẽ-thích.
Trong tình huống trên, vòng tròn thông tin của mình và vòng tròn thông tin của nhóm bạn là hai vòng tròn khác biệt, không hề giao nhau, nên có những tin tức các bạn biết và thấy trong khi mình hoàn toàn không biết không thấy. Chỉ đến khi các bạn chia sẻ tin tức đó với mình, mình phát sinh hành vi tìm kiếm trên Facebook hay Google, sau đó thuật toán đề xuất của Facebook mới khởi động để newsfeed của mình dần xuất hiện những thông tin ấy. Và khi đó, vòng tròn thông tin của mình được cơi nới ra rộng hơn một chút.

Trong giếng trời, ếch ồm ộp kêu
Hồi xưa mình làm việc ở một công ty đào tạo nổi tiếng, nơi đầu tiên mang khái niệm “kỹ năng sống” từ nước ngoài về Việt Nam. Làm việc trong lĩnh vực này một thời gian ở vai trò marketing (tính chất công việc marketing vốn cũng xoay quanh việc quảng bá và tiếp thị thương hiệu công ty) cũng như nghe các chuyên gia đào tạo trong công ty giảng bài ngày này qua tháng nọ, đến một lúc nào đó mưa dầm thấm lâu, mình dần tin rằng mình đang làm việc ở một công ty đào tạo nổi tiếng nhất Việt Nam, với những diễn giả giỏi nhất Việt Nam.
Đến một ngày mình đi học một khóa về marketing, khi giới thiệu bản thân và công ty (cũ) mình đang làm, mình cứ ngỡ rằng hầu hết mọi người trong lớp đều sẽ biết công ty mình hay các diễn giả X, Y, Z bên công ty mình, vì họ “nổi tiếng” đến thế cơ mà. Nhưng không, hầu hết mọi người đều chưa nghe qua tên công ty mình cũng như không biết các vị diễn giả đó là ai, mà đó là lần đầu tiên họ nghe thấy. Đơn giản chỉ vì họ làm marketing trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, và không ai trong số đó làm trong lĩnh vực đào tạo giống mình. Trải nghiệm đó khiến mình nhận ra rằng hóa ra công ty của mình chỉ nổi tiếng trong cái vòng tròn lĩnh vực mình đang làm, còn bên ngoài vòng tròn đấy thì nó chỉ là một công ty vô danh chứ không tới mức độ nổi tiếng quốc dân như Co-op mart, Vingroup hay Novaland.
Một người bạn của mình làm PR cho một công ty về công nghệ gene. Trong một lần trò chuyện với bạn về sự rộ lên của thần số học thời gian gần đây, bạn mới bảo với mình rằng “Giải mã gene cũng đang rộ lên nè”. Mình tạt một gáo nước lạnh ngay cho bạn, rằng trong vòng tròn của mình chỉ có bạn là người đầu tiên nói vụ này chứ trước giờ mình chưa thấy cũng chưa nghe ai nói về giải mã gene bao giờ. Trên Facebook mình cũng chưa từng thấy một cái quảng cáo nào chạy về dịch vụ này, ngoại trừ các bài truyền thông bạn chia sẻ.
Sự ảo tưởng của nhân viên về mức độ nổi tiếng của công ty hay lĩnh vực họ làm đã vậy, thì sự ảo tưởng của các sếp còn ở mức độ cao hơn gấp nhiều lần. Như trong chiến dịch truyền thông của công ty bạn mình có khoản chi phí cho một số sự kiện để CEO công ty đến nói chuyện và quảng bá về dịch vụ của họ. Sếp trực tiếp của bạn mới bảo rằng: “Lẽ ra họ phải trả tiền mời anh CEO đến làm diễn giả chứ sao bên mình phải trả tiền để được nói”.
Trong một sự kiện nọ mình từng tham dự, có một diễn giả tuyên bố một câu rất hùng hồn: “Chắc tôi không cần phải giới thiệu bản thân, ở Việt Nam có ai mà không biết tới tôi chứ nhỉ?”. Dĩ nhiên mình biết tới diễn giả này vì mình từng làm việc trong lĩnh vực đào tạo, phải research thị trường và tìm hiểu về các công ty đối thủ. Nhưng khi mình thử khảo sát nhanh một vài người bạn cùng lứa 9x với mình (vì lứa 10x thì hầu như không biết tên tuổi người này), rằng bạn có từng nghe qua tên diễn giả Z nọ hay chưa, tất cả câu trả lời đều là chưa nghe và không biết ông này là ai.

Chuyện người ở lĩnh vực này không biết các chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực kia đã đành, ngay cả những người cùng một lĩnh vực đôi khi cũng không hề biết tới sự tồn tại của các chuyên gia đó. Như khi mình chuyển sang lĩnh vực xuất bản, anh Chủ tịch công ty mình là doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh, cũng là bạn chơi thân với doanh nhân Nguyễn Phi Vân (chị Phi cũng là một tác giả quen thuộc của bên mình). Vốn là một người mê đọc sách, ngay từ thời sinh viên cách đây hơn chục năm thì mình đã nghe danh của hai doanh nhân này vì từng đọc sách của họ. Và trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam, họ là những tên tuổi rất rất nổi tiếng. Thế nhưng, khi hỏi vài người bạn của mình cũng là dân khởi nghiệp – kinh doanh, họ chưa nghe qua và cũng không biết hai vị doanh nhân trên là ai, về cơ bản cả hai gần như vô danh với họ.
Khi chúng ta làm trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta sẽ thấy dường như cả vũ trụ xoay quanh lĩnh vực mình làm, nhưng thực ra những người bên ngoài vòng tròn đó không hề biết và thấy những điều chúng ta đang biết và đang thấy. Chúng ta, giống như những chú ếch ngồi trong đáy giếng, chỉ nhìn thấy vòm trời trên đỉnh đầu mình mà tưởng rằng ta đang thấy cả thế giới.
Trong tự nhiên, có một điểm thú vị về mặt sinh học là tiếng kêu của các loài động vật thường phản ánh chân thật vóc dáng và sức mạnh của chúng, qua đó để thu hút những bạn tình tiềm năng. Ví như một con sư tử đực sẽ có tiếng gầm vang rất mạnh mẽ, hay một chú gấu vạm vỡ thì tiếng kêu cũng trầm to tương ứng. Dĩ nhiên việc phát ra tiếng kêu như vậy cũng gây mất sức và hao tốn năng lượng hơn, đó là cái giá mà phải chúng phải trả để đổi lấy cơ hội kết đôi hay khẳng định vị thế trong bầy đàn. Ngược ngạo thay, ếch là loài động vật mà tạo hóa sinh ra với thân hình hết sức bé nhỏ nhưng tiếng kêu lại âm vang rất lớn vượt ngoài sắc vóc của chúng. Có lẽ chính vì thế mà hình ảnh chú ếch thường gắn liền với những thành ngữ không mấy hay ho như “ếch ngồi đáy giếng” hay “con ếch muốn to bằng con bò”.

Mỗi người chúng ta tiếp cận thế giới này bằng một góc độ khác nhau, có những trải nghiệm sống khác nhau và hình thành nên những chiếc vòng tròn khác nhau. Đôi khi vòng tròn của bạn và vòng tròn của tôi giao nhau, đôi khi chúng không hề giao nhau.
Càng sống lâu bên trong chiếc vòng tròn của mình, chúng ta không khác nào chú ếch ngồi trong đáy giếng cứ ngỡ rằng thế giới này chỉ gói gọn trong một khoảng trời. Đối với xu hướng con người ngày càng tiếp cận thế giới này qua các mạng xã hội, thuật toán đề xuất ngày càng tinh vi của AI sẽ khiến bạn dần mắc kẹt trong chính chiếc vòng tròn của mình mà bạn không hề hay biết.
Hãy mở rộng và cơi nới những chiếc vòng tròn của bạn ra, bằng cách gặp gỡ và kết giao với những người bạn mới ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau, thử đọc những cuốn sách mới ở các mảng đề tài trước giờ bạn ít đọc (ví dụ kinh tế học, tài chính, y học,…), trải nghiệm một hoạt động, một bộ môn hay một khóa học nào đó mới mẻ mà bạn chưa từng thử, v.v. Tích cực làm mới bản thân (không cần phải mỗi ngày) sau vài tháng sẽ giúp nhãn quan của bạn nhìn thấy nhiều vòm trời khác hơn.
Và trên hết, hãy khiêm tốn. Đừng làm một con ếch ngồi đáy giếng mà nghĩ rằng mình to như con bò, mà hãy là một người tự do vượt qua ranh giới của những chiếc vòng tròn để giải phóng bản thân trong cuộc đời này.