Từ sự hỗn độn của vụ nổ Big Bang, trật tự vũ trụ được hình thành bao gồm các hành tinh, vì sao và thiên hà. Và từ trong trật tự, vũ trụ luôn luân chuyển với những hỗn độn không ngừng mà chúng ta không thể nào đoán định trước được. Giống như trong thái cực đồ của đạo Lão, âm dương tuy đối lập nhưng hòa quyện vào nhau mà kiến tạo nên thế giới, trật tự và hỗn độn cũng là hai thái cực luôn luôn chuyển hóa cho nhau trong muôn mặt đời sống.
Nếu như ở cuốn sách 12 Quy luật cuộc đời, giáo sư tâm lý học Jordan B. Peterson sử dụng thiết kế bìa màu trắng đại diện cho cực dương (sự trật tự), thì ở cuốn sách mới Vượt lên trật tự, ông chủ ý chọn thiết kế bìa màu đen đại diện cho cực âm (sự hỗn độn). Trong thời gian tác giả viết cuốn sách này, bản thân ông và gia đình liên tiếp gặp phải nhiều vấn đề trầm trọng về sức khỏe, từ chuyện ông bị nghiện thuốc an thần và sưng hai lá phổi, con gái ông phải phẫu thuật thay cổ chân nhân tạo, tới chuyện vợ ông mắc phải một khối u ác tính ở thận.
Khi bị sự hỗn độn nuốt chửng, tác giả buộc phải đối diện với những mặt bất định của cuộc sống và khai phá nguồn sức mạnh tự thân để vượt qua hoàn cảnh thực tại. Ông nhận ra một sự thật rằng thế giới luôn tồn tại những điều mà chúng ta không thể biết và không thể đoán trước, thế giới mà chúng ta đang sống hiện tại không đại diện cho sự trật tự của thế giới tương lai, hay những điều mà chúng ta xem là hiển nhiên thường tình rồi có ngày cũng sẽ lung lay, nghiêng ngả trong hỗn độn. Chính nguồn cảm hứng trong giai đoạn sóng gió đã khơi gợi Jordan B. Peterson viết tiếp cuốn sách “Vượt lên trật tự” với 12 quy tắc mới cho cuộc sống, trong đó tác giả dẫn dắt bạn đọc khám phá những tác hại của sự an toàn và kiểm soát quá mức cũng như những lợi ích của sự hỗn độn vừa phải.

Nói đến giáo sư Jordan B. Peterson, tên tuổi của ông đã quá nổi tiếng trên toàn cầu, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn tâm lý mà còn trên thị trường xuất bản, khi cái tên của ông đi liền với sự bảo chứng cho độ thành công vang dội của tác phẩm. Trước khi đọc sách của Peterson, mình từng nghe nhiều người nhắc tới ông, từ các chuyên gia cho tới những bạn mọt sách, thậm chí ở Việt Nam còn có hẳn một cộng đồng người hâm mộ ông rất lớn – một điều cực kỳ hiếm hoi đối với các tác giả sách nước ngoài, ngay cả với những tác giả nổi tiếng. Mãi đến khi Saigon Books mua bản quyền cuốn Beyond Order, mình mới chính thức đọc sách của Jordan B. Peterson ở vai trò biên tập viên hỗ trợ và tiếp cận cuốn sách từ một góc độ khác.
Khi bước vào thế giới của Vượt lên trật tự, mình mới hiểu được lý do vì sao Peterson nổi tiếng đến mức như vậy, bởi đọc sách của ông thì ta sẽ có cảm giác như được trò chuyện với một người học rộng hiểu sâu đầy uyên bác. Kiến thức trong sách của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ tâm lý học, thần kinh học, triết học cho tới xã hội học, sinh học tiến hóa, v.v. Không nói lý thuyết một cách sáo rỗng, điểm độc nhất vô nhị ở Peterson có lẽ là ông biết cách khéo léo lồng ghép quan điểm của mình với vô vàn ví dụ thú vị và gần gũi với văn hóa đại chúng như các câu chuyện từ Kinh Thánh, truyền thuyết sử thi, chuyện cổ tích, Harry Potter, các ca tư vấn tâm lý thực tế từ bệnh nhân,… để mở ra cho độc giả một bầu trời chuyện kể hay ho hấp dẫn.
Ở Vượt lên trật tự, cấu trúc cuốn sách còn có một điểm hay ho là trước mỗi quy tắc đều có một bức tranh nghệ thuật kèm theo những cài cắm của tác giả được giải mã ngay trong nội dung quy tắc đó. Không cần phải đọc sách theo thứ tự, độc giả có thể mở ra bất kỳ chương nào để đọc quy tắc mà mình thấy hứng thú.
Góp mặt vào sự tượng hình của cuốn sách Vượt lên trật tự, không thể không kể đến dịch giả Lưu Thế Long, một chuyên gia về khoa học thần kinh, tâm lý học và trí tuệ nhân tạo hiện đang sinh sống và làm việc ở Mỹ. Anh dịch cuốn sách trong thời điểm không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đang oằn mình trong cơn đại dịch Covid-19. Làm việc tại một trong những công ty dược hàng đầu thế giới, AstraZeneca, dù công việc nghiên cứu trong thời điểm đại dịch rất bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để chăm chút cho bản dịch rất kỹ lưỡng, đó cũng là điều Saigon Books và Ban Biên tập rất trân quý ở anh.
Bên cạnh đó, cuốn sách sẽ không được hoàn thiện nếu không có bàn tay “phù thủy” ngôn từ của chị Dương Ngọc Hân ở vai trò hiệu đính. Đặc biệt, đây cũng là cuốn sách đầu tiên Saigon Books hợp tác sản xuất với Đại học Hoa Sen với lời giới thiệu đầy trăn trở của Hiệu trưởng Võ Thị Ngọc Thúy, cùng phần review ấn tượng của doanh nhân Nguyễn Phi Vân đầu sách.
Xin trích vài đoạn mình ấn tượng trong sách:
? Peter Pan có khả năng làm được mọi thứ. Như mọi đứa trẻ, cậu bé là hiện thân của tiềm năng và điều đó khiến cậu trở thành một điều kì diệu (cũng như những điều kì diệu bạn thấy nơi trẻ em). Nhưng rồi thời gian sẽ dần cuốn đi điều kì diệu đó và biến tiềm năng đầy cuốn hút của tuổi thơ thành thực tế cần thiết nhưng nhàm chán của tuổi trưởng thành.
? Nếu bạn ngoi đầu lên khỏi đám đông, một thanh gươm sẽ chờ sẵn ở đó. Rất nhiều nền văn hóa có một câu thành ngữ về điều này. Trong tiếng Anh, chúng ta có câu: “Cây anh túc nào mọc cao hơn sẽ bị lưỡi liềm cắt trước”. Còn trong tiếng Nhật có câu: “Cây đinh nào nhô lên cao nhất sẽ bị búa đóng xuống trước”. Sự quan sát này không nhỏ nhặt chút nào và vì thế mà nó khá phổ biến…. Chúng ta cần thấy được sự mù quáng của mình, những điều bị che lấp bởi kiến thức chuyên môn của bản thân. Chỉ có như thế ta mới không đánh mất đi Nước Chúa và chết dần chết mòn trong sự chán chường, kiêu ngạo, mù lòa trước cái đẹp và sự khinh miệt u ám. Hơn nữa, loài người chúng ta lẽ nào bất lực như những sinh vật bậc thấp lúc nào cũng trốn tránh một cách hèn nhát hay sao?
Cuối cùng thì, thay vì chạy trốn khỏi sự hỗn độn và bám víu vào một thế giới trật tự, chúng ta có thể tìm thấy sự cân bằng cho đời sống của mình bằng cách hòa mình vào cả hai trạng thái đó.