
Ở công ty mình làm từng có một chị lao công đến dọn vệ sinh vào mỗi sáng. Bình thường mình là một trong những người đi làm sớm nhất công ty và cũng là sớm nhất phòng nên mỗi sáng mình đều gặp chị lao công ấy. Mỗi lần gặp mình, chị mừng như bắt được vàng vì có chỗ trút bầu tâm sự. Vừa quét dọn, chị bắt đầu kể lể chuyện nhà chồng bị bạc đãi chị ra sao, chuyện hai bên nhà tranh chấp tài sản sau khi chồng chị mất, chuyện giấy tờ thủ tục phát sinh với luật sư, rồi tới chuyện đời sống của chị gặp khó khăn thế nào.
Quen biết được một thời gian, thấy mình là người biết lắng nghe và kín tiếng, chị bắt đầu chuyển sang nói xấu đồng nghiệp trong phòng mình và thậm chí nói xấu cả các phòng ban khác. Nào là cái bọn con gái này tụi nó lười lắm, tóc rụng đầy cả ra sàn mà mỗi lần chị vào quét cứ ngồi yên cả đấy chẳng thèm đứng lên tránh chỗ cho; nào là cái phòng kia tụi nó ăn ở mất vệ sinh lắm, hôm nào rác cũng đầy cả ra; nào là bên hành chính nhân sự công ty này chán lắm, tới cái cây lau nhà hư chị bảo đổi chúng nó cũng chẳng thèm đổi cho chị, v.v.
Mỗi cuộc nói chuyện kéo dài có khi cả 15 phút hay nửa tiếng, chị nói mải nói miết mà không quan tâm mình có muốn nghe hay không, và chị chỉ ngưng nói khi có đồng nghiệp khác xuất hiện. Sau này chị bị đổi ca chiều sau giờ làm nên mình không còn gặp chị nữa. Lúc đầu mình cứ tưởng chị lao công chỉ nhiều chuyện với mỗi mình thôi, về sau nghe mấy đồng nghiệp hay ở lại công ty muộn kể mới biết hóa ra chị ấy cũng nhiều chuyện riêng với những bạn khác chứ không chừa một ai, miễn là người đó ngồi một mình trong phòng. Và khi nhiều chuyện với người này, chị lại đi nói xấu người khác, nghe vậy mình cũng giật mình không biết có khi nào chị ấy đi nói xấu mình không.
Có một thuật ngữ mô tả chính xác hiện tượng này, đó là “xả rác cảm xúc”, chỉ việc một người thường hay chia sẻ quá mức những điều tiêu cực của họ lên người khác mà không hề để tâm tới tình trạng cảm xúc của người nghe, giống như cách người ta đổ một đống rác.

Những chiếc thùng đầy rác
Hôm trước mình nghe một cô bạn kể lại trải nghiệm bạn khi đi gặp một người bạn cũ. Lâu ngày gặp lại, đáng lẽ phải hỏi han và chia sẻ với nhau về tình hình đời sống của mỗi người thì cô bạn ấy hầu như chỉ nói về vấn đề tiêu cực của bản thân. Khi cô bạn mình cố gắng chuyển sang chủ đề khác, cô bạn ấy vẫn cứ bẻ lái quay lại những vấn đề của bản thân mình. Giống như chị lao công ở trên, có thể ví von cô bạn này cũng như một chiếc thùng đầy rác, chỉ muốn tìm người để xả rác cho nhẹ thùng.
Nếu thử điểm lại trong mối quan hệ của bạn, chắc chắn là bạn đã từng gặp ít nhất một người như vậy trong đời mình, hoặc người đó có thể là chính bạn. Trong một cuốn sách tâm lý mình biên tập, tác giả có phân biệt hai thuật ngữ “trút bầu tâm sự” và “xả rác cảm xúc”. Trút bầu tâm sự là hoạt động thiên về tính tích cực, theo kiểu bạn gặp phải một vấn đề và muốn chia sẻ nó với một người bạn cảm thấy thân thiết hay tin tưởng, hòng giải tỏa căng thẳng và hướng tới việc tìm ra giải pháp cho vấn đề ấy. Nhưng xả rác cảm xúc thì khác, nó là cách bạn xả những suy nghĩ tiêu cực, luẩn quẩn và ám ảnh trong đầu mình, bắt người khác phải tiếp nhận đủ mọi vấn đề cảm xúc của bạn mà không hề để tâm tới việc họ có muốn tiếp nhận chúng hay không.
Những người có xu hướng xả rác cảm xúc thường bị mắc kẹt trong một vòng lặp: cảm xúc ức chế, bức bối trong người họ bị đẩy lên đỉnh điểm (rác trong thùng đã đầy) ➝ họ cần tìm một người để xả rác cảm xúc ➝ xả xong họ thấy nhẹ lòng ➝ họ bắt đầu tích trữ cảm xúc tiêu cực trở lại ➝ cảm xúc ức chế bị đẩy lên đỉnh điểm,… Đôi khi người ta xả rác cảm xúc là để cố gắng thoát khỏi một cảm xúc mà họ không thể chịu đựng. Và trong một số mối quan hệ, xả rác cảm xúc lại là cách để kết nối hai người với nhau. Ví dụ hai đồng nghiệp từng làm chung một công ty và đã nghỉ công ty đó, họ sẽ kết nối và không ngừng chia sẻ về những thói hư tật xấu của vị sếp cũ, ngay cả khi họ đã nghỉ việc nhiều năm.
Nếu ví cảm xúc tiêu cực như rác, còn chủ nhân của nó là thùng rác, thì mỗi chúng ta đều là một chiếc thùng rác. Điểm khác biệt nằm ở chỗ có người rác ít, có người rác nhiều, và có nhiều cách để chúng ta tự xử lý đống rác đó thay vì đem đổ rác trong thùng của mình sang thùng của người khác. Truy nguyên từ góc độ phân tâm học, những người có xu hướng xả rác cảm xúc thường cũng là nạn nhân trong chính mối quan hệ của họ với gia đình từ thời thơ ấu. Chẳng hạn, nếu người cha hoặc mẹ là người hay chia sẻ quá mức, khi gặp vấn đề tiêu cực gì trong công việc hay đời sống thì họ cũng về trút lên đứa con trong mâm cơm gia đình, đứa trẻ sẽ bị dính kẹt vào mớ cảm xúc tiêu cực của cha mẹ và trở thành một vật chứa đựng – chiếc thùng rác – dù cho nó không muốn nghe.
Trong một số gia đình đổ vỡ hay độc hại, đôi khi người cha hoặc mẹ lại đi nói xấu bạn đời của mình với chính con cái, ví như cha mày ngoại tình, cha mày nát rượu cùng hằng hà sa số những cảm xúc tiêu cực khác, thì đứa con bắt đầu tập nhiễm thói quen của người cha hoặc mẹ và dần hình thành mô thức xả rác cảm xúc trong mình. Chính việc người cha hoặc mẹ không biết xây dựng ranh giới cá nhân với con cái, như biết việc nào nên nói và không nên nói với con, khiến cho đứa con khi trưởng thành cũng không biết cách xây dựng ranh giới cá nhân với người khác. Khi đời sống của đứa con sau này gặp phải những vấn đề tiêu cực gây căng thẳng, nó sẽ bắt đầu tìm đến một ai đó để xả rác cảm xúc, hay trên chính con cái của mình. Và vòng lặp này một lần nữa lại được gieo rắc như một lời nguyền.

Nỗi lòng người bị đổ rác
Sau mấy năm làm việc cho công ty mình, đến một ngày nọ công ty mình chuyển văn phòng và ở tòa nhà văn phòng mới có đội dịch vụ vệ sinh riêng nên không thể tiếp tục thuê chị lao công hiện tại nữa. Mình còn nhớ ở tuần làm việc cuối cùng của chị ấy tại văn phòng cũ, khi mình dắt xe chuẩn bị ra về thì chị ấy cũng vừa tới để chuẩn bị công việc dọn dẹp sau giờ làm. Vừa thấy mình, chị ấy đã mừng rỡ ồ ạt nhảy vào bắt chuyện, rồi bắt đầu kể lể chuyện công ty mình đối xử bạc bẽo với chị ấy ra sao, rằng tiền thưởng Tết năm nay còn ít hơn cả năm ngoái, rằng ban giám đốc thế này thế nọ, v.v.
Lẽ ra mình chỉ tính đứng nói chuyện mấy câu thôi, nhưng chị biến thành một cuộc nói chuyện gần nửa tiếng đồng hồ vì lúc ấy mọi người trong văn phòng cũng đã ra về gần hết. Thật sự khi có cơ hội xả rác cảm xúc, những người như vậy không bao giờ biết điểm dừng và cũng không đọc vị được rằng đối phương không có nhu cầu nghe họ nói nữa. Cuối cùng, mình phải ngắt câu chuyện lại bằng một cái cớ, rằng mình phải chạy về sớm đi học buổi tối nữa nên xin phép chị về trước (thực ra hôm ấy mình không học mà lịch học rơi vào hôm khác). Mấy hôm sau, khi mình có việc ở lại trễ hơn bình thường thì thấy chị ấy vào phòng bọn mình dọn dẹp. Khi thấy mình, chị đã hỏi một câu với thái độ châm chọc mà mình thấy rõ qua ánh mắt chị: “Ồ, hôm nay Linh không đi học sao em?”, như thể chị đang bóc mẽ rằng lý do mình bảo về đi học mấy hôm trước chỉ là một lời nói dối.
Một người em khác lúc trước từng nhận được vài lời khuyên của mình, về sau mỗi khi trong công việc hay cuộc sống của em gặp vấn đề gì là em bắt đầu nhắn tin cho mình để tâm sự. Nhiều tin nhắn của em được gửi vào 1-2 giờ sáng và cái nào cũng dài dằng dặc như một bức tâm thư. Nếu có thời gian tổng hợp lại tất cả những tin nhắn em gửi cho mình, nói không ngoa mình có thể in được một cuốn sách về các vấn đề cảm xúc tiêu cực của người trẻ, từ chuyện bất đồng quan điểm với sếp, mâu thuẫn với đồng nghiệp, bế tắc trong công việc cho đến cảm thấy lạc lối trong cuộc sống, v.v.
Sau mỗi tin nhắn như vậy, mình đều dành thời gian để phản hồi và động viên em, cũng như đưa ra những lời khuyên tích cực để em thấy lạc quan hơn. Trong một lần gần đây, mình có nhận xét rằng mình thấy nội tâm em ấy đang thật sự rất mâu thuẫn, có những vấn đề trước đây em ấy muốn như thế này, giờ đây lại muốn như thế nọ, mà hai cái muốn ấy lại hoàn toàn trái ngược nhau. Như bị kích ngòi cảm xúc, em ấy bắt đầu xả một tràng cảm xúc tiêu cực ra với mình. Rằng em rất ghét phải đối diện với những người quá mức tốt đẹp, hoàn hảo hoặc những người có thành tích quá tốt, những người mà cái gì cũng hiểu rõ và biết tách bạch mọi thứ giống như mình. Rằng càng nói chuyện nhiều với mình, em càng thấy bản thân tầm thường và đầy thiếu sót, như một kẻ thất bại lúc nào cũng chạy theo sau người khác học hỏi và ngước nhìn họ. Rằng những lúc tâm sự với mình, em luôn có cảm xúc ghen tị, đố kỵ vì sao lại có những người luôn tư duy chỉn chu, chín chắn và rõ ràng sáng sủa hơn so với những bế tắc của em.
Kết thúc cuộc nói chuyện ấy, mình mới nhận ra sai lầm lớn nhất của mình là đã không thiết lập ranh giới cá nhân với em ngay từ đầu. Hóa ra trước giờ em tâm sự với mình không phải để tìm lời khuyên cho vấn đề em gặp phải, và những lời khuyên của mình cũng không hữu ích với em. Em tìm đến mình chỉ như một nơi để xả rác cảm xúc, xả ra cho em nhẹ lòng chứ em không có nhu cầu giải quyết vấn đề của bản thân. Chính mình là người đã cởi mở và tạo cơ hội cho em xả rác cảm xúc vào chiếc thùng của mình chứ không ai khác. Và đó cũng là lúc mình đóng nắp chiếc thùng của mình lại để em tự giải quyết với cảm xúc của bản thân mình từ nay.

Từ chiếc thùng rỗng thành chiếc thùng đầy
Cá nhân mình trước giờ vốn là một người siêu hướng nội, thích lắng nghe hơn là giãi bày tâm sự của mình với người khác. Khi có những cảm xúc tiêu cực, mình thường lựa chọn viết ra trên một blog ẩn danh như có chia sẻ trong series Viết Hay Không Bằng Hay Viết, hơn là đi tìm kiếm một người bạn thân thiết nào đó để tâm sự với họ. Nói cách khác, bản chất của mình giống như một chiếc thùng rỗng. Và chính vì rỗng như vậy, mình thường là kênh được nhiều bạn bè, người quen tin tưởng lựa chọn trút bầu tâm sự.
Lúc trước khi đi làm, mình cũng nổi tiếng là một workaholic (người nghiện công việc) tới mức suốt 8 giờ công sở thì mình chỉ tập trung vào làm việc, có chat thì cũng là chat trao đổi thông tin công việc trong mạng nội bộ của công ty, chứ mình không đăng nhập Facebook hay Zalo trên máy tính công ty trong giờ làm việc. Có một quãng thời gian trước đây, gần như bạn bè hay người quen có nhắn tin gì đó cho mình, thường họ phải đợi vào giờ nghỉ trưa hay sau giờ làm việc mình mới kiểm tra tin nhắn và phản hồi cho họ.
Đến năm mình gap year, thời gian rảnh của mình rất nhiều và mình bắt đầu kết nối lại với bạn bè bằng cách trò chuyện với họ nhiều hơn, như hẹn đi cafe hay nhắn tin chat chit mỗi ngày. Thật sự thì trong thời gian một năm đó, số lượng tin nhắn và các cuộc trò chuyện của mình cơ hồ nhiều hơn cả chục năm trước đó cộng lại. Và rảnh rỗi sinh nông nổi, càng nói quá nhiều thì dễ sinh ra nói xàm, nói xấu, nói những chuyện vô thưởng vô phạt. Không biết từ thời điểm nào trong giai đoạn đó, mình bắt đầu trở thành một người thích nhiều chuyện và hay kiếm chuyện để nói với bạn bè. Ngay cả khi hết gap year và đi làm trở lại, gặp bất cứ cảm xúc tiêu cực nào thì mình đều đi nhắn tin kể lể với bạn bè. Bởi mình nhận ra một công dụng của việc xả rác cảm xúc, đó là nó giúp mình giải tỏa được cảm xúc bức bối, khó chịu ấy ngay tức thời, thay vì phải đợi tới tối về nhà hay nhiều khi tới cuối tuần mình mới xả cảm xúc đó ra được trên blog riêng tư.
Có những lời nói tiêu cực tưởng nhẹ như gió bay, nhưng bạn đâu ngờ rằng người nghe lại ghi tâm. Khi bạn xả rác cảm xúc lên người khác, bạn đâu biết rằng họ sẽ xả miếng rác ấy lên người nào. Trái Đất này thì lại quá tròn, có những câu chuyện cá nhân mình đi kể lể thời điểm đó vô tình lại đi một vòng lọt vào tai người trong cuộc, và khi đi qua nhiều người thì không thể tránh khỏi chuyện tam sao thất bản và khiến mình bị vạ miệng, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân của mình trong công việc.
Sau vài bài học khắc cốt ghi tâm, mình càng thấm thía thêm câu “cái miệng hại cái thân”. Thà nói miệng thì còn lời nói gió bay, nhưng một khi đã chat chit thì bằng chứng lưu lại rành rành khi đối phương có thể chụp màn hình lời bạn nói, tách câu bạn nói ra khỏi bối cảnh đó và đi nhiều chuyện với người khác, cứ thế câu chuyện bắt đầu lan truyền đi khắp nơi và vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn.
Từ thời điểm đó, mình quyết định sẽ không làm một chiếc thùng rác đầy nữa mà tự xử lý đống rác theo cách của riêng mình để trở về một chiếc thùng rỗng như trước đây. Mỗi khi bắt đầu ngứa ngáy khó chịu trong người muốn xả rác cảm xúc, mình phải tự dặn lòng uốn lưỡi bảy lần trước khi nói và cẩn ngôn với những gì mình nói, vì lời nói như con dao hai lưỡi nên không ai biết ngày nào nó sẽ quay lại gây phương hại cho mình. Nói ra để xả cảm xúc thì rất dễ, nhưng học cách im lặng và tự xử lý cảm xúc của bản thân thì rất khó. Và chính vì khó nên bạn mới cần phải rèn luyện mỗi ngày. Để sống an vui được ở đời, bản thân bạn trước hết phải là một chiếc thùng rỗng không chứa rác.