Ảnh: Unsplash.com

Kiếm tiền không khó, giữ được tiền và chi tiêu sao cho hợp lý mới khó. Sau đây là một số bí quyết chi tiêu mình đã và đang áp dụng, mà bạn có thể biết hoặc chưa, nhưng hy vọng sẽ hữu ích cho bạn trong năm mới.

Quy tắc 1: Tiền nào của nấy

Hồi mới vào đại học, chiếc smartphone đầu tiên mình xài là con Nokia Lumia 620, khi đó hãng Nokia vẫn còn nổi tiếng lắm chứ chưa bị khai tử, và một số bạn bè của mình thì xài những chiếc điện thoại sang chảnh hơn như Samsung hay Iphone (lúc đó mới nhất là Iphone 4). Dù lúc ấy mình cũng có thể mua được Samsung hay Iphone, nhưng với mình điện thoại chỉ cần một số chức năng cơ bản như nghe, gọi, check email, lên Facebook, nghe nhạc,… cho nên một chiếc smartphone 2-3 triệu với một chiếc 5-10 triệu cũng đâu khác gì nhau mà phải tốn kém đến vậy?

5 năm sau đó, khi chiếc điện thoại Nokia Lumia cũ đã hư và không thể nào xài được nữa, mình đổi sang một chiếc Samsung tầm giá 6 triệu (gấp 3 lần cái Nokia Lumia cũ). Quả thực trải nghiệm trên chiếc điện thoại mới này đã cho mình cái nhìn hoàn toàn khác về điện thoại thông minh: màn hình cảm ứng siêu nhạy, giao diện siêu mượt, mở nhiều tab không bị lag, mở khóa bằng dấu vân tay, UI & UX siêu đã, v.v. Trải nghiệm với chiếc Nokia cũ – thuộc dạng smartphone thời kỳ đầu – đã hình thành một tư duy mặc định trong mình rằng smartphone ở mức đó đã là tốt, nhưng chiếc Samsung mới đã x10 trải nghiệm của mình lên và khiến mình phải thấy WOW. Hóa ra smartphone nên là và phải là như thế!

Sau lần đó, mình mới ngộ được một chân lý của dân chơi đồ công nghệ: tiền nào của nấy, cái gì cũng có cái giá của nó. Cũng là con chuột máy tính, nhưng con chuột một hai trăm sẽ thua xa con chuột bảy tám trăm tới vài triệu. Cũng là một cặp tai nghe, nhưng tai nghe tầm giá bạc triệu trở lên thì chất lượng âm thanh đỉnh cao hơn nhiêu so với vài trăm. Và với smartphone, laptop, desktop cũng vậy, tầm giá nào thì đẳng cấp ở tầm đó – tầm giá cao thì công nghệ và trải nghiệm vượt trội hơn rất rất nhiều so với dòng tầm thấp tầm trung.

Hồi trước khi đi giày, mình chỉ mua vài đôi casual và sneaker đơn giản vài trăm, và thường là mỗi năm đều phải mua mới lại vì đôi cũ đế đã mòn hoặc tróc keo, bể form, bạc màu,… Ví như sneaker, mình chẳng hiểu tại sao tụi nhóc cấp hai trong lớp tiếng Anh mình học cùng hồi xưa phải đi giày hàng hiệu Nike, Addidas, New Balance thì mới chịu chứ chúng chẳng chấp nhận dạng sneaker vài ba trăm, và đặc biệt là chúng anti cả hàng fake. Nhờ tụi nhỏ phổ cập, mình mới biết hóa ra cũng có cái gọi là hàng real với fake, vì mình chỉ đơn thuần là ra một tiệm giày nào đó và mua một đôi sneaker chứ đâu biết mấy tiệm đó đa số bán toàn giày fake không thôi, và mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là giày nào mà chẳng giống nhau?

Ảnh: Unsplash.com

Sau đó, mình mới đến một store chính hãng của Nike để mua một đôi gần 4 triệu thì mới biết được cảm giác giữa hàng real và hàng fake là hai đẳng cấp khác nhau một trời một vực. Đôi giày ấy mình mang được hơn 3 năm trời. Sau này khi đã đi quen Nike hay Addidas, mình tới một store của Biti’s tính mua một đôi Biti’s Hunter vì thấy mẫu trên quảng cáo rất đẹp (một phần cũng muốn ủng hộ hàng Việt Nam), nhưng hỡi ôi trải nghiệm khi mình đi thử kha khá đôi trên kệ là cảm giác không thoải mái, không thuận chân và có phần hơi khó chịu, và cuối cùng mình đi ra mà không mua đôi nào cả.

Tương tự, còn có rất nhiều món đồ khác –  không phải đồ công nghệ mà chỉ là đồ tiêu dùng thường ngày – cũng có sự chênh lệch rất lớn về mặt chất lượng giữa mức giá cao và giá thấp. Như một bộ đồ mặc ở nhà mình mua gần cả triệu bạc thì vừa nhẹ vừa êm vừa mịn – khác xa so với bộ đồ trăm rưỡi trăm sáu. Hay một chiếc quần lót mình mua vài trăm thì sau đó bái bai luôn loại mấy chục ngàn.

Cảm giác ở trên cũng giống như khi bạn đã từng trải nghiệm một resort đẳng cấp 5 sao chuẩn quốc tế, thì đến khi bạn đi qua một resort khác cũng 5 sao nhưng theo chuẩn Việt Nam hay 3-4 sao chuẩn quốc tế, bạn sẽ thấy sự tương phản rất lớn so với trải nghiệm quá xuất sắc ban đầu của mình.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt hàng tốt giá cao với hàng hiệu đắt đỏ. Khi khả năng tài chính của bạn có thể mua bất cứ món đồ nào bạn thích mà không cần phải lăn tăn về giá, thì hàng hiệu cũng chỉ là một món đồ bình thường thôi. Nhưng khi phải đánh đổi 1-2 tháng lương để mua một món đồ hiệu, bạn phải xem lại quyết định đó có đáng hay không? Cái gì cũng có cái giá của nó. Thứ gì bạn dùng thường xuyên, dùng lâu dài và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của bạn thì nên chọn mua loại hàng tốt giá cao và hãy chấp nhận mức giá đó vì nó xứng đáng.

Ảnh: Unsplash.com

Quy tắc 2: Nếu không hư, thì đừng đổi

Một trong những bi kịch của con người ở thế kỷ 21 là thói quen nghiện tiêu dùng. Chúng ta mua những thứ mình không thật sự cần, mua vì muốn thể hiện với số đông, hay mua với tâm lý giải tỏa căng thẳng vì những ức chế cá nhân, để cuối cùng ta chìm ngập trong những thứ đồ đạc mình mua về mà chẳng bao giờ đụng đến.

Ở trong căn phòng của mình hiện tại, có một số thứ mình khá tự hào vì là thứ mình dùng từ 10 năm trước, mãi đến bây giờ vẫn còn dùng. Chẳng hạn như chiếc bàn gỗ mình mua từ lúc mới chuyển vào kí túc xá hồi năm nhất đại học, hay cây quạt điện nhỏ bà chị họ cho năm đó, tới bây giờ dù đã cũ và phai màu nhiều rồi, nhưng xài vẫn tốt chán nên không có lý do gì để mình phải mua cái mới thay thế.

Hồi mình mới chuyển sang xài điện thoại Samsung, trong công ty mình có hai bạn khác cũng mua cùng loại điện thoại giống mình. 5 năm sau đó, mình vẫn trung thành với chiếc Samsung ngày nào trong khi hai người bạn kia đã đổi sang chiếc điện thoại thứ ba và thứ tư rồi. Bởi lẽ với mình, nó vẫn còn chạy rất tốt và đáp ứng đủ các chức năng cho nhu cầu của mình, dù cho rớt xuống đất khá nhiều lần nhưng chưa phải đi sửa lần nào. Nhiều khi mình cũng muốn điện thoại hư lắm để đổi điện thoại mới, nhưng mãi chẳng thấy hư thì việc gì phải đổi?

Mình có ông anh họ ở quê, gần đây trúng hai tờ vé số giải khuyến khích lãnh gần cả trăm triệu. Dù cho hai vợ chồng anh đang xài Iphone 7 vẫn còn ngon lành, nhưng lãnh được một cục tiền lớn nên hai vợ chồng xài sang sắm luôn hai con Iphone 11 mới. Nếu rảnh tiền sắm điện thoại mới cũng đành, nhưng ở đây nhà anh chị cũng còn khó khăn, có con nhỏ, còn bao nhiêu thứ tiện nghi cần mua sắm cho gia đình nhỏ của mình, nhưng anh chị lại chọn chạy theo một món đồ công nghệ chỉ để gây ấn tượng với người xung quanh.

Lúc trước, mình hay có thói quen cứ hết năm cũ là phải bỏ bớt quần áo giày dép nón mũ cũ để mua sắm đồ mới xài trong năm mới, vì đâu ai muốn mình cũ kỹ hoài trong mắt người xung quanh? Nhưng sau này mình chợt nhận ra rằng cách mình nhìn mình ra sao quan trọng hơn cách người xung quanh nhìn mình, và thực tế là họ cũng chỉ lo chăm chút trau chuốt vẻ bề ngoài của họ thôi chứ chẳng ai rảnh đi săm soi người xung quanh như mình.

Từ đó, mình chỉ mua một món đồ mới khi đồ cũ đã thật sự cũ và không còn dùng được hoặc món đồ mới đó phải rất đáng mua, và như vậy những món đồ mình dùng thường ngày đều được duy trì ở số lượng vừa đủ xài, không quá nhiều mà cũng không quá thiếu.

Ảnh: Unsplash.com

Quy tắc 3: Xài tiền sao cho đáng

Trước khi chi tiền để mua bất cứ món đồ nào, mình thường tự hỏi bản thân mấy câu sau:

  • Có đáng hay không đáng mua?
  • Có cần thiết phải mua ở thời điểm này hay không?

Nếu sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mà câu trả lời là không đáng và không cần, mình sẽ dừng lại và không mua để không phải hối tiếc – mà chủ yếu là tiếc tiền về sau. Một khi bất cứ thứ gì bạn mua về đều đáng tiền (hay nói đúng hơn là đáng công sức lao động bạn bán cho doanh nghiệp) và đúng nhu cầu, thì đắt bao nhiêu cũng không thấy tiếc tiền.

Có một đợt mình nhăm nhe muốn mua một chiếc máy cạo râu, với mình đây là thứ đáng mua: vừa không cần phải mua lưỡi dao để thay lắt nhắt, vừa tiện sử dụng nhờ công nghệ sạc một lần xài rất lâu. Nhưng ở thời điểm đó, chiếc dao cạo râu mình đang xài vẫn rất tốt, và mình còn dư khá nhiều lưỡi dao cạo, nên cuối cùng mình quyết định không mua. Mãi đến vài tháng sau, đến khi xài hết, mình mới quyết định mua máy cạo râu và hoàn toàn hài lòng về chất lượng và trải nghiệm và chiếc máy đem lại – dù cho cây dao cạo râu chỉ vài chục nhưng chiếc máy tới năm sáu trăm ngàn.

Như đợt Tiki sales giữa năm rồi, mình thấy một chiếc vòng đeo tay Xiaomi Band 5 với giá giảm chỉ còn 50%. Chiếc vòng đeo tay này có rất nhiều công dụng, ngoài xem giờ thì còn đo được bước chân, nhịp tim, chất lượng giấc ngủ, mức độ stress, nhắc nhở khi ngồi quá lâu, báo hiệu khi có cuộc gọi đến, v.v. Nói chung là có quá nhiều tính năng hữu ích, rất đáng để mua, đặc biệt là còn giảm giá mạnh. Nhưng vấn đề đặt ra là ở thời điểm đó, một chiếc vòng đeo tay công nghệ lại không cần thiết với mình vì (1) mình trước giờ ít đeo phụ kiện trên tay và (2) mình không có nhu cầu xem mấy thông số trên của bản thân. Kết quả là, mình quyết định không mua.

Bẵng đi tới hơn nửa năm sau đó, mình đột nhiên muốn tập thể dục và chạy bộ ngoài công viên, nhưng không muốn xách theo điện thoại vì quá vướng víu, nên nhu cầu phát sinh lúc đó là mình cần một thiết bị vừa giúp mình xem giờ được vừa đo được bước chân hay nhịp tim của mình. Và dù cho lúc đó chiếc vòng Xiaomi đã không sales nữa, mình vẫn mua vì đúng thời điểm mình cần và đúng nhu cầu mình muốn sử dụng. Nếu mình mua nó sớm từ nửa năm trước, có lẽ mình đã mua về để đó và không biết khi nào mới lấy ra xài.

Trong quá khứ, mình có một số kinh nghiệm đau thương khi mua sắm như mua vì thấy nó được giảm giá mạnh, vì mình nghĩ là tương lai sẽ cần (nhưng ở hiện tại thì chưa cần). Hậu quả là sau đó mua về cứ tiếc mãi vì chẳng bao giờ có dịp dùng đến và tới khi cần dùng đến thì tuổi thọ nó cũng đi đời rồi.

***

Trong kỷ nguyên bất định mà chúng ta đang sống, việc giảm thiểu hành vi tiêu dùng và nhu cầu mua sắm của bạn phần nào có thể giúp hành tinh này trở nên tươi đẹp hơn, vì giảm bớt được số lượng rác thải xả ra môi trường. Lựa chọn nào cũng có mặt trái, hành tinh này thêm xanh thì các nhà kinh tế và nhiều thương hiệu cùng người bán hàng lại không vui.

Nhưng không ai biết tương lai còn sẽ xảy ra những biến động nào, việc tập cho mình một lối sống tối giản, tiết chế nhu cầu tiêu dùng và tiết kiệm nhiều hơn ít ra sẽ giúp bạn dễ thích nghi và sống thoải mái hơn trong tương lai.

 

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.