Càng trưởng thành và sống trong nhịp sống xô bồ của phố thị, con người hiện đại ngày càng mất kết nối với thiên nhiên và những mảng xanh nơi vùng nông thôn hay nơi hoang dã. Sinh ra từ làng và lớn lên ở thành phố, tuổi thơ của mình từng trải qua những tháng ngày tuyệt đẹp sống chan hòa với thiên nhiên trong những cánh rừng, sông ngòi, ruộng đồng, gò bãi,… với những đất, nước, gió, lửa và cây cối.
Hoài niệm về thiên nhiên vẫn luôn là thứ mình đau đáu ở tuổi trưởng thành. Chính vì lẽ đó mà một trong những dòng sách mình đọc khá nhiều là những cuốn sách về thế giới tự nhiên và thế giới động vật, để kết nối lại với những phần đã mất bên trong mình. Có một số bạn thường nhờ mình gợi ý những cuốn sách hay về thiên nhiên nên mình đã tổng hợp lại thành một số danh sách theo chủ đề (sẽ đăng tải dần dần). Dưới đây là 9 cuốn sách phi hư cấu (non-fiction) mình thấy hay nhất về thiên nhiên.
Cho những ai chưa biết, sách phi hư cấu là dạng sách khoa học, được viết dựa trên những dữ kiện có thật hay công trình nghiên cứu của tác giả, mang tính chất cung cấp thông tin và hiểu biết cho độc giả về thế giới tự nhiên. Dòng sách này sẽ khác với sách hư cấu (fiction) thuộc thể loại văn học, mà mình sẽ có danh sách riêng về nhóm này.
1. Niên Lịch Miền Gió Cát (Aldo Leopold)
Đã một thế kỷ trôi qua kể từ khi Darwin vén màn bí mật về nguồn gốc muôn loài. Chúng ta giờ đây đã biết những điều mà các thế hệ đi trước không hề hay biết: con người chỉ là những người bạn đồng hành cùng các loài vật khác trong cuộc tiến hóa. Nhận thức mới lẽ ra phải khiến chúng ta có một tình anh em khăng khít với các sinh vật khác, nhưng sự lầm tưởng về vị thế của chúng ta đã gây ra nhiều hệ lụy cho thế giới tự nhiên.
Bằng việc ghi chép lại những thay đổi của sinh vật tại khu trang trại ở Wisconsin, tác giả Leopold đã khéo léo mô tả vẻ đẹp thiên nhiên, mối liên hệ giữa từng sinh vật với cả hệ sinh thái. Niên lịch miền gió cát là một sự tổng hòa giữa lịch sử tự nhiên, nghệ thuật miêu tả phong cảnh bằng ngôn từ và cả triết học.
2. Mùa Xuân Vắng Lặng (Rachel Carson)
Nhà tự nhiên học nổi tiếng Sir David Attenborough cho rằng nếu phải tìm một tác phẩm để so sánh với Mùa xuân vắng lặng về sức ảnh hưởng của nó lên thế giới khoa học kỹ thuật, thì đó chỉ có thể là Nguồn gốc các loài của Charles Darwin.
Cuốn sách chỉ ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do thuốc trừ sâu tổng hợp DDT gây ra, và bày tỏ sự quan ngại to lớn khi chính phủ Mỹ cho phép việc sử dụng tràn lan những hóa chất độc hại trước khi hiểu rõ hệ quả lâu dài của chúng đối với môi trường và sự sống. Cuốn sách ra đời không những gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường.
3. Khúc Hát Của Cây (David George Haskell)
Lấy thiên nhiên làm trung tâm, tác giả Haskell đã để các loài cây cất lên tiếng nói của mình về Trái đất, về con người và mối quan hệ phụ thuộc của hai bên. Cây xanh đại diện cho linh hồn của rừng, cho thấy cái quy luật nhân quả về sự phát triển của các sinh vật trong vũ trụ. Dưới góc nhìn sinh học, tự thân cây xanh đã mang vẻ đẹp thuần túy nhờ vào cấu trúc bên trong, cơ chế vận hành và sự liên kết của nó với các sinh thể tự nhiên khác.
Khúc hát của cây được xem là “bản tình ca về cây xanh, là cuộc thám hiểm về đời sống sinh học của chúng, đồng thời cũng là bản phân tích mang tính triết học tuyệt vời về vai trò của cây xanh trong lịch sử loài người và văn hóa hiện đại”. (Theo Science Friday, The Best Science Books of 2017)
4. Đời Sống Bí Ẩn Của Cây (Peter Wohlleben)
“Khi bạn biết rằng cây cũng biết đau, cũng có ký ức, và cây ba mẹ sống cùng con cái, thì bạn không còn có thể chặt chúng và phá vỡ cuộc sống của chúng bằng những cỗ máy to lớn nữa.”
Được xem là một trong những quyển sách hay nhất về cây cối, Đời sống bí ẩn của cây mở ra một thế giới kỳ diệu về đời sống xã hội phức tạp của những khu rừng ôn đới. Những cái cây giao tiếp với nhau, thể hiện cá tính riêng, hỗ trợ nhau lớn lên, chia sẻ chất dinh dưỡng cho những cá nhân đang chống chọi bệnh tật và thậm chí cảnh báo nhau về những nguy hiểm sắp xảy ra…
Trong cuốn sách, tác giả Wohlleben chia sẻ tình yêu sâu sắc của ông đối với cây và rừng, đồng thời giải thích các tiến trình thú vị của sự sống, cái chết và sự tái sinh mà ông đã quan sát được trong chính khu rừng của mình.
5. Dệt Nên Sự Sống (Anne Sverdrup, Thygeson)
Cây cối làm sạch không khí và nước; côn trùng thụ phấn cho cây trồng; chim bói cá truyền cảm hứng cho tàu điện cao tốc. Những mối liên hệ mật thiết ấy của nhân loại với thế giới tự nhiên được tác giả Anne Sverdrup-Thygeson diễn giải cặn kẽ và sinh động trong cuốn sách Dệt nên sự sống. Trái tim của thế giới tự nhiên là một hệ thống sinh tồn độc nhất vô nhị.
Hành trình khám phá tự nhiên do tác giả dẫn dắt không chỉ khiến chúng ta kinh ngạc trước những tác nhân nhỏ bé nhưng vô cùng quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái ấy, mà còn là một lời nhắn nhủ về việc gìn giữ những báu vật vô giá trước biến động khổng lồ do con người gây ra.
6. Tinh Thần Sống Xanh (Florence Williams)
Trong nhiều thế kỷ, các nhà thơ và các triết gia đã ca ngợi lợi ích của việc đi dạo trong rừng: nhạc sĩ Beethoven lấy cảm hứng từ đá và cây cối; nhà thơ Wordsworth sáng tác trong khi đi dạo trên cánh đồng hoang; nhà khoa học Nikola Tesla hình thành động cơ điện khi đến thăm một công viên.
Bị hấp dẫn bởi thế giới tự nhiên, tác giả Florence Williams bắt đầu khám phá tính khoa học đằng sau những tác động tích cực của tự nhiên đối với não bộ. Từ những con đường mòn trong rừng ở Hàn Quốc đến những hòn đảo ở Phần Lan, cho đến những lùm bạch đàn ở California, cô nghiên cứu về sự kết hợp giữa môi trường, tâm trạng, sức khỏe và sự sáng tạo. Trước sự mất kết nối giữa nhân loại với thiên nhiên đang ngày càng gia tăng, những ý tưởng này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
7. Nghệ Thuật Thất Truyền Về Giao Tiếp Với Thiên Nhiên (Tristan Gooley)
Sau những chuyến phiêu lưu khắp thế giới, tác giả Tristan Gooley đã phát hiện ra thiên nhiên chính là một vũ trụ chứa đầy những manh mối đang chờ ta khám phá. Trong cuốn sách này, ông chia sẻ hơn 850 bí kíp mà mình thu thập được qua hai thập kỷ để giúp chúng ta dự báo, truy dấu và thấu hiểu sâu sắc hơn về thế giới tự nhiên.
Dù bạn đang ở nơi rừng sâu núi thẳm, đang dạo bước giữa phố thị đông đúc hay miền quê hẻo lánh, vào đêm tối hay giữa ban ngày, Nghệ thuật thất truyền về giao tiếp với thiên nhiên luôn là cuốn cẩm nang lý tưởng nhất tiết lộ những bí ẩn của mặt đất, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, động thực vật và mây trời… dành cho bạn, chỉ cần bạn có đôi mắt quan sát tinh tường.
8. Liệu Pháp Rừng (Sarah Ivens)
Các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra tắm rừng có tác động tốt tới hệ miễn dịch của con người. Cụ thể là, trong cơ thể một người áp dụng phương pháp tắm rừng, số lượng tế bào sát thủ tự nhiên tấn công tế bào ung thư tăng lên và hoạt động mạnh hơn, huyết áp giảm. Họ ít căng thẳng hơn, ngủ ngon hơn và tràn đầy sức sống. Tắm rừng là một trào lưu đang dần phổ biến.
Cuốn sách Liệu pháp rừng là những lời nhắc nhở thú vị giúp bạn tìm ra chìa khóa để tái kết nối với nhịp điệu của thiên nhiên giữa cuộc sống hối hả. Đồng thời giúp bạn sống những giây phút ngoài trời tuyệt vời khó quên nhất, bởi lẽ thiên nhiên chính là liều thuốc hiệu quả hơn hết thảy mọi thứ trên đời.
9. Sống Như Những Cái Cây (Liz Marvin)
Cây cối không có não bộ để suy nghĩ, hay hệ thần kinh tạo cảm xúc, nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng chúng rất thông minh và đáng ngưỡng mộ vô cùng. Sinh trưởng khỏe mạnh trong những điều kiện khắc nghiệt, lặng lẽ phòng thủ trước các vị khách không mời, hay đơn giản chỉ là cố gắng hết mình để tận hưởng ánh nắng mặt trời,… Tất cả đều cho thấy khả năng sinh tồn vô hạn của cây cối.
Ở cây cối, chúng ta có thể học được từ tầm quan trọng của sự kiên trì và sức mạnh của tập thể, đến cách vượt qua sóng gió và đối mặt với các lo toan vụn vặt thường ngày. Sự thông thái và cảm hứng cho nguồn hạnh phúc bất tận trong đời sống không ở đâu xa mà ở ngay thế giới tự nhiên xung quanh bạn.
Tổng hợp & giới thiệu