Ai đã từng xem tập cuối bộ phim Tây Du Kí phiên bản 1986 ắt hẳn vẫn còn ấn tượng chi tiết bốn thầy trò Đường Tăng khi đến Thiên Trúc thỉnh kinh đi về mới phát hiện kinh không chữ phải lội ngược lên Linh Sơn đổi lại. Khi được nhị vị tôn giả dẫn đến kho kinh, Đường Tăng bị làm khó dễ phải dâng tăng cái bát vàng khất thực quý giá nhất của mình do vua Đường ban tặng để đổi lấy kinh có chữ đem về. Ủa, hổng lẽ ở Tây phương Cực Lạc mà cũng nhận hối lộ?

Tây Du Kí vốn là một tác phẩm chứa đựng nhiều triết lý huyền vi của đạo học mà người viết cũng là một bậc chân nhân rất am hiểu lẽ đạo. Có nhiều người coi phim sẽ thắc mắc, Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông, cưỡi cân đẩu vân lộn một cái bay mười vạn tám nghìn dặm, vậy sao hổng chở Đường Tăng bay cái vèo lên Thiên Trúc gặp Phật Tổ thỉnh kinh luôn cho lẹ, trèo đèo lội suối chi cho cực vậy?

Có câu “Hạnh phúc ở quá trình, chứ không phải đích đến”. Bốn thầy trò Đường Tăng muốn đắc được quả vị Phật của Thiên Đình thì phải trải qua 81 kiếp nạn, gặp qua tám chục con yêu quái để bị chúng hành nhừ tử mà ngộ ra được bài học của riêng mỗi người mà đắc được chân đạo. Ngay cả tới khi thỉnh được kinh nhưng bị thiếu mất 1 kiếp nạn, Bồ tát Quan Thế Âm cũng phải hóa phép ra kiếp nạn lão rùa hất cả đám xuống sông ướt chèm bẹp cho ngộ cái bài học: Đã hứa là phải làm, sống ở đời đừng nên thất hứa. (Đường Tăng khi mới đi thỉnh kinh qua sông có hứa với lão rùa khi gặp Phật Tổ sẽ hỏi hậu vận lão sống thọ bao nhiêu tuổi mà quên hỏi)

Chính hành trình trải qua 81 kiếp nạn đó mới chính là bản kinh vô tự – kinh không chữ quý giá mà bốn thầy trò Đường Tăng học được, chứ mấy pho kinh sách hữu tự thỉnh được thì cũng không quý bằng. Còn việc phải đổi bát vàng lấy kinh sách đó cũng lại là một bài kinh vô tự về việc cúng dường. Muốn nhận được một thứ giá trị về mặt vô hình thì phải đánh đổi bằng một thứ giá trị về mặt hữu hình. Đường Tăng có lòng thỉnh chân kinh để phổ độ chúng sanh, nhưng cái lòng thành ấy phải được chứng minh bằng hành động chứ không có nói nơi cửa miệng hay ở nơi suy nghĩ. Còn bám chấp vào vật chất thế gian là cái bát vàng, muốn khư khư giữ lại làm của cho riêng mình thì sao đòi lấy được kinh quý?

Mượn chuyện Đường Tăng thỉnh kinh để nói cái ý “dục tốc bất đạt” và giá trị nằm ở quá trình chứ không chỉ nằm ở kết quả. Có nhiều người trong cuộc sống hay công việc họ gặp vấn đề khó khăn, và tâm lý thường hay thích hỏi người giỏi, người có kinh nghiệm hơn để đi tìm lời chỉ dẫn ngay và luôn để giải quyết được liền vấn đề của họ.

Có khi, bài toán của mình thì phải nên tự mình giải đáp. Khi tận nhân lực – làm hết sức rồi mà không giải được mới nên đi tìm người giúp đỡ. Chứ gặp bài toán khó mà cứ đi tìm người nhờ giải giùm, người ta giải được thì họ có điểm, họ qua bài kiểm tra, còn cái bạn nhận được chỉ là kết quả chứ không phải quá trình hao tâm tổn trí giải bài toán đó để nhận ra được bài học và điểm sai sót của mình nằm ở đâu mà chưa giải được. Và lúc đó bạn cũng không học được gì, dù có gặp bài toán khác tương tự vẫn mắc kẹt và thi rớt như thường.

Và người giỏi, người có kinh nghiệm, họ sẽ không rảnh để cầm tay chỉ việc cho bạn nếu không thấy bạn đủ thành tâm và sự thành tâm đó không được chứng minh bằng hành động. Đáp án nào cũng đi kèm cái giá của nó cả. Cái giá ở đây không phải là tiền, mà là quy luật công bằng trong cuộc sống. Đây cũng là một bài kinh vô tự trong vô vàn những bài kinh vô tự hiển hiện trong cuộc sống, mà không phải ai cũng “đọc” được.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải