“Bộ não con người được bao phủ hoàn toàn bởi bóng tối. Bộ não trôi nổi trong chất lỏng trong suốt ở hộp sọ, không bao giờ có ánh sáng. Tuy nhiên, trong bóng tối này, thế giới bộ não tạo ra lại tràn đầy ánh sáng. Thế giới đó tràn ngập màu sắc và chuyển động. Bộ não là thứ phức tạp nhất đang tồn tại, một ki-lô-gram ướt trong đó xoay vần cả vũ trụ. Vì thế, các bé, làm thế nào mà bộ não, sống không có một tia sáng, lại tạo ra được thế giới tràn ngập ánh sáng?”
Cứ vào mỗi tối, trên sóng ngắn radio 13.10Hz được phát sóng từ Pháp, một vị Giáo sư bí ẩn lại bắt đầu những bài giảng về khoa học của mình cho các em nhỏ. Trên khắp nước Pháp và rải rác ở một số quốc gia khác, hàng trăm em nhỏ khi bắt được tần sóng radio này đều lắng nghe Giáo sư kể chuyện khoa học mỗi đêm trước khi ngủ. Và ở hai đầu chiến tuyến, cô bé mù Marie-Laure LeBlanc ở nước Pháp và cậu bé Werner Pfennig ở nước Đức cũng mê mẩn với giọng kể chuyện của Giáo sư mỗi đêm. Khác với Marie được sống trong vùng tự do, được cha cho thỏa thích nghe đài mỗi đêm, cậu bé Werner sống dưới chế độ độc tài của phát xít Đức, thành ra việc nghe đài từ một quốc gia khác bị xem là điều cấm kỵ và bất hợp pháp – nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng.
Được lên sóng Netflix vào đầu tháng 11 năm nay, All the Light We Cannot See là mini-series được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Anthony Doerr. Cuốn sách đã giành được Giải thưởng Pulitzer vào năm 2015 và á quân Giải thưởng Văn học Hòa Bình Dayton năm 2015 cho hạng mục Tiểu thuyết. Phiên bản phim do Shawn Levy đạo diễn và Steven Knight biên kịch, được chăm chút rất kỹ lưỡng với những thước phim đậm chất điện ảnh cùng với bối cảnh được dàn dựng rất công phu, màu phim rất đẹp. Khi mới xem qua poster phim, mình đã rất ấn tượng với khung cảnh một vùng thành phố của Tây Âu nhìn từ trên cao, xem phim mới biết đó là một vùng ngoại ô nước Pháp. Và 4 tập phim ngắn ngủi đã đưa mình du hành thời gian ngược về quá khứ và sống trong những khoảnh khắc điện ảnh thật huyền diệu.
All the Light We Cannot See lấy bối cảnh thị trấn Saint-Malo ở Pháp vào năm 1944, một năm khốc liệt trước khi Thế chiến II kết thúc năm 1945. Thời điểm này là giai đoạn cuối Trận Saint-Malo, quân Đức đang kiểm soát thị trấn ven biển Saint-Malo của Pháp, toàn bộ thị trấn bị phong tỏa hết các lối ra vào và người dân bị mất đi nguồn cung cấp lương thực, phải cố thủ trong nhà chờ phe Đồng minh là Mỹ tới giải cứu. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, cô gái mù Marie một mình cầm cự ở nhà của người dì, hằng đêm cô vẫn đọc truyện Hai vạn dặm dưới đáy biển trên sóng phát thanh 13.10Hz – tần số phát sóng của vị Giáo sư 10 năm trước. Nhưng Marie không đơn thuần là đọc truyện giải khuây cho thính giả, mà thực chất cô là một người hoạt động cách mạng và việc phát thanh lén lút như vậy (quân Đức cấm việc phát thanh nằm ngoài sự quản lý của chúng) cũng là đang truyền tin cho lực lượng quân Mỹ.
Nếu như mười năm trước, Marie và Werner chỉ là hai cô cậu bé nghe đài ở hai đất nước đối đầu nhau, thì giờ đây, cả hai đã trở thành những người nằm ở hai chiến tuyến khác nhau: Marie hoạt động cách mạng cho phe Đồng minh, còn Werner lại là một người lính của phát xít Đức. Câu chuyện của bộ phim không diễn ra theo trình tự tuyến tính mà đan xen giữa mốc thời gian hiện tại và quá khứ để phác họa rõ chân dung hai nhân vật chính của chúng ta. Cậu nhóc Werner vốn là một đứa trẻ mồ côi sống cùng em gái ở một trại trẻ mồ côi. Ngay từ nhỏ Werner đã có niềm say mê hứng thú với những chiếc radio và cậu có năng khiếu đặc biệt trong việc lắp ghép, sửa chữa radio. Chữ tài liền với chữ tai một vần, chính vì khả năng nổi trội này của Werner mà cậu bị chính quyền phát hiện lén lút nghe đài từ quốc gia khác và bị bắt vào quân phát xít từ sớm để đào tạo cậu thành một người lính chuyên trách việc dò tìm sóng phát thanh của quân địch.
Cuộc đời Marie thì ngược lại, cô có một tuổi thơ bình yên bên người cha là giám sát một viện bảo tàng lớn ở Paris, nơi lưu giữ một viên đá quý huyền thoại có tên Lửa Biển – viên đá được đồn thổi là ai sở hữu nó thì sẽ bất tử nhưng người thân của họ đồng thời sẽ phải gánh chịu một lời nguyền bất hạnh. Marie bị mù bẩm sinh, ngay từ nhỏ cha cô đã điêu khắc một mô hình thu nhỏ của cả thành phố để hướng dẫn Marie từng đường đi nước bước trong thành phố. Lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của người cha cùng những bài giảng tuyệt vời của Giáo sư mỗi tối, Marie tuy mù nhưng không bị giới hạn bởi đôi mắt, vì chân trời của tri thức là không có giới hạn. Biến cố trong cuộc đời Marie bắt đầu khi Paris gặp biến loạn và bị phát xít Đức chiếm đóng, hai cha con Marie phải chạy về nhà một người dì ở thị trấn Saint-Malo để lánh nạn. Từ đây cuộc loạn lạc chia ly cũng bắt đầu, Marie sau đó bị mất liên lạc với cha suốt nhiều năm liền và vô tình khám phá được thân thế của vị Giáo sư bí ẩn năm nào.
Là một người yêu hòa bình, bản thân mình trước giờ không có đam mê đặc biệt với những cuốn sách hay bộ phim về thời chiến, mà mỗi lần bắt gặp đề tài này là mình thường bỏ qua một cách tự động. Nhưng từ khi đọc được một số cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Thế chiến I, II như Hiệu sách cuối cùng ở London, Một thư viện ở Paris, Ký họa Venice,… cũng như kha khá những cuốn sách về thời chiến ở Việt Nam, mình hiểu hơn về những giai đoạn khốc liệt mà thế hệ cha ông đã trải qua để chúng ta có được nền hòa bình hiện tại. Hiểu về chiến tranh và những khốn khó nghiệt ngã của thế hệ trước cũng là để trân trọng hơn những bình yên nhỏ bé ở hiện tại – dẫu ngay lúc này trên thế giới cũng đang diễn ra những cuộc chiến khốc liệt không kém ngày trước.
Với mình All the Light We Cannot See là một bộ phim nhân văn và ý nghĩa, cảm động về tình cảm gia đình, tình yêu và tình người trong thời chiến. Nếu bạn chưa bao giờ xem thể loại phim như thế này, bạn nên một lần xem thử để cảm nhận được thế nào là văn học và thế nào là điện ảnh thực thụ. Ngôn ngữ văn chương và điện ảnh không cần màu mè hoa mỹ nhưng có thể chạm tới bất kỳ trái tim nào mà không phân biệt biên giới ngôn ngữ.
“Mắt ta có thể nhìn thấy một phần mười nghìn tỷ ánh sáng trong vũ trụ. Và ngay cả trong bóng tối bao trùm, vẫn có ánh sáng bên trong tâm trí ta.”