Trong bộ phim Sandman chuyển thể từ bộ truyện tranh của tác gia nổi tiếng Neil Gaiman, một nhân vật phản diện từng sống cả đời trong sự lừa dối của người mẹ đã dùng viên Đá điều ước của Chúa tể cõi mộng Morpheus để biến thế giới thành một nơi mà người ta chỉ nói thật với nhau. Dù cho mong muốn ấy bắt nguồn từ một ý định tốt đẹp, mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng xấu đi. Các nhân vật bắt đầu buông ra những sự thật mất lòng, những điều mà bình thường họ chẳng bao giờ dám nói ra với đối phương, và các mối quan hệ bắt đầu xung đột và tan vỡ ở một cao trào kịch tính khiến khán giả sốc toàn tập.
Cơ bản là xã hội mà chúng ta đang sống cần những lời nói dối để vận hành. Thiếu vắng đi những lời nói dối, các mối quan hệ không thể nào duy trì. Cách ngành hàng dịch vụ là nơi chứa đựng vô vàn hành vi nói dối từ phía nhà cung cấp lẫn hành vi tự lừa dối từ phía khách hàng. Rõ ràng là chúng ta tự biết mình vốn không phải quá đẹp trai xinh gái, thân hình chẳng phải là quá chuẩn, nhưng khi được nhân viên một cửa hàng nào đó khen về vóc dáng hay ngoại hình thì ta có thể sướng lâng lâng cả người. Câu hỏi chấm điểm cư xử khôn giao tiếp khéo mà nhân viên các cửa hàng thời trang muôn thủa cảm thấy khó xử nhất là: “Em thấy anh/chị mặc bộ này có đẹp không?”.
Xét về bản chất, tự lừa dối bản thân là hành vi gây hại không chỉ cho chúng ta mà còn cho cả cộng đồng. Nhưng tại sao hành vi này lại phổ biến và vẫn còn được nhân loại duy trì qua quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên? Trong cuốn sách “Ảo tưởng tích cực”, hai tác giả Shankar Vedantam và Bill Mesler cho rằng hành vi tự lừa dối bản thân cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công và hạnh phúc của chúng ta. Tự nhiên không quan tâm đến điều gì là đúng, mà nó chỉ quan tâm đến điều gì thật sự đem lại hiệu quả – và cơ chế tự lừa dối của bộ não giúp chúng ta duy trì các tương tác hằng ngày với gia đình, bạn bè, người yêu và đồng nghiệp.
Bộ não của con người được thiết kế để giúp chúng ta sống sót, tìm kiếm cơ hội, hòa nhập với bạn bè, nuôi dạy con cái trưởng thành và tránh cảm giác tuyệt vọng về những vấn đề hiện sinh. Tâm trí của chúng ta không được thiết kế để nhìn thấy sự thật, mà chỉ trưng ra những lát cắt có chọn lọc của thực tế mà chúng ta muốn tin. Cơ chế tự lừa dối có thể giải thích tại sao một số người sống lâu hơn những người khác, tại sao một số cặp vợ chồng vẫn yêu nhau còn những cặp khác lại đổ vỡ, tại sao một số cộng đồng lại gắn kết với nhau trong khi những cộng đồng khác lại chia rẽ.
Ở thời điểm mình biên tập cuốn sách, trên Netflix cũng phát hành bộ phim tài liệu The Tinder Swindler dựa trên câu chuyện có thật về chàng trai người Israel nhập vai một đại gia giàu có, sở hữu một công ty kim cương, chuyên ra vào những nơi sang trọng và di chuyển bằng phi cơ riêng. Dưới cái mác “hoàng tử kim cương”, anh chàng đã lừa đảo hàng chục cô gái qua ứng dụng tìm bạn Tinder và kiếm hơn 10 triệu USD. Bao nhiêu cô gái mơ mộng về một tình yêu màu hồng cuối cùng phải lãnh những khoản nợ kếch xù mà có trả đến cuối đời cũng không hết.
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ những nạn nhân này không phải là những cô gái ngốc nghếch hay mê tiền (có người còn là thạc sĩ xã hội học). Chính vì quá khao khát tình yêu, họ dễ bị huyễn hoặc bởi những lời ngọt ngào có cánh và ảo tưởng tích cực là đối phương thực lòng yêu mình, dù trong tâm thế lý trí bình thường thì có rất nhiều dấu hiệu để nghi ngờ động cơ mượn tiền của anh chàng này. Như Cecilie là một nạn nhân như thế, dù biết mình bị lừa và bản thân phải chịu nhiều thương tổn, nhưng khi được hỏi thì cô vẫn trả lời: “Điều tuyệt vời nhất của tình yêu là dù trái tim bạn có bao nhiêu lần tan nát, bạn vẫn hướng về tình yêu”.
Trong cuốn sách Ảo tưởng tích cực, quý độc giả sẽ được bộ đôi tác giả Shankar Vedantam và Bill Mesler chiêu đãi một vụ lừa thế kỷ cũng kịch tính không kém, từng làm chấn động cả nước Mỹ vào cuối thập niên 1980. Hàng ngàn quý ông trên khắp nước Mỹ đã bị một gã trung niên, hói đầu… lừa tình (và cả tiền) qua thư khi gã ta đóng giả những người phụ nữ hư cấu với số phận hẩm hiu đáng thương. Điều khiến công chúng ngỡ ngàng ngơ ngác tới bật ngửa là khi âm mưu bị bại lộ và gã ta bị đưa ra xét xử, rất nhiều người tình qua thư đã có mặt tại phiên tòa để… bảo vệ hắn. Tại sao lại như vậy?
Trong series Big Little Lies từng đại thắng giải Quả cầu vàng 2018 kể về sự thật đằng sau cuộc đời của những người thượng lưu quý phái, có một câu đề từ mình rất thích: “Một cuộc đời hoàn hảo là một cuộc đời dối trá”.
Trong series Anna của Hàn mới phát sóng giữa năm 2022 do người đẹp Suzy đóng chính, có một câu mở đầu của nhân vật chính rất hay: “Con người, ngay cả trong cuốn nhật ký viết cho riêng mình, cũng có thể dối trá”.
Nếu quý độc giả muốn vén màn cú lừa thế kỷ chấn động nước Mỹ, hay muốn bước vào một chuyến tham quan đầy hấp dẫn về ảo tưởng nhận thức của chúng ta, xin đừng bỏ qua cuốn sách Ảo tưởng tích cực tại Saigon Books qua bản dịch của dịch giả Lâm Đặng Cam Thảo. Hiểu về ảo tưởng của bản thân và người khác cũng là hiểu về cách mà xã hội này đang vận hành.