Nói đến chấn thương tâm lý (hay sang chấn tâm lý), hầu hết chúng ta đều hình dung nó đến từ những sự kiện dữ dội thời thơ ấu như bị bạo hành thể xác, bị xâm hại tình dục, trải qua một biến cố to lớn như thiên tai hay tai nạn,… Nhưng trên thực tế, nó cũng có thể đến từ các sự kiện thường tình như trẻ bị té ngã, đi khám chữa bệnh, phẫu thuật y tế, thú cưng qua đời hay cha mẹ ly hôn,… Chấn thương tâm lý là thứ bị tránh né, thờ ơ, coi nhẹ, chối bỏ, hiểu sai nhiều nhất, và cũng là nguyên nhân gây đau khổ cho con người nhất mà lại không được chữa trị.

Năm Lisa 3 tuổi, bé và mẹ đang ngồi trên xe hơi thì bị một chiếc xe khác tông vào từ phía sau. Vụ tai nạn không nghiêm trọng, chiếc xe chỉ bị trầy xước nhẹ nhưng kể từ thời khắc đó Lisa trở nên im lặng bất thường, bỏ ăn và cực kỳ sợ hãi mỗi khi lên xe.

Năm Sarah lên lớp hai, hai mẹ con cô bé đi siêu thị mua sắm quần áo rất vui vẻ với nhau. Đến khi về nhà, bé được mẹ thông báo rằng bố mẹ đã ly hôn và người bố sẽ dọn ra khỏi nhà sau hai tuần. Từ một cô bé hoạt náo vui vẻ, Sarah trở nên buồn bã u sầu, thường xuyên trốn học để lên nằm ở phòng y tế.

Một buổi sáng nọ, cậu bé Curtis đang đợi xe buýt cùng nhóm bạn để đến trường thì đột ngột chứng kiến một vụ tai nạn nghiêm trọng ngay trước mắt và nạn nhân không qua được cơn nguy kịch. Sau sự kiện đó, cậu bé trở nên lo âu và kích động, có xu hướng phản kháng bạo lực.

Ảnh: Unsplash

Có rất nhiều cô bé, cậu bé cũng giống như Lisa, Sarah hay Curtis, hay chính chúng ta, đã từng trải qua những sự kiện chấn thương tâm lý hết sức thường tình trong đời sống hằng ngày. Ở khoảnh khắc đó, chúng ta trải qua cảm xúc choáng ngợp như một cú sét trời giáng, quá sức chịu đựng và bất lực, nhưng không thể làm gì và không biết làm gì để hóa giải. Đơn giản vì khi ấy chúng ta vẫn còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu và xử lý cảm xúc của bản thân.

Đa phần những người lớn sẽ cho rằng bọn trẻ “còn quá nhỏ nên không sẽ bị ảnh hưởng gì” hay “chẳng sao đâu vì chúng sẽ không nhớ gì”. Nhưng bạn có biết, bằng một cách nào đó chúng ta vẫn bị “kẹt lại” trong quá khứ và tiếp tục sống trong những sự kiện đó. Cơ thể của chúng vẫn phản ứng lại với cái chuông báo động đã kêu lên vào khoảnh khắc xảy ra sự kiện gây chấn thương tâm lý. Mặc dù khi lớn lên và trưởng thành, có thể chúng ta đã quên đi sự kiện ấy, nhưng sâu bên trong chúng ta vẫn đang phải vật lộn với những cảm xúc căng thẳng từng khởi phát và chưa được hóa giải đúng cách.

Bắt nguồn từ mối duyên với người bạn là chuyên gia tâm lý học đường Maggie Kline từ 20 năm trước (khi đó bà còn là học trò lớp đầu của Tiến sĩ Peter Levine, người sáng lập trường phái Thân Nghiệm), Tiến sĩ Lê Nguyên Phương đã có dịp tiếp xúc với Liệu pháp Thân nghiệm và mong muốn đem liệu pháp này về Việt Nam từ năm 2011 để chữa lành chấn thương tâm lý cho người Việt Nam. Qua gần chục năm sau đó, nhân duyên lại tiếp nối khi Tiến sĩ Lê Nguyên Phương giới thiệu Saigon Books mua bản quyền cuốn sách Trauma-Proofing Your Kids của Tiến sĩ Peter Levine và người bạn Maggie Kline là đồng tác giả.

Hai tác giả Maggie Kline và Peter Levine

Từ khâu mua tác quyền, chuyển dịch cho tới khâu biên tập, hiệu đính kéo dài đến 3 năm, và đích thân Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cũng là chuyên gia hiệu đính và viết lời giới thiệu cho cuốn sách Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý, qua bản dịch của chị Thảo Chi và mình vinh dự được tham gia biên tập. Sau gần một năm đồng hành cùng thầy Phương trong quá trình hiệu đính, đến nay cuốn sách đã chính thức được phát hành tới quý vị độc giả xa gần.


? “Với kỷ lục được dịch qua 12 ngôn ngữ, 8 ngôn ngữ châu Âu và 4 ngôn ngữ châu Á, tác phẩm “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” đã là sách gối đầu giường cho không chỉ chuyên gia tâm lý hay y khoa chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh và người giữ trẻ.” (Tiến sĩ Lê Nguyên Phương)

? “Sự hiểu biết và thấu cảm của hai tác giả đối với từng giai đoạn phát triển của trẻ em thật đáng kinh ngạc. Họ không chỉ thấu hiểu trẻ em mà còn thấu hiểu cả cha mẹ của trẻ. Peter và Maggie đã dạy chúng ta cách hiểu và trân trọng nỗi đau, niềm vui và cả nỗi sợ hãi của con cái mình, cũng như chỉ chúng ta cách để có một thế hệ trẻ em, thanh thiếu niên và cả người trưởng thành vui tươi hơn, tự tin hơn, đủ sức chống chọi hơn.” (Mira Rothenberg)


Đối với các bậc cha mẹ, chúng ta đọc và hiểu về chấn thương tâm lý không phải là để bảo bọc trẻ khỏi bị chấn thương. Bởi lẽ khổ đau trong đời là điều không thể tránh khỏi và chấn thương tâm lý là một phần thực tế của cuộc sống, nhưng khả năng hồi phục cũng vậy. Trong cuốn sách này, quý độc giả sẽ được hướng dẫn các công cụ thiết thực để giúp con em mình hóa giải các phản ứng căng thẳng và phục hồi sau chấn thương tâm lý để khôi phục lại trạng thái cân bằng của trẻ.

Độc giả sẽ được giới thiệu qua lần lượt các kỹ thuật chữa trị chấn thương và xử lý các tình huống thường gặp như trẻ gặp tai nạn và té ngã, đi cấp cứu và phẫu thuật y tế, bị bắt nạt trong trường, chứng kiến thú cưng hay người thân qua đời, cha mẹ ly thân hay ly hôn,… Bên cạnh đó là cách chữa trị kết hợp với các loại hình trị liệu bằng trò chơi, nghệ thuật và vần điệu như đóng kịch, vẽ tranh, làm thơ,… Đặc biệt, hai tác giả còn dành hẳn một chương để giúp cha mẹ nhận diện các dấu hiệu con mình bị xâm hại tình dục qua những biểu hiện vi tế.

Dù cho bạn là một bậc cha mẹ, giáo viên, nhân viên y tế hay chuyên gia tâm lý, dù cho bạn có con hay chưa có con, “Bảo vệ trẻ trước chấn thương tâm lý” là cuốn sách mà mình tha thiết mong bạn tìm đọc một lần trong đời để hóa giải và chữa lành cho chính mình hay cho con cháu của mình. Như lời hai tác giả nhắn nhủ: “Chưa bao giờ là quá trễ để có một tuổi thơ hạnh phúc, cho dù bạn bao nhiêu tuổi đi chăng nữa”.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx